Friday, December 17, 2021

“NỀN VĂN MINH SINH THÁI” BỊ KỸ THUẬT SỐ KIỂM SOÁT Ở TRUNG QUỐC  (Élodie René  -  Phân Tích Kinh Tế)  

 


 

“Nền văn minh sinh thái” bị kĩ thuật số kiểm soát ở Trung Quốc    

Élodie René [*]  -  Phân Tích Kinh Tế   

Phạm Như Hồ dịch

13.12.21

http://www.phantichkinhte123.com/2021/12/nen-van-minh-sinh-thai-bi-ki-thuat-so.html#more

 

Trung Quốc của thế kỷ 21 quyến rũ bao nhiêu thì cũng gây lo sợ bấy nhiêu. Đối với một số nhà bình luận, sự nổi lên của Trung Quốc trên trường quốc tế có nguy cơ khóa lại quỹ đạo của thế giới hướng tới những hành động công nghệ liều lĩnh không thể tránh được, tức là, ít nhiều trong dài hạn, hướng tới sự sụp đổ sinh thái. Đối với những người khác, ngược lại, sự nổi lên của Trung Quốc trên trường kinh tế và chính trị toàn cầu có khả năng dẫn đến sự chuyển đổi sinh thái trên quy mô hành tinh[1]. Do đó, cần phải xem xét kỹ hơn mối liên hệ mà giới tinh hoa chính trị Trung Quốc có với sinh thái học.

 

Với gần 20% dân số thế giới, kể từ năm 2007, Trung Quốc đã là quốc gia phát thải CO2 lớn nhất trên hành tinh và dấu ấn sinh thái của nước này trên hệ thống Trái đất hiện là rất lớn. Nếu Trung Quốc đã trở thành một trong những tác nhân chính góp phần đẩy nhanh các rối loạn sinh thái toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, thì Trung Quốc cũng là một trong những nạn nhân đầu tiên: xáo trộn khí hậu, tàn phá rừng phủ, xói mòn đất canh tác, ô nhiễm nguồn nước, đất và bầu không khí, v.v..[2]

 

Sự gia tăng của các mối quan tâm về sinh thái

 

Trong hai thập kỷ qua, trên đất nước này đã liên tiếp xảy ra những thảm họa về sức khỏe và môi trường gây chấn động dư luận[3]. Những sự kiện nghiêm trọng này, liên quan trực tiếp đến sự gia tăng ô nhiễm đô thị và công nghiệp, đã làm nảy sinh những thách thức chính trị quan trọng mà chính quyền trung ương buộc phải tính đến[4]. Đối với chính quyền, tình hình còn đáng lo ngại hơn, vì chủ yếu tầng lớp trung lưu thành thị, những người hưởng lợi chính từ chính sách tăng trưởng và mở cửa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là những người vận động về các thách thức sinh thái[5]. Người dân thành phố Trung Quốc ngày càng lo ngại về các vấn đề ô nhiễm và đòi hỏi sự minh bạch hơn trong đời sống công cộng của đất nước.

 

Vả lại, những giai đoạn của “ngày tận thế do không khí (airpocalyspe)” của mùa đông 2013 đã kết tinh những bất bình của công chúng đối với chính phủ về việc họ không có khả năng ngăn chặn các vấn đề ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn của đất nước[6]. Những biến cố này nêu bật khó khăn của các cơ quan công quyền trong việc dung hòa sự phát triển kinh tế với việc bảo vệ môi trường.

 

Do đó, những năm gần đây được đánh dấu bằng sự phổ biến rộng rãi tin tức và sự chính trị hóa các vấn đề môi trường trên báo chí và mạng xã hội Trung Quốc, thúc đẩy chính quyền trung ương hành động kiên quyết hơn trong cuộc chiến chống ô nhiễm. Kiểm soát các rủi ro kinh tế - xã hội gắn với thảm họa sinh thái ảnh hưởng đến lãnh thổ Trung Quốc đã trở thành một trong những thách thức lớn cho sự ổn định chính trị của đất nước.[7]

 

Ý thức rằng tính chính đáng chính trị của mình đang bị thách thức, ĐCSTQ đã chính thức nâng việc bảo vệ môi trường và quá trình chuyển đổi sinh thái của mô hình phát triển của mình lên hàng ưu tiên chính trị quốc gia. Với quan điểm này, ĐCSTQ trong nhiều năm đã thúc đẩy khái niệm “văn minh sinh thái” (shengtai wenming 态文明) như một sự thay thế lý thuyết và thực tiễn cho khái niệm quốc tế về sự phát triển bền vững. Được Hồ Cẩm Đào đưa ra trong các bài phát biểu chính thức của Đảng vào năm 2007 trong Đại hội lần thứ XVII của ĐCSTQ, khái niệm này nhanh chóng trở thành một trong những khẩu hiệu chính trị hàng đầu của tu từ học xanh của quyền lực cộng sản Trung Quốc.[8]

 

Văn minh sinh thái đã được nâng lên hàng “mục tiêu chủ yếu” của đất nước vào năm 2012. Năm sau, ĐCSTQ đã thành lập “Nhóm công tác thúc đẩy phát triển kinh tế và văn minh sinh thái.” Sau đó, vào năm 2015, Hội đồng Nhà nước đã công bố hai văn bản chính thức trình bày chi tiết các chính sách và các cách tiếp cận thực tế mà khái niệm này bao gồm. Gần đây hơn, trong Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 vào năm 2018, Tập Cận Bình đã đưa văn minh sinh thái trở thành một nguyên tắc hiến định.

 

Trong bài viết này, chúng tôi nghĩ là cần phân tích sự phát triển của các diễn ngôn và các hệ thống tường thuật khác nhau về nền văn minh sinh thái ở Trung Quốc. Trước hết chúng ta sẽ xem xét các cơ sở lý thuyết của khái niệm này, và sau đó nghiên cứu hiệu năng của nó.

 

Từ “thảm họa sinh thái” đến “nền văn minh sinh thái”

 

Ye Qianji (1909-2017)

Xuất hiện ở Liên Xô vào cuối những năm 1980 ngay sau khi báo cáo Brundtland về phát triển bền vững được công bố, khái niệm “văn minh sinh thái” đã được nhà kinh tế nông nghiệp Ye Qianji (1909-2017) giới thiệu trong giới học thuật Trung Quốc. Ye lần đầu tiên giới thiệu khái niệm này với các đồng nghiệp của mình vào năm 1987 tại một hội nghị quốc gia về nông học sinh thái ở Bắc Kinh. Trong suốt sự nghiệp của mình, Ye luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi mô hình phát triển để tránh sự tàn phá không thể phục hồi của các hệ sinh thái tự nhiên trên khắp thế giới.

 

Năm 1999, Ye, khi đó đã 90 tuổi, đã trình bày lý thuyết của mình về “thảm họa sinh thái” đang diễn ra tại Hội nghị Khoa học Tương Sơn ở Bắc Kinh. Trong hội nghị này, ông đã cảnh báo những người tham gia về những đảo lộn triệt để của hệ thống Trái đất đang diễn ra, nhấn mạnh rằng các hoạt động của con người là nguồn gốc của “thảm họa sinh thái” hành tinh lớn này. Ông nhấn mạnh những mối đe dọa mà các rối loạn của hệ sinh thái toàn cầu gây ra đối với sự tồn tại của nhân loại, nêu bật sự cần thiết phải bắt đầu một quá trình chuyển đổi lớn hướng tới một “nền văn minh sinh thái”.[9] Đối với Ye, quá trình chuyển đổi này phải dựa trên triết lý môi trường và sinh thái học để xây dựng các hệ thống giá trị và các hình tượng khác về thế giới mang tính phê phán hơn đối với tính hiện đại công nghệ-công nghiệp và ít lấy con người làm trung tâm hơn.[10]

 

 

Coraline Goron

Tác động của các công trình của Ye về nền văn minh sinh thái ban đầu chỉ giới hạn trong giới nhỏ các câu lạc bộ của các trí thức Trung Quốc nhạy cảm với đạo đức môi trường. Như được thể hiện qua công trình của Coraline Goron[11], số lượng các bài báo học thuật Trung Quốc, bao gồm tất cả các ngành, đề cập khái niệm văn minh sinh thái vẫn còn hạn chế cho đến giữa những năm 2000, nghĩa là cho đến khi nó được đưa vào các văn bản chính thức của ĐCSTQ. Sau đó, số lượng các ấn phẩm khoa học của Trung Quốc về nền văn minh sinh thái đã tăng lên đáng kể, để bùng nổ sau năm 2013.

 

Trước tiên, các trào lưu mác-xít sinh thái và chủ nghĩa xã hội sinh thái của cánh tả mới ở Trung Quốc đã nắm lấy khái niệm này. Các cuộc thảo luận tri thức và chính trị về nền văn minh sinh thái ban đầu đã tích hợp một chiều kích phê phán đối với chủ nghĩa tự do kinh tế, các giá trị của xã hội công nghiệp và những bất công về môi trường. Nhưng tác động của chúng về sự biến đổi và tính phê phán đã nhanh chóng bị xóa bỏ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

 

 

Pan Yue (1960-)

Về phương diện này, cần phải nhớ lại rằng Pan Yue, một trong những chính trị gia chính của Trung Quốc, gần với cánh tả mới, người đã hoạt động để sáp nhập khái niệm văn minh sinh thái vào ngôn từ chính thức của ĐCSTQ, đã buộc phải im hơi lặng tiếng vào cuối những năm 2000, sau khi đã công khai bảo vệ các nhà hoạt động môi trường vận động chống lại việc xây dựng một nhà máy paraxylene ở Hạ Môn trong năm 2007. Khi đó, ông là giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia dưới chính quyền Hồ Cẩm Đào, và được coi là một trong những ngôi sao đang lên của ĐCSTQ. Nếu các lập trường của ông, đặc biệt tiến bộ vì ủng hộ sự hội nhập của các thành phần xã hội dân sự trong chính sách quản lý môi trường của đất nước, đã góp phần vào tiến trình chính trị hóa các vấn đề môi trường ở Trung Quốc, thì điều này cũng đã khiến ông bị đặt vào thế ngoài lề về mặt chính trị.

 

Sau năm 2008, trong bối cảnh ngày càng có nhiều bất ổn về hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trên toàn quốc, ĐCSTQ đã đóng cửa một trong những tạp chí khoa học chính của cánh tả mới và những tham chiếu đến chủ nghĩa xã hội sinh thái đã bị xóa khỏi các diễn ngôn chính thức về nền văn minh sinh thái. Kể từ đó, những đóng góp về mặt lý luận của các trí thức tiến bộ Trung Quốc đối với việc tường thuật về nền văn minh sinh thái đã giảm dần[12], khi các cán bộ cao cấp nhất của Đảng đã nắm lấy khái niệm này để biến nó thành khẩu hiệu hàng đầu trong luận điệu bảo vệ môi trường của họ.

 

Do đó, việc giới tinh hoa của Đảng đã nắm lấy khái niệm này đã có xu hướng hạn chế đáng kể sức mạnh lý luận của nó, cản trở khả năng đề cập một cách phê phán các vấn đề của chủ nghĩa tư bản, của tính hiện đại công nghiệp hoặc của nền dân chủ. Chiều kích phê phán của khái niệm văn minh sinh thái đã bị xóa bỏ và khái niệm này đã biến thành một công cụ được sử dụng phục vụ cho sự tuyên truyền của Nhà nước[13]. Các bài phát biểu và các bài báo gần đây về nền văn minh sinh thái đã khác xa với các công trình của Ye Qianji và những cảnh báo của ông về “thảm họa sinh thái” toàn cầu đang diễn ra, mà chỉ lặp lại đường lối chính thức của Đảng về tăng trưởng xanh và tiến trình khử cacbon nền kinh tế. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thuộc trào lưu chủ nghĩa xã hội sinh thái của cánh tả mới, như Wang Hui, vẫn tiếp tục xuất bản các bài báo về nền văn minh sinh thái, nhưng từ nay họ chỉ ảnh hưởng một cách rất hạn chế đến giới chính trị Trung Quốc.

 

 

Phát triển xanh, đổi mới sinh thái và cai trị bằng thông tin

 

Sau khi loại trừ các chính trị gia và trí thức tiến bộ và phê phán nhất, ĐCSTQ, đặc biệt là kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, đã đề ra việc thúc đẩy mô hình chuyển đổi từ trên xuống hướng tới nền văn minh sinh thái, dựa trên cách tiếp cận hiện đại, định lượng, kỹ thuật và trấn áp về các vấn đề sinh thái. Đối với Đảng cần phải dựa vào các tiến bộ kỹ thuật và sự tăng trưởng xanh để đối mặt với các thách thức về môi trường và tăng cường việc thực thi pháp luật về môi trường. “Sự phát triển xanh với các đặc trưng của Trung Quốc” mà chính quyền Tập Cận Bình muốn thúc đẩy nằm trong quá trình liên tục hướng tới sự tiến bộ, như một giai đoạn mới trong quá trình phát triển văn minh của Trung Quốc. Quan điểm này về sự phát triển dựa trên sự quản lý mang tính hệ thống và khoa học mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội của chính quyền trung ương.

 

Như vậy, Tập Cận Bình đã sản xuất và phổ biến cho mọi cấp của xã hội một diễn ngôn thắng lợi về sự đổi mới sinh thái của Trung Quốc do Đảng lãnh đạo, nhờ những tiến bộ đạt được trong lãnh vực “đổi mới sinh thái”. Ý niệm này, ở trung tâm của diễn ngôn chính thức về nền văn minh sinh thái, liên quan đến khía cạnh công nghệ của sự tiến bộ, nhưng cũng liên quan đến chiều kích chính trị và xã hội của nó[14].

 

Để thúc đẩy sự đổi mới sinh thái trong chính trị, nhà chức trách đã dành một vị trí quan trọng cho các hệ thống quản lý môi trường mới bằng thông tin, mà họ đã thử nghiệm từ vài năm nay[15]. Vấn đề là phải vừa tăng cường năng lực giám sát và kiểm soát kỹ thuật của các cơ quan quốc gia[16], mà còn vừa khuyến khích công chúng và những người kéo còi báo động tố cáo hành vi “gian lận” của các doanh nghiệp và chính quyền địa phương gây tổn hại đến môi trường[17] thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Khi làm như vậy, chính quyền tìm cách kiểm soát và tập trung sự bất mãn của người dân và định hướng nó chống lại những chúa tể ở địa phương, nhằm làm cho các cuộc biểu tình của quần chúng không đặt vấn đề về tính chính đáng của chính quyền trung ương.

 

Ngoài ra, tầm quan trọng chiến lược của việc cai trị bằng thông tin trong dự án văn minh sinh thái của ĐCSTQ còn củng cố thêm vai trò ưu việt của lĩnh vực kỹ thuật số trong nền kinh tế chính trị của Trung Quốc. Vấn đề là đưa những tiến bộ đạt được của các công ty, trong việc thu thập và phân tích dữ liệu cũng như trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), vào việc phục vụ cho công cuộc “hiện đại hóa sinh thái” của đất nước.

 

Về vấn đề này, điều đáng lưu ý là chính phủ đang tìm cách vận dụng các chỉ số phát triển mới, chẳng hạn như GDP xanh 2.0, dựa vào các phương pháp tính toán dựa trên dữ liệu lớn về môi trường. Dự án này được xem như là một giải pháp thiết thực để cải thiện việc bảo vệ môi trường và việc hợp lý hóa các cách sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng cách sử dụng các dữ liệu được coi là khoa học và khách quan.

 

Điều này đòi hỏi việc giám sát, định lượng và kiểm soát toàn bộ các hoạt động của con người và tác động của chúng đến các tài nguyên đất, rừng, khoáng sản, năng lượng và nước của đất nước. Vấn đề là phải đánh giá lượng tài nguyên bị tiêu thụ bởi các hoạt động kinh tế cũng như những thiệt hại môi trường do phát triển công nghiệp và đô thị gây ra để tích hợp chúng vào hệ thống tính toán GDP. Do đó, dự án tăng trưởng xanh và minh bạch này đòi hỏi phải trang bị cho toàn bộ lãnh thổ các công cụ kỹ thuật số để thu thập dữ liệu về dấu ấn sinh thái của các hoạt động của con người và tập trung chúng trong một nền tảng duy nhất do chính quyền trung ương kiểm soát.

 

 

Thành phố sinh thái, sự giám sát và chủ nghĩa chuyên quyền xanh

 

Đúng theo các diễn ngôn của ĐCSTQ, việc xây dựng một nền văn minh sinh thái chỉ có thể thông qua sự củng cố vị trí trung tâm của quyền lực và các năng lực cưỡng chế của nó[18]. Theo quan điểm này, đối với chính phủ của Tập Cận Bình, dự án GDP 2.0 là một công cụ lý tưởng để thực hiện giấc mơ đổi mới sinh thái và “phát triển xanh với đặc trưng Trung Quốc”. Thông qua hệ thống tài khoản xanh mới này, chính phủ hy vọng có thể tối ưu hóa việc kiểm soát các luật môi trường (S. Weigelin-Schwiedrzik, 2018), dựa vào sự tiến bộ của các công ty trong không gian điều khiển để giám sát toàn bộ người dân và tự động hóa các biện pháp trừng phạt trong trường hợp không tuân thủ các quy tắc, nhờ vào các thuật toán được các cơ quan trung ương cấu hình. Cần lưu ý rằng Học viện Nghiên cứu Không gian điều khiển Trung Quốc, một tổ chức tư vấn chiến lược do Tập Cận Bình sáng lập gần đây để tư vấn cho các nhà chức trách về các vấn đề cai trị bằng điện tử, được các nhà chức trách huy động để làm việc trên các “dữ liệu lớn” về môi trường nhằm đưa chúng hoạt động về mặt chính trị[19].

 

Dựa vào đó, ĐCSTQ tìm cách thiết lập các hệ thống kỹ thuật số trên toàn lãnh thổ để đánh giá, theo thời gian thực, hiệu quả hoạt động môi trường của các công ty, các quan chức hành chính, cũng như của các công dân, nhằm thúc đẩy các lối sống “xanh” hơn[20].

 

 

Susanne Weigelin-Schwiedrzik

Đây là lý do tại sao, như nhà nghiên cứu Susanne Weigelin-Schwiedrzik chỉ ra, kế toán về GDP xanh 2.0 cuối cùng sẽ bao gồm “các dữ liệu về cách các cá nhân sử dụng các nguồn tài nguyên khan hiếm như nước và năng lượng, xử lý các chất thải của họ và chăm sóc sức khỏe của họ bằng cách ăn những gì họ được cho là phải ăn”. Mọi công dân cần được giám sát trong môi trường riêng tư của mình, 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần, để đảm bảo rằng hành vi của họ vẫn tuân theo các quy tắc sống do ĐCSTQ đặt ra.[21]

 

Như vậy, dự án của Đảng về nền văn minh sinh thái hàm chứa một “ý thức hệ chuẩn tắc” nhằm tác động đến thái độ đạo đức và lối sống của công dân[22]. Điều này hoàn toàn phù hợp với hệ thống tín dụng xã hội mà chính phủ đã thử nghiệm từ năm 2014, giúp chính phủ tác động đến hành vi của các tác nhân và điều chỉnh mối quan hệ của họ với hệ sinh thái thông qua các công cụ kỹ thuật số kiểm soát xã hội.

 

Mang lại sức mạnh quy phạm khổng lồ cho các hệ thống xử lý dữ liệu lớn, nền văn minh sinh thái cũng cộng hưởng với các dự án thành phố sinh thái xanh và thông minh đang phát triển trên khắp Trung Quốc. Các dự án thành phố kết nối này dựa trên việc thiết lập các dữ liệu về các cá nhân và về môi trường như một quá trình tổ chức chính trị của các hệ sinh thái đô thị và đòi hỏi việc tăng cường giám sát và kiểm soát cư dân thành phố nhân danh một môi trường sống trong lành và sinh thái hơn.

 

Là những nơi đổi mới xã hội, công nghệ, chính trị và văn hóa, các thành phố tạo thành không gian thử nghiệm ưu tiên cho các công cụ cai trị bằng thông tin mới mà chính phủ đang triển khai. Kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc nhấn mạnh đến “việc tối ưu hóa các cấu trúc không gian quốc gia như phương tiện thiết yếu để xây dựng nền văn minh sinh thái”[23]. Trong những năm gần đây, khái niệm “đô thị hóa sinh thái” đã có xu hướng nổi lên như một hệ hình chủ đạo trong các bản tường thuật về sự phát triển đô thị ở cả nước[24]. Khái niệm này, được coi là khoa học và thuần lý, đòi hỏi sự tích hợp các hệ thống kiểm soát toàn thị hệ sinh thái vào các chính sách quy hoạch đô thị để có thể chuẩn hóa hành vi của con người nhằm cho chúng trở nên “sinh thái hơn”.

 

Như vậy, đằng sau diễn ngôn chính thức về nền văn minh sinh thái, một mô hình mới của “chủ nghĩa chuyên quyền xanh[25] đang xuất hiện, mà các phương thức cai trị dựa trên việc mở rộng các cơ chế giám sát và kiểm soát dân cư. Trong viễn cảnh này, đối với chính phủ, các “thành phố sinh thái thông minh” là các phòng thí nghiệm hoàn hảo để thử nghiệm “chính sách sinh học xanh 2.0” này. Cần lưu ý rằng Trung Quốc dự kiến ​​sẽ có gần một tỷ cư dân thành thị vào năm 2030, tức là 70% tổng dân số[26]. Do đó, nền văn minh sinh thái của ĐCSTQ sẽ kiên quyết là đô thị và toàn thị.

 

Nếu sự lan rộng của thuyết về sự sụp đổ ở các nền dân chủ tự do châu Âu dựa trên sự lưu hành của kiến ​​thức về khủng hoảng sinh thái ở quy mô lớn, thì có vẻ như Trung Quốc đang có quan điểm ngược lại với mô hình phổ biến thông tin này, ngay khi sự phát triển của Internet trên lãnh thổ của Trung Quốc có thể mang lại hy vọng về sự tham gia mạnh hơn của xã hội dân sự vào việc quản lý môi trường của đất nước. Các biện pháp để định hướng bằng kỹ thuật số các hành vi do chính quyền Tập Cận Bình triển khai có nguy cơ tịch thu các kiến ​​thức tổng quát ở cấp chính quyền trung ương và các công ty lớn của web Trung Quốc (BATX), bằng cách phổ biến cho người công dân bình thường, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhỏ chỉ những đánh giá/khuyến khích họ phải tuân thủ kỷ luật[27].

 

Đó cũng là một cách để trốn tránh câu hỏi đặt ra cho các nền dân chủ: liệu các nền dân chủ này có thể đảm bảo sự gắn kết khi đối mặt với những xáo trộn vật chất? Ở đây, có vẻ như một phản ứng phi dân chủ đang xuất hiện ở Trung Quốc, điều này cho thấy rằng, miễn là chúng ta có thể duy trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, chúng ta có thể giảm thiểu sự xuống cấp và làm các cú sốc nhẹ đi bằng cách đưa người dân vao khuôn phép, từ sự phối hợp tập trung.

 

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “La “civilisation écologique” contrôlée par le numérique en Chine”, Multitudes, 2019/3 (n076), pp. 86-93.

 


 

Chú thích:

[1] Spangenberg, J. H. (2014). China in the anthropocene: Culprit, victim or last best hope for a global ecological civilisation? BioRisk: Biodiversity & Ecosystem Risk Assessment, (9).

[2] Wu, F., & Edmonds, R. (2017), “China’s Three-Fold Environmental Degradation. Environmental Degradation” in Critical Issues in Contemporary China, 2nd edition, edited by Czeslaw Tubilewicz, Routledge.

[3] Huchet, J. F. (2016), La crise environnementale en Chine: évolutions et limites des politiques publiques, Presses de Sciences Po.

[4] Salmon, N. (2016). Les journalistes chinois engagés dans le domaine de l’environnement: les équilibres de la critique entre acceptation et refus du politique (Doctoral dissertation, Sorbonne Paris Cité).

[5] Hulme, A. (2018). Greening the Chinese city: young people, environmental activism and ChinaNet. In Chinese Urbanism (pp. 90-101). Routledge.

[6] Huchet, J. F. (2016). La crise environnementale en Chine: évolutions et limites des politiques publiques, Presses de Sciences Po.

[7] Ibid.

[8] C. Goron, (2018), “Ecological Civilization and the Political Limits of a Chinese Concept of Sustainability”, Perspectives chinoises, 2018(4), 25-38.

[9] Y. E. Qian-ji, (2006). Catastrophic Phenomena in the Global Environmental Ecological System and the Theory of Ecological Catastrophism [J]. Journal of Southwest Agricultural University (Social Science Edition).

[10] M. Marinelli, (2018), “How to Build a “Beautiful China” in the Anthropocene. The Political Discourse and the Intellectual Debate on Ecological Civilization”, Journal of Chinese Political Science, 1-22.

[11] C. Goron, (2018), “Ecological Civilization and the Political Limits of a Chinese Concept of Sustainability”, Perspectives chinoises, 2018(4), 25-38.

[12] Ibid.

[13] Ibid.

[14] S. Geall, & A. Ely, (2018), “Narratives and Pathways towards an Ecological Civilization in Contemporary China”, The China Quarterly, 236, 1175-1196.

[15] Y. Tan, (2014), “Transparency without Democracy: The Unexpected Effects of China’s Environmental Disclosure Policy”, Governance, 27(1), 37-62.

[16] Xi Jinping, 19th Communist Party Congress speech on October 18, 2017 relating to Ecological and Environmental Protection.

[17] L. Zhang, A. P. Mol & G. He, (2016), “Transparency and information disclosure in China’s environmental governance”, Current Opinion in Environmental Sustainability, 18, 17-24.

[18] C. Goron, (2018), “Ecological Civilization and the Political Limits of a Chinese Concept of Sustainability”, Perspectives chinoises, 2018(4), 25-38.

[19] Interview avec le Vice President de la Chinese Academy of Cyberspace Studies, Paris, juin 2018.

[20] S. Weigelin-Schwiedrzik, (2018). Doing things with numbers: Chinese approaches to the AnthropoceneInternational Communication of Chinese Culture, 1-21.

[21] Ibid.

[22] H. Y. Dam, & S. S. di Vettimo, “Entre réconciliation avec la nature et “civilisation écologique””, (2018). In Penser l’anthropocène. Presses de Sciences Po.

[23] C. P. Pow, (2018), “Building a harmonious society through greening: Ecological civilization and aesthetic governmentality in China”, Annals of the American Association of Geographers, 108(3), 864-883.

[24] J. C. Chen, (2017). Social-environmental dilemmas of planning an ‘ecological civilisation’in China. In The Routledge Companion to Planning in the Global South (pp. 180-191). Routledge.

[25] B. Gilley, (2012), “Authoritarian environmentalism and China’s response to climate change”, Environmental Politics, 21(2), 287-307.

[26] McKinsey Global Institute, Preparing for China’s urban billion – Executive Summary – March 2009.

[27] M. Meissner, & J. Wübbeke, (2016). IT-backed Authoritarianism: Information Technology Enhances Central Authority and Control Capacity under Xi Jinping. China’s Core Executive: Leadership styles, structures and processes under Xi Jinping, 52-57.




[*] Élodie René là nghiên cứu sinh tiến sĩ về kinh tế học ở Đại học Northampton (Anh). Bà còn là nhà phân tích về chính trị học và một nhà tham vấn về mậu dịch quốc tế. Công trình nghiên cứu của Bà tập trung vào vai trò của kỹ thuật số trong các tiến trình đổi mới sinh thái ở Trung Quốc. Trước đây, bà đã có những hoạt động về tình báo kinh tế trong tiến trình quốc tế hoá của các công ty viễn thông Trung Quốc. Bà đã sống nhiều năm ở Bắc Kinh và Thượng Hải và đã từng làm việc trong bộ phận quan hệ công chúng của công ty Hoa Văn (Huawei).

 




No comments: