MỘT HƯ HỎNG VỀ THIẾT CHẾ
KHOA HỌC
https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1383652218748758
Báo chí của Nhà nước đang và sẽ còn bận rộn
khai thác những tình tiết chung quanh "Câu chuyện Việt Á", nhưng đó
chỉ là một trong hàng ngàn hay hàng vạn trường hợp đã và đang xảy ra. Nếu chỉ
xoáy vào Việt Á thì e rằng chỉ thấy cây mà không thấy cả khu rừng đã bị hư lâu
rồi. Hư về tính minh bạch, về y đức, và thiết chế khoa học. Phải trồng lại rừng
thôi.
Câu chuyện Việt Á làm chúng ta sốc là phải. Sốc
vì con số quá lớn (hơn 4000 tỉ đồng). Sốc vì con số "lại quả" (mà phải
mất một thời gian tôi mới hiểu nghĩa thật của chữ này) tại một tỉnh nghèo. Sốc
vì sự yếu ớt về khoa học tính đằng sau một sản phẩm. Sốc vì sự dễ dãi của thiết
chế khoa học cấp quốc gia. Sốc vì hậu quả của nó có thể gây tác hại cho hàng
triệu người.
Một dạng
'institutional corruption'
Khi sự việc xảy ra, báo chí và công chúng thường
chỉ tay về cá nhân đương sự, và điều này cũng dễ hiểu. Nhưng đương sự chỉ là 'sản
phẩm' của một hệ thống mà thôi. Nếu kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh với
các đơn vị thuộc Nhà nước thì chắc tất cả đều là Việt Á cả.
Vấn đề lớn hơn là lỗi của hệ thống, của thiết
chế (institution). Chỉ trích cá nhân của Việt Á có thể đem lại sự hả hê cho vài
người, nhưng không giải quyết được vấn đề lớn hơn là lỗi của thiết chế.
Công bằng mà nói tham nhũng ở Việt Nam là một
hiện tượng mang tính thiết chế, hay 'institutional corruption'. Tham nhũng thiết
chế được biểu hiện qua chiến lược gây ảnh hưởng nhằm làm suy giảm năng lực của
một thiết chế, và làm xói mòn niềm tin của công chúng vào thiết chế đó. Câu
chuyện Việt Á rất phù hợp với định nghĩa này, vì nó làm cho công chúng mất niềm
tin vào thiết chế khoa học Việt Nam.
Làm sao một thiết chế khoa học nghiêm chỉnh có
thể chấp thuận cho lưu hành một sản phẩm [1] có ảnh hưởng đến hàng trăm triệu
người? Làm sao một thiết chế khoa học cấp quốc gia mà không hiểu tiếng Anh của
Tổ chức Y tế Thế giới? Thiết chế đó có vấn đề.
Kém minh bạch
Một trong những vấn đề của cái thiết chế đó là
tính minh bạch. Tính minh bạch là tiêu chuẩn số 1 của khoa học. Chúng ta đã thấy
quá trình nghiên cứu, xét duyệt và phê chuẩn vaccine chống Covid ra sao. Họ làm
nghiên cứu từ lúc nào, công bố ở đâu, và hội đồng xét duyệt gồm những ai. Có cả
biên bản thảo luận trong cuộc họp xét duyệt. Sự minh bạch như thế làm cho công
chúng tin vào khoa học.
Nhưng ở Việt Nam, công chúng không biết hội đồng
khoa học đã thông qua bộ kit của Việt Á gồm những ai và kinh nghiệm nghiên cứu
khoa học của họ ra sao. Người ta chỉ nói "Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp
Quốc gia". Người ta không cho biết qui trình xét duyệt của Hội đồng là gì,
và cũng không công bố biên bản họp. Quan trọng hơn là không có một dữ liệu khoa
học nào được công bố để công chúng và giới khoa học có thể thẩm định độ chính
xác và độ tin cậy của phương pháp xét nghiệm! Sự thiếu minh bạch như thế làm
cho công chúng mất niềm tin vào thiết chế khoa học Việt Nam.
Tôi tự hỏi tại sao Việt Nam không tận dụng các
chuyên gia gốc Việt ở nước ngoài? Ở Úc này, mỗi khi xét duyệt một sản phẩm y tế
nào người ta đều mời các chuyên gia nước ngoài tham gia bàn luận hay xin ý kiến
của các chuyên gia nước ngoài. Ý tưởng là các chuyên gia nước ngoài thường cho
ý kiến độc lập so với các đồng nghiệp trong nước Úc. Việt Nam hay nói đến việc
thu hút giới khoa học nước ngoài, nhưng họ chỉ nói cho có nói, chớ trong thực tế
thì không làm như họ nói.
"Lại quả"
Tình trạng kém minh bạch trong khoa học mở
cánh cửa cho nhiều tiêu cực, và một trong những tiêu cực đó là 'lợi quả'. Có thể
nói rằng lợi quả ở Việt Nam gần như là một nét văn hoá trong khoa học và kinh
doanh. Nó là một 'luật chơi' mà ai muốn làm cho được việc cũng phải tham gia.
Theo thời gian nó trở thành hệ thống hoá. Chính sự hệ thống hoá này làm suy giảm
năng lực của thiết chế và làm cho đất nước nghèo hơn.
Ai cũng biết ở Việt Nam lại quả là một 'luật'
trong việc mua thiết bị khoa học đến thuốc men. Có người vui miệng nói là 'luật
giang hồ'. Mua cái gì cũng phải lại quả, chỉ khác biệt là ít hay nhiều, hoặc
gián tiếp hay trực tiếp mà thôi. Đây chính là một trong những lí do tại sao thiết
bị y tế và thuốc men ở Việt Nam có khi mắc hơn ở nước ngoài. Sự việc này đã diễn
ra mấy mươi năm nay rồi, chớ chẳng phải mới. Ấy thế mà cho đến nay cái thiết chế
đó vẫn chưa thấy có gì thay đổi tích cực.
Có người nói sẽ không thay đổi được vì vấn đề
xuất phát từ thể chế. Có thể như thế, nhưng tôi thấy nó tuỳ thuộc vào lãnh đạo.
Câu chuyện chung quanh 'đấu thầu' liên quan đến các công ti công nghệ sinh học
làm tôi nhớ đến Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU). Nhiều năm trước khi bắt đầu thiết
lập labo nghiên cứu cơ và xương ở TDTU, chúng tôi phải mua máy móc, thiết bị từ
các công ti. Hầu như liên lạc với công ti nào người ta đều nói đến hoa hồng với
những con số cụ thể. Nhưng chúng tôi nói rằng ở đâu thì không biết, còn ở đây
(TDTU này) thì không có chuyện đó. Đó là chánh sách của Đại học mà chúng tôi rất
hài lòng. Một đại diện công ti nói rằng anh ấy đã kinh doanh 25 năm ở VN nhưng
chưa thấy nơi nào như TDTU!
Nếu TDTU làm được thì tại sao những nơi khác
không làm được? Có thể người ta không muốn làm?
Câu chuyện Việt Á là một minh chứng cho thấy
quan điểm 'bôi trơn' của lí thuyết gia Samuel Huntington sai. Trong một bài luận
trước đây, Giáo sư Huntington lí giải rằng ở các nước kém phát triển, việc bỏ
ra một ít tiền để 'bôi trơn' và lách hệ thống hành chánh cồng kềnh để đạt mục
tiêu có thể giúp cho guồng máy kinh tế vận hành và phát triển. Nhưng ở Việt
Nam, chúng ta thấy quan điểm này của ông Huntington sai.
Y đức
Câu chuyện Việt Á còn nói lên vấn đề y đức ở
Việt Nam. Nhiều năm trước, y đức là một vấn đề nhức nhối trong ngành y, qua
hàng ngàn câu chuyện bệnh nhân đút lót cho nhân viên y tế để được ưu tiên. Thời
đó, số tiền 'bôi trơn' chẳng là bao, nhưng đã làm tha hoá rất nhiều người.
Nhưng ngày nay, y đức ở Việt Nam có một chiều
kích khác, lớn hơn và nghiêm trọng hơn. Nó không chỉ là vài triệu đồng bôi
trơn, mà là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng. Nó không phải chỉ liên quan
đến vài nhân viên y tế nghèo khó, mà dính dáng đến những người trong vị trí
lãnh đạo và giàu có, những người trong giới tinh hoa của xã hội. Nó không chỉ
liên quan đến một vài bệnh nhân như thời xưa, mà hàng trăm triệu người trong cộng
đồng.
Một trong những qui ước của y đức Việt Nam đọc
rất hay.
"Tôn trọng pháp luật và thực hiện
nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm
cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được
phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh."
nhưng trong thực tế thì đó chỉ là một uyển ngữ.
Chúng ta thấy ngay cả được phép của các Bộ chuyên trách mà vẫn sai lầm. Sai lầm
từ thiết chế. Thành ra, nếu chỉ xoáy vào một công ti hay một nhóm thì chẳng
khác gì chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Vấn đề là khu rừng bị cháy, thì chữa
cháy một cái cây đâu có giải quyết được gì. Phải trồng lại khu rừng thôi.
_______
[1] Tháng 3/2020, Hội đồng Khoa học và Công
nghệ cấp Quốc gia đã thông qua kết quả nghiên cứu chế tạo và kiến nghị Bộ Y tế
cấp phép sử dụng bộ kít Real - time RT - PCR one step (test Covid).
.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1383652102082103&set=a.105461306567862
Kít xét nghiệm Việt
Á nằm trong danh sách thông báo của Bộ Y Tế
.
.
CÁC MỐC SON TỔNG LỰC và QUYẾT
LIỆT CÙNG VIỆT Á ĐƯA GẤP KIT TEST RA THỊ TRƯỜNG:
-
17/2/2020: Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Đề tài khoa học sản xuất kit test
Sars-Cov-2 giao cho Học viện Quân y và Cty CP Công nghệ Việt Á thực hiện
-
3/3/2020: Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu giai đoạn 1 Đề tài, đánh giá sản
phẩm kit test
-
4/3/2020: Bộ y tế ra quyết định 774/QĐ-BYT ban hành danh mục 2 sản phẩm chẩn
đoán invitro SARS-COV-2 do Học viện quân y và Cty CP Công nghệ Việt Á sản xuất
được cấp số đăng ký. Như vậy, Việt Á đã được phép lưu hành sản phẩm để xét nghiệm
Covid-19 tại VN.
-
8/3/2020: web Chính phủ Chinhphu.vn đăng bài "Ưu điểm vượt trội của bộ kit
xét nghiệm SARS-COV-2 'made in Vietnam'’
-
17/3/2020: web Bộ Khoa học và Công nghệ most.gov.vn đăng bài "Bộ kit xét
nghiệm SARS-Cov-2 : Thành công từ "nhiều mũi giáp công"
-
21/3/2020: KOL Nguyễn Công Khế viết tút FB "Chú em này rất dễ thương... Hỏi
ra mới biết, chú phải ra Hà Nội, gặp những người trọng yếu trong lĩnh vực
nay... Chú có tên là Phan Quốc Việt... Năng lực 10000 bộ/ ngày, Việt Nam trở
thành 1 trong 6 đơn vị sản xuất được Kit phát hiện nCoV. Nhiều nước đặt
mua..."
-
26/4/2020: web Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tin: "24/4/2020, bộ xét nghiệm
Covid-19 của Việt Nam sản xuất đã được WHO chấp thuận, cấp mã số EUL
0524-210-00. 21/4/2020, Bộ y tế và chăm sóc XH Vương quốc Anh đã cấp giấy chứng
nhận đạt chuẩn châu Âu CE và chứng nhận lưu hành tự do CFS".
-
26/4/2020: web TTXVN đăng bài "Bộ KIT xét nghiệm của VN được WHO chấp thuận.
Cơ hội xuất khẩu".
Tiếp
theo là các web Nhân Dân, Đảng Cộng Sản, VTV cùng vào cuộc loan tin.
- từ
tháng 5/2020 đến tháng 12/2021: Cty CP Công nghệ Việt Á đã mở hết tốc lực bán
hàng triệu bộ kit xét nghiệm ra thị trường VN, doanh thu được cho là đạt 4.000
tỷ đồng.
-
12/3/2021: UBND - UBMTTQ Tp. HCM tổ chức tuyên dương "Những tấm gương thầm
lặng mà cao cả", trao tặng Huân chương lao động hạng 3 cho Cty CP Công nghệ
Việt Á (do Chủ tịch nước ký)
-
3/6/2021: Vingroup lập Cty CP công nghệ sinh học VinBioCare vốn điều lệ 200 tỷ,
Vingroup chiếm 69% cổ phần, ông Phan Quốc Việt chiếm 30% cổ phần, làm Tổng giám
đốc.
-
31/7/2021, HĐQT Cty CP Công nghệ sinh học VinBioCare bổ nhiệm bà Lê Ngọc Chi
làm Tổng giám đốc mới, thay ông Phan Quốc Việt, thôi là thành viên góp vốn.
-
21/10/2021: WHO không phê duyệt bộ xét nghiệm Sars-Cov-2 của Việt Á.
-
18/12/2021: Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố bị can, bắt tạm
giam ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Cty CP công nghệ Việt Á, để điều tra về
những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19.
(lượm
lặt)
.
Nhìn
chung sự việc Việt Á xảy ra làm cho chánh phủ thờ phào, vì công chúng quên
phiên toà Đoan Trang và các activists khác. Thiên hạ hăng hái chạy theo câu
chuyện Việt Á mà quên những chuyện thậm chí quan trọng hơn.
.
Một
đất nước độc đảng toàn trị, kém trung thực, không minh bạch, không tự do báo
chí....thì vô phương. Dù cải cách thế nào đi nữa, những đứa con của đảng vẫn sử
dụng quyền lực nhà nước một cách bất hợp pháp để kiếm tiền và họ hiện diện khắp
nơi, mọi ngành , mọi nghề.....Và không bao giờ biến mất!
No comments:
Post a Comment