Sunday, December 12, 2021

MÊNH MÔNG THẾ SỰ ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI SỐ 123 : NHỮNG BƯỚC TRỚ TRÊU CỦA LỊCH SỬ (Tương Lai)

 


Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 123 : Những bước trớ trêu của lịch sử  

Tương Lai

Posted on 13/12/2021 by Boxit VN

https://boxitvn.online/?p=78427

 

“Ôi trái tim đang bay theo thời gian” (Trịnh Công Sơn)

 

Ông bạn ghé thăm, thấy tôi đang ngồi trước máy tính. Ngồi xuống cạnh, anh hỏi: “Đang đọc Ngô Thì Nhậm hả? Tìm người tri kỷ trong sách à? Có khi thế lại hay. Nhưng nó liên quan gì đến chủ đề ông đang viết?”.

 

Cũng không rạch ròi lý do” – tôi trả lời – “nhưng bối cảnh ta đang sống khiến tôi nghĩ nhiều đến một “khuôn mặt trí thức” giữa thế cuộc rối ren, hỗn loạn như thời Trịnh-Nguyễn-Tây sơn thế kỷ XVIII”. Là nhân đọc bài của Nguyễn Mộng Giác “Khuôn mặt trí thức lớn thời Tây Sơn” đăng trên “Giai phẩm Tây Sơn Xuân Ất Hợi 1995 tôi hơi sững lại với lập luận và kiến giải độc đáo, phóng khoáng và gần với hiện thực lịch sử hơn nhiều so với những gì tôi đã đọc được về nhân vật mà chưa có một người trí thức Việt Nam nào, từ xưa tới nay, có một đời sống tâm linh và đời sống trần thế phong phú đa diện cho bằng Ngô Thì Nhậm”![1]

Thật thú vị. Lâu lắm tôi mới có cảm giác ấy khi đọc một bài nghiên cứu với một bản lĩnh nghiên cứu đúng nghĩa như tôi đang nghĩ. Cùng với sự thú vị là sự băn khoăn. Nếu “phi hào kiệt chí sĩ bất năng[2] theo cách Lý Tử Tấn, danh sĩ đời Lê – thời thịnh – phẩm bình về bài “Cảm hoài”, nỗi bi phẫn của tráng sĩ Đặng Dung đời Hậu Trần – thời mạt – thì quả là không có một trái tim đập cùng nhịp với thời đại, một đôi mắt trung thực nhìn thấu được thực trạng, một bản lĩnh trí thức giữ được tự do trong văn phong để diễn đạt điều mình cần nói, thì khó có một bài viết đứng được trong lòng độc giả. Kéo ông bạn ra phòng khách ngồi uống trà, vừa tháo bã trà pha ấm mới vừa nói: “Sự nghiệt ngã của thời gian” đối với tôi, là một cảm nhận thật và nó có cái gì đó giống một nỗi ám ảnh”.

 

Ám ảnh gì? “Nhân sinh thiên địa gian, sở vinh tại bất nhục[3]. Một triết lý của cổ nhân mà La Sơn Phu tử tâm đắc. Phải chăng vì thế mà Quang Trung Nguyễn Huệ ba lần bảy lượt biểu tỏ lòng ngưỡng mộ, ông vẫn tìm mọi lý do để cáo từ, chỉ đến khi cùng bất đắc dĩ mới chịu tiếp kiến và đưa ra đôi lời khuyến nghị nhằm biểu tỏ sự cảm khái và cũng rất hữu dụng cho đất nước. Được trọng vọng như thế, nhưng với tầm nhìn về diễn biến của thế cuộc “đời suy thói tệ, danh phận lung tung” – như nhận định của Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tuỳ bút”, thì một bậc trí thức như La Sơn Phu tử không thể chịu được cái khung quan trường để dấn thân vào hoạn lộ mà văn học dân gian đã giễu nhạo: “Tiến sĩ đời Lê hăm bốn vị, tám chân, tám ngụy, tám chân ngụy. Nào biết ai phi và ai thị?.

 

Cứ ngỡ như các cụ ta xưa nói về đại vấn nạn khoa cử và quan trường tệ hại đang rầm rộ diễn ra công khai vaò mạt kỳ triều đại Nguyễn Phú Trọng hôm nay: Tìm mỏi mắt chẳng thấy mấy ai dám hành xử “đã trót lên đèo phải xuống đèo[4] để giữ trọn nhân cách, mà chỉ thấy nhan nhản loại mua bằng bán điểm để có thể chen chân vào bộ máy quyền lực từ to đến nhỏ đang ngày ngày khua môi múa mép để “tìm cách ngoạm một miếng rồi chuồn” như V. Lenin đã cảnh báo ngay từ năm 1918, sau Cách mạng Tháng 10 Nga. Đó là một dự cảm thiên tài, nhưng bất lực.

 

Loại cán bộ trong bộ máy đảng và nhà nước “muốn ngoạm một miếng rồi chuồn” lúc đầu có thể chỉ là cá biệt, nhưng rồi với thời gian, chúng nhung nhúc trong xã hội khó mà kiểm soát được, vì nó là con đẻ của cái thể chế do chính V. Lenin đặt ra. Nói nôm na thì những con sâu nhỏ rồi đến con sâu bự được bà “Phó Doan” khái quát là “ăn không chừa một thứ gì”, nên không chỉ: “Một nong tằm là năm nong kén/ Một nong kén là chín nén tơ/ Quản bao tháng đợi năm chờ/ Ai ơi dứt mối lìa tơ sao đành”, như ca dao ta miêu tả, mà còn sinh sôi nảy nở con đàn cháu đống. Chúng không những dứt mối lìa tơ sao đành” mà còn xe sao cho thật chặt.

 

Nhắc lại cảnh báo của M. Gorki mà đã nhiều lần tôi đã nói đi nói lại trên Mênh mông thế sự, không biết “gió cuốn đi” có được xa không, và liệu bao nhiêu người đã tình cờ nhặt được, nên vẫn muốn gợi lại với độc giả: cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần. Một câu tục ngữ cổ nhưng không phải dở nói rằng: “căn bệnh đến bằng một lạng, nhưng nó đi bằng một cả một cục chì[5]

 

Nên nhớ rằng, “Những ý tưởng không hợp thời” được đăng trên nhật báo Novaja Žizn (Đời Mới) trong những năm 1917-1918, nghĩa là trong bối cảnh của Cách mạng tháng Mười Nga 1917. Khi chỉ đề cao và cho tồn tại “chính thống” phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa mà M. Gorki là người sinh ra nó, thì ở nước ta không mấy người biết về “những ý kiến không hợp thời” của M. Gorki. Mà nếu có biết, thì chắc cũng không thể hoặc không dám đưa ra và phổ biến trong một “môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cảmọi cái khác với chính thống đều bị lên án, mọi cái giống nhau đều được tuyên dương. Vì những cái khác nhau rất khó tạo ra sự nhất trí còn những cái giống nhau sẽ dễ nghe theo làm theo mọi mệnh lệnh[6]. Tủi nhục đáng xấu hổ này như giọt nước tràn ly ở triều đại Trọng mà những người cầm bút phải gánh chịu.

 

Ấy vậy mà, với chế độ phong kiến Việt Nam thế kỷ XVIII, Ngô Thì Sĩ (cha của Ngô Thì Nhậm) vẫn ngợi ca triết lý của Trang Tử “Thị vô cùng, phi diệc vô cùng[7]. Liệu có phải ở thế kỷ XVIII, các cụ ta xưa phóng khoáng hơn bây giờ? Thực ra, đầu có thể rơi như bỡn nếu nói trái ý vua, có thể bị tống ngay vào ngục nếu dám đưa ra những phẩm bình trái tai, và rồi nạn “phạm huý” và bao điều oan khiên khác mà những thân phận trí thức có bản lĩnh phải đương đầu gánh lấy cái nỗi “khổ vì có trí tuệ[8]. Thì chẳng phải Nguyễn Trãi đã viết “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn/ Pha lão tằng vân, ngã diệc vân[9] đó sao?

 

Mà vì hiểu được điều ấy nên “người có chữ biết ứng xử sao cho hợp với quy luật vận động của lịch sử, của đất trời, “nhậm vận thịnh suy vô bố uý[10] là một nan đề. Tuy rằng họ đều hiểu việc “xuất” và “xử”, “hành” và “tàng”, nhưng không phải là chấp nhận điều tiếng “thị phi”, để có một nhân cách hai mặt hoặc theo khuôn mặt vị thần cổ đại Janus[11]. Cũng vì thế, mà người trí thức trong bóng dáng Ngô Thì Nhậm đã vượt qua cái nan đề “danh tiếng” và “tai tiếng” theo cách diễn đạt của Nguyễn Mộng Giác. Khi “đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng” thì theo ngôn từ y học phương Đông, đã vào tận “cao hoang” cũng hàm nghĩa là “vô phương cứu chữa”.

 

Nếu không đến nỗi tuyệt vọng như thế, trong luận điểm của M. Gorki gần một thế kỷ trước, chúng ta đã hiểu được một hướng giải quyết: “Sự nhận thức một cách can đảm những chỗ yếu của mình là sự thúc đẩy tốt nhất cho một ý chí lành mạnh và cho cách tự đánh giá đúng đắn chính mình. Các năm chiến tranh đã cho chúng ta thấy rõ một cách khủng khiếp chúng ta bệnh hoạn như thế nào về văn hóa, yếu kém ra sao về mặt tổ chức. Sự tổ chức các lực lượng sáng tạo của đất nước là quan trọng cho chúng ta như bánh mì và không khí. Chúng ta đã khao khát tự do cao độ. Với thái độ thiên về chủ nghĩa vô chính phủ, chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất tự do – khả năng đó là hiện thực”.[12]

 

Hơn mười năm trước, nhà văn Nguyên Ngọc viết rằng: “‘Không hợp thời’, Gorki đã tự gọi những ý tưởng của mình như vậy, bởi trong những ngày sôi nổi và hứng khởi nhất của Cách mạng tháng Mười Nga, là nhà văn hóa lớn yêu thống thiết nhân dân Nga và đất nước Nga mà ông vốn từng sống ở tận “dưới đáy”[13]1, với tinh thần trách nhiệm và sự bình tĩnh, sáng suốt của một nhà văn hóa lớn, với lòng dũng cảm phi thường, không hề sợ đi ngược chiều gió cả giữa bão táp[14] ông đã đưa ra cảnh báo mà cho đến hơn một trăm sau, tức là những ngày ta đang sống đây phải thấm thía giật mình: “Chúng ta sống giữa một cơn bão của các xúc cảm chính trị, trong sự hỗn độn của một cuộc chiến đấu giành quyền lực; cuộc chiến đấu này đánh thức bên cạnh các tình cảm tốt đẹp còn cả những bản năng đen tối. Điều đó là tự nhiên, nhưng lại đe dọa bẻ cong đi tính cách của chúng ta, và làm cho nó phát triển một cách giả tạo theo một hướng nhất định.

Chính trị là miếng đất trên đó các loại cây gai của sự thù địch độc hại, các nghi kỵ xấu xa, các sự lừa dối trơ trẽn, vu khống, các thói háo danh bệnh hoạn và sự khinh thường nhân cách phát triển nhanh chóng và um tùm. Nếu đếm hết những cái xấu chứa trong con người – thì tất cả những thứ đó đều phát triển đặc biệt rất nhanh trên miếng đất của cuộc đấu tranh chính trị…”[15].

 

Đọc cảnh báo của M.Gorki cho người Nga thời Cách Mạng Tháng Mười 1917, mà cứ như văn hào Nga đang quyết liệt cảnh báo thực trạng đang phơi bày trên đất nước anh hùng và bi thương của chúng ta, dân tộc ta đang phải điêu đứng với mạt triều của thể chế độc tài phản dân chủ.

 

Phải chăng, như nhận định của tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm – một trí thức Việt Nam đang sống ở Mỹ – “bên trong người ông Trọng mang hai lớp tâm thức. Một lớp là niềm tin vào ý thức hệ Mác-Lê như là một vị giáo hoàng La Mã tin vào tín lý Giáo hội Đảng. Lớp kia là của một vị Hoàng đế vốn nghe quen khẩu hiệu “Vạn tuế, vạn vạn tuế’ và tưởng như là sẽ trở thành chân lý vượt thời gian. … “Sau Ta sẽ là Hồng thủy.”* Họ tin rằng chỉ có họ mới giữ được cơ đồ. Ngày hôm nay, ông Trọng nhìn vào cơ đồ của Đảng chắc ông đang phải than, “Sau Ta sẽ là Hồng thủy.”[16] Mà Hồng thủy chính trị cho Đảng sẽ chắc chắn đến. Đây không còn là một tiên đoán – mà là một dự báo. Ông Trọng đang biết điều này. Tinh thần Cách mạng trên làn sóng yêu nước nguyên sơ và trong sáng từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn nay không cònNgười mà ông đang đi tìm hôm nay là chính ông. Chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng đang đi tìm một Nguyễn Phú Trọng và càng loay hoay tìm người kế vị, ông chỉ nhìn thấy chiếc bóng của mình”[17].

 

Mới cách đây mấy ngày thôi, ông ta vẫn cao giọng khẳng định:

 

Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin, … là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện… Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học… Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.”[18]

 

Ông ta không biết hoặc có biết nhưng tránh không muốn vạch áo cho người xem lưng, rằng:

 

Hiện không có đảng ‘chính thống’ nào ở EU muốn làm việc trực tiếp với Đảng Cộng sản Việt Nam. Có một niềm tin cốt lõi trong văn hóa chính trị châu Âu rằng các đảng phái phải được tự do tổ chức và tham gia vào các kỳ bầu cử và điều đó là không thể ở Việt Nam. Do đó, tất cả các đảng ‘có uy tín’ sẽ tránh có quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam”[19] như Bill Hayton, nhà nghiên cứu, nguyên là phóng viên BBC ở Việt Nam đã đưa ra nhận định :

 

Một số cây viết khi nói về kinh tế Việt Nam đã nhắc nhiều tới cụm từ ‘crony socialism’, hay ‘crony communism’. “Mạng lưới xã hội chủ nghĩa theo kiểu con ông cháu cha đang trở thành đe dọa cho sự ổn định trong tương lai của Việt Nam.”Các cụm từ này dịch sang tiếng Việt có thể là chủ nghĩa xã hội/cộng sản thân hữu, nhưng tôi muốn dùng một định nghĩa đơn giản và bình dân hơn, là ‘con ông cháu cha’ (COCC). Bill Hayton… nhận định rằng các manh nha tích lũy tư bản tại Việt Nam đang nằm trong tay số ít người và nền kinh tế đang biến thái “theo xu hướng thỏa mãn nhu cầu của số ít chứ không phải nguyện vọng của số đông”. Anh viết trong bài đăng trên tạp chí Foreign Policy của Mỹ: “Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản đang biến chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam thành doanh nghiệp gia đình… Mạng lưới xã hội chủ nghĩa theo kiểu con ông cháu cha đang trở thành đe dọa cho sự ổn định trong tương lai của Việt Nam.”[20]

 

Đương nhiên, điều quyết định không phải ở mối quan hệ với “bên ngoài” mà là mối quan hệ nội tại, nôm na là mối quan hệ “bên trong”, như Nguyễn Khải viết:

 

Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ và không hỏi gì cũng là một phép giữ mình”… nhân dân biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời dối trá của họ… Một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng của quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả …”.[21]

 

Nguyễn Phú Trọng có biết được những điều đó không? Không biết thì làm sao mà ông có thể “hồn nhiên cứ như thật” để nói với giới báo chí truyền thông sau khi đã dàn dựng một kế hoạch, kể cả giẫm đạp lên Điều lệ Đảng, để ngồi lại ghế Tổng Bí thư thêm nhiệm kỳ thứ ba: “Tôi cũng không được khoẻ lắm, tuổi đã cao rồi. Tôi đã xin nghỉ rồi nhưng Đại hội bầu vẫn phải làm vì là đảng viên phải chấp hành.[22]

 

Đừng quên rằng năm 2016, Nguyễn Phú Trọng cũng từng diễn vở “hài kịch” này khi chia sẻ với báo chí rằng ông ta “bất ngờ vì trúng cử” chức Tổng bí thư lần nữa: “Tôi bất ngờ vì tôi tuổi cao, sức khoẻ, trình độ có hạn. Đã xin nghỉ rồi nhưng vì trách nhiệm của Đảng giao, đã là đảng viên thì phải chấp hành.”[23]

 

Cũng vẫn luận điệu “đã là đảng viên thì phải chấp hành”. Phải chấp hành, như ông đã “ôn nghèo kể khổ” rằng: “Trong những năm tháng chiến tranh, ông cũng từng xin nhập ngũ để chiến đấu nhưng không được đồng ý, rồi ông vào đại học, ra trường công tác qua nhiều nhiệm vụ khác nhau”.[24] Chuyện này thì chắc sinh viên Khoa Văn và nhiều khoa khác cùng ở Ký Phú (Đại Từ, Thái Nguyên) đều thông ngõ tỏ tường về việc ông “không được đồng ý như thế nào chứ chẳng cần giáo sư Đinh Gia Khánh, người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho ông kể với chúng tôi sau này, khi cùng làm việc tại Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Thôi thì “những chuyện tẹp nhẹp” kiểu này xin “chín bỏ làm mười”. “Nhân vô thập toàn” mà, túng thì phải tính thôi. Để rồi còn nói những điều cao cả như “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, hơn nữa “người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ[25] mà ông cần phải nói chứ.

 

Cho nên, nêu lại những chuyện tẹp nhẹp này là muốn bắt chước người xưa chép lại một “Tang thương ngẫu lục桑滄偶錄[26] – ghi chép tình cờ trong cuộc bể dâu – nhằm ôn cố tri tân đôi điều “tang thương” trong bối cảnh “đời suy thói tệ, danh phận lung tung” trong thực trạng của buổi mạt triều đang phơi ra trước mắt.

 

Lịch sử dường như lặp lại khi thử đối sánh thế cuộc rối ren thời Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn giữa cuối thế kỷ XVIII với những gì hiện đang diễn ra trong mấy thập kỷ vừa qua ở cuối thế kỷ XX bước sang đầu thế kỷ XXI. Với giai đoạn chúng ta đang sống thì không chỉ “nước còn cau mặt với tang thương[27] mà dân tình khốn đốn, điêu đứng vì đói khổ, vì thang giá trị bị chao đảo, lung lay, xã hội rối loạn.

 

Nhưng xét đến cùng, trên những bước đi gập ghềnh và thường là trớ trêu ấy của lịch sử, ngoái nhìn lại để suy ngẫm, sự trớ trêu của lịch sử thường in đậm trong tâm trạng người trí thức, phản ánh tâm trạng của thời đại họ sống:

 

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đây luống đoạn trường!
[28]

 

Bởi lẽ, “thời gian đã tích tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin và ý tưởng, trên đó nảy sinh tư tưởng của một thời đại. Chúng không bỗng dưng nẩy mầm, nhú hoa: những chiếc rễ của mỗi tư tưởng đều cắm sâu vào một quá khứ dài lâu. Khi chúng đơm hoa, thời gian đã chuẩn bị sẵn cho mùa hoa nở[29]. Đúng như thế, nhưng có lẽ nhà tâm lý, xã hội học nổi tiếng người Pháp Gustave Le Bon chưa kịp biết rằng “Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố” mà thiên tài Albert Einstein đã chỉ ra.

 

Nói như vậy không để bác bỏ ý tưởng tuyệt vời của nhà tâm lý Pháp, mà là để nói lên tính tương đối của nó. Khi nhà ngụ ngôn nổi tiếng người Pháp – đồng hương với Gustave Le Bon – sống trước ông hai thế kỷ đã viết: “Nỗi buồn bay đi trên đôi cánh của thời gian”, thì phải chăng La Fontaine, nhà thơ Pháp duy nhất hiểu và làm chủ những kết cấu tinh vi trong của ngôn ngữ Pháp trước Victor Hugo – theo thẩm bình của Gustave Flaubert – đã diễn đạt những biểu tượng của tâm thế con người thời đại trong những thăng hoa của “những kết cấu tinh vi” ấy. Cần nhớ rằng, người viết về “nỗi buồn” ấy cũng là tác giả của những truyện ngụ ngôn mà cho đến nay khó nhà văn nào sánh được như: Ve và kiến, Quạ và cáo, Chó sói và cừu non, Con cáo và chùm nho, Gà trống và cáo, Gà mái đẻ trứng vàng, Thỏ và rùa, Đám ma sư tử, Hội đồng chuộtphản ánh chân thực những mặt trái và tình huống của xã hội thời bấy giờ. Ngày nay truyện ngụ ngôn của La Fontaine thế kỷ XVII vẫn giữ nguyên giá trị thời sự sâu sắc.

 

Vì tôi dốt tiếng Pháp không đủ sức diễn đạt nên phải mượn lời Flaubert, được coi là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất của phương Tây và cũng được mệnh danh là một “nhà văn buồn nhất thế kỷ” để dẫn giải cái “ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố” mà Einstein đã chỉ ra, nhằm hiểu thêm sự “trớ trêu” của lịch sử. Vả chăng “trải nghiệm đẹp đẽ nhất chúng ta có thể có chính là sự bí ẩn. Bất cứ ai không còn trải nghiệm cảm giác này cũng đồng thời không còn biết ngạc nhiên, thán phục. Điều đó giống như bạn đã chết rồi, bởi đôi mắt đã hoàn toàn u tối”, chính Albert Einstein khẳng định như vậy.

 

Hơn nữa, lại cũng Einstein đã cảnh báo rằng “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều cái tôi càng bé, hiểu biết càng ít cái tôi càng to”. Vì sợ “đôi mắt đã hoàn toàn u tối” nên tôi phải viện dẫn đến người xưa để tìm thấy ở họ những “sự bí ẩn” của lịch sử. Mà, “lịch sử [của thế giới] chính là tiến trình của ý thức tự do” như sự biện giải của Hegel và “khi một thứ biến mất, một thứ khác lập tức đến thay thế “. Liệu có phải nhà triết học Đức vĩ đại muốn nói về “định luật cơ bản nhất trong vật lý học”: Năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi. Nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác hoặc từ vật này sang vật khác. Điều này cũng gợi ý để tìm cách lý giải “sự trớ trêu của lịch sử”.

 

Nhưng không chỉ người xưa, mà con người hiện đại hôm nay cũng đã khẳng định: “quyền lựa chọn con đường của riêng mình là một đặc quyền thiêng liêng. Hãy sử dụng nó. Hãy đắm mình trong các khả năng”. Hãy “tiếp tục bước một chân lên trước chân kia – ở vào tư thế để leo lên ngọn núi của cuộc đời, biết rằng đỉnh núi vẫn còn ở phía trước. Và mỗi trải nghiệm đều là một người thầy đáng giá”. Đó là khuyến cáo của Oprah Winfrey, người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong một thời đoạn lịch sử nhất định. Bà có quyền nói điều ấy vì chính cuộc đời và sự nghiệp của mình là biểu tượng sống động cho những gì đã nói.

 

Winfrey sinh ra trong nghèo khó ở vùng nông thôn Mississippi, bằng một bản lĩnh phi thường, bà đã trở thành “Nữ hoàng của mọi phương tiện truyền thông”, được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 2021.

 

Dẫn lời thơ của nữ sĩ Việt thế kỷ XIX với cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của của người phụ nữ Mỹ gốc Phi, nhằm nói rằng mỗi thời đại đều hàm chứa những bí ẩn của lịch sử để chúng ta “trải nghiệm cảm giác” “ngạc nhiên” và “thán phục” như Einstein đã nói. Để rõ hơn điều này, xin dẫn ra đây “bà chúa thơ Nôm” độc đáo và cũng độc nhất vô nhị trong thi ca Việt Nam, đó là Hồ Xuân Hương, nữ sĩ chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt. Theo Xuân Diệu, “ở thời kỳ phục hưng, ở thời đại Hồ Xuân Hương, sự đưa cái thế giới của các giác quan vào trong văn học nghệ thuật là một tiến bộ rất lớn, [có lẽ nên nói là một khám phá sáng tạo – TL] nó có ý nghĩa chiếm lĩnh thực tại, phát huy toàn diện tâm trí con người, đóng góp vào sự giải phóng con người…”. Không chỉ giải phóng con người ở khía cạnh bản năng nhục thể “khi người bị gò bó bưng bít quá mức, lúc phản ứng lại, người ta muốn phóng túng thật xa” như lý giải của Xuân Diệu.[30]

 

Nói cách khác, muốn tung hê tất cả theo kiểu nói toạc sự thật ra cho hả, như trong bài Vịnh cái quạt:

 

Hồng hồng má phấn duyên vì cậy

Chúa dấu vua yêu cũng cái này…

… Mát mặt anh hùng khi tắt gió,

Che đầu quân tử lúc sa mưa.

Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,

Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?

 

Và không chỉ có thế, “bà chúa thơ Nôm” sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ đã tuyên bố thẳng thừng bằng một thái độ khinh thị “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo” để dè bỉu:

 

Ví đây đổi phận làm trai được,

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!

 

Thật ra, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng đã là “cảm giác” thì khó mà đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, chỉ là sự tương đối Einstein mà thôi. Khi đã hiểu được rằng “Nhậm vận thịnh suy vô bố uý (Tuỳ vận thịnh suy không hãi sợ) những thăng trầm số phận cũng chính là một phần tất yếu của sự sống vì vậy mà an nhiên tự tại trước mọi diễn biến phức tạp khôn lường của thế sự. Cho nên, ứng xử sao cho hợp với quy luật vận động của lịch sử, của đất trời chính là viễn kiến và bản lĩnh người trí thức của mỗi thời đoạn lịch sử.

 

Từ thế kỷ XI, ông cha ta đã có bản lĩnh và cái nhìn như thế:

 

Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cỏ xuân tươi, thu héo hon.
Tùy vận thịnh suy không hãi sợ,

Thịnh suy đầu cỏ có phơi sương[31] (Thiền sư Lê Mạnh Thát dịch thơ)

 

Cho dù “nỗi buồn” đang “bay theo đôi cánh của thời gian” thì “sự nghiệt ngã của thời gian” có cái gì đó giống một nỗi ám ảnh” trong tôi. Bởi lẽ, như kiến giải của Gustave Le Bon thì: “Hàng nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy, những tư tưởng mới nẩy mầm”. Nhưng cũng nhà tâm lý học xã hội ấy lại đặt ra câu hỏi: “Phải chăng chính tâm hồn của những đám đông đã hun đúc nên chúng? Chắc chắn đám đông bao giờ cũng vô thức, nhưng chính cái vô thức ấy có lẽ là một trong những bí ẩn của sức mạnh đám đông… Trong mọi hành động của chúng ta, phần vô thức thì to lớn còn phần lý trí thì nhỏ bé. Cái vô thức tác động như một lực lượng hãy còn chưa biết rõ[32]. Liệu có phải đây là điều “bí ẩn” mà Einstein nói đến?

 

Cho nên, “phần lớn hành động của chúng ta chỉ là hậu quả của những động cơ ẩn giấu mà ta không nắm được”, Gustave Le Bon chỉ ra điều đó. Theo ông, “cá nhân nằm trong đám đông là một hạt cát giữa vô vàn hạt cát khác mà gió sẽ bốc lên tuỳ thích”. Vì thế, “khi con người nằm trong đám đông, kẻ ngu dốt và nhà bác học đều không có khả năng nhận xétĐám đông giống như những chiếc lá mà giông bão cuốn lên, tan tác mọi ngã, rồi tự rơi xuống”. Ấy vậy mà, “trong đám đông, chính sự ngu đần chứ không phải trí tuệ, đã được tích tụ[33]

 

Từ những kiến giải ấy, nhà tâm lý xã hội Pháp cho rằng “Trong đám đông, tư tưởng, tình cảm, xúc cảm, niềm tin có một khả năng lây nhiễm mãnh liệt như khả năng của vi trùng… Chính bằng cơ chế lây nhiễm, chứ không bao giờ bằng cơ chế suy luận, mà những ý kiến và niềm tin của đám đông được truyền bá…”. “Phải mất nhiều thời gian tư tưởng mới được xác lập trong tâm hồn đám đông, nhưng muốn thoát ra khỏi đó cũng phải mất chừng ấy thời gian. Vậy nên đứng trên phương diện tư tưởng, đám đông bao giờ cũng đi chậm hơn vài thế hệ so với những nhà bác học và những triết gia”. Có lẽ vì thế mà ông khẳng định rằng “trong các vấn đề xã hội cũng như sinh học, một trong những nhân tố giàu sinh lực nhất là thời gian. Nó là người sáng tạo đích thực duy nhất và là kẻ phá hoại duy nhất[34].

 

Chính đây là nỗi ám ảnh tôi chưa giải toả được trước sự nghiệt ngã của thời gian khi tôi từng hiểu khuyến cáo của La Sơn Phu Tử cũng dành cho cả tôi hôm nay.

 

Nhân sinh thiên địa gian, sở vinh tại bất nhục

 

Chính đã đến lúc tự mình phải cố gắng sống sao cho xứng với khuyến cáo của nhà bác học, vị thầy của mọi thời đại Việt: con người sinh ra trong trời đất, cái vinh chính là đừng sống nhục.

 

Tôi bâng khuâng tìm lại Ngô Thì Nhậm:

 

Vọng tri kỷ hề, thiên nhất nhai Mong Người-Tri-Kỷ chừ, một phương trời

Hà nhân thức hề, ngô linh đài. Lòng ta chừ, tri âm ai người?

 

Ngày 10.12.2021

T. L.

 

Tác giả gửi BVN.


 

[1] Nguyễn Mộng Giác. “Ngô Thì Nhậm – khuôn mặt trí thức lớn thời Tây Sơn”. Giai phẩm Tây Sơn Xuân Ất Hợi 1995.

[2] Không phải là kẻ sĩ hay người hào kiệt, không thể viết được như vậy.

[3] Con người sinh ra trong trời đất, cái vinh chính là đừng sống nhục.

[4] Tên một bài thơ của La Sơn Phu tử.

[5] M. Gorki. “Những ý tưởng không hợp thời”.

[6] Nguyễn Khải. “Đi tìm cái tôi đã mất”.

[7] Nói phải là vô cùng, mà cho rằng không phải cũng vô cùng – Tề vật luận, Nam Hoa kinh.

[8] A.X. Griboedov, tác giả vở hài kịch “Khổ vì trí tuệ”, người sát cánh cùng A.X. Puskin và nhiều nhà văn tiến bộ khác đã kiên trì đấu tranh cho sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga nửa đầu thế kỉ XIX.

[9] Người có học thường nhiều hoạn nạn, Tô Đông Pha đã nói vậy, ta cũng vậy.

[10] Bài kệ của Thiền sư Vạn Hạnh: Thị đệ tử. “Dạy đệ tử” : Khi đã hiểu cái lý của thịnh và suy thì chẳng có gì phải sợ hãi.

[11] Một vị thần có hai khuôn mặt, nhìn về cả tương lai và quá khứ cùng một lúc, hiện thân là một vị thần lưỡng phân. Khái niệm về tháng Giêng (January) (đầu năm và kết thúc năm) đều dựa trên biểu tượng Janus.

[12] M. Gorki. “Những ý tưởng không hợp thời”.

[13] Tên một tác phẩm nổi tiếng của M. Gorki.

[14] Nguyên Ngọc. Bài đã dẫn.

[15] M. Gorki. “Những ý tưởng không hợp thời”.

[16] “Après moi, le déluge” (tiếng Pháp).

[17] BBC. 13 tháng 1 2021 Nguyễn Hữu Liêm, gửi cho BBC Tiếng Việt từ San Jose, California.

[18] Nguyễn Phú Trọng. “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

[19] BBC ngày 1.2.2021

[20] BBC ngày 1.2.2021

[21] Nguyễn Khải. “Đi tìm cái tôi đã mất”.

[22] Tuổi Trẻ Online ngày 8.5.2021.

[23] BBC. 1.2.2021

[24] “Tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm sự rằng chương trình hành động ông đã gửi lên ban tổ chức, nên xin dành thời gian để ‘ôn nghèo kể khổ’ với bà con”, Tuổi Trẻ Online ngày 8.5.2021.

[25] Báo Người Lao Động. 11.8.2021, Tiền Phong ngày 12.12.2020.

[26] Tác phẩm của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Dận.

[27] Bài “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan.

[28] Bài “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan

[29] Gustave Le Bon. “Tâm lý học đám đông

[30] Xuân Diệu, “Hồ Xuân Hương-Bà Chúa Thơ Nôm”. Tác phẩm và Dư luận, trang 181.

[31] Nhậm vận thịnh suy vô bố uý, Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy, đừng sợ hãi,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. Vì sự thịnh suy [cũng mong manh] như giọt sương đầu ngọn cỏ

. Thân như điện ảnh hữu hoàn vô, Người đời như bóng chớp, có rồi lại khôn

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. Vì sự thịnh suy [cũng mong manh] như giọt sương đầu ngọn cỏ

[32] Gustave Le Bon. “Tâm lý học đám đông

[33] Gustave Le Bon. “Tâm lý học đám đông

[34] [34] Gustave Le Bon. “Tâm lý học đám đông




No comments: