Friday, October 20, 2023

NGÀY 20 THÁNG 10, NGHĨ VỀ NHỮNG PHỤ NỮ VIỆT CHÔNG CHÊNH Ở ĐÀI LOAN (LS Ngô Ngọc Trai)

 



 

Ngày 20/10 nghĩ về những phụ nữ Việt chông chênh ở Đài Loan

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Gửi tới BBC từ Hà Nội

19 tháng 10 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cnk3gzdg0qyo

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/a197/live/bb1bf6d0-6e5d-11ee-8139-61b1db4c8e2f.jpg

Nhiều phụ nữ Việt muốn sang Đài Loan để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn (hình minh họa)

 

Hồi tháng ba năm nay tôi nhận lời mời tư vấn pháp lý cho một trường hợp phụ nữ có con nhỏ xin trở lại quốc tịch Việt Nam, câu chuyện như sau.

 

Năm 2008 chị Giang Thị Hoài Thương, nơi cư trú ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, làm thủ tục đăng ký kết hôn lấy chồng người Đài Loan. Sau quá trình sinh sống, đến năm 2013 chị Thương được cơ quan chức năng Đài Loan cấp giấy hứa nhập quốc tịch.

 

Theo quy định của phía Đài Loan thì người muốn xin nhập quốc tịch phải thôi quốc tịch trước đó, bởi vậy chị Thương đã làm thủ tục xin thôi quốc tịch và đã được Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cấp Giấy chứng nhận cho thôi quốc tịch Việt Nam.

 

Nhưng sau đấy trong quá trình chờ chính thức được nhập quốc tịch, chị Thương bị cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện kết hôn giả, Bộ Nội chính Đài Loan đã thu lại quyền nhập quốc tịch Đài Loan và yêu cầu khôi phục lại quốc tịch Việt Nam.

 

Không còn lựa chọn nào khác, năm 2021 chị Thương đã nộp hồ sơ tại Văn phòng Kinh tế- Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc xin trở lại quốc tịch Việt Nam và nhận được thông báo là đã chuyển hồ sơ về Bộ Tư Pháp.

 

Chuyện quốc tịch VN, quốc tịch nước ngoài

 

Nhưng sau 02 năm hồ sơ vẫn chưa được giải quyết, trong khi chị Thương vẫn ở Đài Loan với tình trạng không quốc tịch, không thể trở về Việt Nam và gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, sinh sống và làm việc.

 

Sau khi tiếp nhận vụ việc qua người thân, tôi đã có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ tư pháp đề nghị khẩn trương giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch.

 

Sau đó Cục hộ tịch, quốc tịch và chứng thực thuộc Bộ tư pháp có văn bản hồi đáp cho biết vụ việc này hiện đang phối hợp với một số bộ, ngành có liên quan để thống nhất hướng giải quyết.

 

 

Nên đơn giản hóa quy định xin trở lại quốc tịch

 

Theo quy định tại Luật quốc tịch Việt Nam thì trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch đã phải có trong đó bao gồm phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam và phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài.

 

Với yêu về hồ sơ như vậy thì có thể thấy là đã chặt chẽ, giúp cơ quan giải quyết nắm rõ được quá trình tuân thủ pháp luật hay vi phạm của người xin trở lại quốc tịch.

 

Tuy vậy cũng tại luật quốc tịch khi quy định về trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch có thêm một nội dung rằng: trong trường hợp cần thiết bộ tư pháp đề nghị bộ công an xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch.

 

Đây là quy định có tính chất phòng ngừa cẩn thận để đảm bảo những trường hợp xin trở lại quốc tịch không gây ảnh hưởng đối với kinh tế chính trị xã hội.

 

Nhưng đây cũng là quy định tùy nghi trao cho một số cán bộ hành chính đánh giá tùy nghi dựa trên nhận thức chủ quan về những trường hợp nào là cần thiết, để rồi thực tế đây lại là điểm gây trở ngại cho những trường hợp xin trở lại quốc tịch.

 

Trường hợp của chị Giang Thị Hoài Thương chỉ là một công dân bình thường, chỉ vì muốn mưu cầu cuộc sống nên đã phải tìm cách ra nước ngoài để lao động, nay muốn trở về nước nhưng lại không còn giấy tờ quốc tịch.

 

Phụ nữ Việt ở Đài Loan: 'Tôi sợ đàn ông'

 

Nàng dâu Việt tìm thấy tình yêu ở Đài Loan

 

Để thấy được nhu cầu công việc đối với lao động phổ thông có thể đối chiếu với thông tin vụ việc xảy ra trong năm 2023 mà báo chí quốc tế đã đưa tin, có những người Việt đã nhập cư lậu nhưng không rõ vì lý do gì đã bị chết đuối trôi dạt vào bờ biển Đài Loan.

 

Bởi vậy nên những trường hợp người lao động xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì bộ tư pháp với hồ sơ đã có về lý lịch tư pháp được cấp bởi cả cơ quan chức năng của Việt Nam và Đài Loan cho quá trình sinh sống ở hai nơi thì đã đủ cơ sở để giải quyết rồi.

 

Việc xin ý kiến bộ ngành liên quan cho trường hợp này tôi cho rằng không cần thiết sẽ mất nhiều thời gian làm tăng khối lượng công việc hành chính của các bên, mà sự chậm trễ do khối lượng công việc nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới việc giải quyết trở lại quốc tịch của công dân.

 

Khi nhận lời hỗ trợ pháp lý cho chị Thương tôi đã có công văn gửi tới công an xã nơi cư trú trước kia để xin ý kiến xác nhận về trường hợp này, thì công an xã xác nhận cho biết quá trình sinh ra lớn lên cho tới khi đi nước ngoài thì không có vi phạm pháp luật và tuân thủ tốt các quy định của địa phương.

 

Sau đó tôi gửi văn bản xác nhận tới Cục hộ tịch quốc tịch và chứng thực, coi đó như là căn cứ pháp lý bổ sung để đề nghị sớm giải quyết cho hồ sơ này nhưng đã nhiều tháng trôi qua vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

 

 

Còn nhiều trường hợp khác

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2af7/live/3eee7460-6e5e-11ee-8139-61b1db4c8e2f.jpg

Không ít người Việt ra nước ngoài để lao động, nay muốn trở về nước nhưng lại không còn giấy tờ quốc tịch

 

Năm 2019 đài truyền hình Việt Nam có làm một phóng sự đặc biệt về hoàn cảnh của những người phụ nữ Việt Nam không có giấy tờ quốc tịch sinh sống bên Đài Loan. Phóng sự cho biết sang làm dâu xứ Đài nhiều cô dâu rơi vào hoàn cảnh mất giấy tờ thậm chí là không quốc tịch.

 

Theo thống kê từ phía Đài Loan có hơn 90 cô dâu Việt không thể nhập quốc tịch Đài Loan sau khi đã cắt quốc tịch Việt Nam, với nhiều lý do khác nhau như vợ chồng ly hôn trong thời gian chờ cấp quốc tịch hoặc do kết hôn giả, số lượng những cô dâu không có giấy tờ lưu trú hợp pháp do bị mất giấy tờ thì không có số liệu thống kê.

 

Trong phóng sự có chia sẻ về một phụ nữ không có giấy tờ lưu trú hợp pháp do người chồng giữ giấy tờ và đuổi ra khỏi nhà, đến khi người chồng chết thì đứa con nhỏ phải đưa vào trại trẻ mồ côi. Người phụ nữ nhiều năm liền không thể trở về Việt Nam, không thể thực hiện quyền chăm sóc con sinh ra bên Đài Loan.

 

Phóng sự cũng chia sẻ câu chuyện của nhiều phụ nữ khác cũng không có giấy tờ quốc tịch vì những hoàn cảnh khác nhau, họ đều gặp những khó khăn về chi phí và thời gian chờ đợi giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch.

 

Sau đó thì từ bấy đến nay không rõ đã có bao nhiêu trường hợp được giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

 

Và đấy chỉ là những gì xảy ra chỉ ở riêng Đài Loan, không rõ hiện tại Bộ tư pháp đang thụ lý bao nhiêu hồ sơ xin trở lại quốc tịch của người Việt đang sinh sống ở những nơi khác trên thế giới.

 

Bởi vậy thiết nghĩ về tổng thể Bộ tư pháp nên xây dựng một quy trình mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch, giúp tháo gỡ khó khăn cho không chỉ trường hợp này mà còn nhiều trường hợp khác.

 

---------------------

* Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư ở Hà Nội.






No comments: