Saturday, October 21, 2023

CÂU CHUYỆN BUỒN HẬU CHIẾN (Nguyễn Huy Cường)

 



 

 

Câu chuyện buồn hậu chiến

Nguyễn Huy Cường

21/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/21/cau-chuyen-buon-hau-chien/

 

(Viết sau ngày 20/10, là ngày gì đó của phụ nữ Việt Nam)

 

Ngày nay, mỗi khi đọc báo đăng một vụ mua bán dâm có giá vài ngàn “đô” thì dư luận râm ran, nhiều ý kiến, trong có có cả luồng ý kiến như trách cứ người bán sao bán đắt thế, người mua lấy tiền đẩu mà “xả láng” thế?

 

Những lúc ấy, tôi chợt nhớ câu chuyện mà tôi kể sau đây, khi tôi cân nhắc, băn khoăn nhiều rằng, có nên kể câu chuyện bi thương này không?

 

Buồn lắm. Nhưng phải kể. Để ghi nhớ lại một thời.

 

Hồi ấy, khoảng 1978 – 1980, cái thời “Tố Hữu tăng lương, Trần Phương tăng giá” khốn khổ. Muôn dân chạy ăn từng bữa.

 

Thầy giáo cấp ba mỗi thứ bảy từ Hải Dương lên Phú Thọ sau kỳ nghỉ còn phải mang theo hai chục ký khoai tây bán kiếm thêm vài đồng, phụ sinh hoạt.

 

Khi về Hà Nội có việc, hồi đó tôi và anh bạn đi cùng, không quen biết ai ở Hà Nội, lang thang tìm chỗ ngủ bụi qua đêm.

 

Đầu tiên tôi thì đi đến cổng các Đại sứ quán, các Toà báo đọc tin từ những văn bản, tranh ảnh, báo chí dán trong tủ kính ngoài cổng, cho hết đêm.

 

Anh bạn đi cùng là thợ sửa khoá dưới Nam Định phải thức qua đêm để sớm hôm sau ra ga đi chuyến sáu rưỡi.

 

Theo anh bạn, tìm được một chỗ lý tưởng là làn gạch hoa dưới mái hiên toà nhà sang nhất Hà Nội lúc bấy giờ, là Cửa hàng Bách hoá Tổng hợp Hà Nội, cách bờ hồ gươm chừng 40 mét, đối diện hiệu sách Ngoại văn Hà Nội. (Trong tấm ảnh dưới bài này, nay đã đổi khác về kiến trúc).

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-75-1024x576.jpg

Ảnh: Tràng Tiền Plaza. Nguồn: Nguyễn Huy Cường

 

Chỗ này là một hàng hiên rộng chừng 10 mét có mái che. Dài từ mặt tiền đường Huế, Hàng Bài, vào hướng Nhà hát lớn khoảng 40 mét.

 

Điện sáng, ít muỗi. Khoảng ba giờ hơn, bỗng có sự lộn xộn bên cạnh. Có khoảng hơn chục cô đang ngủ, bỗng bật dậy khi một cô kêu khóc inh ỏi. Thì ra khi cô ngủ, ai đó đã lần cạp quần cô móc hết tiền bạc của cô. Cô khóc tức tưởi.

 

Vài người nêu ý kiến, nghi ngờ những người nằm gần. Trời đêm lạnh nên mấy cô thường ôm nhau ngủ. Hai ba cô nằm gần tỏ ra bức bối vì bị oan. Rồi có cô đứng bật lên, cởi tung hết quần áo, cả nội y ra rũ sạch, chứng minh cho mọi người biết là cô vô tội. Xong cô mặc áo vào.

 

Cô bên cạnh tức tiết, làm theo.

 

Việc khoả thân chỉ xảy ra chừng một phút. Xong rồi tình hình tạm yên, mọi người ngủ tiếp.

 

Khi các cô lột hết quần áo ra thì lộ ra thân thể khá đẹp và trắng ngần. Mùa đông da phụ nữ xứ này trắng lắm.

 

                                                            ***

 

Cách đó vài tuần sau, tôi lại có việc đi Nam Định hỏi vợ cho con anh thợ khoá, cũng có vài giờ khuya phải thức chờ chuyến tàu Nam sáng hôm sau, nên lại lần đến đây.

 

Thì… Tình cờ được thấy tình cảnh hôm trước lại diễn ra.

 

Lần này cô khóc lóc, tố mất của, lại là cô hôm nọ cởi phăng ra minh oan. Còn cô hôm nay kêu bị mất là cô khác diễn đúng bài của cô hôm nọ.

 

Tôi kinh ngạc kể chuyện này với ông thợ khoá, ông này cười cười rất bí ẩn.

 

Thì ra… đó là cách … tiếp thị trực tiếp của các cô!!!

 

Những cô dám “bung lụa” dù đã cả tuổi nhưng thường có body khá tươi tắn, bắt mắt. Sau màn này sẽ có các ông lần mần đến …an ủi, làm quen rồi đưa nhau đi đâu đó.

 

Câu chuyện này kể bằng chữ thì có thể có người vui, có người buồn nhưng thực tế, khi tiết trời xứ bắc mưa lạnh mà chị em phải tự lột đồ ra như thế, khốn khổ lắm.

 

Chuyện có thế thôi, ở cái thời …

 

Sau này tôi và một bạn phóng viên có nghề tìm hiểu kỹ, chị em này hầu như toàn Thanh niên Xung phong chống Mỹ trở về…

 

Bộ đội về thì gọi là “phục viên” còn diện “dân công hoả tuyến” này, quân không phải quân, dân không phải dân, khi về khổ lắm…

 

Quá lứa, khó lấy chồng lắm. Về quê thì công việc làm ruộng nương lấy … công điểm, đói là cái chắc. Còn “đi làm” ở đây coi vậy cũng cơ khổ lắm, gió mưa, mất cắp, thiếu ngủ… Có hôm bị công an gom hết vào đồn, đành phải kể hết sự tình cho họ nghe.

 

Các chú công an tinh lắm, họ biết thực giả ngay, họ chở đi đâu đó bên Văn Giang rồi … thả, kèm theo lời dặn: “Đi đâu đó thì đi, chỗ này là … bộ mặt của Hà Nội, đừng …diễn ở đây nữa”!

 

Cơ cực lắm.

 

Đoạn kết: Tôi giữ liên lạc được với một chị, tên V, sinh nămn 1946, là người xã Liên Phương, Hạ Hoà, Phú Thọ, nằm trong diện “quân không phải quân, dân không ra dân” nói trên.

 

Hồi đó chưa có điện thoại, thư tín, nên bẵng đi hai ba chục năm, khi làm dự án “Chim én” cùng Vương Đăng Minh chúng tôi tìm cách kết nối với chị.

 

Liên lạc được qua Hội Cựu TNXP và UBND xã, chúng tôi biết rằng, “bà lão chị” này nay tàn tạ lắm, hay quên, có khi ra khỏi nhà, quên không về nữa, bệnh tật đầy người.

 

Tôi quyên góp mua cho chị một cái TV màu 27 inch, các bạn ở FPT chỗ anh Bình góp nhiều quà cáp, đồ gia dụng và chút tiền. Cái TV trở thành vật giữ chân chị khỏi đi lang thang và cũng là niềm vui của xóm nghèo ở giáp ranh Yên Bái này.

 

Hỏi lại, chị có nhớ gì về hồi “công tác” ở mái hiên Bách hoá Tổng hợp Bờ Hồ Hà Nội không, chị cười, nói “có” nhưng hỏi kỹ, thì biết chị chẳng nhớ gì đâu, trả lời theo quán tính vậy thôi.

 

Tấm ảnh cuối cùng là đoàn chúng tôi chụp giữa đường đi tặng quà cho chị V. Nay chỉ nhớ bạn đứng bìa trái là Bs Minh Hằng, còn các bạn khác thì chờ các bạn… comment.

 

Phim ảnh nhà chị V còn nhiều nhưng không dám đăng vì coi thảm lắm, nếu chị mất rồi thì tội lắm.

 

Ảnh liên quan tới bài viết của tác giả:

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-76.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-77.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-78-1068x668.jpg

BS Minh Hằng đứng bìa trái. Ảnh chụp năm 2009. Nguồn: Nguyễn Huy Cường

 

.

51 BÌNH LUẬN   





No comments: