Việt
Nam năm nay đừng nghỉ Tết nữa; nghỉ mãi lấy gì mà ăn?
Bài bình luận của Nguyễn Công Chính
2021.12.09
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/no-tet-this-year-there-s-no-more-food-12092021092342.html
Hình minh họa: Một
phụ nữ đang nhìn vào các đồ trang trí Tết tại một chợ ở Hà Nội năm 2020. AFP
Cả buổi sáng hôm nay tôi rộn rạo không làm được
việc gì ra hồn. Mấy ngày nay tấm lịch nhắc nhở luôn luôn: gần Tết rồi đó nha,
còn có chừng 45 ngày nữa thôi.
Ra đường, không khí Noel chìm lặng. Vài trung
tâm thương mại lớn, các quán cà phê… vẫn trang trí theo truyền thống để cố kéo
khách nhưng người đi lại vắng hẳn. Nhìn không khí tưởng như còn lâu mới Tết.
“Tôi có chờ đâu,
có đợi đâu…”
Hai năm trời dịch dã đầy lo sợ hoảng loạn, năm
nay dân mình hết tiền chơi Noel rồi. Con đường nhà tôi ở trung tâm Sài Gòn, vốn
tấp nập xôm tụ. Một tiệm buôn thuê mặt bằng nơi này có thể yên tâm thuê dài dài
mấy chục năm, cứ vậy làm ăn, vậy mà đã hai tháng mở cửa nhưng khúc này khúc kia
vẫn đóng im ỉm. Có những đoạn năm sáu tiệm liên tiếp nhau đóng cửa một loạt. Mấy
nay thảng hoặc có tiệm mở cửa ra thì hoặc là đổi chủ, chủ mới sửa sang lại tính
cuộc làm ăn mới, hoặc để chủ cũ dọn dẹp chuyển đi. Chao ôi một cái tiệm thuê cố
định đã mấy chục năm, đã thành một phần của khu phố, của dân xung quanh. Chủ tiệm
cũng thành dân cư ở đây, ra vô chào hỏi, thỉnh thoảng còn mời nhau ăn hàng. Ấy
vậy mà con vi-ruts đánh tan nát tất cả. Cầm cự qua hai năm, tới cuối mùa dịch
thứ hai coi như đóng băng toàn bộ gần nửa năm trời, tiền nhà đều đều chi nhưng
thu vô gần bằng không, chủ tiệm chịu hết xiết.
Nhìn mấy anh thợ loay hoay leo lên thang tháo
tấm bảng hiệu cũ mèm, tháo mấy hộp đèn cũng cũ mèm, rồi quăng bỏ vô số thứ vốn
bình thường vẫn xài quen tay nhưng khi chuyển đi thì thành rế rách chổi cùn,
sao mà ngậm ngùi!
Bởi vậy nên ngay trung tâm Sài Gòn mà có thấy
treo đèn kết hoa gì mấy đâu, nhưng cũng không ai than thở gì. Nói thiệt là còn
sống, còn có cái ăn mỗi ngày và mái nhà che trên đầu đã là may mắn hơn hàng triệu
người rồi. Thiên chúa thương bầy con bị dịch dập cho tơi tả nên sinh nhật dù
không lộng lẫy chắc Ngài cũng không trách.
Đã vậy, dịch lại đang âm ỉ tăng lên ở Sài Gòn,
hôm 07/12 là ngày số tử vong lại cao nhất trong vòng hai tháng gần đây với 94
ca (trước đó khoảng xấp xỉ 60 ca. Số bệnh nhân nặng tăng lên nên Bệnh viện Hồi
sức COVID mở lại một khoa hồi sức, dự kiến tăng từ 200 giường bệnh lên 300-500
giường. Sài Gòn làm sao chịu nổi cú đúp của dịch? Giờ kiệt lực rồi, có cấm thì
dân cũng vượt rào bươn ra đường kiếm ăn thôi.
Dịch bệnh gần như thay đổi cả quỹ đạo của trái
đất. Nhoáng một cái, mới tết đó đã lại thấy tết đến sau mông.
Tấm biển cổ động chống
dịch COVID-19 ở TPHCM. AFP
Thương cha nhớ mẹ
từ xa
Mọi năm “bình thường cũ”, thời điểm này là giờ
“Việt cộng” thì lo chuẩn bị quà biếu tết các sếp, gầy mối và giữ mối làm ăn chật
cả đường Hà Nội, Việt gian thì canh me ai hở ra là chôm chỉa, Việt dân hay Việt
Hương đều kéo cày sấp mặt con Việt kiều hớn hở lo đếm tiền để dành, lên list
mua quà, xin nghỉ phép, canh vé giá rẻ đặng bay về hưởng cái tết rực nắng và
chen chúc tưng bừng ở quê nhà.
Nhưng năm nay Việt kiều chỉ có thể thương cha
nhớ mẹ từ xa được mà thôi. Hàng không vẫn chưa mở. Khúc ruột muốn sà vô lòng mẹ
chỉ còn cách cầu cứu các chuyến bay giải cứu. Mà giải cứu kiểu gì? Giá vé giải
cứu từ Mỹ về Việt Nam của Vietnam Airlines là 10.000 USD kể cả phí cách ly
(toàn cách ly khách sạn hạng 4 sao trở lên, không thấy có khu cách ly tập trung
giá rẻ), hoặc rẻ nhất là 2.000 USD (giá vé), không tính phí “dịch vụ” giải cứu.
So với giá trước dịch là 1.000 USD/hai chiều thì cho dù COVID đã khiến chi phí
tăng lên trong tất cả các dịch vụ (ví dụ các chi phí khử khuẩn, phòng hộ y tế…)
nhưng chênh lệch đến mức đó vẫn là không tưởng nổi. Nó còn nhuốm màu rất mỉa
mai khi được gán danh “giải cứu”.
Việt kiều không về được thì “Việt cộng” cũng
giảm một mớ khoản thu, các dịch vụ hụt đi một lượng khách đáng kể: ăn, chơi,
mua sắm cho gia đình, mang đi, và quan trọng nhất là đầu tư.
Ông Lương Hoài Nam, nguyên Tổng giám đốc hãng
hàng không tư nhân Jetstar Pacific Airlines cũng viết trên trang Facebook cá
nhân của mình như sau: “Người Việt từ nước ngoài về tổ quốc qua Campuchia để
không cần phải xin phép ai, với chi phí thấp hơn các combo bay hồi hương tối
thiểu 2-3 lần - đó là quyền của bà con. Nhưng các cơ quan nên nhanh chóng mở đường
cho đồng bào về nước một cách đàng hoàng, bằng các chuyến bay của các hãng nước
ngoài (họ vẫn đã và đang bay đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhưng chưa được chở
người Việt về Việt Nam, chỉ được chở đi) và sớm cho các hãng hàng không Việt
Nam bay thường lệ quốc tế.
Đó mới là cách làm đúng!”
Nhưng dù sao thì tết vẫn lù lù tới
Ở quận 5, mấy con đường chuyên bán đồ trang
trí Tết (Tết tây lẫn tết ta) mọi khi đã ì đùng ì xèo lắm rồi, năm nay thì
không. Trong khu Đèn năm ngọn cũ trong quận 5, mọi khi khách tỉnh về lấy hàng,
đi chùa, đi chơi đông ken, năm nay bỗng rộng tênh, xe chạy vun vút. Quán ăn đã
mở lại nhưng vẫn vắng vì người ta sợ không dám kéo khẩu trang xuống ăn ở ngoài.
Tất cả các chợ lớn chợ nhỏ đều đã mở lại nhưng chỉ hoạt động tối đa ½ công suất
cũ.
Trên mạng, các nền tảng thương mại điện tử ra
sức kêu gọi mua sắm, hết 11.11 thì tiếp liền Black Friday, giờ thì Shoppee ra rả
mỗi giờ về sinh nhật 12.12, thậm chí mời cả Hà Anh Tuấn làm đại sứ quảng
bá. Hà Anh Tuấn là ai? Là một ca sĩ hát không hay, giọng ngạt mũi vô cùng bình
thường nhưng lên sân khấu lại rất bắt đèn, và nổi tiếng hơn danh ca sĩ là sự
nghiệp ông bầu lớn, giàu từ trong trứng giàu ra. Với thói quen sống sang và trí
thức, Hà Anh Tuấn làm đại sứ cho một sàn thương mại chắc không phải vì tiền mà
vì mối quan hệ cá nhân với Shoppee, nhưng dù sao đi nữa, sự có mặt của một
khuôn mặt nổi tiếng trong làng giải trí phần nào cho thấy nền tảng thương mại
phổ biến thuộc hạng nhất Việt Nam này năm nay phải ráo riết tìm khách hơn những
năm trước.
Những đợt khuyến mãi lớn của năm nay cũng
không còn thấy hình ảnh thiên hạ chụp hình khoe hàng chục hay cả trăm đơn hàng
mua sắm, hoặc cảnh các anh giao hàng bày cả đống lớn hàng hóa trước các cao ốc
văn phòng hay chung cư chờ khách lấy.
Tài chính cạn kiệt, tương lai bấp bênh, đó
cũng là lý do chính khiến năm nay miền Trung vẫn bão lũ nhưng “phong trào”
quyên góp thiện nguyện đã xẹp đi hẳn. Nên đánh giá điều này ra sao? Tôi thì
thiên về nghĩa tích cực: không được cho một cách dễ dàng và đều đặn nữa thì người
dân và chính quyền nơi này phải tìm cách thích ứng và tự lập hơn nữa. Chứ đặc
điểm thời tiết miền Trung là năm nào cũng bão lũ không nặng thì nhẹ, chẳng lẽ
năm nào cũng kêu gọi giúp đỡ hay sao?
Hôm qua tôi mới đọc được tin các hãng du lịch
lữ hành lớn của thế giới đã hủy toàn bộ tour đến Việt Nam từ tháng 2 đến tháng
5 năm sau (2022) do Việt Nam vẫn chưa dứt khoát được thời điểm mở cửa. Khách
bèn chuyển qua các nước châu Á khác như Indonesia, Campuchia, Thái Lan.
Trên báo Saigontimes, tờ báo chuyên về kinh tế
của TP HCM, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành
Saigontourist, cho rằng ngay lúc này Việt Nam phải thông báo thời điểm mở cửa để
các hãng lên chương trình bán. Nếu bây giờ có thời hạn mở cửa, hy vọng đến
tháng 10-2022 sẽ có khách vì lữ hành thường phải mất khoảng 6 tháng để bán
hàng.
“Chậm nữa thì sẽ mất khách của cả năm 2022”,
ông nói và cho rằng, một yêu cầu quan trọng nữa để du lịch có thể đón khách quốc
tế là phải nhanh chóng nối lại đường bay thương mại quốc tế.
Ông Yên cũng nói thẳng: “Việc chỉ vận hành một
số chuyến bay hồi hương như hiện nay chỉ có thể đem lại lợi ích cho một số nhóm
nhỏ, không tác động đáng kể đển phục hồi du lịch và kinh tế”.
Tính đến hôm nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin đủ liều
đã đạt 57,5 % dân số Việt Nam. Còn tại các địa bàn trọng điểm như TP HCM, Hà Nội,
Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang… tỷ lệ này lên đến trên 94% dân số. Đây cũng
chính là các địa bàn thu hút du lịch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Với
tỷ lệ tiêm đủ vắc-xin cao như thế cộng với thói quen đeo khẩu trang và giãn
cách đã hình thành, số ca nhiễm và tử vong sẽ không còn là mối đe dọa; thông lệ
các nước đã mở cửa rộng rãi để phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh đó, thái độ lưỡng
lự của chính quyền Việt Nam rất khó giải thích và không khó hiểu khi rất nhiều
người đồng tình với ý kiến của ông Yên.
Hình minh họa:
Khách du lịch Hàn Quốc được tặng hoa khi đến sân bay quốc tế Phú Quốc hôm
20/11/2021. AFP
Đừng nghỉ Tết nữa, nghỉ cả nửa năm chưa chán sao?
Lịch nghỉ Tết của cán bộ công chức năm nay
cũng đã được duyệt. Nó kéo dài chín ngày, từ 27/1 đến hết 06/2. Giá như những
năm trước, mọi người đã nô nức lên kế hoạch nghỉ và chơi Tết khắp nơi, nhưng
năm nay thì không. Tôi thấy quanh tôi không ai muốn nghỉ Tết cả, từ học sinh,
sinh viên, đến công chức, doanh nghiệp, tiểu thương, giới showbiz… Nghỉ cả nửa
năm, mới hé cửa ra thở vài hơi, đã kịp làm việc đâu mà nghỉ tiếp? Rất nhiều người
thất nghiệp, nghỉ cũng không có tiền về quê, hoặc rất nhiều người đã về quê khi
bị thất nghiệp ở phố từ đợt tháng 5-6/2021 rồi, nên sum họp cũng không phải là
lý do lớn nữa. Mà có khi về lại bị cách ly, nếu đùng phát địa phương ấy bùng dịch.
Doanh nghiệp thì mới vừa lẫm chẫm sản xuất
kinh doanh, hợp đồng như lá mùa thu, nay nếu công nhân nghỉ đùng một phát (vẫn
phải trả lương theo quy định!) thì chỉ có khóc. Đã thế một số lượng người rất lớn
di chuyển khắp nơi trong dịp Tết chính là nguy cơ cực lớn để lây lan dịch bệnh.
Khi năng lực của ngành y tế vẫn rất mong manh thì nghỉ tết dài ngày chỉ khiến
tăng ca nhiễm và theo đó là ca tử vong mà thôi. Viễn cảnh tái phong tỏa (tùy mức
độ) sẽ rất gần.
Tính đi tính lại, từ cả góc độ lợi ích kinh tế xã hội cũng như mong muốn của cá
nhân và xã hội, tôi cho rằng trừ những ngành “tuyến đầu” chống dịch cần có những
chính sách bù đắp đặc biệt ra, năm nay Nhà nước Việt Nam không nên vẫn tiếp tục
cho nghỉ Tết dài như những năm bình thường trước kia. Số ngày nghỉ Tết có thể
được tính gộp vào số ngày nghỉ phép thường niên trong năm 2022-2023, để người
lao động tự chọn trong thỏa thuận hợp lý với người sử dụng lao động. Như vậy, kế
hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì tốt hơn, đồng nghĩa với
thu nhập của người lao động và số tiền đóng thuế cho nhà nước cũng ổn định hơn,
giúp phục hồi kinh tế cả nước.
Trên hết, Chính phủ nên chấm dứt thái độ do dự
bất phân và các thói quen tư duy cũ kỹ hiện tại. Chưa bao giờ có chuyện hoãn Tết
thì năm nay lần đầu hoãn. Chuyện gì chẳng có lần đầu, nếu nó hợp lý thì sẽ được
đồng tình của số đông. Và nhất thiết phải cương quyết và minh bạch trong kế hoạch
phục hồi kinh tế để doanh nghiệp và người dân có cơ sở tính toán làm ăn.
_________________________________
Tham khảo:
https://vnexpress.net/covid-19/vaccine
https://tuoitre.vn/chot-phuong-an-9-ngay-nghi-tet-nguyen-dan-2022-20211204104651841.htm
https://vnexpress.net/f0-nang-tang-benh-vien-hoi-suc-covid-19-nang-len-500-giuong-4400406.html
-------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment