NHỮNG
LỜI TÂM SỰ CỦA BÀ PHẠM ĐOAN TRANG
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10219834928414865&id=1569759542
Ngày 19/10/2021, các luật sư Phạm Lệ Quyên, Lê
Văn Luân và tôi, luật sư Ngô Anh Tuấn vào Trại tạm giam số 1, Công an thành phố
Hà Nội để thăm gặp bà Phạm Đoan Trang. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp thân
chủ kể từ khi bà bị khởi tố, bắt giam và cũng là lần đầu tiên tôi gặp bà Trang
ngoài đời thực. Vì tôi còn gặp một bị can trong một vụ án khác nên tôi gặp bà
Trang muộn hơn so với hai đồng nghiệp của mình nhưng chúng tôi cùng ngồi với
nhau cho tới khi kết thúc buổi thăm gặp. Trên trang Facebook cá nhân của mình,
luật sư Lê Văn Luân cũng đã có một số chia sẻ về nội dung buổi thăm gặp nên tôi
không nêu lại, tôi chỉ nhắc tới một số nội dung mà bà Phạm Đoan Trang đã trao đổi
với tôi và đề nghị tôi công khai lên mạng xã hội.
Bà Trang cho biết:
- Trong 10 lần lấy cung, bà đều bị ép nhưng bà
từ chối trả lời và yêu cầu phải có luật sư mới khai báo nhưng không được chấp
nhận;
- Trong suốt quá trình lấy cung đó, điều tra
viên luôn nói xấu các luật sư. Việc ra Kết luận điều tra ngày 26/8/2021 và Cáo
trạng ngày 30/8/2021 (chỉ trong vòng 04 ngày) là cách để ngăn cản luật sư khiếu
nại. Bà Trang có nói với các điều tra viên rằng: “Nếu các anh coi thường các luật
sư như vậy thì sợ gì mà không để cho họ vào gặp tôi...?!”;
- Trong suốt quá trình làm việc, bà Trang
không hợp tác, không khai nhận và chưa từng nhận tội, thế nên nếu có clip nhận tội được
tung ra dưới bất kỳ hình thức nào thì đó có nghĩa là nó bị cắt ghép, không đúng
sự thật;
- Bà Trang đã từng bị biệt giam nhưng sau đó
được giam chung với những thường phạm khác. Cuộc sống trong phòng giam rất khắc
nghiệt, bà đã phải đánh nhau 07 lần nhưng bà vui vẻ kể rằng mình đều là người
giành chiến thắng, dù là người yếu thế hơn;
- Trong một số lần lấy cung, điều tra viên có
hỏi: “Nếu như án phạt sắp tới được tuyên rất nhiều năm, bà có nguyện vọng đi định
cư ở nước ngoài không?”. Bà trả lời thẳng: “Không! Tôi chưa bao giờ có ý định
đó!”. Bà Trang cũng cho biết thêm, bà không chấp nhận là vật để đổi chác với nước
ngoài;
- Câu cuối trao đổi với tôi, bà Trang nhắc đi
nhắc lại rằng: “Bắt
giam một người viết đã là một tội ác! Bắt giam một người viết tàn tật là một trọng
tội”. Bà Trang không nhận mình là một nhà báo, bà chỉ nhận mình là
người viết. Bà nói rằng mình không thể tưởng tượng được tại sao mình lại có thể
sống được ngần ấy thời gian đã qua trong trại tạm giam với một cơ thể đầy bệnh
tật của mình…
Tôi không có câu kết nào cho bài viết này. Tôi
nghĩ rằng gạch đầu dòng nào trong những câu chữ trên cũng đủ là câu kết cho một
câu chuyện dài và những điều bà Trang nói có thể động tới tâm can của những người
có lương tri. Với tính cách, tư tưởng và hành động của mình, nếu muốn chọn lựa
một cuộc sống bình yên cho bản thân, cho gia đình, chắn chắn bà Phạm Đoan Trang
đã không chọn cách quay về Việt Nam sau khi đã có cơ hội sống ở nước ngoài, điều
này khiến nhiều đấng mày râu cũng phải cúi đầu. Với tôi, bà Trang là một cây
bút thông thái, cần mẫn, chính trực nhưng cũng giống như một số người khác và
phần nào đó là chính cả bản thân tôi, có lẽ chúng tôi đã sinh ra nhầm thời.
P/s: Tôi vẫn luôn mơ về một
ngày, sẽ không còn cảnh bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chính kiến mà
thay vào đó sẽ là đối thoại để tìm ra giải pháp giải quyết mâu thuẫn xã hội
trong hoà bình - ngày đó tới sớm hay muộn nó sẽ quyết định việc đất nước có tiến
bộ hơn hay vẫn ngưng đọng, trì trệ…
No comments:
Post a Comment