Tại
sao nguy cơ xảy ra chiến tranh cao hơn so với trước đại dịch?
Nguyễn Xuân Hoài, lược dịch
15/12/2021
Đại dịch Corona đã khiến cho những hiểu lầm chết người
giữa các siêu cường dễ xảy ra hơn – và thế giới đang trở nên nguy hiểm hơn. Đó
là những gì chuyên gia địa chính trị François Heisbourg dự báo trong một cuộc
phỏng vấn. Chiến lược gia lừng danh này nhìn nước Đức với con mắt phê phán.
Nhà địa chính trị François Heisbourg tỏ ra lo
ngại. Trong cuốn sách “Le Retour de la Guerre” (Sự trở lại của chiến tranh),
triết gia người Pháp viết lý do tại sao nguy cơ xẩy ra chiến tranh trong tương
lai gần lại có nhiều khả năng hơn .
.
WELT:
Monsieur Heisbourg, sau cuộc khủng hoảng Corona, Trung Quốc đang hùng mạnh
hơn bao giờ hết, trong khi nước Mỹ hốt hoảng rút quân khỏi Afghanistan có thể
được coi là một dấu hiệu suy yếu. Ông có thực sự nghĩ rằng chiến tranh tái diễn
là điều không thể tránh?
François Heisbourg: Nguy cơ xảy ra chiến tranh cao hơn so với trước đại dịch và có khả năng
sẽ tiếp tục gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính của những căng thẳng
ngày càng gia tăng này là do sức mạnh gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc và sự
đối đầu về ý thức hệ, kinh tế, công nghệ và chính trị với Hoa Kỳ, thậm chí có
thể với cả thế giới dân chủ nói chung. Sau đó là sự phát triển về công nghệ.
Chiến tranh mạng có thể làm mất ổn định tình hình chiến lược và khiến xung đột
trở thành một đặc điểm thường ngày. Vì vậy, khả năng xảy ra một cuộc chiến thực
sự nghiêm trọng ngày nay cao hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hồi đó, một
cuộc đối đầu không dẫn đến chiến tranh miễn là không nổ súng. Ngoài ra, khả
năng răn đe hạt nhân tuân theo một số quy tắc nhất định, mặc dù có khó khăn
đáng kể, nhưng đã ngăn chặn được một cuộc chiến nổ ra giữa hai khối và hai siêu
cường.
.
WELT: Thế còn
tình hình hiện nay?
Heisbourg: Ngày
nay không còn trường hợp đó nữa. Thay vào đó, chúng ta hầu như không chuyển từ
tình trạng không có chiến tranh sang cận chiến tranh và cuối cùng là bắt đầu
chiến tranh. Và trong lĩnh vực hạt nhân, việc phát triển các kho vũ khí hạt
nhân mới đang làm giảm khả năng răn đe. Và lý do cuối cùng là: thiếu một trật tự
thế giới. Nếu không có cái trật tự này thì không có quy tắc của luật chơi. Và nếu
không có những quy tắc này, nguy cơ hiểu lầm, xét theo logic, cao hơn đáng kể.
Đây là ba yếu tố về cấu trúc đã tồn tại ngay cả khi không có đại dịch, nhưng đại
dịch đã làm các yếu tố đó càng thêm trầm trọng.
.
WELT: Vậy cuộc
khủng hoảng mới đây về tầu ngầm Úc có phải là biểu thị cho sự gia tăng căng thẳng
này không ?
Heisbourg: Người
Úc hiện đang xem xét đánh giá của họ về tình hình chiến lược ở khu vực Ấn Độ
Dương – Thái Bình Dương, một thuật ngữ mà họ tự phát minh ra. Trong khu vực
này, cán cân quyền lực đang thay đổi rất nhanh chóng. Hải quân Trung Quốc có
nhiều tàu hơn hải quân Mỹ. Hơn nữa Trung Quốc đã cư xử cực kỳ tồi tệ đối với
Australia kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch corona. Người Úc bị chỉ trích là
thô bạo khi họ đòi làm rõ nguồn gốc của virus. Người Úc đã phải trả giá bằng lệnh
cấm vận xuất khẩu rượu vang, tôm hùm và những sản phẩm khác. Họ cũng đã vạch trần
các hành động gây ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt là đối với các nghị sĩ Úc
và ở một mức độ đặc biệt lớn, trong các trường đại học khác nhau của Úc. Những
vấn đề nói trên có thể đã thúc đẩy Australia mua sắm tàu ngầm hạt nhân. Trên tất
cả, điều cực kỳ quan trọng đối với Úc là phải tăng cường đáng kể quan hệ đồng
minh với Hoa Kỳ. Chiếu theo các phân tích về chiến lược thì điều này là dễ hiểu.
.
WELT: Vậy cuộc
khủng hoảng này có cho thấy Châu Âu đã bị hụt hơi, không theo kịp các siêu cường?
Heisbourg: Châu
Âu đang ở một vị trí trớ trêu. Nói một cách thô thiển thì Châu Âu thực tế đã bị
cho ra rìa rồi. Tình hình đối với chúng ta đang thực sự tồi tệ, tăng trưởng
kinh tế kém, xã hội bị chia rẽ, và những kẻ theo chủ nghĩa dân túy đang xuất hiện
khắp nơi. Và nơi không có những kẻ dân túy thì người Đức lại hoàn toàn khoanh
tay, bó gối. Thêm vào đó là sự phụ thuộc của Châu Âu vào Trung Quốc, và sự vắng
mặt của người Mỹ vì lợi ích của họ đang ở chỗ khác. Nói đúng ra thì châu Âu chẳng
là cái đinh gì, hoặc chí ít nó đang ở không đúng chỗ.
Thực tế tình hình có phần phức tạp hơn một
chút và cũng không hoàn toàn vô vọng. Các cuộc đụng độ với Trung Quốc diễn ra
trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ liên quan trực tiếp đến các vấn đề về
quân sự. Trong chiến tranh lạnh, số lượng tên lửa và vũ khí hạt nhân là đặc biệt
quan trọng. Ngày nay, đối đầu với Trung Quốc là quyền kiểm soát công nghệ, cả
trong dân sự lẫn quân sự, là thương mại, các quy chuẩn và tiêu chuẩn, và chiếm
lĩnh thị trường. Đây mới là những yếu tố có ý nghĩa quyết định trong cuộc đối đầu
này. Và ở đây có những lĩnh vực mà Châu Âu có thể nổi trội. Tuy nhiên, châu Âu
không còn có vai trò quan trọng về mặt quân sự. Khi người ta nói về một quân đội
châu Âu thì chỉ tạo ra một không khí vui đùa tếu táo. Chúng ta không phải là một
nhà nước và chắc chắn càng không phải là một siêu cường.
.
WELT: Vấn đề
khí hậu có thể làm gia tăng sự căng thẳng đến mức độ nào?
Heisbourg: Trung Quốc, quốc
gia phát thải khí nhà kính lớn nhất, đã tuyên bố họ sẽ không bắt đầu giảm lượng
khí thải cho đến năm 2030. Các trò chơi sức mạnh sẽ tiếp tục trong tình huống
khẩn cấp về khí hậu, cũng như chúng từng diễn ra ngày càng sâu sắc hơn trong đại
dịch vừa qua. Nếu cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu không có sự tiến
triển đồng đều giữa các quốc gia, đến lúc nào đó sẽ có nước này hay nước khác
không chấp nhận tình trạng này vì quyền lợi sống còn của nước họ bị xâm hại. Điều
gì sẽ xẩy ra vào cái ngày mà vài triệu người Ấn Độ bị chết vì nhiệt độ đã vượt
quá ngưỡng nhiệt độ giới hạn cho phép trong vài ngày? Tôi đang nói về thập kỷ
hiện tại chứ không phải vào năm 2040. Người Ấn Độ sẽ phản ứng thế nào với điều
đó? Họ có thể sẽ trút giận, đổ lỗi cho những kẻ gây nên cái chết của hàng triệu
người ở đất nước họ. Sự nóng lên toàn cầu gây ra những hậu quả địa chính trị và
địa chiến lược nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì bạn có thể tưởng tượng hiện
nay, bởi vì chúng sẽ diễn ra như một sự đua tranh. Đại dịch đã cho chúng ta thấy
điều đó.
-------------------
Nguồn:
François
Heisbourg: „Das Risiko eines Krieges ist jetzt höher als vor der Pandemie“, Die
Welt , 7/11/2021.
No comments:
Post a Comment