Wednesday, December 15, 2021

SUY NGHĨ về BẢN ÁN 9 NĂM TÙ của PHẠM ĐOAN TRANG (Nguyễn Hoàng Linh)

 


Suy nghĩ về bản án 9 năm tù của Phạm Đoan Trang

Nguyễn Hoàng Linh

15/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/15/suy-nghi-ve-ban-an-9-nam-tu-cua-pham-doan-trang/

 

Chỉ trong một ngày ngắn ngủi, nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang vừa bị tuyên bản án tù giam 9 năm tại phiên sơ thẩm diễn ra ở Hà Nội, với tội danh theo cáo trạng là “có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

 

Điểm khác với nhiều vụ án chính trị trước đây, là Phạm Đoan Trang đã tỏ ra rất cứng cỏi từ đầu đến cuối, trong quá trình điều tra lẫn trong phiên xử hôm nay, không khai nhận những cáo buộc bị quy, có cách hành xử đàng hoàng, ngẩng cao đầu của người hiểu biết và nắm chắc luật pháp.

 

Có lẽ thái độ bị coi là “bất hợp tác”, “thiếu thành khẩn” đó của bị cáo đã khiến Hội đồng Xét xử tuyên mức án 9 năm tù, trong khi đại diện Viện Kiểm sát “chỉ” đề nghị 7-8 năm. Phạm Đoan Trang cũng đã phát biểu những lời cuối cùng một cách rành mạch, ý nghĩa mặc dù nhiều lần bị cắt ngang.

 

Rất nhanh chóng, đã có rất nhiều bài viết, bản tin trên báo chí và mạng xã hội bình luận về vụ án này, và bản án được xem là “bỏ túi” dành cho Phạm Đoan Trang. Xét cho cùng, trả lời phỏng vấn báo chí, viết bài, trao đổi, chia sẻ quan điểm… vốn dĩ là điều rất tự nhiên của quyền tự do ngôn luận.

 

Là một trong những quyền căn bản quan trọng nhất thuộc “thế hệ thứ nhất” của các quyền con người, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, và đi kèm với nó, quyền tự do nói lên quan điểm, phê bình, chỉ trích cá nhân, chính quyền… vốn là điều đã được thế giới văn minh chấp nhận từ vài trăm năm nay.

 

Có mặt trong mọi văn kiện chính yếu về nhân quyền trên thế giới như một quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng, tự do ngôn luận cũng thuộc 8 nội dung cơ bản của “Yêu sách của nhân dân An Nam” mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã mang tới Hội nghị Versaille năm 1919.

 

“Tuyên ngôn Phổ quát về những Quyền con người” do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 công nhận tự do ngôn luận là quyền con người theo điều 19, và quyền cơ bản này cũng được xác nhận lại trong bản “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” (1966).

 

Bất cứ ai “cũng có quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp”, “có quyền tự do biểu đạt”, gồm “quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin và ý kiến các loại, (…) bất kể bằng lời nói, bằng văn bản hay in ấn”, “thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào tùy theo lựa chọn của họ” (*).

 

Phạm Đoan Trang đã hành xử quyền của mình một cách ôn hòa thông qua các bài viết và chia sẻ thông tin, và cho dù điều đó có thể không “hợp nhĩ” những cá nhân hay tập thể nào đó, thì đây vẫn hoàn toàn nằm trong quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và chính là bản chất của quyền đó.

 

Bản án nặng nề và phi nhân dành cho Phạm Đoan Trang cũng cho thấy, chừng nào xã hội còn thờ ơ, lãnh đạm và không thức tỉnh trước những nỗ lực gánh vác trách nhiệm chung cho cộng đồng, thì chừng ấy, những cố gắng như của Trang dầu có lớn lao đến mấy, cũng không đem lại kết quả gì…

 

_____

 

(*) Điều 19, “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” (Universal Declaration of Human Rights).




No comments: