Scandal
Việt Á và... trận chiến dưới... gầm bàn
22/12/2021
https://www.voatiengviet.com/a/viet-a-phan-quoc-viet-chu-ngoc-anh-nguyen-thanh-long/6365043.html
https://gdb.voanews.com/BF34B9B5-E12A-4DD7-AA88-0FE05CCDEDB0_w1023_r1_s.jpg
COVID-19 test kits of Viet A Company
Những thông tin, diễn biến mới nhất liên quan
đến scandal Việt Á chính là chuỗi bằng chứng khẳng định: Chống tham
nhũng tại Việt Nam chỉ là các trận đấu giữa băng này với nhóm kia trong hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền.
Scandal Việt Á chứng minh thêm... còn
đảng, chắc chắn còn... tham nhũng, thậm chí tham nhũng càng ngày càng táo tợn
và theo thời gian, hậu quả đối với quốc gia, dân tộc càng lúc càng trầm trọng
hơn...
***
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vừa phát một
video clip dài 2 phút 22 giây ghi lại những thông tin do một số bị can là nhân
viên Công ty Việt Á trực tiếp khai báo. Thêm một lần nữa, công an Việt Nam dùng
các cơ quan truyền thông chính thức để gia tăng áp lực của dư luận nhằm... hỗ
trợ điều tra, cho dù hành vi này chính là thẳng tay vứt các quyền hiến định và
những qui định pháp luật được đặt định để bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ sự
khách quan, chính trực của hệ thống tư pháp, vào... sọt rác.
Nguyên tắc không được xem bất kỳ ai là
có tội nếu họ chưa bị tòa án xác định là có tội và bản ản đó đã có hiệu lực
pháp luật vốn là nền tảng cho hoạt động tư pháp của tất cả các xã hội
văn minh.
Việt Nam cũng thế. Giống như các quốc gia
khác, để bảo vệ nguyên tắc đã được minh định trong hiến pháp đó, Việt Nam đưa
vào luật tố tụng hình sự, luật hình sự,... một số qui định cụ thể nhằm bảo đảm
nguyên tắc đó phải được thực thi.
Tại sao công an Việt Nam có thể ngang nhiên vứt
bỏ tất cả các yêu cầu của pháp luật, kể cả yêu cầu bảo vệ bí mật điều tra để
phát tán hình ảnh, thông tin từ lời khai của các bị can? Qui định nào trong hệ
thống pháp luật hình sự hiện hành cho phép công an đưa phóng viên vào phòng hỏi
cung, tham gia lấy cung các bị can giống như một điều tra viên rồi ghi hình,
chiếu cho dân chúng trên toàn quốc cùng xem như phóng viên Quốc Thái của VTV vừa
làm đối với các bị can là nhân viên Công ty Việt Á (1)?
Chẳng lẽ đó là đặc điểm của pháp chế xã hội chủ
nghĩa – bảo vệ pháp luật thì được phép chà đạp các qui định pháp luật vẫn đang
có hiệu lực, hành xử man rợ trong hoạt động... bảo vệ pháp luật vẫn
được xem là đương nhiên vì man rợ là... biện pháp nghiệp vụ?
***
Chuyện công an Việt Nam vời phóng viên của VTV
đến trụ sở cơ quan điều tra, gom các bị can là nhân viên Công ty Việt Á cho
phóng viên của VTV ghi hình, thậm chí dàn dựng việc hỏi cung để phóng viên của
VTV... “tác nghiệp”, thậm chí cho phép phóng viên của VTV hỏi cung
bị can như điều tra viên CAND cho thấy: Không phải các điều tra viên mà
là... lãnh đạo ngành công an đang hết sức sốt ruột nên các điều tra viên mới được
phép làm như thế. Thực tế cho thấy, áp lực dư luận đang tăng nhưng chưa đủ
lớn...
Đến giờ, tuy chưa có bằng chứng, năm ngoái,
ông Chu Ngọc Anh (lúc đó là Bộ trưởng Khoa học Công nghệ - KHCN) thông đồng với
Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) để
chọn liên doanh Học viện Quân y – Công ty Việt Á thực hiện một trong... “Bốn
nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia” là nghiên cứu – chế tạo –
kinh doanh bộ xét nghiệm COVID 19 made in Vietnam đầu tiên, mở đường cho hàng
loạt vấn nạn nghiêm trọng như đã biết, song chắc chắn, ông Bộ trưởng này phải
chịu... trách nhiệm liên đới khi Bộ KHCN đã chọn nhầm đối tượng
còn bịa đặt rằng bộ xét nghiệm COVID 19 của Công ty Việt Á đã được WHO chấp thuận
cho sử dụng, thậm chí có thể xuất cảng, hỗ trợ các quốc gia khác ngăn ngừa đại
dịch...
Tương tự, tuy chưa có bằng chứng ông Nguyễn
Thanh Long (Bộ trưởng Y tế) thông đồng với Phan Quốc Việt, hỗ trợ Công ty Việt
Á bán các bộ xét nghiệm COVID 19 nhưng ông Nguyễn Thanh Long không thể thoái
thác trách nhiệm liên đới khi Bộ Y tế là nơi đưa ra... giá tham khảo vốn cao
hơn rất nhiều so với giá trị thực của các bộ xét nghiệm COVID 19 do Công ty Việt
Á sản xuất. Nhờ vậy, Phan Quốc Việt dễ dàng mời gọi lãnh đạo trung tâm phòng ngừa
bệnh tật (CDC) các địa phương, các cơ sở y tế xúm vào mua hàng của Công ty Việt
Á để nhận những khoản tiền... “thối” lại cực lớn. Ông Long cũng không thể thoái
thác trách nhiệm liên đới đối với... “thần tốc xét nghiệm diện rộng” giờ
đã rõ ràng là chủ trương vừa sai lầm, vừa lãng phí, vừa mở đường cho tham
nhũng...
Về logic, với các tình tiết và hậu quả như đã
biết, lẽ ra, Thủ tướng Việt Nam – nhân vật đứng đầu nội các – đã phải TẠM ĐÌNH
CHỈ CÔNG TÁC của ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long để PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG
ĐIỀU TRA nhưng ông Phạm Minh Chính chưa làm như thế và cũng không có dấu hiệu
nào cho thấy ông sẽ làm như thế hoặc muốn làm như thế. Vì sao? Thứ nhất, có lẽ
vì ông Chính cũng là nhân vật liên đới về trách nhiệm khi đưa ra chủ trương, đốc
thúc, thậm chí có rất nhiều bằng chứng cho thấy ông Chính trực tiếp gây sức ép
để lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các CDC, các cơ sở y tế hối hả mua các bộ
xét nghiệm COVID 19 nhằm thực thi “thần tốc xét nghiệm diện rộng” cho
đúng với ý chí chủ quan của Thủ tướng.
Chưa kể, nếu xem xét, truy cứu trách nhiệm một
cách sòng phẳng, ông Chính còn phải TẠM ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC một số thành viên
khác trong nội các, ví dụ như... lãnh đạo Bộ Nội vụ vì dính líu đến việc lập hồ
sơ - trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Công ty Việt Á để công ty này sử
dụng như vật bảo chứng đối với bộ xét nghiệm COVID 19 mà họ sản xuất... Ngặt là
khi xem xét, truy cứu trách nhiệm những cá nhân... “đứng đầu” cho
đúng với “bài” mà đảng của ông đang dùng để quảng bá về... “xây
dựng, chỉnh đốn”, ông Chính cũng không vô can cả trong vai trò Thủ tướng –
Trưởng Ban Phòng chống đại dịch COVID 19 lẫn với vai trò... Chủ tịch Hội đồng
Thi đua Khen thưởng Trung ương!
Thứ hai, giả dụ Phạm Minh Chính muốn chứng tỏ
ông ta vừa... MINH, vừa... CHÍNH, ông ta cũng không thể đơn phương hành xử như
một... Thủ tướng. Hình thái quản trị, điều hành hệ thống chính trị, hệ thống
công quyền tại Việt Nam không cho phép ông ta xem xét, xử lý bất kỳ thành viên
nào trong nội các dính líu hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đến scandal Việt Á, bởi
có điều tra những thành viên trong nội các có dâu hiệu đã dính chàm hay không,
truy cứu trách nhiệm đến mức nào, xử lý hành chính hay xử lý hình sự hoàn toàn
phụ thuộc vào tập thể BCH TƯ đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Trước giờ, dẫu BCH
TƯ đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị từng xem xét, xử lý một số cá nhân mà các tập
thể này giành quyền... định đoạt từ tay luật pháp nhưng chưa bao giờ xử lý...
ngay!
Xem xét, xử lý những cá nhân vốn cũng là công
dân nhưng vị trí luôn nằm bên trên thân phận công dân hoàn toàn không liên quan
đến luật pháp hay công lý, thực thi công bằng xã hội mà phụ thuộc vào thế và lực
của những cá nhân ấy. Đó cũng là lý do tại sao rất nhiều cá nhân có những sai
phạm hết sức nghiêm trọng, nhiều người biết và bàn ra tán vào trong một thời
gian dài, song những cá nhân này vẫn thăng tiến không ngừng cho đến lúc... xấu
Trời, tương quan quyền lực trong các hệ thống mất... cân đối, Ủy ban Kiểm tra của
BCH TƯ nhiệm kỳ sau mới lôi một số cá nhân hết thời và thất thế ra... ngắm
nghía và... đề nghị xử lý. Còn bán tín, bán nghi thì cứ tham khảo trường hợp
Nguyễn Đức Chung - ví dụ minh họa mới nhất!
***
Giống như nhiều scandal khác, hệ thống bảo vệ
pháp luật Việt Nam chỉ... “đột” vào Phan Quốc Việt và thuộc cấp
của anh ta – những người vì miếng cơm, manh áo phải làm theo lệnh ông chủ, giờ
- sau khi bị tống giam, ý thức rất rõ thân phận bọt bèo của mình trong trò chơi
nhân danh công lý nên được cả cơ quan điều tra của công an lẫn... VTV khen
là... “đã tỏ ra phối hợp và khai báo khá thành khẩn”, chứ
không dám biện bạch vô lối như những cá nhân khác có liên đới về trách nhiệm ở
Bộ KHCN, Bộ Y tế,...
Bất kể nhiều hành vi phạm pháp đã được phơi
bày, chưa thể khẳng định cuộc điều tra về liên minh ma quỷ giữa Phan Quốc Việt
và nhiều viên chức hữu trách khác từ trung ương đến địa phương để trục lợi giữa
thảm họa đe dọa cả tính mạng, sức khỏe đồng bào và tương lai quốc gia, cuối
cùng sẽ moi ra những ai? Ngoài lãnh đạo một số CDC, cơ sở y tế, còn cá nhân nào
nằm trong diện mà số phận vốn phải do BCH TƯ đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị định
đoạt - bị xử lý hay không?
Làm sao có thể tin lực lượng thực thi pháp luật
đang... “bảo vệ pháp luật” khi chính cơ quan điều tra ngang nhiên chà đạp
luật pháp, sử dụng một số cơ quan truyền thông chính thức gia tăng áp lực từ dư
luận lên một số cá nhân và nhóm? Chỉ có một cách giải thích duy nhất cho hiện
tượng quái gở như vừa đề cập (bật đèn xanh để VTV được đưa phóng viên vào phòng
hỏi cung, được tham gia tra vấn) là lãnh đạo ngành công an đang muốn tìm lợi thế
trong đàm phán, duy trì, củng cố thế và lực.
Tính chất, mức độ nghiêm trọng của scandal
Công ty Việt Á, khác xa, khác hoàn toàn với những vụ... tai nạn giao thông khiến
năm, bảy người thiệt mạng nhưng từ khi scandal Công ty Việt Á bùng lên tới nay,
cho dù dư luận sôi sùng sục, vẫn không có viên chức hữu trách nào của hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền đăng đàn chỉ đạo phải giải quyết tới nơi, tới chốn,
hay cam kết với công chúng sẽ không có vùng cấm khi điều tra. Đó mới chỉ là một
yếu tố khác thường.
Còn nhiều yếu tố khác thường khác! Chẳng hạn
chẳng phải tự nhiên mà một số viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương
dính líu đến scandal Việt Á vẫn hết sức tự tin khi lên tiếng biện bạch để phủ
nhận trách nhiệm. Nếu các hệ thống thật sự lành mạnh, người Việt hẳn đã chứng
kiến một làn sóng miễn nhiệm, từ chức, đặc biệt là khi giới lãnh đạo
đảng vừa quảng cáo rằng, để nâng cao hiệu quả... “chỉnh đốn”, đảng mới ban
hành Quy định 41-QĐ/TW để miễn nhiệm, cho từ chức đối với những
người có sai phạm, không còn đủ uy tín, năng lực làm việc (3). Một
số người lạc quan từng dự báo Bộ Chính trị sẽ áp dụng Quy định
41-QĐ/TW được ban hành hồi đầu tháng trước (3/11/2021) đối
với ông Tô Lâm – Bò dát vàng nhưng tưởng như thế là tưởng... bở.
Nếu đã phớt lờ Quy định 41-QĐ/TW không
áp dụng với các đồng chí vốn ngang tài – ngang sức với ông Tô Lâm thì chắc chắn
sẽ không thể vận dụng qui định đó với ông Tô Lâm, cho dù xét về bản chất, việc
nhận lời mời thưởng thức bò dát vàng cũng là một hình thức tham nhũng và khoan
tính tới những vụ lùm xùm khác liên quan tới trách nhiệm người đứng đầu ngành
công an, chỉ riêng scandal Bò dát vàng đã đủ để cho thấy Bộ trưởng Công an có
còn đủ uy tín, năng lực làm việc hay không.
“Chỉnh đốn” đảng, chống tham nhũng ở Việt Nam
đã cũng như đang bày ra nhiều nghịch lý, càng chỉnh càng rệu rã, càng chống thì
tham nhũng càng trắng trợn. Dù đảng vẫn ra rả về “xây dựng đảng” nhưng lấy gì để
“xây”, dựa vào đâu để “dựng” khi những scandal như scandal bò dát vàng, Công ty
Việt Á cho thấy, dường như càng ngày càng nhiều viên chức hữu trách không còn
nhân tính? Không sạch, không tử tế thì “xây dựng” hay “chỉnh đốn” hoặc là thỏa
hiệp, hoặc là biểu diễn “mạnh được, yếu thua”.
-----------------
Chú thích
(1) https://vtv.vn/xa-hoi/thu-doan-chi-tien-ngoai-hop-dong-cua-cong-ty-viet-a-20211220180255827.htm
---------------------------------
Scandal
Việt Á - trọng pháp chỉ là... mơ!
Scandal
Việt Á: Đâu là đầu bạch tuộc? (kỳ 2)
Scandal
Việt Á: Đâu là đầu bạch tuộc?
No comments:
Post a Comment