Tiêm
vắc-xin ngừa COVID-19: phòng dịch, để khoe thành tích, hay còn gì?
Bài bình luận của Gió Bấc
2021.12.07
Hình minh hoạ: Nhân
viên y tế xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở Hải Dương hôm 8/3/2021
. Reuters
Y văn thế giới ghi nhận tỉ lệ bị sốc phản vệ vắc-xin
COVID 19 là 4/100 triệu người, chưa ghi nhận tử vong do tiêm vắc-xin, trừ Việt
Nam.
Chỉ hơn một tuần, Việt Nam có hàng trăm người
bị sốc phản vệ phải nhập viện, bảy người chết. Dân hoang mang phản ứng, giới
khoa học yêu cầu phải điều tra độc lập. Đến nay, nguyên nhân tử vong còn hết sức
mù mờ. Giới chức Bộ y tế nói nguyên nhân không phải do chất lượng vắc-xin hay
do tiêm. Thủ Tướng chỉ đạo rút kinh nghiệm, xử lý truyền thông và tiếp tục tiêm
thần tốc. Sẽ còn bao nhiêu người hy sinh? Sinh mạng người dân Việt rẻ đến vậy
sao?
Tuần lễ cuối tháng 11 dư luận sôi sùng sục,
lòng người bất an vì những cái chết liên tiếp sau khi tiêm vắc-xin. Đầu tiên ở
Thanh Hóa: hơn 70 người bị phản vệ, bốn người chết sau khi tiêm Vero Cell đã
gây bão dư luận. Vào Google tìm kiếm với từ khóa “Bốn người Thanh Hóa chết sau
khi tiên Vero Cell” sẽ cho thấy 759.000 kết quả.
Chết vì vắc-xin
quá hạn?
Ngày 28-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân
dân tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc, xác định nguyên nhân sự
cố sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19, nghiêm túc rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ trước ngày 30/11. (1)
Tiếp đó, ba học sinh chết sau khi tiêm Vắc-xin
Pfizer trong lô hàng hết hạn vào đúng ngày 30-11 vừa được gia hạn thêm ba tháng
nữa. Với từ khóa “3 học sinh chết sau tiêm vắc-xin” Google cho 12.800.000 kết
quả.
Điều đáng nói là tỉnh Thanh Hóa (nơi có hơn 70
công nhân bị phản vệ phải nhập viện, có bốn người chết) ngày 2-12, huyện
Hoằng Hóa ghi nhận 86 học sinh có phản ứng sau tiêm, phải nhập viện theo dõi.
(2)
Dư luận càng hoang mang hơn vì từ thắc mắc của
phụ huynh, Bộ Y Tế mới cho biết hai lô vắc-xin Pfizer tiêm cho học sinh hết hạn
vào ngày 30-11 và được gia hạn thêm ba tháng nữa theo đề nghị của nhà sản xuất
và được các tổ chức quốc tế như WHO, CDC Mỹ chấp thuận trong điều kiện bảo quản
ở nhiệt độ từ 30-60 độ âm.
Dư luận báo chí đã quy trách nhiệm Bô Y Tế chậm
trễ công bố thông tin gia hạn. “Không thể bào chữa được cho sự tắc trách, chậm
trễ của ngành y tế đối với công tác thông tin lần này. Nó có thể làm ảnh hưởng
tới niềm tin của dư luận, khi mà chiến lược vắc-xin là chìa khóa then chốt để
kiểm soát dịch bệnh, ổn định đất nước.
Nếu các bậc phụ huynh không lên tiếng vào thời
điểm này thì liệu bao giờ ngành y tế Việt Nam sẽ công bố cho dư luận biết? Hay
là nếu không thắc mắc thì mặc kệ không lời giải đáp” (3)
Nhà báo Mai Bá Kiếm, cựu Thư Ký Tòa soạn Báo
Phụ Nữ TP.HCM quy trách nhiệm mạnh mẽ hơn trong bài viết “Tội ác của Bộ Y tế:
Nhập vắc-xin cận date còn gia hạn dùng ba tháng!”. Ông vận dụng các quy định
pháp luật Việt Nam cho rằng quan chức Bộ Y Tế đã lách luật dùng tiền ngân sách
mua hàng cận date gây ra hậu quả.(4)
Tiến sỹ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm
chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nhận khuyết điểm về
sự chậm trễ thông tin “Nguyên nhân Bộ Y tế chậm công bố việc gia hạn vắc-xin là
do chưa từng gặp phải vấn đề này. Thông tin chấp thuận các lô vắc-xin đến với
chúng tôi khá muộn nên chưa kịp cập nhật, đây là điều cần thay đổi” (5)
Tiến sĩ Thái chỉ nhận lỗi chậm công bố thông
tin về việc gia hạn sử dụng vắc-xin nhưng vẫn khẳng định việc gia hạn phù hợp
luật pháp và không ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin. Bộ trưởng đã họp báo thông
tin về quy trình gia hạn, có sự giám sát của các tổ chức quốc tế như WHO, CDC Mỹ
… Lô hàng gia hạn không chỉ sử dụng ở Việt Nam mà còn được nhiều nước
khác sử dụng.
Một học sinh trong
độ tuổi từ 12 - 17 được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech ở
Hà Nội hôm 23/11/2021. AFP
Bộ Y Tế phủi tay
Nhưng những ý kiến ồn ào của dư luận báo chí
Nhà nước chỉ là cơn bão trong miệng cốc, chỉ thông tin sự kiện và đặt nghi vấn
vào hiện tượng hình thức là việc chậm thông tin gia hạn thời gian sử dụng vắc-xin.
Có lẽ ở trong xứ sở thiên đường mà từ ông Thứ Trưởng Bộ học đến những chiến sĩ
quân đội anh hùng hay tù nhân đang mạnh khỏe yêu đời đều có thể lăn ra tự chết
thì việc bảy người chết sau tiêm vắc-xin đã thành chuyện bình thường.
Có thể là ở xứ sở thiên đường người ta đã quen
với “thông tin tử vong sau tiêm vắc-xin”. Không cần đợi công bố kết quả điều
tra chính thức, dường như tất cả cùng “tiên lượng chính xác” và chấp nhận căn
nguyên chỉ có thể là “sốc phản vệ do… cơ địa người tiêm”. Thực tế, các bài viết
liên quan tới sáu trường hợp tử vong ở Thanh Hóa, Bắc giang, và Hà nội, đều
chung “đáp số” đó!
Không phải là thông tin phản động của thế lực
xấu mà đa số là thông tin của báo chí lề Đảng. Các tờ trích dẫn báo cáo của Bộ
Y tế cho biết sau thời gian tiêm hơn ba triệu liều vắc-xin cho học sinh “có
10.573 trường hợp gặp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng
tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có ba trường hợp tai biến nặng sau tiêm ghi nhận tại
Hà Nội và Bắc Giang, trong đó có hai trẻ 14 và 17 tuổi tử vong"
Báo cáo cũng cho rằng "nguyên nhân
tử vong của hai trẻ này là phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vắc xin và
thực hành tiêm chủng"(6)
Lý giải của Bộ Y Tế gây cho người ta ấn tượng
sâu đậm tiêm vắc-xin có phản vệ ;à chuyện bình thường và tử vong sau tiêm là do
phản vệ không phải do vắc-xin.
Nhưng các chuyên gia độc lập thì có cái nhìn
khác hẳn. Con số các ca phản vệ sau tiêm của lần này đã cao đến mức quá sức bất
thường vượt xa y văn thế giới và tử vong vì vắc-xin COVID 19 là điều không thể
xảy ra.
Lọ vắc-xin ngừa
COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech ở Hà Nội hôm 23/11/2021. AFP
Phải điều tra vì
phản vệ, tử vong cao ngoài sách vở
Bác sĩ Huynh Wynn Tran (Assistant Professor of
Medicine and Pharmacy WesternU College of Pharmacy) sau khi trả lời phỏng vấn
báo điện tử Vnexpress.vn dã viết thêm trên Facebook cá nhân bài viết tựa đề “Tỉ
lệ tử vong cao ở trẻ em và người lớn sau khi tiêm vắc-xin COVID-19”. Trong đó
ông viện dẫn công bố nghiên cứu quốc tế cho thấy “có khoảng 4.7 ca sốc phản vệ
khi tiêm một triệu liều vắc-xin Pfizer COVID-19 và 2.5 ca sốc phản vệ ở người lớn
khi tiêm vắc-xin Moderna . Với vắc-xin Trung Quốc (Corona Vac) thì tỉ lệ sốc phản
vệ khoảng 5.4 ca trên một triệu liều”
Theo nghiên cứu từ CDC, không có ca tử vong
nào do sốc phản vệ sau khi tiêm 25 triệu liều vắc-xin cúm mùa ở trẻ em và người
lớn. Theo nghiên cứu từ JAMA, không có cả tử vong nào do sốc phản vệ sau khi
tiêm vắc-xin COVID-19 mRNA.
– Thống kê Update cho thấy rủi ro tử vong khi
bị sốc phản vệ giao động trong khoảng 0.7-2%, trung bình là 1%.
Tỉ lệ sốc phản vệ và tử vong do sốc phản vệ
khi tiêm vắc-xin COVID-19 ở Việt Nam quá cao (8)
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ( Đại học New South
Wales, Australia) có nhiều bài viết trên Facebook cá nhân phân tích cho thấy tỉ
lệ [phản vệ ở Việt Nam cao bất thường và ông cũng phản biện quan điểm của Bộ Y
tế cho rằng Phát biểu “Hai trẻ tử vong sau tiêm không liên quan đến vắc-xin” là
không đúng” (7)
Trả lời BBC tiếng Việt, Giáo sư Tuấn nói
"Việt Nam đã tiêm 3.512.874 liều vắc-xin cho trẻ 12-17 tuổi. Theo y văn,
xác suất tử vong vì sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin là khoảng 0.00000004 (4/100
triệu), và với số ca tiêm vắc-xin đó thì không kỳ vọng một ca tử vong nào xảy
ra. Thế nhưng trong thực tế ba em đã tử vong. Đó là một điều đáng quan tâm và cần
phải có điều tra khoa học" (9)
Thủ tướng xử lý
truyền thông!
Điều tra về cái chết oan uổng của bảy công dân
sau tiêm vắc-xin để có giải pháp xử lý đúng, tránh những trường hợp tương tự và
cũng phù hợp với chỉ đạo của Thủ Tướng Phạm Minh Chính sau bốn trường hợp tử
vong ở Thanh Hóa là “điều tra và báo cáo trước ngày 30-11” như đã dẫn ở phần
trên. Thế nhưng, không kết quả điều tra và báo cáo ra sao đến ngày 6-12 dù có
thêm ba người tử vong lại là trẻ em, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ mà nội
dung chình là đẩy mạnh tiêm, mua, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin
trong nước.
Thủ tướng anh minh đã đổi giọng chỉ đạo “rà
soát lại việc bảo quản, tổ chức tiêm vắc-xin, tiến hành thanh tra, kiểm tra,
phòng ngừa, khắc phục các bất cập, sự cố xảy ra và làm tốt công tác truyền
thông, "không để xảy ra khủng hoảng truyền thông".(10)
Yêu cầu điều tra đã rơi mất, bảy người chết
oan vì tiêm vắc-xin, một thảm họa thách thức y học thế giới chưa có lời
đáp bị biến thành vụ khủng hoảng truyền thông cần rút kinh nghiệm mà
không biết là kinh nghiệm gì. Điều rõ nhất là giống như vụ Tô Lâm ăn thịt bò
dát vàng, sau vài ngày ồn ào, từ sau 2-12 truyền thông lề phải không một chữ
nào nhắc đến các vụ tử vong. Ngược lại làn sóng thông tin về thắng lợi tiêm 112
triệu liều vắc-xin, đạt tỉ lệ phủ cao, hoàn thành tiêm hai mũi cho người trên
18 tuổi và tiêm mũi 3 cho người trên 50 tuổi được tung hô ầm ỉ với khẩu hiệu mới
“thần tốc”.
Trước hiện tượng kỳ quái này, người ta buộc
lòng băn khoăn liệu những chỉ đạo này thật sự giúp dân chống dịch hay chỉ là
bàn đạp để Thủ Tướng không cần mướt mồ hôi mà vẫn ngẩng cao đầu ngạo nghễ. Hay
là còn động cơ khác của đỉnh cao trí tuệ mà dân đen không thể nào hiểu nổi
Lợi ích nhóm
thương mại hóa ngành y?
Cùng quan điểm về số lượng sốc phản vệ cao bất
thường của Việt Nam, Tiến sĩ Trần Tuấn, chuyên gia Y Tế cộng đồng nhiều
kinh nghiệm và thông tin sâu sát về các chương trình tiêm vắc-xin ở Việt Nam
còn phát hiện nhiều điều bất thường khác trong bài viết “TAI BIẾN SAU TIÊM VẮC-XIN PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 TUẦN
23-28/11/2021: RẤT NHIỀU CÁI BẤT THƯỜNG! CẦN THỰC HIỆN ĐIỀU TRA ĐỘC LẬP!”
Tiến Sĩ Trần Tuấn phân tích các trường hợp phản
vệ và tử vong đã xảy ra theo từng chùm Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa. Tiến sĩ Trần
Tuấn, cũng phản biện quan điểm Bộ Y Tế cố nhồi nhét cho xã hội là tử vong phản
vệ không liên quan đến vắc-xin.
Tiến sĩ Trần Tuấn dẫn ra kinh nghiệm từ trước
thời điểm 2010, tiêm chủng miễn phí! Không xảy ra “trẻ chết sau tiêm vắc-xin”.
Rồi tử vong sau tiêm chủng Quinvaxem đột ngột xuất hiện, lặp đi lặp lại! Điều
tra lần nào cũng “sốc phản vệ--> do cơ địa trẻ”! Lại thêm cả “tiêm nhầm thuốc”
ở Quảng trị, khiến niềm tin vào hệ thống tiêm chủng công miễn phí bao năm sụt
giảm. Người dân nghi ngờ chất lượng tiêm chủng công, chấp nhận trả tiền cho
tiêm chủng! Vắc-xin “tốt hơn Quinvaxem” được tư nhân nhập về. Tử vong sau tiêm
lặp đi lặp lại cả vắc-xin khác nữa! Sự khan hiếm vắc-xin dịch vụ nổi lên. Dân cầu
cạnh, giá tiêm dịch vụ được đẩy lên!
Tiến sĩ Trần Tuấn yêu cầu “Điều tra ra sự thật
để tiến tới thực hiện nghiêm tiến trình giám sát chất lượng tiêm chủng, báo cáo
mọi trường hợp tai biến sau tiêm vắc-xin, không chỉ với COVID-19, mà mọi loại vắc-xin.
Và cần phải điều tra độc lập, để tránh lặp lại
“chỉ có một căn nguyên” như bao năm qua!”
Tiến sĩ Trần Tuân đặt thẳng vấn đề là “ để làm
sáng tỏ giả thuyết có hay không thế lực can thiệp theo hướng hạ thấp niềm tin
xã hội vào y tế công, đặc biệt y tế dự phòng, cho mục tiêu thủ lợi?” (11)
Đây có thể là thuyết âm mưu, nhưng với những
gì đã xảy ra trong ngành y nhà Sản như vụ án nhập thuốc ung thư giả, cho nhập
hàng chục tấn dược phẩm tiền gây nghiện, mới nhất là chiến dịch ngoáy mũi trường
kỳ với giá cao ngất ngưỡng, quy định cách ly bắt buộc trong khách sạn phe ta, mọi
chuyện đều có thể xảy ra. Giấc mơ Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu vắc-xin
quốc tế vẫn đang cháy bừng trong ai đó!
_______________
Tham khảo:
3-https://danviet.vn/gia-han-vắc-xin-pfizer-tac-trach-hay-coi-thuong-du-luan-20211201190402548.htm
4- https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/1804092336449295
8- https://www.facebook.com/huynhtranmd/posts/10159537162881183
9-https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59487789
10- https://vnexpress.net/thu-tuong-yeu-cau-ra-soat-viec-bao-quan-to-chuc-tiem-vắc-xin-4397624.html
11- https://www.facebook.com/trantuanrtccd/posts/10221310688931736
------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment