Phan
Bội Châu và... Thiên Địa hội
1. Từ khi bộ
phim Đất rừng phương Nam được công chiếu, đã có những làn sóng dữ dội với hai
luống ý kiến chính: Ủng hộ và phê phán. Một trong những mấu chốt, như tôi quan
sát được, là ở yếu tố lịch sử, mà trong đó cái tên Thiên Địa hội trở thành tâm
điểm.
Tài liệu có viết về Thiên Địa hội hay Nghĩa Hòa đoàn thì nhiều, trong mấy
ngày qua không ít trang Facebook cũng đã trình bày nhiều tư liệu liên quan. Ở
đây, tôi chỉ cung cấp một sử liệu mà tôi chưa thấy ở đâu đưa lên, cho những ai
đang quan tâm thì đọc: Cuốn sách “Việt Nam thời Pháp đô hộ” của giáo sư Nguyễn
Thế Anh.
2. Phan Bội
Châu là một nhà cách mạng tiêu biểu bậc nhất của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Chủ
trương của ông là “Muốn tổ chức trong vòng bí mật cuộc cách mạng sẽ lật đổ
chính quyền thuộc địa, phong trào hoạt động dưới những hội kín”.
Phan Bội Châu lập ra Việt Nam Duy Tân hội 1906. Và đối với Nam kỳ, một
xứ giàu có, nên “chủ trương của Duy Tân hội là [lấy nơi đây] làm phương tiện
tài chính cho hội và kêu gọi dư luận tôn phò Cường Để qua trung gian các hội
kín như Thiên Địa hội, Nhân Hòa đường, Lương Hữu hội, Đồng Bào Ái Chưởng
v.v...”.
Năm 1912, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang Phục hội. “Cho đến khi
Đệ nhất thế chiến chấm dứt, không một hành động kháng chiến nào xảy ra mà không
có sự nhúng tay của các ủy viên mà Việt Nam Quang Phục hội phái về vận động
trong nước hay thực hiện những kế hoạch bạo động”.
“Năm 1913, nhiều cuộc bạo động xảy ra trên khắp lãnh thổ Việt Nam; Việt
Nam Quang Phục hội gửi về nước nhiều trái bom mua ở Thượng Hải. Đặc biệt ở Nam
kỳ, các hội kín nhận mệnh lệnh của hội để gây xáo trộn; ngày 24 tháng 3, 8 quả
bom nổ ở Sài Gòn và Chợ Lớn; ngày 28 tháng 3, 600 nông dân mặc áo trắng và mang
bùa biểu tình ở Sài Gòn với hi vọng Phan Xích Long, một thầy phù thủy tự xưng
con vua Hàm Nghi, sẽ từ trên trời rơi xuống để hướng dẫn họ đánh đuổi quân
Pháp”.
“Ngày 15-2-1916 […] nhiều cuộc bạo động xảy ra tại Vĩnh Long, Sa Đéc,
Gia Định, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Bà Rịa, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Châu Đốc, Long
Xuyên, Thủ Dầu Một; các cuộc bạo động này đều có những đặc điểm y hệt nhau,
chúng đều được tổ chức bởi các hội kín và chúng có mục đích tiếp tay phong trào
nổi dậy ở Sài Gòn”.
Năm 1925, sau “tiếng bom Phạm Hồng Thái” mưu sát toàn quyền Merlin nhân
một bữa tiệc ở Quảng Châu, “phong trào của Phan Bội Châu mới lại được để ý đến
nhiều. Tuy nhiên, tầm quan trọng lịch sử của Việt Nam Quang Phục hội không phải
là do những kết quả trực tiếp mà hội gặt hái được, mà là do sự giúp đỡ của hội
đối với những nhóm hoạt động khác, kể cả nhóm Cộng Sản”.
Cũng năm này (1925) cụ Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải, và đây cũng
là mốc chấm dứt cuộc đời hoạt động nhiệt thành, dữ dội của một nhà cách mạng ái
quốc.
3. Phan Bội
Châu lập ra hội kín, hoạt động cũng dựa vào các hội kín khác trên khắp cả nước,
trong đó có Thiên Địa hội, cái tên được giáo sư Nguyễn Thế Anh nhắc đến đầu
tiên trong các hội kín trong nước.
Facebooker Hà Thanh Vân viết: “Có thể đặt những tên gọi khác cho những
hội này, chứ không nhất thiết đặt cái tên Thiên Địa Hội hay Nghĩa Hòa Đoàn rất
nhạy cảm và dễ gây tranh cãi. Có bao nhiêu tên không chọn trong số 70, 80 hội
kín ở Nam Kỳ trước chiến tranh thế giới thứ nhất, sao cứ phải nhất định chọn
Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn?”.
Tôi nghĩ, những tư liệu vừa dẫn có thể là một nguồn tham khảo có ích
cho người viết.
Tôi không và sẽ không tham gia vào cuộc tranh cãi đối với bộ phim này.
Xin không mang bất kỳ nội dung hay chi tiết nào khác thuộc về bộ phim để bình
luận bên dưới bài viết.
***
* Giáo sư Nguyễn Thế Anh từng làm Viện trưởng Viện Đại học Huế, Trưởng
ban Sử học – Đại học Văn khoa Sài Gòn. Rời khỏi Việt Nam năm 1975, sau một thời
gian ngắn cộng tác với Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singarpore) và làm giáo sư
thỉnh giảng tại Đại học Havard (Hoa Kỳ), ông làm việc tại Trung tâm nghiên cứu
Khoa học Quốc gia Pháp với chức danh Giám đốc nghiên cứu… Ông vừa mất vào ngày
19 tháng 3 năm 2023.
*Trong ngoặc kép là các trích từ cuốn “Việt Nam thời Pháp đô hộ”, NXB
Khoa học Xã hội, 2017.
Thái Hạo
.
No comments:
Post a Comment