Saturday, October 21, 2023

"IM MIỆNG! ĐỒ NGOAN CỐ" (Phan Thúy Hà)

 



 

“Im miệng! Đồ ngoan cố”

Phan Thuý Hà

21/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/21/im-mieng-do-ngoan-co/

 

Bảy thanh niên đứng trước vành móng ngựa vì tội chơi nhạc vàng (đàn, hát, nghe hát), Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xử sơ thẩm trong ba ngày 6-7-8 tháng 1-1971, nay chỉ còn bác Lộc Vàng.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/4-3-1536x1152.jpeg

Tác giả (trái) và ca sĩ Lộc Vàng. Ảnh: FB tác giả

 

Bị còng tay vào Hỏa Lò tháng 3-1968, ba tháng sau, bác và hai người bạn (Toán, Thành) đang bị giam ở ba chỗ, được gọi lên, bảo: Chúng tôi chưa được nghe các anh hát, bây giờ chúng tôi muốn được nghe các anh đàn và hát những bài các anh thường hát, để cho chúng tôi rút kinh nghiệm trên con đường sáng tác.

 

Ôi, nghe thế sướng quá. Như vậy là họ hiểu rồi.

 

Ba thằng được đưa về một buồng, cho ăn sung sướng một tuần lễ. Được hát thoải mái. Cơ thể khỏe mạnh lên.

 

Ngày 6-9-1968, ô tô đón từ Hỏa Lò đến Nhà hát Lớn. Ông Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật trực tiếp chỉ huy máy thu thanh.

 

Trước lúc hát, Toán (xồm) nhắc: Cẩn thận, mày hát hay quá càng tù nặng. Tôi bảo: Sợ gì, mình hát không hay nó cười mình.

 

Hát để họ rút kinh nghiệm trên con đường sáng tác. Vậy là họ thừa nhận mình đúng rồi. Mình biết mà, mình có sai đâu.

 

Trước tới giờ đóng kín cửa lén lút hát trong nhà, vài ba người bạn nghe với nhau. Nay, hát trên sân khấu Nhà hát Lớn, trước mặt là hai mươi chuyên viên âm nhạc – những nhà chuyên môn nghệ thuật của đất nước.

 

Hát xong một bài, tất cả im lặng, không ai ý kiến gì. Họ im lặng, còn mình cứ hát thôi. Hát hào hứng. Trong ngày hôm đó tôi hát 10 bài.

 

Hát xong, trả về Hỏa Lò, lại mỗi thằng một buồng.

 

Ngày hỏi cung hai lần, ngày ba lần, có khi giữa đêm. Sáng hỏi xong rồi, chiều ngồi đó kiểm điểm, tự khai, hết giờ thì về. Ba năm liền. Hát bài này ở đâu, học bài hát này ở đâu, hát những bài gì, lấy tiền đâu tụ tập ăn chơi, ngày này ngày kia tụ tập nhà nào, hát những bài gì, những ai đến nghe nói xấu gì chế độ. Sáng khai cung trong phòng, trưa ra ngồi ngoài hành lang tự khai.

 

Cho đến ngày xử.

 

Mang máy ghi âm ra. Phát tiếng hát của tôi hôm ở Nhà hát Lớn.

 

Trước đó, họ bắt vì nghe người này đồn, người kia đồn; rồi chúng tôi khai thế nào họ biết thế, nhưng chưa có bằng chứng.

 

Bằng chứng đây. Họ bật máy ghi âm lên.

 

Phát ra những âm thanh è è à à thiểu não…

 

Tôi uất không chịu được.

 

Chuyện bị lừa thì rõ rồi. Tôi uất vì giọng hát của tôi không phải thế.

 

Sau một đoạn tôi hát họ lại mở đoạn nhạc cách mạng để so sánh. Bản nhạc tôi đầy tạp âm, không rõ tiếng, bản cách mạng hùng hồn rõ nét.

 

Nhạc vàng là gì? Trong phiên tòa, ông nhạc sĩ ba năm trước chỉ đạo ghi âm cho tôi hát, nay làm giám định âm nhạc, hùng hồn phân tích: Màu vàng là màu hủ hoại bệnh tật, ở bên Anh có một dịch tả không chữa được, nếu để trong đất liền sẽ lan truyền cho người khác, cho nên người ta đẩy các người có bệnh tả ra ngoài khơi để chết chìm ngoài khơi. Chiếc thuyền đó được cắm một lá cờ màu vàng để lan truyền trên khắp thế giới là chiếc thuyền có màu cờ màu vàng không cho cập bến, nếu cho cập bến bệnh dịch tả sẽ lan truyền đến đất nước đó.

Tôi bật dậy: Thưa quý tòa, theo như lời giám định viên nói, màu vàng là màu hủ hoại, bệnh tật thì tại sao lá cờ Việt Nam có ngôi sao màu vàng?

 

Chánh án rung chuông không cho tôi nói nữa.

 

Toán xồm lẩm bẩm bên cạnh: Mày chết mất. Tôi điên lên: Chết thì thôi.

 

Tối, về Hỏa Lò, tôi bị bốn, năm người lao vào đánh chảy máu mũi, máu mồm.

 

Mày có thích tao thả mày ra không? Ngay ngày mai tao thả mày được ngay. Nhưng chúng mày phải nghe tao.

 

Các ông muốn chúng tôi như thế nào?

 

Chúng mày phải cải tạo tư tưởng. Chúng mày hát bài cách mạng. Nếu mày hát nhạc cách mạng, tao sẽ thả mày ra, cho mày lên đài hát và mày phải phát biểu rằng là khi tôi vào trong nhà tù tôi được giáo dục, được huấn thị tư tưởng, tôi cảm thấy nhạc vàng xấu xa, tôi xin từ bỏ nó, tôi xin hát nhạc cách mạng.

 

Lúc này ở phía bên kia, những người bạn của tôi đang bênh vực tôi, đòi thả tự do cho tôi.

Mà tôi có sai đâu.

 

Tôi hát. Tôi không làm chính trị. Tôi hát những bài hát tôi yêu thích.

 

Trong lúc chiến tranh bom đạn, hai bên bắn giết lẫn nhau, tôi hát những bản nhạc trữ tình, hai bên hãy buông súng buông đạn đi, xích lại gần nhau bằng tình yêu con người, thì tôi thành phản động.

 

Tôi bị án tù 10 năm.

 

Khi lục soát nhà tôi họ tìm được bức ảnh của Hà Trung Tân tặng tôi trước ngày đi bộ đội.  Dòng chữ sau tấm ảnh: “Tạm xa Lộc ngày chúng kéo Tân vào ngục tù”. Bắt luôn Tân. Vì Tân đào ngũ và thỉnh thoảng đến nghe chúng tôi đàn hát. Tội tôi to thêm, làm cho một người đi bộ đội trốn về nghe nhạc vàng rồi đào ngũ. Tân bị kết án 8 năm tù. Sắp tới ngày ra tù, Tân ăn phải nấm độc, bị bệnh đường ruột, về nhà thì mất. (Bảy người ăn một nồi nấm, bốn người chết tại chỗ, một người hôm sau chết, còn Tân và người nữa chết khi đã về nhà).

 

Vào tù, chúng tôi được phân vào toán mộc. Nửa năm sau, sáu thằng vào đội văn nghệ, hát nhạc cách mạng, diễn kịch bắn giết Mỹ ngụy. Tôi không chịu tham gia.

 

Tôi bị đẩy sang toán làm gạch. Gánh đất lên thấu, lên quả, ấp lên thành núi, lấy kéo thái mỏng, xả dần. Tôi thèm hát quá. Nhìn quanh không thấy ai, tôi vạch đất hé mồm hát. Hát cho đất nghe.

 

Một lần tôi buột miệng hát: Đảng của tôi ơi, người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.

 

Ai đó nghe được, báo cáo giám thị.

 

Sau trận đòn, là cùm chân, biệt giam.

 

Mày chống không vào đội văn nghệ, mày hát câu đó có ý gì.

 

Bên kia bức tường là một tử tù.

 

Anh Lộc ơi, sáng mai đến phiên em rồi.

 

Anh hát tặng em một bài được không.

 

Đêm đó tôi hát cho người tử tù. Hát tiễn một người ngày mai về thế giới bên kia. Tôi mong tiếng hát của mình sẽ làm cho người đó được thanh thản.

 

“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu. Bao nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói bay theo mây chiều. Hà Nội ơi nào biết ra sao bây giờ. Ai đứng trông ai ven hồ. Khua nước chơi như ngày xưa…Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say. Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái em đong thật đầy…”

“… Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui. Nhưng riêng một người tâm tư sầu não đi trong bùi ngùi”.

 

– Anh Định, anh Định… tôi gọi với theo người đàn ông đang đạp xe, đèo sau xe hộp đồ làm mộc.

 

Anh không đi làm nữa, chở tôi về nhà anh. Mẹ già nằm bệnh và người cha bị điếc. Anh ra tù và cũng đang trong thời hạn bốn năm mất quyền công dân.

 

Tôi vào Quy Nhơn tính làm bánh mì kiếm chút tiền về cưới vợ nhưng việc không thành, phải ở trong túp lều trên núi, đốt than kiếm tiền mua vé vào Sài Gòn tìm họ hàng xem có cách gì không. Hai anh em lên căn gác xép, tôi hát cho anh nghe Lá đổ muôn chiều. Đêm xuống, sợ công an đến kiểm tra giấy tờ, tôi không dám ngủ lại nhà anh.

 

Anh chở tôi về nhà chú tôi, trên đường đi về, trong túi tôi có 20 đồng vì mới bán bộ quần áo và cái chăn mang đi, tôi lặng lẽ nhét vào túi quần anh 10 đồng. Hôm sau tôi về Hà Nội và không gặp lại anh nữa. Mãi lâu sau, từ Mỹ anh gửi về cho tôi bộ sách Thép Đen. Trong tù, thời gian ở toán mộc tôi nằm cạnh anh nhưng đâu biết rõ về anh – chính là Đặng Chí Bình.

 

Nhiều đêm tôi đi hát, vợ tôi bế con đi theo. Có người bạn mắng cô ấy, trời gió rét mày để con ở nhà chứ đi theo thằng Lộc làm gì, ở nhà nghe nó hát không biết chán à. Vợ tôi rơm rớm nước mắt, không phải em đi nghe nhà em hát, mà em đi theo chẳng may anh bị bắt một lần nữa em còn biết đường đi tiếp tế.

 

Năm 2002, 200 nghìn đồng là số tiền rất lớn với chúng tôi. Người ở quán cà phê gọi, chú lên hát hai bài của Đoàn Chuẩn, cháu gửi chú 200 nghìn. Vợ sắp chết, không biết làm thế nào, tôi lừa vợ, cho vợ uống thuốc ngủ, bảo thằng con trai ở nhà trông mẹ, bố đi kiếm tiền. Tôi lên sân khấu hát trong tâm trạng đó.

 

… Một buổi tối, có người khách đến quán Lộc Vàng nghe hát, người đi cùng giới thiệu cho tôi biết anh là một nhạc sĩ, con trai của người nhạc sĩ trong phiên tòa năm xưa.

 

Tôi nghĩ là anh có biết.

 

Bị can Nguyễn Văn Lộc ước mơ gì? – Ông chánh án hỏi để tôi bộc lộ tư tưởng.

 

Tôi ước mơ đất Bắc Việt Nam phát triển đường lối văn hóa nghệ thuật theo đà phát triển thế giới, mỗi quán cà phê có một dàn nhạc sống, nếu không có dàn nhạc sống thì có bộ máy thật hay để người dân ngoài giờ lao động ngồi uống cà phê thưởng thức âm nhạc, trong lúc thưởng thức âm nhạc có đèn màu mờ mờ.

 

Ông nhạc sĩ cắt lời:

 

Đèn xanh đèn đỏ là đèn dâm ô trụy lạc. Nhạc xập xình là nhạc giật gân của đế quốc. Bọn này có tư tưởng ước mơ bơ thừa sữa cặn của chế độ Mỹ Ngụy.

 

49 năm sau, trên sân khấu Nhà hát Lớn, con trai tôi đệm đàn cho tôi hát, những bài hát đó.

 

                                                     ***

 

Nhạc sĩ Tô Hải, người đã tham dự phiên tòa năm đó, thuật lại:

 

Chánh án: – Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?

 

Toán xồm: – Dạ! Thưa quý toà, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Đức thôi ạ!

 

Chánh án: – Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?

 

Toán Xồm: – Dạ! Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!

 

Chánh án: – Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không?

 

Toán Xồm: – Dạ! Có ạ!! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!

 

Chánh án: – Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?

 

Toán xồm: – Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa rồi đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều sử dụng cả ạ!

 

Chánh án: – Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện!

 

Toán Xồm: – Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ, nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!

 

Chánh án: – Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!

 

Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Đồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.





No comments: