Friday, October 6, 2023

CHIẾN TRANH UKRAINA : DẤU HIỆU RẠN NỨT TRONG HẬU THUẪN CỦA ĐỒNG MINH CHO KIEV (Anh Vũ / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina : Dấu hiệu rạn nứt trong hậu thuẫn của đồng minh cho Kiev

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 04/10/2023 - 16:12

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20231004-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-d%E1%BA%A5u-hi%E1%BB%87u-r%E1%BA%A1n-n%E1%BB%A9t-trong-h%E1%BA%ADu-thu%E1%BA%ABn-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-cho-kiev

 

Phe dân túy thắng cử ở Slovakia dọa quay lưng lại với Kiev, chủ tịch Hạ Viện Mỹ bị phế truất ngay sau thỏa thuận tránh shutdown có dính dáng với viện trợ cho Ukraina, căng thẳng về vấn đề ngũ cốc, Ba Lan tuyên bố ngừng cấp vũ khí ... Những diễn biến chính trị ở các nước đồng minh thời gian gần đấy đang được Kiev theo dõi với nhiều lo ngại giữa lúc cuộc chiến tranh ở Ukraina đang kéo dài chưa biết đến bao giờ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/c56e8daa-62b9-11ee-8f8c-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-10-04T072452Z_2110439713_RC2JL3AYLBHK_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-ZELENSKIY-TROOPS.webp

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đi thăm một vị trí của quân đội Ukraina ở tiền tuyến tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraina, ngày 03/10/2023. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER

 

Câu hỏi được giới quan sát nhắc đến nhiều trong những tuần qua là :  Phải chăng phương Tây đã bắt đầu mệt mỏi với một cuộc chiến tranh kéo dài quá lâu, bắt đầu đặt vấn đề xem xét lại viện trợ quân sự cho Kiev ?

 

« Không một viên đạn » cho Kiev, Robert Fico, lãnh đạo đảng dân túy vừa thắng cử tại Slovakia hôm Chủ Nhật đã tuyên bố thẳng thừng như vậy, mặc dù phe của ông còn 2 tuần nữa để thành lập chính phủ.

 

Tại Ba Lan, trước thềm cuộc bầu cử 15/10 tới, thủ tướng Mateusz Morawiecki đã thông báo Vacxava ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraina, chỉ hứa hoàn thành nốt các hợp đồng cũ với Kiev.

 

Trên thực tế, Ba Lan vẫn là hậu phương cho nỗ lực chiến tranh của Ukraina. Sau khi đã gom góp trong kho các loại xe bọc thép, máy bay và các loại vũ khí khác từ thời Liên Xô, nước này đã phải giảm nhịp độ chuyển vũ khí cho Kiev. Điều này cũng xảy ra với Slovakia, một quốc gia Trung Âu khác nằm trong tốp 10 nhà tài trợ cho Ukraina, quốc gia đã sớm chuyển cho Kiev hệ thống phòng không S-300 cũng như các máy bay chiến đấu Mig-29 cũ.

 

Theo giới quan sát, điều đáng lo ngại hơn là hai quốc gia này có thể tham gia mặt trận với Hungary của thủ tướng Viktor Orban, quốc gia vẫn luôn không ngần ngại ngăn cản các chủ trương duy trì cung cấp vũ khi lâu dài cho Ukraina của Liên Âu.

 

Nhưng nghiêm trọng hơn cả là những biến động chính trị đang diễn ra tại Mỹ. Diễn biến mới xảy ra tại Quốc Hội Mỹ không chỉ khiến Ukraina mà cả các đồng minh khác ái ngại. Cuối tháng 9, Hạ Viện đã tìm ra một thỏa hiệp giúp tránh được tình trạng shutdown, chính phủ tê liệt vì hết tiền. Nhưng luật tài chính được các dân biểu thông qua vào phút cuối đã loại trừ 24 tỷ đô la viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraina. Có điều, phe hữu trong đảng Cộng Hòa cho rằng chủ tịch Hạ Viện, McCarthy đã có thỏa thuận ngầm với tổng thống Joe Biden để duy trì khoản viện trợ quân sự cho Kiev. Đó chính là lý do mà một nhóm nhỏ dân biểu nhánh hữu trong đảng Cộng Hòa nổi dậy phế truất thành công chủ tịch Hạ Viện trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

 

Viện trợ quân sự của Mỹ mang tính sống còn cho Ukraina, giờ trở nên bất định hơn bao giờ hết do cuộc khủng hoảng ở Hạ Viện. Phe nổi dậy thành công trong đảng Cộng Hòa này chủ trương không chi thêm một đồng viện trợ nào cho Ukraina.

 

Rõ ràng việc đình chỉ viện trợ quân sự của Mỹ sẽ gây hệ quả tức thì. Chỉ riêng Hoa Kỳ đã cung cấp hơn một nửa số thiết bị được quân đội Ukraina đang sử dụng ở mặt trận để đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, 31 nước, phần đông là các nước phương Tây, đã viện trợ quân sự cho Kiev từ đầu cuộc chiến tranh. Trong đó Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất với số lượng vũ khí, khí tài trị giá tới 42 tỷ euro được chuyển đến Ukraina trong khoảng thời gian từ tháng Giêng 2022 đến tháng 07/2023. Trong khi đó, tổng viện trợ của các đồng minh khác chỉ chiếm khoảng chưa đầy 5 tỷ euro.

 

Chuyên gia François Heisbourg, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, nhận định trên kênh truyền hình Pháp TF1 : « Ukraina có lý do để lo lắng, bởi vì Mỹ ngày càng ít ủng hộ việc giúp đỡ họ ». Theo một cuộc thăm dò dư luận của CNN hồi đầu tháng 8, 48% trong số họ tin rằng cần phải làm nhiều hơn nữa cho Ukraina. Vào tháng 02/2022, 62% trong số họ nghĩ như vậy. Hiện nay, 55% tin rằng Quốc Hội không nên cấp phép tài trợ bổ sung.

 

Nước Nga của ông Vladimir Putin đã đánh cược rằng phương Tây cuối cùng sẽ « buông tay » cứu giúp Kiev trong cuộc chiến tranh tiêu hao bất tận này. Các nước đồng minh, hoặc đang gặp khó khăn kinh tế, hoặc vướng vào những bất ổn nội bộ, có tiếp tục duy trì sự huy động ủng hộ một quốc gia không phải là thành viên của NATO cũng như Liên Hiệp Châu Âu hay không ? Những ngày qua, châu Âu và Hoa Kỳ liên tục có các động thái khẳng định quyết tâm hậu thuẫn lâu dài để trấn an đồng minh Ukraina. Hôm qua, tổng thống Mỹ đã lần lượt điện thoại cho hầu hết các đồng minh chủ chốt : Anh, Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Ba Lan....tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến của Ukraina.

 

Đến lúc này, sau hơn 500 ngày chiến tranh chống Nga xâm lược, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky chỉ có thể nhắc lại các đồng minh rằng : « Chiến thắng của chúng tôi phụ thuộc trực tiếp vào sự hợp tác của các vị », như phát biểu của ông trước các ngoại trưởng Liên Âu họp tại Kiev hôm 02/10.

 

--------------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM BÁO

Phương Tây mệt mỏi với việc hỗ trợ chiến tranh Ukraina ?

 

HOA KỲ - UKRAINA - VIỆN TRỢ

TT Joe Biden ra sức trấn an các đồng minh về việc Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho Ukraina





No comments: