Monday, October 30, 2023

BÀN VỀ QUY ĐỊNH CHỐNG CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN (Nguyễn Đình Cống)

 



Bàn về quy định chống chạy chức, chạy quyền

Nguyễn Đình Cống

30/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/30/ban-ve-quy-dinh-chong-chay-chuc-chay-quyen/

 

Đường lối cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam phạm phải một số điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ, làm cho một số kẻ cơ hội lợi dụng để “chạy chức, chạy quyền”, nhằm trục lợi. Việc đó làm suy yếu vai trò của Đảng, làm giảm sút lòng tin của dân. Trước tình hình đó, lãnh đạo đảng lúng túng trong việc làm trong sạch tổ chức để lấy lại lòng tin.

 

Đúng ra, trước hết phải tìm được nguyên nhân cơ bản rồi mới tìm biện pháp khắc phục. Nhưng vì vô minh mà tránh, không tìm hoặc tìm không ra nên lãnh đạo hết bày trò “Lồng nhốt quyền lực” đến ra quy định “Chống chạy chức chạy quyền”. Năm 2019, họ ban hành quy định số 205-QĐ/TƯ. Năm 2023 lại có quy định QĐ114-QĐ/TƯ, thay thế quy định 205.

 

Thực ra, chỉ cần thực hiện nền dân chủ với tam quyền phân lập thì không cần nhốt gì cả, không cần chống gì cả. Mà để làm việc này không có gì khó khăn. Thật rất khó hiểu khi Đảng nói cần xây dựng nền chính trị dân chủ, chính quyền của dân, do dân, vì dân, mà lại kiên quyết chống “tam quyền phân lập” là nguyên tắc cơ bản của chính quyền dân chủ.

 

Hai quy định nêu trên có chỉ ra tương đối rõ các biểu hiện chạy chức chạy quyền cần chống. Nhưng cách nói vắn tắt “chống chạy chức, chạy quyền” có thể làm cho nhiều người hiểu nhầm, làm hạn chế những người thực sự có tài năng. Để nói vắn tắt, người ta gắn động tác “chạy”, với chức và quyền, biến một hoạt động bình thường trở thành xấu xa, cần loại bỏ. Có hai loại người có chức, có quyền.

 

Loại một, được trao thông qua bầu cử, khi họ không tự ứng cử, hoặc họ nhận nhiệm vụ theo sự phân công của cấp trên, của tổ chức. Những người này, một số sẽ yêu thích và làm tốt công việc, giống như “tình yêu sau cưới” của các cụ trước đây, kết hôn theo sự sắp xếp của cha mẹ, một số khác chủ yếu làm cho qua chuyện.

 

Loại hai, là những người chủ động tạo ra chức quyền bằng cách tự ứng cử, tự vận động. Họ cần có chức quyền để thực hiện một vài ý đồ nào đó. Ý đồ có thể là xấu xa hoặc tốt đẹp, tùy thuộc vào phẩm chất của người đó. Ý đồ xấu xa thì tương đối rõ và nó biểu hiện hàng ngày trước mắt mọi người. Còn ý đồ tốt, ban đầu ở trong tư tưởng. Nếu không có chức quyền thì từ tư tưởng cho đến hành động còn phải qua nhiều khâu và có khi còn bị lợi dụng hoặc loại bỏ.

 

Thí dụ, một thầy giáo bình thường, có tư tưởng giáo dục nhân bản, có phương pháp dạy học khai phóng, khi không có chức quyền thì ông ta chỉ có thể vận dụng nó rất hạn chế. Muốn mở rộng ra trong trường ông phải báo cáo bộ môn, được sự cho phép của hiệu trưởng, còn nếu muốn phổ biến rộng hơn thì còn phải qua nhiều cấp. Nhưng nếu ông là hiệu trưởng thì có khả năng phổ biến phương pháp ra toàn trường nhanh chóng. Còn khi ông là bộ trưởng thì cả nền giáo dục sẽ chuyển biết tốt.

 

Như vậy tư tưởng, phẩm chất tốt mới chỉ là điều kiện cần. Để thực hành một cách thuận lợi còn phải có thêm điều kiện đủ là chức quyền. Điều này không bí mật gì và nhiều người biết rõ.

 

Một người có tư tưởng tốt, có tài năng tiềm ẩn, chưa có chức quyền thì mong ước có nó là chân chính. Khi cơ hội đến, họ có quyền vận động bạn bè ủng hộ. Việc đó dễ bị nhận nhầm là chạy chức, chạy quyền.

 

Việc ra các QĐ chống chạy chức chạy quyền là một sự vô minh, vội vàng, tưởng rằng dùng để chống bọn cơ hội, nhưng thực tế không chống được mà còn tạo thêm những sơ hở cho chúng lợi dụng, mặt khác làm hạn chế những người tài năng, có tư tưởng tốt, không dám tự vận động vì sợ mang tiếng chạy chức, chạy quyền.

 

Chức quyền vốn không xấu hay tốt, nhưng khi nói “chống chạy chức chạy quền” thì đã đẩy nó về phía xấu nhiều hơn. Hỏi rằng sau khi phổ biến QĐ chống chạy chức, chạy quyền, thì những người lương thiện, có tư tưởng, có tài năng, ai còn dám tự đứng ra vận động người khác ủng hộ mình.

 

Thế mới biết QĐ chống chạy chức, chạy quyền là sản phẩm của sự vô minh, mang lại hại nhiều hơn lợi.






No comments: