Thursday, December 9, 2021

TÌNH HÌNH UKRAINE và TÁC DỤNG CỦA TẦM NHÌN CHÍNH TRỊ (Trần Trung Đạo)

 


Tình hình Ukraine và tác dụng của tầm nhìn chính trị

Trần Trung Đạo 

09/12/2021

http://www.danchimviet.info/tinh-hinh-ukraine-va-tac-dung-cua-tam-nhin-chinh-tri/12/2021/24656/

 

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2021/12/265812235_4988026524554627_8166148396297560318_n-696x546.jpeg

Hội nghị thành lập Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập (Commonwealth of Independent States) tại Viskuli, Belarus 8, tháng 12, 1991.

 

Giới thiệu: Hôm nay, 8 tháng 12, 2021, theo các nguồn tin quốc tế, Putin đang tập trung khoảng 175,000 quân dọc biên giới Nga-Ukraine và hăm he tấn công Ukraine.

 

Điều mỉa mai, cũng trong những ngày này tròn ba mươi năm trước, 8 tháng 12, 1991, lễ ký kết giữa các lãnh đạo Nga, Ukraine và Belarus để thành lập Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập (Commonwealth of Independent States).

 

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2021/12/265324495_4988026511221295_1997588471450554802_n-300x192.jpeg

 

Tổ chức này thực tế là cái tròng đã có từ thời Nga Hoàng do Boris Yeltsin đặt trên cổ các nước nhỏ sắp thoát khỏi Liên Xô. Liên Xô sụp hơn hai tuần sau đó. Ngoại trừ ba nước nhỏ vùng Baltics, phần lớn rơi vào chiếc bẫy sống chung trong thịnh vượng và độc lập này.

 

Chính sách an ninh của Nga dù trải qua nhiều thời kỳ từ phong kiến sang CS tới cộng hòa về căn bản đều giống nhau. Nga thiết lập và bảo vệ một vùng an ninh chung quanh biên giới. Hiệp ước bí mật giữa Stalin và Hitler 1939 cũng nằm trong chiến lược đó.

 

Sau 1991, Ukraine có nhiều cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng Nga nhưng không thoát chỉ vì giới lãnh đạo có một tầm nhìn quá hẹp.

 

Ukraine trước 1994 là một trong ba quốc gia có khối lượng vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới, sau Mỹ và Nga. Năm 1994, Ukraine đồng ý hủy bỏ vũ khí nguyên tử nhưng không nhận lại một khoản lợi hay hứa hẹn cụ thể nào nào chẳng hạn như gia nhập cộng đồng kinh tế Âu Châu, thành viên NATO, viện trợ hàng năm v.v… ngoài trừ những hứa hẹn trên đầu môi chót lưỡi của Anh, Mỹ, Nga tại hội nghị Budapest . Nga sáp nhập vùng Crimea cũng không tạo nên một phản ứng quốc tế lớn mạnh nào. Nếu Ukraine có võ khí nguyên tử trong tay dù không dùng vẫn làm cho Nga e dè và quốc tế vì sợ vạ lây buộc phải can thiệp cụ thể hơn. Nhưng lịch sử không có “nếu”.

 

Từ một người dân thường cho đến lãnh đạo một quốc gia tầm nhìn vẫn là yếu tố quyết định cho tương lai của một gia đình hay một dân tộc.

 

———————————

Hôm đó là ngày 8 tháng 12, 1991 tại một khu nhà nghỉ mùa đông thuộc Belarus, cách biên giới Ba Lan 8 km, đại diện ba nước Russia, Ukraine, and Belarus vừa tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô gặp nhau.

 

Boris Yeltsin đại diện Nga, Stanislav Shushkevich đại diện Belarus và Leonid Kravchuk đại diện Ukraine. Cả ba lãnh đạo đều rất vui mừng, phấn khởi vì quốc gia họ đang đứng trước ngưỡng cửa mới đầy hy vọng cho tương lai.

 

Bắt đầu chỉ với 3 quốc gia trong số 15 nước “xã hội chủ nghĩa” Liên Xô, tham dự hội nghị nhưng trong thực tế ba nước này chiếm tới 73% dân số và 80% diện tích của Liên Xô. Trong ngày 8 tháng 12 hôm đó, ba phái đoàn tuyên bố thành lập Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập (Commonwealth of Independent States).

 

Đọc tin một thông cáo chung được ký, Mikhail Gorbachev trong diễn văn truyền hình ngày hôm sau tuyên bố văn bản đại diện ba nước ký là “bất hợp pháp”.

 

Để giải quyết bất đồng, Yeltsin và Gorbachev gặp nhau một tiếng rưỡi đồng hồ. Khi bước ra khỏi phòng họp, Gorbachev biết dù ông tìm mọi cách cứu vãn sự sụp đổ của Liên Xô là điều không tránh khỏi.

Trong buổi họp đó, Boris Yeltsin, lãnh đạo Nga vừa hồi sinh và Mikhail Gorbachev, lãnh đạo Liên Xô đang hấp hối, đồng ý năm chôn cất Liên Xô là 1992 chứ không phải 1991 như đã diễn ra.

 

Những ngày đó Liên Xô còn tồn tại nhưng trong thực tế đang trên đà tan rã.

 

Nhắc lại, trước đó ba tháng, 18 tháng 8, 1991, phe cực đoan bảo thủ, được gọi là “nhóm tám người” trong trung ương đảng CSLX ráng hết sức hắt hơi lần cuối cùng để cố phục hồi sinh khí cho Liên Xô. Thành phần này được báo chí gọi là “nhóm tám người”, chủ trương quay ngược kim đồng hồ trở lại thời Leonid Brezhnev.

 

Dù là những lãnh đạo cao cấp nhất trong đảng như Phó Chủ Tịch Nước Gennady Yanayev, Thủ tướng Valentin Pavlov, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Dmitry Yazov, Tổng Giám Đốc KGB Vladimir Kryuchkov v.v… “nhóm tám người” đã không giữ được quyền lực quá ba ngày vì bộ máy CS đã rệu rã đến tận cùng.

 

Điều đó cho thấy sự mục nát của các chế độ độc tài CS thường bắt đầu từ bên trong cơ chế. Căn nhà càng cao càng dễ sụp đổ. Thượng tầng kiến trúc chính trị không thể tồn tại lâu trên một hạ tầng kinh tế xã hội mục nát.

 

Biến cố lật đổ Gorbachev chẳng những không làm chậm phong trào độc lập tại 15 nước “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa” trái lại thúc đẩy phong trào được tiến hành nhanh hơn và dẫn đến sự ra đời khá vội vã của Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập (Commonwealth of Independent States, gọi tắt CIS).

 

Boris Yeltsin muốn đặt Gorbachev trước sự kiện đã rồi khi thành lập CIS thay thế cho Liên Xô như một tổ chức đáp ứng nhu cầu của quốc gia thành viên sau khi Liên Xô sụp đổ . Sau lễ ký kết sơ khởi, các quốc gia Trung Á và vùng Caucasus như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Armenia, Azerbaijan, Georgia và Moldova lần lượt tham gia.

 

Lãnh đạo của các quốc gia tham gia CIS đều ý thức vai trò chế ngự của Nga nhưng lúc đó họ đã không đặt nặng. Họ quan tâm đến các yếu tố kinh tế xã hội hơn là vai trò chủ đạo của Nga trong các lãnh vực khác, nhất là chủ quyền lãnh thổ, an ninh và quốc phòng. Dưới thời Putin khái niệm “lân bang” được ra đời để chỉ các quốc gia “vùng độn” bao bọc chung quanh Nga như thời Nga Hoàng.

 

Tuy nhiên, có ba quốc gia rất nhỏ vùng Baltics đã thấy trước điều đó. Lãnh đạo ba quốc gia nhỏ này đã từ chối thẳng thừng việc tham gia Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập. Ba nước đó là Latvia, Lithuania, Estonia.

 

Chọn Latvia để phân tích vì chính sách đối ngoại và vị trí chiến lược của Lithuania, Estonia về căn bản cũng giống như của Latvia.

 

Latvia là quốc gia theo thể chế Cộng Hòa vùng Baltic, thủ đô Riga, có dân số thống kê năm 2019 là 1.9 triệu người, bằng dân số tỉnh Quảng Nam, có chung biên giới với Estonia, Lithuania, Belarus và Nga.

 

Latvia độc lập năm 1918 nhưng bị Liên Xô chiếm năm 1940, bị Đức Quốc Xã chiếm năm 1941, bị Liên Xô chiếm lần nữa năm 1944 và sau đó trở thành nước CS trong hệ thống Liên Xô mãi cho đến khi chính thức độc lập năm 1991.

 

Bằng việc chấp nhận Tuyên Bố về Tái Lập Nền Độc Lập của Cộng Hòa Latvia (The Declaration on Restoration of Independence of the Republic of Latvia), Latvia chính thức thoát ra khỏi quỹ đạo Liên Xô ngày 4 tháng 5 năm 1990, hơn một năm rưỡi trước khi Liên Xô đổ.

 

Không ít người nghĩ một cách bi quan và hạn hẹp rằng khi nào Liên Xô còn tồn tại thì các nước nhỏ chung quanh khó mà độc lập. Không. Phần lớn các quốc gia trong khối Liên Xô trở nên độc lập trước khi Liên Xô tan rã.

 

Lãnh đạo của nền cộng hòa Latvia khẳng định họ không phải là một nước cộng hòa tân lập mà kế tục chế độ cộng hòa được thành lập từ 1918.

 

Mặc dù đa số thành viên bỏ phiếu hay chấp nhận bản tuyên bố độc lập chưa sinh ra trong giai đoạn lịch sử 71 năm trước đó, họ biết rằng lịch sử Latvia là một dòng Cộng Hòa liên tục. Giọt nước Latvia của thời điểm 1990 đã bắt đầu từ thượng nguồn Latvia năm 1918 đầy hy sinh gian khổ dưới hai ách Hitler và Stalin, hai lãnh tụ độc tài tàn ác nhất trong lịch sử loài người. Các thế hệ Latvia học lịch sử để làm lịch sử.

 

Như người viết đã phân tích trong loạt bài về các quốc gia vùng Baltics, trong thời điểm 1990, các lãnh đạo phong trào độc lập Latvia có một tầm nhìn vô cùng sáng suốt thể hiện qua bốn quan điểm chính dưới đây:

 

(1). Thay vì theo đuổi các mục tiêu riêng, lãnh đạo phong trào giành độc lập chỉ tập trung dưới một tổ chức duy nhất là Phong Trào Dân Tộc Latvia (Latvian People’s Front) nhằm theo đuổi chỉ một mục tiêu cụ thể trước mắt là loại bỏ chế độ CS tại Latvia và “thoát Nga”. Họ ý thức mọi phân hóa trong lòng dân tộc chỉ tạo cơ hội cho Nga vận dụng và “thoát Nga” quan trọng nhất là “thoát Nga” về chủ quyền. Những người tham gia Phong Trào Dân Tộc Latvia không chỉ là những người bị chế độ CS bỏ tù, đàn áp hay các thành phần chống Cộng mà là bất cứ ai đồng ý với mục tiêu “tự do dân chủ” và “thoát Nga”. Mục tiêu càng cụ thể càng dễ thực hiện và không gian càng rộng càng dễ quy tụ người ủng hộ.

 

(2). Dứt khoát đứng về phía Tây Phương dân chủ ngay từ ngày đầu tuyên bố độc lập. Các lãnh đạo ba quốc gia Baltic luôn nghĩ rằng đất nước họ là một phần của Châu Âu. Họ không phải là những chính trị gia thân Mỹ hay có cảm tình với Mỹ mà thậm chí còn ghét Mỹ nhưng đồng thời họ biết để hiện đại hóa một quốc gia nhỏ từng bị xâu xé bởi các cường quốc độc tài đi về phía Mỹ là chọn lựa của thời đại.

 

(3). Vận dụng nhưng không bị gạt gẫm trước mọi cải tổ kinh tế chính trị của Mikhail Gorbachev. Các phong trào đổi mới tại Latvia được kích thích từ các phong trào đổi mới do Gorbachev chủ trương tại Moscow. Nhưng các lãnh đạo phong trào độc lập Latvia chỉ muốn dùng không gian dễ thở của những đổi mới đó để dấy lên phong trào đòi tự do độc lập chứ không phải theo đuôi Gorbachev.

 

(4). Từ chối đề nghị của Boris Yeltsin tham gia vào Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập cùng với các quốc gia cựu Liên Xô để rồi khối này bị cuốn vào vòng kiểm soát của Nga cho đến hôm nay.

 

Trong khi các quốc gia sáng lập hay gia nhập sau đó như Ukraine, Georgia phải chịu đựng cảnh “tránh vỏ dưa Liên Xô gặp vỏ dừa Nga”, Latvia là quốc gia có mức phát triển kinh tế nhanh nhất Châu Âu. GDP trên đầu người năm 2020 của Latvia là 17,560 Mỹ kim, gấp 7 lần Việt Nam. Latvia hội viên của NATO, Liên Hiệp Châu Âu (EU), WTO, UN, IMF và nhiều tổ chức quốc tế khác. Nhờ các lãnh đạo có tầm nhìn thời đại, các quốc gia vùng Baltic trở nên giàu có và được cả khối NATO bảo vệ.

 

Dòng chữ đầu tiên của chính sách bảo vệ không phận các quốc gia hội viên của NATO ghi rõ: “NATO bảo đảm tính toàn vẹn, an toàn và an ninh của không phận mình bằng cách duy trì nhiệm vụ thực thi một chính sách trên không 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, 365 ngày mỗi năm do Bộ Tư lệnh Không quân Đồng minh giám sát.” (NATO ensures the integrity, safety and security of its airspace by maintaining a 24/7/365 Air Policing mission, overseen by Allied Air Command.)

 

Chính sách kiểm soát không phận của NATO đã có từ 1961 nhưng được điều chỉnh năm 2004 để áp dụng cho các nước hội viên mới vùng Baltic.

 

Vladimir Putin dù gan lớn cỡ nào cũng không dám thử Article 5 của NATO: “Một cuộc tấn công chống lại một đồng minh được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các đồng minh.”

 

Putin chỉ giỏi hăm he nhưng một phi cơ dù chiến đấu hay dân sự và dù cố tình hay sơ ý bay vào không phận Latvia sẽ bị chặn tức khắc.

 

Mới đây thôi, 30 tháng 7 2021, các chiến đấu cơ F35 của NATO chặn hai máy bay thám thính của Nga cất cánh từ vùng Kaliningrad thuộc Nga trên biển Baltic ngay cả trước khi các máy bay này bay vào không phận của các nước Baltic.

 

Các em học sinh Latvia ngày nay mỗi sáng yên tâm cắp sách đến trường trong một đất nước tự do, giàu mạnh và thanh bình là nhờ tầm nhìn của ông bà, cha chú các em.

 

Trong khi đó, vì giới lãnh đạo mắc bịnh tham quyền cố vị, ham mê quyền lực, các quốc gia như Belarus, Uzbekistan đến nay vẫn còn chìm đắm trong độc tài, áp bức.

 

Alexander Lukashenko của Belarus là một bằng chứng. Sau 26 năm, y và phe nhóm vẫn sống xa hoa trên sự chịu đựng của dân tộc Belarus chỉ vì sau lưng y có Putin che chở. Những chữ vàng mà Yeltsin và sau đó Putin cam kết tôn trọng chủ quyền Belarus và những khẩu hiệu “độc lập tự do” vang trên đường phố thủ đô Minsk trong ngày lễ mừng độc lập chỉ là những khẩu hiệu mỉa mai, lạc lõng, vô hồn.

 

Con người dù sinh ra ở đâu trên trái đất này cũng có những ước mơ và khao khát giống nhau. Khác nhau chăng là tầm nhìn về phía trước của giới lãnh đạo. Thời điểm những năm đầu thập niên 1990 là thời điểm đầy thách thức về tầm nhìn đối với 15 giới lãnh đạo của 15 nước vừa thoát ra khỏi Liên Xô. Cuộc đấu tranh cân não giữa họ là những bài học vô giá mà các thế hệ trẻ Việt Nam cần học thuộc. Một tầm nhìn xa sẽ đưa đất nước cất cánh bay xa và tầm nhìn bảo thủ, hẹp hòi, cổ hủ và lạc hậu sẽ đẩy đất nước vào hố thẳm.

 

Trần Trung Đạo (Facebook)





No comments: