Monday, October 30, 2023

NHẬN ĐỊNH SAI CHÂN LÝ, DỄ GÂY RA CHIẾN TRANH (Tạ Dzu)

 



Nhận định sai chân lý, dễ gây ra chiến tranh

Tạ Dzu

30/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/30/nhan-dinh-sai-chan-ly-de-gay-ra-chien-tranh/

 

Có lẽ ai trong chúng ta cũng nghe nói tới hoặc theo dõi chiến sự tại vùng Trung Đông giữa quân đội Israel và Hamas (tổ chức vũ trang của Palestine) mấy tuần qua. Hàng ngàn người đã chết, hàng trăm người bị bắt giữ làm con tin. Số người chết chưa ngưng và có thể còn lên cao hơn nữa trong những ngày tháng tới.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chiến tranh giữa hai dân tộc Israel và Palestine. Ngoài vấn đề tranh chấp đất đai, biên giới, còn là niềm tin tôn giáo và sự liên hệ giữa hai dân tộc.

 

Ba tôn giáo lớn xuất phát từ vùng đất này đều nhận Abraham là tổ phụ, bao gồm Do Thái giáo (Judaism), Thiên Chúa giáo (Christiananity) và Hồi giáo (Islam).

 

Đạo Do Thái ra đời cách nay ba ngàn năm, sống và tin theo Kinh Cựu Ước.

 

Đạo Thiên Chúa ra đời cách nay hai ngàn năm, do Jesus xưng mình là con Thiên Chúa, bị đóng đinh trên thập giá, nhiều người tin rằng đã sống lại và lên trời, san định Cựu Ước để hình thành Kinh Tân Ước. Thiên Chúa giáo là tôn giáo chính của nhiều nước châu Âu ngày nay, với những lễ lớn như Giáng sinh và Phục sinh hàng năm.

 

Đạo Hồi do Muhammad sáng lập cách nay 1400 năm, cũng thừa nhận những nhân vật như tổ phụ Abraham, Moses (người đã đưa dân Do Thái thoát khỏi sự đày đọa của Ai Cập), nhưng ông không cho mình là thiên chúa, chỉ xưng là sứ giả, là tiên tri được sai xuống để truyền đạt đúng y lời thượng đế phán truyền. Ông cho rằng Kinh Koran mới là nguyên sơ, trọn vẹn nhất cần phải theo chứ không phải Kinh Cựu Ước của Do Thái giáo hay Tân Ước của Thiên Chúa giáo vì đã bị bóp méo, sai lạc rất nhiều. Từ đó người Hồi giáo xem Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo là dị giáo; ngược lại, hai tôn giáo kia xem người Hồi giáo là cực đoan.

 

Vừa do niềm tin tôn giáo vừa do xung đột đất đai, vùng đất này dễ biến thành lò lửa, lại có thể lôi kéo nhiều quốc gia vào cuộc chiến.

 

Về tín ngưỡng, người Việt có niềm tin vào trời, khác với các tôn giáo độc thần nói trên. Văn hóa Việt coi con người có vai trò ngang với trời đất theo quan niệm tam tài trời-đất-người. Người vừa sánh vai cùng trời đất, vừa kết nối trời và đất. Dù tin có trời nhưng họ cũng thấy “có ta”, và không cho rằng trời có quyền uy tuyệt đối, có thể ban ơn hay giáng họa xuống con người. Họ còn nhân cách hóa hay diễu cợt trời nữa. Trời rất gần gũi với đời sống người Việt chứ không xa thẳm uy nghi trên cao: Có lúc họ xem trời là “ông tơ bà nguyệt”, là ông xanh, có khi còn đùa cợt gọi trời là “con tạo”.

 

Người Việt theo đạo ông bà, thờ trời nhưng cũng thờ người, thờ tổ tiên và các anh hùng dân tộc hay các vị có công giúp làng nước, mang ý nghĩa tôn kính và học theo gương tiền nhân hơn là xem họ như thần thánh có quyền uy thưởng phạt. Đó là một tinh thần rất nhân bản và mang tính nhân chủ. Nhờ tinh thần nhân bản này, những điều hay đẹp được lưu truyền dạy dỗ suốt dọc lịch sử cho đến trước thời Pháp thuộc mà người Việt không bị lôi cuốn vào các cuộc chiến tranh tín ngưỡng khốc liệt. Ngược lại họ rất dễ hấp thụ niềm tin của các tôn giáo khác khi được truyền vào Việt Nam, đức công bằng bác ái của Thiên Chúa giáo hay từ bi hỉ xả của Phật giáo vốn đã bàng bạc trong văn hóa Việt qua ca dao tục ngữ và những câu chuyện cổ tích thời huyền sử.

 

Như đã nói trên, một trong những đặc điểm của văn hóa Việt là tinh thần nhân bản, xem người là quan trọng không kém trời và đất. Nếu không có sự xuất hiện của con người, đất trời dù hiện hữu cũng thành vô nghĩa. Từ lúc con người xuất hiện, mọi vật mới có ý nghĩa. Chính người đã “lập tâm cho trời đất, lập mệnh cho nhân sinh”, theo quan điểm của nhà tư tưởng Việt, Lý Đông A [1].

 

Ngày nay, nhờ khoa học, người ta ngày càng hiểu rõ hơn về sự hình thành của vũ trụ. Theo nhà vật lý học Stephen Hawking (1942-2018), nếu đi ngược thời gian 13 tỉ năm trước, thoạt đầu “vũ trụ” chỉ là một khối cực nhỏ, chỉ có nhiệt và năng lượng, thời gian không hiện hữu. Thuyết Big Bang được chấp nhận rộng rãi cho rằng nó có mật độ (density) và nhiệt độ rất cao, tự bùng nổ mà thành vũ trụ.

 

Thời gian được khoa học chứng minh đã không hiện hữu trước khi khởi đầu thì không thể có câu trả lời cho câu hỏi thượng đế tạo dựng vũ trụ vào thời điểm nào?

 

Nếu ta hỏi một người theo ba tôn giáo trên, thượng đế thuộc phái tính nào, câu trả lời của đa số có lẽ cho rằng ngài là nam phái. Jesus tuyên xưng ngài là “son of God” và thường nói “cha ta ở trên trời”. Có người cho rằng thượng đế vượt lên trên giới tính. Thượng đế nếu thuộc phái nam, lập nên một thế giới mà sự sinh sản từ thảo mộc đến muông thú lẫn con người đều do hai yếu tố trái ngược kết hợp nhau mà thành, với sinh vật và con người là do đực-cái mà sản sinh. Sao ngài lại chỉ là “đơn tính”, hay “vượt trên giới tính”?

 

Một cách nhìn khác nữa về sự hiện hữu của thượng đế thì theo khoa học, vận tốc nhanh nhất là ánh sáng, di chuyển trong chân không với ba trăm ngàn cây số một giây. Dù di chuyển nhanh cách mấy thì cũng phải có sự xuất hiện trước sau. Niềm tin của các tôn giáo độc thần nói trên cho rằng thượng đế có thể hiện hữu cùng lúc ở nhiều nơi. Sao ngài lại phá vỡ quy luật vật lý của vũ trụ do chính ngài tạo ra?

 

Đặt các câu hỏi trên là để truy xét lại nhận thức chứ không mang tính phủ nhận, vì tín ngưỡng là một phần của văn hóa cần được tôn trọng. Nhưng khi nhận thức về vũ trụ còn trái với khoa học thì chiến tranh còn kéo dài, nhân loại khó có thể đạt được một nền hòa bình chân chính vững bền.

 

Trong bài thơ Đạo Trường Ngâm [2], Lý Đông A mở đầu bằng câu: “Một vòng không đáy, đáy sinh người” để tượng trưng cho sự hình thành vũ trụ và con người. Vòng tròn thì không có đầu hay cuối. Đã không trước không sau, lại không cả đáy, tức không vướng vít vào đâu cả, nhằm nói lên tính “vô nguyên” của vũ trụ. Vũ trụ vô nguyên sinh nhân loại nhất nguyên, rồi hình thành từng dân tộc mà thành đa nguyên. Tương quan giữa ba “tầng”: Vũ trụ (nhiên – vô nguyên), nhân loại (nhân – nhất nguyên) và dân tộc (dân – đa nguyên) chính là tương quan giữa đạo trời, đạo người, và đạo đất. Ý trời thể hiện qua ý dân. Tôn trọng ý dân là tuân theo đất trời trong văn hóa Việt chứ không thụ động theo đặt định sẵn của thần linh.

 

Người cộng sản không thấy được khác biệt của các chân lý vô nguyên, nhất nguyên, đa nguyên nên cương quyết phá tan tính đa nguyên của “tầng dân” mong đúc con người vào lò độc nguyên cộng sản. Chính vì nguyên lý khác nhau của mỗi “tầng” mà người ta cần phải tôn trọng tính đa nguyên của các dân tộc và của người dân trong mỗi xã hội. Người cộng sản đã nhận định sai về nguyên lý của mỗi tầng (nhiên, nhân, dân) nói trên nên phải sử dụng vũ lực đàn áp các tiếng nói đa nguyên khác biệt để chỉ còn một giọng điệu duy nhất xuất phát và dưới sự chỉ đạo của đảng. Họ đã phá vỡ nguyên tắc dân-đa-nguyên phát triển rất tự nhiên trong xã hội.

 

Nhưng đa nguyên không thể phát triển ngược với xu hướng nhất nguyên của tầng nhân. Tính nhất nguyên của nhân loại ngày nay là những giá trị chung được nhìn nhận mang tính phổ quát: dân chủ, nhân quyền, dân quyền, luật pháp quốc tế được nhiều quốc gia công nhận.

 

Những dân tộc biết tôn trọng các tiếng nói khác biệt thì sự chuyển giao quyền lực giữa chính quyền này sang chính quyền khác rất hài hòa qua bầu cử tự do, không phải bằng vũ lực hay thanh trừng nhau như các chính quyền độc tài cộng sản.

 

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhận định sai về chân lý đa nguyên của dân và nhất nguyên của nhân (unity in diversity) nên trong bài phát biểu nhân dịp nâng quan hệ hai nước Mỹ-Việt lên đối tác chiến lược toàn diện ngày 10 tháng 9 năm 2023 vừa qua đã nhấn mạnh, [Hoa Kỳ] phải tôn trọng “thể chế chính trị” [của Việt Nam] và “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.

 

Nhìn theo quan điểm của tiên sinh Lý Đông A về tín ngưỡng thì từ thời hồng hoang, con người vốn sống như động vật, cũng ăn sống nuốt tươi, ở trong hang hốc. Trí óc chưa phát triển nên người cảm thấy sợ hãi, cái gì cũng có thể tấn công giết chết mình, từ những tai họa thiên nhiên, sông ngòi biển cả đến động vật hoang dã. Người cảm thấy quá nhỏ bé, yếu đuối, nên cần một quyền lực vạn năng bên ngoài giúp con người tồn tại. Tín ngưỡng do đó mà phát sinh. Niềm tin đa thần dần chuyển sang độc thần. Có những kẻ cực đoan coi tôn giáo, niềm tin mình là đúng nhất, thượng đế của mình là cao cả quyền uy nhất, coi thường các niềm tin khác. Từ đó dễ nảy sinh chiến tranh, khủng bố mang tính tôn giáo. Những người này cũng không nhận ra tính “vô nguyên” của vũ trụ.

 

May mắn cho chúng ta, văn hóa Việt vốn rất nhân bản và mang tính nhân chủ khá cao. Đảng cộng sản Việt Nam phải phản tỉnh, nhận ra những chân lý vô-, nhất-, đa-nguyên nói trên để quyết tâm từ bỏ Mác-Lê, quay về với văn hóa dân tộc nhằm phát triển đất nước và hội nhập với xu hướng chung của nhân loại.

 

Khi con người nhận chân rằng nhân loại là một, dân tộc nào cũng xứng đáng được sống an bình hạnh phúc, dù theo niềm tin nào, nhưng mỗi dân tộc lại có văn hóa, lịch sử riêng, cần được tôn trọng, mới hy vọng xây dựng được một cộng đồng nhân loại chung sống hòa hài lâu dài bên nhau.

 

[1] Lý Đông A sinh năm 1920, bị cộng sản sát hại. Ông sáng lập đảng Đại Việt Duy Dân năm 1943.

 

[2] https://thangnghia.org/tho-cua-lda/

 

 =======================

XEM THÊM

 

Ý nghĩa đích thực của khẩu hiệu “Từ sông ra biển, Palestine sẽ được tự do”

Bassam Tawil  |  Mena-watch

Vũ Ngọc Chi, chuyển ngữ

30/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/30/y-nghia-dich-thuc-cua-khau-hieu-tu-song-ra-bien-palestine-se-duoc-tu-do/

 

.

Lịch sử thăng trầm 4000 năm của người Do Thái (P.1)

Đặng Hoàng Xa

20/10/2015

https://nghiencuuquocte.org/2015/10/20/lich-su-do-thai-p1/

 





No comments: