Wednesday, December 22, 2021

HỌ KHÔNG LÀ LOÀI THÚ - VÀI LỜI VỚI CÔ ĐOAN TRANG và TỔNG BÍ THƯ TRỌNG (Nguyễn Hữu Liêm)

 


Họ không là loài thú – Vài lời với cô Đoan Trang và Tổng bí thư Trọng

Nguyễn Hữu Liêm

21 Tháng Mười Hai, 2021

http://vanviet.info/van-de-hom-nay/ho-khng-l-loi-th-vi-loi-voi-c-doan-trang-v-tong-b-thu-trong/

 

Phạm Đoan Trang: Chín năm; Trịnh Bá Phương: 10 năm; Nguyễn Thị Tâm: Sáu năm. Và còn Cấn Thị Thiêu, Trịnh Bá Tư, Lê Quốc Hùng. Và còn nhiều nữa. Những bản án chính trị khắc nghiệt, bất công, và bất hợp hiến vẫn tiếp tục.

 

Thế giới và nhân dân Việt Nam đồng loạt lên án chính sách áp chế chính trị bằng pháp luật. Đang có nhiều phân tích về câu hỏi tại sao chế độ này vẫn gia tăng đàn áp tiếng nói của giới trí thức bất đồng chính kiến. Chúng ta hãy thừ nhìn vấn đề từ nhiều góc độ.

 

Dân sinh trước, tự do sau?

 

Về phương diện quốc gia, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công, trên mặt tích cực, xây dựng một quốc gia vững mạnh về cấu trúc và ổn định xã hội, và lèo lái đất nước này tránh khỏi nguy cơ đưa đến một quốc gia thất bại – a failed state. Và cộng đồng thế giới chỉ mong được như thế.

 

Đã từ lâu, thế giới chấp nhận tình trạng chậm trễ về sự tôn trọng quyền tự do theo nhu cầu chiến lược an ninh và ổn định toàn cầu – như là một cáo lỗi, một biện minh cho sự bất lực của chính trị ngoại giao. Có lần ông Pete Peterson, lúc đương kim là đại sứ Mỹ ở Việt Nam, nói với một nhóm nhà báo gốc Việt ở California, đại ý rằng, cứ nhìn đến Saudi Arabia, Afghanistan, Ai Cập, cả thế giới Ả Rập, Phi Châu, và hầu hết Á Châu (chậm tiến) thì Việt Nam không tệ lắm.

 

Tức là, thế giới chỉ mong ước nhà nước Việt Nam đừng trở thành một chế độ tồi tàn – chứ không kỳ vọng nó trở nên một thể chế tốt đẹp.

 

Trên nhiều bình diện, Việt Nam đã thành công lớn về mặt dân sinh, ổn định xã hội, nâng tầm mức kinh tế quốc gia lên tầng cao chưa từng có trong lịch sử. Tức là nói theo Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây, đối với quốc dân trong một nước nghèo như Việt Nam thì dân sinh trước, sau mới đến tự do cá nhân và cuối cùng là mưu cầu hạnh phúc – như tiêu chuẩn Life, Liberty, and the pursuit of Happiness – mà Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ đặt cơ sở.

 

Tuy nhiên, chúng ta phải đặt câu hỏi với Thủ tướng rằng, vâng, cho dù chúng ta đồng ý với thứ tự ưu tiên cần thiết nêu trên – tức là nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân trước, sau đó mới nói đến quyền chính trị cá nhân – điều đó không đồng nghĩa với chính sách triệt tiêu những tiếng nói công dân nhắc nhở đến tình trạng khiếm khuyết tự do trên nhiều phương diện cơ bản.

 

Cũng nhưTổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng có lần nhắc nhở gần đây rằng năng động văn hóa nước nhà – văn chương, chính trị học, triết học, và các bình diện xã hội dân sự – phải phát huy đồng bộ với phát triển kinh tế.

 

Vậy thì xin hỏi Tổng bí thư Trọng và Thủ tướng Chính tại sao Đảng không mở rộng một không gian tự do cho công dân được có quyền thực thi tự do ngôn luận, phê phán chế độ, đề nghị những khả thể chính trị khác cho quốc gia?

 

Thưa hai Ngài, những bản án chính trị gần đây là những cái tát vào mặt quốc dân, là những phản đề của tiêu chí văn hóa và văn minh mà Đảng và các Ngài muốn nhân dân theo đuổi. Sau 30 năm Liên Xô tan rã, việc chọn cho quốc gia mô hình thể chế theo đẳngcấp nào hoàn toàn thuộc về các Ngài.

 

Một thái độ khinh mạn chế độ nặng nề

 

Cho đến hôm nay, Việt Nam, như là một quốc gia đang cố gắng trưởng thành, và chế độ Đảng trị hiện nay được thế giới công nhận và tôn trọng trên bình diện chính danh và chính thống. Duy chỉ có một điều, từ phương diện nhân dân, đế chế chính trị này đang từng ngày dần dần đánh mất tính biện minh quyền lực.

 

Tức là, vì lý do địa chính trị đối với Trung Hoa và sự bất lực ngoại giao, cộng đồng quốc tế văn minh bắt buộc phải chấp nhận một Việt Nam đang còn lạc hậu về chính trị. Đảng cũng gián tiếp thừa nhận họ đang dò đường và gần đây bắn ra những tín hiệu. mới nhắm đến tiêu chí xây dựng “nhà nước pháp quyền” nhằm thay thế “chế độ chuyên chính vô sản.”

 

Nhưng về đối nội thì ngược lại, nhân dân Việt Nam càng ngày càng có cái nhìn tiêu cực, và ngay cả khinh thường Đảng vì chế độ này vẫn cứ theo đuổi chuyện cai quản đất nước bằng di sản chuyên chính lỗi thời.

 

Hãy đọc lại những lời của Phạm Đoan Trang trong phiên tòa của cô ở Hà Nội tuần trước:

 

Ngày hôm nay, các anh, chị kết án tôi, có thể bỏ tù tôi nhiều năm nhưng không sao cả bởi vì như nhân vật Nguyễn Trãi trong vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” đã nói: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người. Những bản án càng dài thì càng chứng tỏ bản chất độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các anh, các chị có thể bỏ tù tôi và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay, nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ. Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được.”

 

Chưa từng có một tuyên bố từ tòa án bởi một bị cáo chính trị nào mạnh bạo và tàn khốc như vậy. Khi một phụ nữ trí thức Hà Thành mang thái độ khinh thường, dám coi chế độ và quan tòa như thế thì lẽ ra Đảng và Nhà nước phải bình tâm nhìn lại chính mình, phải soi xét lại phương cách hành xử chuyện công lý pháp chế quốc gia.

 

Nhưng ở đây, tôi cũng xin nhắn với cô Trang rằng câu tuyên bố trên thực ra là quá nặng và quá đáng.

 

Phạm Đoan Trang nên biết rằng “Các anh, chị kết án tôi” chỉ là những công chức nhà nước, làm việc, xử và tuyên án theo chỉ thị của Đảng. Họ không có thẩm quyền tư pháp hay công lý độc lập khỏi mệnh lệnh chính trị. Khi nghe, hay đọc, những dòng trên của cô Trang chắc là họ phải đau lòng và bị thương tổn nặng. Bởi vì, các thẩm phán (chủ tọa là một phụ nữ), hay kiểm sát viên, đều là những cá nhân lưỡng diện. Họ chỉ làm việc theo lệnh thượng cấp khi các vụ án đều được chỉ đạo bởi Đảng. Không loại bỏ khả năng rằng chính họ cũng thấy bất mãn, bất đồng với bản chất của vụ án.

 

Họ không phải là những con thú như cô Đoan Trang ví – mà là những con người hành xử chức năng công chức trong biên độ hành chánh và nhu cầu chính thể cho phép. Họ không có chọn lựa khả thi nào khác trong hoàn cảnh đặc thù. Tuy nhiên, Phạm Đoan Trang đã công khai khinh thường họ vì đóng vai lưỡng diện – khi làm cán bộ tập thể thì khác với con người thật của mình. Chính chế độ của Đảng, vì nhân danh giá trị tập thể, đã làm cho đảng viên tự đánh mất nhân cách và lương tâm.

 

Lãnh đạo Đảng phải chịu trách nhiệm

 

Đảng đang trị nước, đối xử với công dân khác biệt chính kiến, như là một ông bố khắc nghiệt, độc đoán, thiếu hiểu biết, bất lương, phong kiến. Phương cách cha chú của Đảng mãi coi thường nhân dân như là một khối trẻ con. Đảng vẫn tự cho mình là chân lý. Và ý chí quốc gia là duy ý chí tập thể Đảng.

 

Khi những công dân có tinh thần trách nhiệm như Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Tư, Lê Quốc Hùng bàn chuyện quốc gia thì Đảng như một ông cha già phong kiến, bệnh hoạn, liền tức mắng to và tát mạnh vào mặt họ, “Mày bố láo, dám nhìn thẳng vào mặt tao mà cãi lại sao!” Cái phong hóa cha chú, hách dịch này đang tồn tại như là một thể loại vô thức tập thể của dân tộc từ những năm 1930 – tưởng nhờ cách mạng mà văn minh lên, nay hiện nguyên hình qua thể chế chính trị Đảng ta.

 

Phong hóa chính trị cha ông này là tính gia trưởng, chuyên chế và kiểm soát từ một ý chí quyền lực thô thiển ở nấc thang rất thấp trong thứ bậc tiến hóa của sinh mệnh làm người. Chính thể chế Đảng đang hủy hoại nhân cách công dân, bắt đầu từ giới lãnh đạo, xuống tới những đảng viên công tâm và có ý thức.

 

Xin thưa với Tổng bí thư Trọng rằng, Đảng đã biến nhân dân và tập thể cán bộ, đồng chí thành những công dân không được xứng đáng làm người đúng nghĩa. Khi ra thế giới, cán bộ Đảng đứng vào vị thế mặc cảm vì chính quyền mà họ phục vụ phải lo sợ trước các hoạt động bình thường mà trẻ con ở phương Tây cũng được hưởng – quyền biểu đạt chính kiến, thậm chí biểu tình. Bóng tối của văn hóa tập thể Đảng đang phá hoại xã hội Việt Nam, không từ một ai, kể cả các đảng viên và gia đình họ.

 

Nhưng ngày càng có nhiều người dân Việt Nam mong ước đến một con đường, một tia sáng hướng thiện cho tập thể và từng cá nhân đảng viên. Hãy đừng lăng nhục họ.

 

Đó là điều mà cố nhà văn Phan Huy Đường từng nói đến, hãy “Vẫy gọi nhau làm người.”

NHL




No comments: