Tổng
kết năm 2021: Những sự kiện nổi bật
21/12/2021
https://www.voatiengviet.com/a/tong-ket-nam-2021-su-kien-noi-bat/6363339.html
https://gdb.voanews.com/325AC05C-0AA0-44B5-9A6F-B0B7566BDF61_w1023_r1_s.jpg
Hy vọng năm 2022 sẽ
có nhiều điều tích cực hơn, lạc quan hơn, so với hai năm vừa qua.
Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2021 vẫn là đại
dịch Covid-19, không khác với năm 2020 bao nhiêu. Cuối năm 2021, với tỷ lệ người
dân được chích ngừa ngày càng gia tăng, ai cũng mong đợi cuộc sống bình thường
trở lại từ năm 2022 trở đi, đặc biệt là từ các quốc gia đã có nguồn cấp vaccine
dồi dào hơn các nước khác. Tuy vậy, biến thể Omicron đã
làm cho niềm hy vọng đó bị thách thức. Omicron có khả năng lây lan mạnh mẽ nhất
hiện nay. Không biết tương lai còn những biến thể nào vừa lây lan mạnh vừa gây
tử vong cao hay không. Cả hai tiểu bang Victoria và New South Wales của Úc, chẳng
hạn, nơi hơn 91.5% dân số từ 12 tuổi trở lên đã được chích ngừa, lại đang có số
ca nhiễm Covid-19 tăng vọt lại
trong những ngày qua (Sydney/NSW có
3057 ca nhiễm ngày 21 tháng 12, số kỷ lục cao nhất từ lúc bắt đầu đại dịch;
và Melbourne/VIC 1245 ca).
Khắp nơi trên thế giới cũng đang báo cáo về sự tăng vọt của các ca nhiễm biến
thể Omicron.
Theo thống
kê của John Hopkins University, vào thời điểm viết bài này, thì đã có
gần 275.52 triệu ca nhiễm, gần 5.4 triệu tử vong. Điều khích lệ là có gần 8.73
tỷ liều vaccine được chích trên toàn thế giới, trong đó có 939.79 triệu liều đã
được chích trong 28 ngày qua. Theo đà này, nếu vaccine có đầy đủ thì khả năng
toàn nhân loại có thể được tiêm chủng trong năm 2022, cũng như được tiêm thêm
mũi thứ ba. Nhưng đó là điều lý tưởng, bởi lẽ sẽ luôn có một tỷ lệ nhỏ dân số
không tin tưởng và không muốn chích ngừa, dù đó là ngừa Covid-19 hay ngừa các bệnh
dịch khác.
Tạp chí The Economist cho rằng theo một cách
đo lường nào đó thì đại
dịch Covid-19 là câu chuyện lớn nhất trong 75 năm qua, vì gần một nửa
các bài viết trong năm 2020 nói về nó kể từ Thế Chiến II. Nó chiếm lĩnh sự quan
tâm của mọi người so với các vấn đề khác, và cho đến nay vẫn được sự quan tâm
hàng đầu của độc giả. Dựa trên tài liệu của Chartbeat, một cơ quan đo lường số
lượng đọc trên mạng, với 7,000 trang thông tin bằng tiếng Anh, The Economist
tính số thời gian đọc của 45 sự kiện hàng đầu năm 2021. Tổng cộng thời gian là
275 triệu giờ, và kết luận rằng đề tài vaccine, biến thể Omicron, Delta và
Alpha, đã đứng đầu bảng, với 70 triệu giờ tổng cộng.
Cũng theo The Economist, thì chủ đề có thể so
sánh với đại dịch Covid-19 là sự chuyển tiếp quyền lực từ chính quyền Trump
sang Biden, với ba sự kiện chính: Vụ nổi loạn tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng
Giêng; lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden vào ngày 20 tháng Giêng; và cuộc luận
tội lần 2 đối với cựu Tổng thống Trump vào ngày 13 tháng Hai.
Ngoài thông tin về Covid-19 thống lĩnh truyền
thông và mọi hoạt động khác của nhân loại, hãy điểm qua một số sự kiện khác mà
giới truyền thông khắp nơi đánh giá là đã tạo ra mối quan tâm hàng đầu trong
năm 2021. Cuộc đảo chánh tại Miến Điện, Thế Vận Hội tại Tokyo, cuộc chiến tại
Afghanistan chấm dứt, Colin Powell qua đời, dự luật hạ tầng cơ sở Mỹ, hội nghị
Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26, nữ quần vợt hàng đầu Trung Quốc Bành
Soái mất tích, hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ… Ngoài tạp chí The Economist nói
trên, CNN, The Wall
Street Journal, The
Sydney Morning Herald, The
New Yorker, v.v… cũng đề cập về các sự kiện được chú ý hàng đầu này trong
năm qua.
Có thể nói vụ nổi loạn tại
Điện Capitol vào ngày 6 tháng Giêng đầu năm nay là sự kiện mà hầu như mọi cơ
quan truyền thông chính mạch hay cộng đồng/sắc tộc đều đi tin hàng đầu. Nó đã
gây kinh ngạc và sửng sốt cho người dân Mỹ cũng như khắp nơi. Cho đến nay một số
nhân vật chính trong cuộc nổi loạn này đã bị điều tra, bởi các tòa liên bang và
các trường hợp khác bởi quốc hội. Năm 2022, hay sau nữa, chúng ta mới biết được
kết quả ra sao. Tuy nhiên đọc bài báo trên Los Angeles Times ngày 30 tháng 11
làm tôi thật quan ngại. Bài này đề cập đến cuộc điều tra của Robert A. Pape, một
chuyên gia về chống khủng bố tại Đại học Chicago. Pape cho biết có 65 triệu người
Mỹ nghĩ cuộc bầu cử 2020 bị phía Biden gian lận; 21 triệu người Mỹ vẫn tin rằng
bạo lực là hợp lý để khôi phục Trump làm tổng thống, mặc dầu số người sẵn sàng
tham gia hành vi bạo lực sẽ ít hơn nhiều, nhưng con số này rõ ràng là không nhỏ.
Pape nói: “Hãy nghĩ về điều này như thể nó là một trận cháy rừng. Cháy rừng thường
do sét đánh, nhưng sẽ luôn có sét. Câu hỏi quan trọng là bao nhiêu củi khô trên
mặt đất khi nó tấn công. Vật liệu để bắt lửa quan trọng hơn họp diêm.”
Những điều này có những tác động đáng kể lên
các cuộc bầu cử Mỹ trong tương lai.
Đầu năm 2021 là vụ nổi loạn tại Điện Capitol;
cuối năm là biến thể Omicron; và ở giữa là cuộc triệt thoái của Mỹ tại
Afghanistan, đưa đến sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan và sự trở lại của phiến
quân Taliban.
Từ khi trở lại nắm
quyền tại Afghanistan, Taliban đã giới hạn ngặt nghèo quyền phụ nữ,
xóa bỏ Bộ Nữ Vụ, và tái lập Bộ Tệ nạn và Đạo Đức (Ministry of Vice and Virtue),
cơ quan thực thi trách nhiệm diễn giải nghiêm ngặt luật Hồi giáo dưới chế độ
Taliban trước. Phần lớn các nhân viên công quyền nữ từng phục vụ cho chính quyền
trước vẫn chưa được phép đi làm lại, trong khi nữ sinh vẫn chưa được trở lại
trường học. Các nữ
sinh quốc tịch Afghanistan đi du học nước ngoài, tưởng có thể trở về lại
nước năm nay để phục vụ, không ngờ Taliban đã chiếm lại Kubul vào giữa tháng 8
năm nay. Nhiều công dân Afghanistan, nếu vẫn còn kẹt trong nước, thì chỉ mong
có được cơ hội thoát khỏi chế độ Taliban. Hơn
nửa dân số đang không có đủ lương thực để sống. Mỹ và cộng đồng quốc tế
đã đóng băng giá trị 9 tỷ đô la tiền viện trợ và ngừng mọi tài trợ lên trên nước
này, trong khi đó là nguồn lực công quỹ cho 75% mọi chi tiêu công cộng tại đây.
Các nhà tài trợ, chủ yếu từ Mỹ và Âu châu, nhấn mạnh rằng, các khoản tiền này sẽ
không được giải ngân cho đến khi Taliban thực hiện cam kết thành lập một chính
phủ mang tính bao hàm, cam kết bảo vệ quyền lợi của tất cả người dân
Afghanistan và cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố. Cho đến nay, chưa có dấu
hiệu gì cho thấy Taliban sẽ nhượng bộ, ngược lại Taliban còn yêu cầu Tây phương
chính thức công nhận quyền lực của họ. Kim ngạch của Afghanistan bị mất giá trầm
trọng. Hệ thống y tế đang bị khủng hoảng tại đây. Biến thể Omicron đang
có nguy
cơ làm trầm trọng thêm sự khủng hoảng này. Nếu tình trạng này kéo dài,
người dân Afghanistan chứ không ai khác sẽ phải gánh chịu hậu quả thê thảm này.
Năm 2021 cũng mang lại niềm vui và hy vọng cho
chúng ta. Nào là Thế Vận Hội Tokyo, nào là sự đồng thuận sau cùng tại COP26,
cũng như hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ v.v… Nhưng 2021 cũng là năm lắm nhiều
thử thách, gian nan cho thế giới, từ thiên tai đến nhân tai, nhất là Covid-19.
Nó gây cản trở, gián đoạn về mọi hoạt động con người.
Hy vọng năm 2022 sẽ có nhiều điều tích cực
hơn, lạc quan hơn, so với hai năm vừa qua.
Mong chúc quý bạn đọc, và gia quyến, một mùa
Giáng Sinh an lành và một năm mới tràn đầy thương yêu, niềm tin và hy vọng. Điều
chúng ta cần nhắc nhở chính mình mỗi ngày là năng lượng và suy nghĩ tích cực của
chúng ta sẽ góp phần quyết định vào tất cả những gì chúng ta làm, và kết quả nó
đem lại cho tương lai.
No comments:
Post a Comment