Nạn
“chảy máu” tầng lớp tinh hoa ở Trung Quốc
https://nghiencuuquocte.org/2023/10/30/nan-chay-mau-tang-lop-tinh-hoa-o-trung-quoc/
Tháng 6/2010, chính phủ Trung Quốc công bố Đề
cương Quy hoạch phát triển nhân tài trung dài hạn 2010-2020, đề xuất mục
tiêu đến năm 2020 Trung Quốc phải tiến vào hàng ngũ các cường quốc tài
nguyên con người (chữ Hán là “nhân tài cường quốc”, “nhân tài” ở đây
là tài nguyên con người).
Một số nhà phân tích cho rằng mục tiêu trên
khó đạt được, bởi lẽ lâu nay ở Trung Quốc đang có tình trạng ra
đi ngày một nhiều của cộng đồng tinh hoa với đại diện là tầng lớp người mới
giàu lên sau 30 năm cải cách mở cửa. Một số người lại cho rằng nếu
Trung Quốc kịp thời đưa ra và thực thi tốt chiến lược phấn đấu trở thành cường
quốc nhân tài thì hoàn toàn có thể chấm dứt được tình trạng “chảy máu” tầng lớp
tinh hoa, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc nhân tài hàng đầu thế giới.
Trung Quốc – một quốc gia thất bại?
Báo cáo Chính trị và An ninh toàn cầu do Viện
Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố năm 2007 cho biết, Trung Quốc là quốc gia xuất
khẩu người di cư lớn nhất thế giới.
Tháng 6/2010, Văn phòng Kiều vụ thuộc Hội đồng
Nhà nước Trung Quốc tuyên bố lượng kiều bào hải ngoại của nước này là trên 45
triệu người, lớn nhất thế giới về số lượng tuyệt đối.
Hiện tượng dân Trung Quốc di cư ra nước ngoài
bắt đầu xảy ra từ sau ngày thi hành chính sách cải cách mở cửa. Thập niên 1980
có phong trào xuất khẩu lao động rồi ở lại nước ngoài; thập niên 1990 – du học
rồi ở lại; thập niên đầu thế kỷ 21– sự ra đi của tầng lớp tinh hoa, mà mấy năm
gần đây chủ yếu là những người mới giàu lên.
Sách Chiến tranh nhân tài xuất
bản năm 2009 cho rằng Trung Quốc “tuyệt đối là quốc gia thất thoát nhân tài số
lượng nhiều nhất, thiệt hại lớn nhất”. Tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng một
số thống kê ngành nghề cho thấy riêng tỉnh Chiết Giang là nơi tập trung nhiều
nhà giàu Trung Quốc, hàng năm có ít nhất 1500 người hoàn tất thủ tục ra nước
ngoài định cư, và con số này tăng 10-20% hàng năm, phần lớn là thương nhân. Số
người muốn ra đi còn nhiều hơn thế. Đây là dịp các công ty môi giới xuất cảnh
đua nhau thành lập và hái ra tiền.
Số người ra đi nói trên đều là những người khởi
nghiệp trong thời đại lớn này, nhưng bây giờ họ chọn một thân phận khác để sống,
không còn giữ địa vị nhà giàu, người có máu mặt ở quê nhà nữa mà chấp nhận địa
vị công dân loại bét trong xã hội phương Tây. Rất nhiều người giàu không thừa
nhận họ ra đi để hưởng thụ cuộc sống sung sướng. Suy nghĩ chính khiến họ muốn
di cư là vì công việc của mình và vì tương lai của con cái.
Còn có những chuyện đáng tranh cãi hơn: từ năm
1978 tới nay đã có 1,06 triệu học sinh Trung Quốc du học nước ngoài, trong đó
chỉ có 275 nghìn người về nước. Nghĩa là có 785 nghìn thanh niên tuấn tú chạy
ra ngoài nước, tương đương 30 lần số sinh viên trường Đại học Bắc Kinh và Đại học
Thanh Hoa.
Tầng lớp tinh hoa ra đi mang theo chất xám,
công nghệ, tài sản, và cả niềm tin mà một quốc gia đang trưởng thành không thể
thiếu được.
Tình trạng đông đảo người dân bỏ đất nước mình
ra nước ngoài sinh sống là một trong các Chỉ số quốc
gia thất bại (Failed States Index) – một khái niệm do tạp chí
chính trị học nổi tiếng Foreign Policy và một think tank ở Mỹ
là Fund for Peace đưa ra năm 2005. Từ đó tới nay năm nào họ
cũng công bố bảng xếp hạng các quốc gia thất bại.
Có một sự thật đáng buồn là tuy mấy chục năm
nay Trung Quốc liên tục dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế và sức mạnh
tổng hợp quốc gia, nhưng năm 2009 lại bị rơi vào hàng ngũ các quốc gia thất bại
nhất trên thế giới, tức thuộc vào khối 60 quốc gia có chỉ số thất bại cao nhất
(Trung Quốc xếp thứ 57 trong số 177 quốc gia được khảo sát; năm 2010 thứ 62 tức
khá hơn). Sức ép tổng dân số quá lớn, trong đó có nhân tố thất thoát dân di cư
ra nước ngoài, là một trong ba nhân tố chính làm cho Trung Quốc cam chịu số phận
hẩm hiu này.
Một điều đáng chú ý: dân Trung Quốc di cư
không phải là dân tị nạn như các quốc gia đói nghèo loạn lạc ở châu Phi, mà là
tầng lớp tinh hoa rất cần cho một xã hội mới trưởng thành.
Làn sóng di cư mới
Trong thập niên đầu thế kỷ 21, kinh tế Trung
Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh, tầng lớp người giàu nhanh chóng tăng lên, nhưng
các tệ nạn sinh ra trong quá trình chuyển đổi xã hội cũng làm tăng thêm số người
không chịu nổi sức ép của giá nhà đất và sự ngột ngạt khi bị kẹp giữa các mâu
thuẫn. Khi ấy nước ngoài trở thành nơi tốt nhất để họ tìm đến. Đây là một quá
trình lựa chọn có suy nghĩ lý trí của họ.
Một bình luận viên của mạng Reuters tổng kết:
đợt dân di cư tinh hoa mới này có 3 đặc điểm: 1- Thành phần chính không chỉ còn
là trí thức hoặc cán bộ chuyên môn bậc cao như trước kia, mà là người giàu; 2-
Họ mang đi một lượng tài sản lớn kiếm được tại Trung Quốc; 3- Sau khi chuyển
xong quốc tịch và thu xếp ổn thỏa để con cái ở nước ngoài, họ lại về Trung Quốc
tiếp tục làm ăn kiếm tiền trên “chiến trường” quen thuộc này.
Cho dù trước mắt số lượng nhân tài và tài sản
thất thoát ra nước ngoài còn chưa quá lớn, song tình trạng ngày một nhiều nhân
vật tinh hoa xã hội bỏ đất nước ra đi và trở thành tầng lớp nòng cốt làm ra của
cải cho nước ngoài đã gióng lên hồi chuông báo động khiến Trung Quốc phải cảnh
giác khi tiến sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21.
Vì lẽ đó, tờ Quốc tế Tiên khu Đạo báo (xuất
bản tại Bắc Kinh) đã cử phóng viên đi khắp nơi phỏng vấn những người Trung Quốc
bỏ tổ quốc ra đi.
Bà Lỗ Vạn
Manh mới đây định cư tại Canada và kiếm được việc
làm trong một công ty ô tô địa phương cho biết, câu chuyện ra đi của bà có nhiều
tình tiết đau buồn. Vốn dĩ có gia cảnh khá giả, 6 năm trước, bà bỏ việc làm
trong một xí nghiệp quốc doanh ăn nên làm ra ở quê nhà, theo chồng lên Bắc Kinh
kiếm việc làm, nhưng khi thấy Bắc Kinh chẳng hơn gì chỗ cũ nên hai vợ chồng bàn
nhau sang Canada định cư. Chi phí hết một nửa tiền tiết kiệm, bà mới xin được
giấy phép mang con sang Toronto định cư, nhưng ông chồng lại không đi được, vì
thế rất có thể cuộc hôn nhân của họ sẽ tan vỡ, điều làm bà rất buồn lòng. Sang
đây bà chỉ còn là một người dân bình thường nhất chứ không “có máu mặt” như hồi
còn ở quê nhà. Nhưng bây giờ bà không hề ân hận về quyết định ra đi. “Tiền thì
có thể tiếp tục kiếm, song cảm giác sung sướng và tâm trạng yên tĩnh mới là thứ
vô giá, chỉ ở đây mới có”, bà nói.
Lỗ Vạn Manh chỉ là trường hợp bình thường nhất
trong làn sóng định cư nước ngoài gần đây. Số liệu của Hội các tổ chức
môi giới xuất cảnh vì việc riêng ở Bắc Kinh cho thấy: năm 2009 số người
Trung Quốc khai báo có visa loại EB-5[1] sang Mỹ làm dân di cư đầu tư tăng gấp
2 năm trước, từ 500 người năm 2008 tăng lên tới hơn 1000 người. Đồng thời số
chuyên gia kỹ thuật xin ra nước ngoài trong 10 năm qua thì nhiều gấp 20 lần số
dân di cư đầu tư. Số liệu chính phủ Mỹ công bố cho thấy, lượng người Trung Quốc
được duyệt cấp visa EB-5 tăng mạnh trong năm 2010, chiếm khoảng 70% tổng số
visa loại này đã cấp.
Canada là nơi người Trung Quốc đến nhiều thứ
hai. Cục Xuất nhập cảnh Canada cho biết: năm 2009 có 2055 người nhập cư vào
Canada , trong đó 1000 là người Trung Quốc; riêng số người Trung Quốc nhập cư tỉnh
Quebec tăng 70%.
Australia luôn có cơn sốt nhập cư. Số liệu của
Cục Thống kê nước này cho biết: từ 7/2009 tới 1/2010, đã có 7800 người Trung Quốc
đại lục nhập cư Australia, tỷ lệ người Trung Quốc đã vượt tỷ lệ người nhập cư
truyền thống từ Anh và New Zealand, và cả Ấn Độ.
Quốc gia-thành phố Singapore nhỏ bé đông dân
cũng là điểm đến của nhiều người Trung Quốc muốn con cái họ được đồng thời hưởng
hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây.
Những số liệu nói trên cho thấy tình trạng di
dân Trung Quốc cực kỳ nghiêm trọng. Ông Hồ Vĩ Lược, nghiên cứu viên Viện Nghiên
cứu dân số và kinh tế lao động thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng
có lẽ đúng là đã xuất hiện cái gọi là Đợt sóng di dân thứ ba, nhưng
không phải chỉ vì số lượng dân di cư tăng lên mà chủ yếu là các đặc điểm của số
dân di cư mới này, như học vấn cao, tay nghề cao, giá thành cao, tức tính
tinh hoa của quần thể dân di cư. “Đợt di dân thập niên 1980 có tính mù quáng rất lớn, đợt di dân thập
niên 90 có tính lý trí nhất định, còn đợt di dân này thì có tính lý trí tổng hợp”
– Hồ Vĩ Lược nhận định. “Tính lý trí tổng hợp” là
điều được dư luận quan tâm hơn cả khi nói về đợt di cư này.
Lỗ Vạn Manh là thí dụ tiêu biểu của “Tính lý
trí tổng hợp”. Trước ngày ra nước ngoài, bà có một gia đình hạnh phúc, công việc
làm ăn rất tốt, đang trở thành tầng lớp trụ cột của xã hội Trung Quốc, vì thế
bà không ham mê ra nước ngoài. Nhưng bà đã bỏ ra 6 năm phấn đấu gian khổ để được
ra nước ngoài định cư, mục tiêu của bà không phải vì danh lợi hoặc vì để kiếm
tiền, mà chỉ vì muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, muốn được hưởng sự giáo dục
tốt hơn và một xã hội tốt lành hơn. Đó là logic điển hình của tầng lớp tinh hoa
mới ở Trung Quốc.
Có điều đáng chú ý: tại Trung Quốc, tinh hoa
(elite) là một khái niệm mù mờ; khi gắn với nhân tài thì nó có nghĩa là trách
nhiệm, khi gắn với tài sản thì nó đại diện cho những người đã được hưởng lợi
trong mấy chục năm cải cách mở cửa của Trung Quốc, khi gắn với quyền thế thì nó
biến thành từ ngữ nói lên sự bất công trong xã hội. Khi tinh hoa và dân di cư tổ
hợp thành một phức từ thì nó báo trước một vấn đề lớn không cho phép bỏ qua
trong quá trình trưởng thành của một quốc gia.
Mất cả người lẫn của?
Học giả Tăng Tỉnh Tồn ở Viện Nghiên cứu sinh
thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng kết luận “mất cả người lẫn của”
có lẽ còn quá sớm. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, việc xuất hiện làn
sóng di cư có tính tất nhiên và tính hợp lý. Trên thực tế, trước đại
lục Trung Quốc thì Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, và thậm chí một số nước phát
triển cũng từng xuất hiện làn sóng di cư ra nước ngoài của giới tinh hoa. Dư luận
hồi ấy phổ biến cho rằng hiện tượng đó gây thiệt hại cho Đài Loan, nhưng về sau
qua việc “lưu chuyển nhân tài” thì lại thấy rất hữu ích. Làn sóng di cư từ đại
lục Trung Quốc gần như diễn lại cảnh từng xảy ra tại Đài Loan năm xưa.
Dưới thời hai cha con họ Tưởng cai trị, các
gia đình bình thường ở Đài Loan coi du học nước ngoài là ước muốn cao nhất đối
với con cái mình. Trong thời kỳ cao trào du học hồi thập niên 1970-1980, chỉ có
20% số du học sinh về Đài Loan làm việc. Trong 10 năm qua, Đài Loan lại đóng
góp cho Australia 90 nghìn dân di cư, trong đó số người có trí thức tăng dần.
Thế nhưng xét tình hình hiện nay, Đài Loan, Singapore và Ấn Độ chưa thấy xảy ra
thiệt hại không thể bù đắp do dân di cư ra nước ngoài. Đó là do bản thân việc
lưu chuyển nhân tài có tính tuần hoàn, ngoài ra còn một lý do quan trọng hơn là
hồi ấy 3 nước và lãnh thổ nói trên đều áp dụng các biện pháp đúng đắn để thu
hút nhân tài và mở đường cho họ về nước.
Đại lục Trung Quốc cũng thể hiện quyết tâm rất
lớn về mặt đào tạo và thu hút nhân tài trong 10 năm tới bằng việc vừa mới công
bố Đề cương quy hoạch phát triển nhân tài trung dài hạn nhà nước.
Vì sao họ bỏ đất nước ra đi?
Dư luận Trung Quốc rất quan tâm tới hiện tượng
ngày càng có nhiểu người xuất ngoại. Sự nối nhau ra đi của các ngôi sao điện ảnh-truyền
hình-truyền thông họ yêu quý đã gây xôn xao dư luận: Lý Liên Kiệt, Trần Khải Ca
… sang Mỹ; Trần Minh, Tưởng Đại Vi… sang Canada. Việc Củng Lợi nhập quốc tịch
Singapore (11/2008) được dân mạng bàn tán sôi nổi nhất, có lẽ vì chị quá nổi tiếng
trong giới điện ảnh và đồng thời còn là Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc. Lý Liên
Kiệt (chuyển sang Mỹ), Triệu Vi, v.v… đã noi gương chị. Dân mạng Trung Quốc xôn
xao bàn tán chuyện trên và không ít người chê trách các ngôi sao ấy “không yêu
nước”.
Có khá nhiều cách giải thích lý do xuất ngoại,
tuy không phải ai cũng thật lòng nói ra. Dĩ nhiên người ra đi chỉ vì muốn tìm
kiếm lợi ích cho bản thân và cho con cái; chủ yếu là muốn cải thiện chất lượng
cuộc sống. Họ cho rằng phương Tây có đời sống yên bình, thanh thản, trật tự, ổn
định hơn Trung Quốc, các dịch vụ và phúc lợi công cộng hoàn hảo. Giáo dục ở
phương Tây thích hợp hơn, khác hẳn nền giáo dục Trung Quốc trọng thi cử, hành hạ
lũ trẻ đến mức làm chúng sợ đi học. Còn có các lý do khác như giữ quốc tịch
Trung Quốc thì đi đâu cũng phải xin visa, rất phiền phức mất thời giờ, trong
khi nếu có quốc tịch Mỹ, Nhật, Singapore … thì có thể đi trên 130 nước mà không
cần xin visa, rất tiện cho những ngôi sao điện ảnh-truyền hình luôn phải ra nước
ngoài đóng phim hoặc hội họp. Cũng có người nói họ muốn sinh con thứ hai, thứ
ba (ở Trung Quốc chỉ được sinh một con)….
Giới nhà giàu Trung Quốc xuất ngoại với những
lý do có chút khác. Họ rất nhạy cảm với sự an toàn tài sản của mình. Tuy từ lâu
Trung Quốc đã ban hành điều luật bảo đảm tài sản cá nhân, nhưng trên thực tế những
người giàu đều chưa yên tâm.
Tại Trung Quốc, các doanh nhân không thể yên
tâm chỉ làm kinh doanh, mà phải bỏ nhiều công sức lo dàn xếp “quan hệ” với
chính quyền. Các doanh nghiệp có quá nhiều “mẹ chồng” để mắt trông coi, quản lý
họ. Nhất là các doanh nghiệp giàu có thì chẳng khác gì miếng thịt béo ai cũng
muốn xà xẻo kiếm chút lợi ích. “Làm kinh doanh ở Trung Quốc mệt lắm” – ông Chu
Tân Lễ, Chủ tịch công ty Hội Nguyên có lần bộc bạch trên Đài Truyền hình trung
ương.
Ngô Giai Xuyên, 42 tuổi, nhà kinh doanh bất động
sản có tài sản cỡ chục triệu Nhân Dân Tệ thổ lộ: tôi không có cảm giác an toàn
khi kinh doanh ở Trung Quốc, luôn nơm nớp lo sợ chẳng biết một ngày nào đó sẽ
có một ban ngành nào đấy lấy một lý do nào đó làm tan tành toàn bộ sự nghiệp
tôi gây dựng được. “Tôi làm nghề bất động sản, ai cũng nghĩ đây là một ngành mà
chính quyền và doanh nghiệp xỏ chung một chiếc quần. Thực ra đâu phải thế. Mỗi
lần bàn bạc với chính quyền một dự án nào, bao giờ tôi cũng bực tức đầy bụng”,
ông Ngô nói.
Ông kể: Cách đây vài năm, tôi làm một dự án ở
huyện, nhà xây xong chưa bán hết, vì quá thiếu tiền mặt nên đành ký với cơ quan
thuế huyện ấy một thỏa thuận “Dùng nhà nộp thuế”. Về sau cơ quan ấy không báo
chúng tôi biết mà tổ chức bán đấu giá, đem bán nhà chúng tôi xây cho cán bộ cơ
quan họ với giá bằng nửa giá ấn định trong thỏa thuận. Nhà bán hết nhưng thuế
thì chưa nộp, thế là chúng tôi nhận được thông báo “trốn thuế”. Rắc rối ấy kéo
dài 1 năm rưỡi mới giải quyết xong, công ty tôi chịu thiệt hại rất lớn. Lẽ ra
tôi có quyền kiện vụ này ra tòa, nhưng dân kiện quan thì giá thành rất cao, tôi
sao lo được tiền, đành chịu thua.
Từ lần đó trở đi tôi thực sự cảm thấy không
còn chút cảm giác an toàn nào nữa. Có quá nhiều cơ quan nhà nước có thể “hành”
doanh nghiệp. Khiếp nhất là khi cán bộ giải quyết sai một vụ việc nào đấy thì họ
thà dùng một cái sai khác để che giấu cái sai kia, và cũng chẳng nhận họ sai,
chỉ doanh nghiệp là chịu thiệt. Nếu tôi đãi đằng họ không chu đáo thì công ty lập
tức gặp khó khăn. Mỗi ngày tôi làm việc 18 tiếng đồng hồ, phải dốc sức đối phó
sự quấy nhiễu của các cơ quan giám quản, ngày nào cũng lu bù mời họ nhậu nhẹt
khiến tôi mệt muốn chết.
Nghe bạn bè nói ra nước ngoài làm ăn thoải mái
hơn nhiều, không cần quan hệ với chính quyền, thuế má cũng nhẹ, làm được hay
không là do mình thôi. Môi trường như thế thật quá thu hút tôi. Rất nhiều doanh
nhân bạn tôi đều muốn di cư. Tôi cho rằng nhà nước nên có chút cảm giác về nguy
cơ này, Ngô Giai Xuyên kết thúc trả lời phỏng vấn.
Sự chán ghét cơ chế giáo dục xơ cứng thiếu
tính nhân văn ở Trung Quốc là một nguyên nhân khác khiến người ta muốn di cư.
Nhìn chung các nhà giàu Trung Quốc thường để con họ học xong cấp 3 rồi đưa cả
gia đình ra nước ngoài để chúng học đại học. Họ cho rằng giáo dục cơ sở ở Trung
Quốc rất có ích cho việc trau dồi kiến thức phổ thông, nhưng giáo dục đại học
thì chất lượng còn thấp, khâu thi cử gây nhiều phiền hà.
Phần lớn các nhà giàu Trung Quốc mới đây di cư
ra nước ngoài đều chia sẻ quan điểm nói trên của ông Ngô. Đúng là chính quyền
chưa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nhân, khiến họ luôn có cảm
giác không an toàn; lại thêm cơ chế giáo dục lạc hậu khiến họ lo lắng cho tương
lai của con cái mình. Đây là hai lý do chính khiến nhiều doanh nhân mới giàu
lên nảy sinh ý định ra nước ngoài.
——————
[1] Là loại visa do chính phủ Mỹ đặt ra nhằm thu hút đầu tư nước
ngoài. Mỗi năm Mỹ cho phép nhận 10.000 người nhập cư theo diện visa EB-5. Muốn
có visa này, người nhập cư phải đầu tư vào Mỹ ít nhất 1 triệu USD (hoặc 0,5 triệu
nếu đầu tư vào khu vực tạo việc làm); phải lập công ty mới; phải tạo ra việc
làm cho ít nhất 10 người Mỹ trong ít nhất hai năm …
No comments:
Post a Comment