Friday, December 24, 2021

VIỆT Á CHỈ LÀ PHẦN NỔI CỦA TẢNG BĂNG CHÌM (Nguyễn Quang Dy - Viet-Studies)

 


Việt Á chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

Nguyễn Quang Dy  -  Viet-Studies

24/12/2021

http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_VietANoiChim.html

 

Câu chuyện Việt Á là chủ đề nóng. Nếu bạn vào google gõ từ “Việt Á”, sẽ ra cả đống thông tin, đọc mỏi mắt và đau đầu. Dư luận lên án Việt Á tham lam trục lợi trước nỗi đau và sinh mạng của người dân - “ăn của dân không từ cái gì”. Nhưng Việt Á chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Chặt được cái vòi này thì con bạch tuộc sẽ mọc ra cái vòi khác kinh khủng hơn. Đó là con quái vật “thân hữu” (cronyism) được nuôi dưỡng bởi các nhóm lợi ích. Nói cách khác, đó là căn bệnh ung thư mãn tính đã di căn nhiều nơi, đặc biệt là y tế. 

 

Theo dòng sự kiện

 

Tháng 10/2019, Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch, kiêm TGĐ VN Pharma) đã bị tòa tuyên án 17 năm tù vì tội buôn bán thuốc giả để chữa bênh (ung thư), trị giá khoảng 151 tỷ đồng, gây thiệt hại cho người bệnh 50,6 tỷ đồng. CQĐT đã kết luận đằng sau sai phạm của VN Pharma có trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y Tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã bị bắt tạm giam để điều tra về việc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Tháng 4/2020, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Y khoa Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) và Nguyễn Ngọc Nhất (cán bộ Công ty Phát triển Khoa học Vitech), đã bị bắt để điều tra về các vi phạm quy định đấu thầu hệ thống Realtime PCR tự động, “gây hậu quả nghiêm trọng”.  Hai ông Cảm và Nhất đã bắt tay với nhau nâng giá hệ thống PCR lên 7 tỷ đồng để bán cho CDC Hà Nội, và sau đó đã chi 15% “hoa hồng” cho ông Nguyễn Nhật Cảm.

 

Cũng tháng 4/2020, PGS-TS Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) và Phạm Đức Tuấn (Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS) đã bị truy tố vì bắt tay với nhau lắp đặt hệ thống robot Rosa tại Bệnh viện Bạch Mai. Ông Tuấn thừa nhận rằng tổng giá trị hệ thống robot Rosa gồm cả chi phí vận chuyển, lắp đặt cho đến khi vận hành chỉ mất 7,4 tỷ đồng, nhưng họ đã hợp thức hóa thủ tục định giá robot Rosa lên đến 39 tỷ đồng.  

 

Ngày 17/2/2020, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký phê duyệt đề án Nghiên cứu và chế tạo bộ sinh phẩm Real Time PT-PCR & RT PCR đầu tiên “made in Vietnam” để phát hiện virus SARS-CoV-2 do “Học Viện Quân Y chủ trì, phối hợp với công ty Việt Á thực hiện”. Bộ KH & CN đã nghiệm thu “thần tốc” đề tài (3/3/2020) và đề nghị Bộ Y tế cấp phép. Ngay hôm sau (4/3/2020), Bộ Y tế đã “thần tốc” cấp phép lưu hành cho bộ xét nghiệm này. Đó là một quy trình nghiên cứu khoa học “thần tốc”, chắc chỉ có ở Việt Nam.  

 

Báo chí lề phải dẫn nguồn Bộ KH&CN thông báo bộ xét nghiệm của Việt Á “đã được WHO chấp thuận” (số đăng ký EUL 0524-210-00) và “Bộ Y tế Anh cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng châu Âu”. Thông tin này đăng trên website của Bộ KH&CN (26/4/2020), vừa được gỡ (20/12/2021). Việt Á không chỉ được Bộ Y Tế và Bộ KH&CN đỡ đầu, mà còn được Vingroup tiếp sức. Khi lập VinBioCare (3/6/2021), Vingroup góp 69%, Việt Á 30%, bà Thu Hương 1%. VinBioCare được Arcturus Therapeutics của Mỹ nhượng quyền sản xuất vaccine Mỹ. Nhưng Phan Quốc Việt đã rút khỏi VinBioCare, như “ve sầu thoát xác”.   

 

Theo báo chí, từ tháng 2 đến tháng 11/2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh toán cho Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế, với tổng số 151 tỷ đồng. Trong vụ này, Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến được Việt Á “lại quả” 30 tỷ đồng (20%). Việt Á được độc quyền cung cấp bộ xét nghiệm cho 62/63 tỉnh/thành. CDC Hải Dương là ví dụ điển hình (case study). Nhiều CDC tại các tỉnh/thành khác chắc khó thoát, nếu mở rộng điều tra như Thủ tướng chỉ đạo. Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định đã được triệu tập vì nhận “lại quả” của Việt Á. Nhưng họ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.  

 

Trách nhiệm của hai bộ     

 

Theo thông tin của Bộ Y Tế và Bộ KH&CN, test kit của Việt Á “có hiệu suất gấp 4 lần nhưng giá chỉ bằng 1/4 so với test kit tương tự của nước ngoài”. Tháng 3/2021, Việt Á đã được tặng Huân chương Lao động hạng 3 do “thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng sinh phẩm Real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2”. Từ một kẻ vô danh tiểu tốt, CEO của Việt Á đã biến thành “đại gia”, trước khi trở thành tội phạm. Liệu lãnh đạo Bộ Y Tế, Bộ KH&CN, và Học Viện Quân Y có vô can trong vụ việc này?

 

Với giấy phép “thần tốc” của Bộ Y tế, bộ xét nghiệm của Việt Á được bán cho 62 tỉnh/thành. Bộ Y tế cũng công bố giá bộ xét nghiệm của Việt Á là 470.000 đồng, làm cơ sở cho các địa phương tham chiếu để mua của Việt Á. Tháng 4/2020, Bộ KH&CN cũng thông báo chính thức trên cổng thông tin điện tử của Bộ là test kit của Việt Á “đã được WHO chấp thuận” (trong khi WHO chưa từng chấp thuận). Đây là “sơ xuất” do Bộ KH&CN nhầm lẫn, hay cố tình đánh tráo khái niệm, biến việc “WHO cấp mã số” thành “WHO chấp thuận”.

 

Theo Bộ Y tế, “Tất cả các sản phẩm cấp phép đều được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành” (luôn “đúng quy trình!”). Trong khi Bộ Y tế viện dẫn Luật Giá: “trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc danh mục mặt hàng phải quản lý giá”, thì Việt Á đã nâng giá bộ xét nghiệm để bán cho các bệnh viện và cơ quan phòng chống dịch trên cả nước, thu về ít nhất 4.000 tỷ đồng và chi khoảng 800 tỷ đồng để “lại quả” cho các đối tác có liên quan.

 

Dư luận báo chí chính thống cũng như các trang mạng xã hội đã phản ứng mạnh về cách lý giải của Bộ Y tế. Dư luận cho rằng bộ này đang “lấp liếm”, “ngụy biện”, và “phủi tay”. Trong những ngày qua, nhiều người đã truy tìm những thông tin từ đầu năm ngoái khi Bộ KH & CN và Bộ Y Tế đã “thần tốc” cấp phép và quảng bá cho bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á, làm cho doanh thu của công ty Việt Á tăng gấp 6 lần trong năm 2020. Nhưng dù sao Việt Á chỉ là “phẩn nổi của tảng băng chím”, và Phan Quốc Việt chỉ là quân tốt để thí.

 

Theo báo Pháp Luật (21/12/2021), Việt Á được chỉ định thầu ở 62 tỉnh/thành trên cả nước (gần như độc quyền), trong khi năng lực thực sự của công ty này là một dấu hỏi chưa làm rõ. Vậy trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ KH & CN đến đâu trong đại án này? Việt Á chi “hoa hồng” 30 tỉ đồng (20%) cho Giám đốc CDC Hải Dương, trong khi các giám đốc CDC khác (như Nghệ An) còn đang chờ điều tra. Nhưng thế lực nào đứng sau tiếp tay cho Việt Á chiếm vị thế “độc quyền” để trục lợi, bất chấp tính mạng và tài sản của nhân dân?

 

Nhiều người cho rằng Bộ Y tế không thể “vô can” khi bộ này có vai trò chính trong việc ban hành nhiều công văn thúc ép xét nghiệm “thần tốc” và “trên diện rộng”. Chính Bộ Y Tế đã giới thiệu với các tỉnh/thành và các đơn vị y tế liên quan mức giá được thổi lên 470.000 đồng/bộ xét nghiệm, để họ phải mua của Việt Á. Dư luận tại Việt Nam cho rằng Phan Quốc Việt và công ty Việt Á không thể dễ dàng lừa đảo và bán hàng với giá cao nếu không có sự tiếp tay, thậm chí là “bảo kê” của ít nhất là Bộ Y tế và Bộ Khoa học & Công nghệ.

 

Thay lời kết

 

Trong bối cảnh “khủng hoảng y tế toàn cầu” do đại dịch Corona gây ra, Việt Á là một loại “sân sau” được các nhóm lợi ích thân hữu dựng lên để trục lợi, như “phần nổi của tảng băng chìm”. Cải cách thể chế chậm sẽ tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích thao túng chính sách và lũng đoạn thể chế. Chúng tham lam và vô cảm, nâng giá thiết bị và vật tư y tế phục vụ xét nghiệm, làm các doanh nghiệp và người dân khốn cùng phải trả giá cao hơn để bị ngoáy mũi. Vì lợi ích nhóm, chúng bất chấp nỗi thống khổ và sinh mạng của hàng triệu người dân.

 

Trong giai đoạn đầu “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã nổi lên như một ngôi sao thành công về kiểm soát dịch, làm cho người dân tin tưởng, đồng thuận, và thế giới khâm phục. Nhưng sang giai đoạn sau khi đại dịch bùng phát rộng với biến thể mới Delta khó kiểm soát, Việt Nam bất lực và bộc lộ nhiều yếu kém. Từ đứng đầu, nay Việt Nam tụt xuống đứng cuối, trong đó có vai trò không nhỏ của Việt Á. Bộ xét nghiệm để trục lợi đã góp phần làm mất lòng tin của người dân và gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh. Tham nhũng chính sách là một tội ác tồi tệ nhất, và nhóm lợi ích y tế cũng nguy hiểm không kém biến thể Delta.   

 

------------------------

 

Tham khảo

 

1. Chủ nghĩa cộng sản thân hữu tại Trung Quốc, Minxin Pei, NYT, October 17, 2014

 

2. Lợích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu - cảnh báo nguy cơ, Vũ Ngọc Hoàng, Dân Trí, 02/06/2015

 

3. Chủ nghĩa thân hữu ăn sâu bám rễ và đầu tư nước ngoài chệch hướng, NQD, Viet-studies, 20/6/2020

 

4. Scandal Việt Á: Đâu là đầu bạch tuộc? VOA, 20/12/2021

 

5. Đã đến lúc dẹp loạn sân sau trong lĩnh vực y tế, VNN, 20/12/2021  

 

6. Thấy gì qua vụ Việt Á? Dương Quốc Chính, Tiếng Dân, 20/12/2021

 

7. Hai bộ đã ở đâu khi WHO từ chối phê duyệt test kit của Việt Á? KTSG, 20/12/2021

 

8. Phải công khai chất lượng kit xét nghiệm Covid 19 của Việt Á, NLĐ, 21/12/2021

 

9. Có thế lực nào trải đường cho Việt Á hay không? Pháp Luật, 21/12/2021

 

10. Bốn câu hỏi cần được giải đáp về vụ Việt Á, Luật Khoa, 22/12/2021

 

NQD. 23/12/2021




No comments: