Friday, December 17, 2021

NGUY CƠ TRUNG QUỐC ĐE DỌA QUYỀN LỢI QUÂN SỰ CỦA MỸ TRONG VÙNG ĐẠI TÂY DƯƠNG (Thanh Hà - RFI)

 


Nguy cơ Trung Quốc đe dọa quyền lợi quân sự của Mỹ trong vùng Đại Tây Dương

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 16/12/2021 - 14:50

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20211216-nguy-c%C6%A1-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%A3i-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-trong-v%C3%B9ng-%C4%91%E1%BA%A1i-t%C3%A2y-d%C6%B0%C6%A1ng

 

Mỹ và Trung Quốc cùng ve vãn Guinea Xích Đạo bởi quốc gia trong vùng Trung Phi này là cửa ngõ mở ra Đại Tây Dương, nơi mà Trung Quốc muốn thiết lập một căn cứ quân sự thường trực để « tiện theo dõi » các hoạt động của Hoa Kỳ.

 

https://s.rfi.fr/media/display/f64364ec-5e73-11ec-b399-005056a90284/w:1024/p:16x9/AP18245236713486.webp

Tổng thống Guinea Xích Đạo Teodoro Obiang Nguema Mbasogo (T) bắt tay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) trước cuộc gặp song phương tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 02/09/2018. AP - Nicolas Asfouri

 

Trong mắt Bắc Kinh Guinea Xích Đạo đang trở thành « mồi ngon ». Nhật báo tài chính The Wall Street Journal ngày 05/12/2021 trích dẫn nguồn tin tình báo của CIA, theo đó Trung Quốc muốn đặt một « căn cứ quân sự thường trực » tại đây.

 

Nếu thành công, đó sẽ là căn cứ quân sự thứ nhì của Trung Quốc tại châu Phi. Giới quan sát ghi nhận : từ lâu nay, Guinea Xích Đạo cùng với Angola, Kenya, Mauritania hay Tanzania … được Bắc Kinh coi là những « địa điểm thuận lợi » để đóng quân. Trong trường hợp tin trên được kiểm chứng, thì đây sẽ là « một mối quan ngại mới thách thức Washington » vì Đại Tây Dương vốn được coi là « vùng sân sau của Hoa Kỳ ».

 

Báo The Wall Street Journal trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo cho biết, tình báo Mỹ lo ngại với căn cứ quân sự đặt tại Guinea Xích Đạo, tàu chiến của Trung Quốc sẽ thường xuyên hiện diện trong vùng Đại Tây Dương và viễn cảnh ấy đặt cả Nhà Trắng lẫn bộ Quốc Phòng trong thế báo động. Có nhiều khả năng, quân đội Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến thành phố cảng Bata. Đây cũng là lá phổi kinh tế của Guinea Xích Đạo, nhìn ra toàn bộ Vịnh Guinea. Bata có thêm một lợi thế quan trọng khác, do đây là nơi Trung Quốc đã góp phần lớn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng : nào là bến cảng nước sâu, nào là hệ thống đường xa lộ nối liền Bata với Gabon sát cạnh. 

 

Tình báo Mỹ không loại trừ khả năng « Bắc Kinh viện cớ hỗ trợ phát triển », giúp châu Phi xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có các hải cảng để rồi « tát nước theo mưa », biến những cơ sở đó thành những địa điểm để « phục vụ các lợi ích quân sự ». 

 

Trong một cuộc trả lời hãng tin Mỹ AP hồi tháng 5/2021, lãnh đạo lực lượng quân đội Mỹ tại châu Phi, Stephen Townsend, đã trực tiếp bày tỏ mối lo ngại bởi « Đại Tây Dương nhỏ và hẹp hơn nhiều so với Thái Bình Dương ». Do vậy, căn cứ quân sự của Trung Quốc nếu được đặt ở Guinea Xích Đạo sẽ « rất gần với bờ đông của Hoa Kỳ », còn « gần hơn cả so với khoảng cách giữa những căn cứ quân sự tại Hoa Lục với các địa điểm chiến lược của Mỹ tại bờ tây ».

 

Thêm một yếu tố khác khiến Washington lo ngại được nêu bật trong bài báo của The Wall Street Journal đó là khả năng căn cứ tại Guinea Xích Đạo trở thành địa điểm tiếp liệu cho Hải Quân Trung Quốc. 

 

Với tất cả những lợi thế về mặt địa lý và chiến lược nói trên của cảng Bata, cả Bắc Kinh lẫn Washington cùng đang nỗ lực tranh thủ cảm tình của Guinea Xích Đạo, lôi kéo Malabo vào quỹ đạo của mình.

 

Claude Fouquet trên báo kinh tế Pháp Les Echos nhắc lại không phải tình cờ mà tháng 10/2021, trợ lý cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông John Finer đã dừng chân tại Malabo, tiếp kiến tổng thống Guinea Xích Đạo, Teodoro Obiang. Về mặt chính thức, đôi bên tập trung bàn về những « phương tiện tăng cường an ninh hàng hải » và những biện pháp giúp quốc gia châu Phi này đối phó với đại dịch Covid-19.

 

Điều ít được truyền thông nhắc tới là ông John Finer được trao sứ mệnh « thuyết phục chính quyền Malabo từ bỏ dự án với Bắc Kinh ». 

 

Trung Quốc đã lập tức phản công. Chỉ một tuần lễ sau chuyến công tác của sứ giả Mỹ, chủ tịch Tập Cận Bình điện đàm « thăm hỏi » tổng thống Teodoro Obiang và khẳng định : « Bắc Kinh kiên trì ủng hộ Guinea Xích Đạo trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, ủng hộ Malabo đi tìm một con đường phát triển một cách độc lập ».

 

Giới quan sát lưu ý, Trung Quốc chưa bao giờ che giấu tham vọng lôi kéo châu Phi vào quỹ đạo, kể cả về mặt quân sự. Thế nhưng, Trung Quốc mới chỉ có một căn cứ quân sự duy nhất tại châu lục này, được đặt ở Djibouti, hướng ra Ấn Độ Dương, cách căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Châu Phi Lemonnier có 10 cây số. Lemonnier là nơi hơn 4.500 lính Mỹ đồn trú. Căn cứ đó bắt đầu hoạt động từ 2017. Ngoài những mục tiêu về quân sự, căn cứ tại Djibouti còn phục vụ những quyền lợi kinh tế và thương mại của Trung Quốc : đây là đầu cầu đưa hàng made in China vào thị trường các quốc gia chung quanh như là Ethiopia… Không chỉ đặt một căn cứ quân sự, Trung Quốc còn xây dựng cả hệ thống đường sắt nối liền hai thủ đô, Djibouti với Addis Abeba của Ethiopia. Rất có thể là Bắc Kinh đem những lá chủ bài tương tự ra để chiêu dụ Guinea Xích Đạo.

 

Guinea Xích Đạo đang trở thành một điểm nóng mới trong quan hệ Mỹ-Trung và trong giai đoạn hiện tại, như báo tài chính Mỹ ghi nhận, Washington và Bắc Kinh cùng đang dùng đòn dỗ ngọt để thu phục Malabo, nhưng kèm theo đó là thông điệp rõ ràng gửi tới chính quyền của tổng thống Teodoro Obiang : « nên tránh đặt Guinea Xích Đạo trong thế giữa hai làn đạn » trong cuộc chạy đua tranh giành quyền lãnh đạo thế giới của hai siêu cường là Hoa Kỳ và Trung Quốc.  

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ĐIỂM BÁO

Quan hệ Trung Quốc-Châu Phi: Kỳ vọng biến thành ảo vọng

TRUNG QUỐC - DJIBOUTI

Djibouti –Trung Quốc : Cuộc hôn nhân đầy tính toán

CHÂU PHI - QUÂN SỰ

Châu Phi: Địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc




No comments: