Càng
biết nhiều, học trò càng chán môn Lịch sử!
Diễm
Thi, RFA
2021.12.03
Ảnh minh họa một học
sinh đang đọc sách về Lý Thường Kiệt.
AFP
Thực tế khác với
sách vở
Trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
mấy năm qua, điểm trung bình môn Lịch sử luôn ở con số rất thấp. Cụ thể, năm
2016 điểm trung bình môn Lịch sử là 4,49; năm 2017 là 4,6; năm 2018 là 3,79;
năm 2019 là 4,3; năm 2020 là 4,5 và năm 2021 là 4,97. Vì sao điểm thi môn Lịch
sử lại luôn thấp như vậy là câu hỏi được nhiều người đặt ra nhưng vẫn chưa giải
quyết được…
Sử gia Trần Gia Phụng từng nói với RFA vào năm 2018, năm có điểm thi trung bình môn Lịch sử
kỳ thi Phổ thông Trung học thấp kỷ lục:
“Học sinh không muốn học môn Lịch sử, có thể có hai
lý do:
Thứ nhứt, nhà cầm quyền cộng sản dùng môn Lịch sử ở
trường học để tuyên truyền, nhồi sọ học sinh về chủ nghĩa cộng sản, về duy vật
sử quan, về phong trào cộng sản thế giới và phong trào Cộng sản Việt Nam, và cộng
sản đả kích, chê bai các chế độ quân chủ, tư bản để tự nâng cao giá trị chế độ
cộng sản.
Thứ hai, nhà cầm quyền cộng sản xem nhẹ hay cố ý giảm
nhẹ giá trị môn Lịch sử. Mục đích quan trọng của môn Lịch sử là giáo dục cho học
sinh lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Đây là điều trái ngược với chủ
nghĩa cộng sản, chỉ muốn dạy cho học sinh trở thành những người cộng sản cuồng
tín, “yêu tổ quốc là yêu chủ nghĩa xã hội”. Ví dụ cộng sản muốn bỏ cả những bài
học chống những cuộc xâm lăng của Bắc phương vì đụng chạm đến Trung cộng.”
Trong khi đó, cũng có nhiều người cho rằng, một
trong những ‘thủ phạm’ khiến môn Lịch sử đạt ngưỡng điểm cực thấp là do
internet. Bởi lẽ, theo lý giải, thời nay thông qua kết nối mạng internet, giới
trẻ có nhiều cơ hội đọc và hiểu nhiều hơn về những gì đã, đang thực sự xảy ra
trên đất nước và điều đó khác với những gì được biên soạn trong sách giáo khoa.
Kiểm chứng từ thực tế, một vài ý kiến nêu rằng,
nội dung trong sách giáo khoa hiện nay đều được định hướng viết theo đúng đường
lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Những gì có trong sách giáo khoa là pháp lệnh,
không ai được giảng dạy bất cứ điều gì ngoài giáo trình/sách giáo khoa, dù nội
dung trong đó đôi khi không đúng với sự thật lịch sử, ngược lại còn bị cho là
bóp méo hoặc bịa đặt.
Về vấn đề này, thầy giáo Ngọc Sơn ở Sài Gòn
nêu quan điểm của ông với RFA:
“Trước đây vụ này cũng đưa ra hội đồng làm việc nhiều
lần. Một số giáo viên cho rằng môn Lịch sử khô khan và liên quan tới ngày
tháng, số liệu nên học sinh không muốn học vì rất khó nhớ. Nhưng tôi nghĩ cái
đó là họ lấp liếm thôi chứ lịch sử sau này họ viết theo phe thắng cuộc. Tụi nhỏ
bây giờ nó cũng biết nên nó không muốn học. Ngay cả giáo viên dạy môn này họ có
lòng tự trọng thì họ cũng ngại giảng. Những điều đó cộng lại khiến học sinh
không ham học môn Lịch sử.”
Môn học vô hồn…
Một giáo viên phát
khẩu trang cho học sinh trong lớp học tại trường Marie Curie, Hà Nội vào ngày 4
tháng 5 năm 2020
Một số giáo viên dạy sử trong nước đặt vấn đề
học sinh không muốn học lịch sử với Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
thì ông giải thích rằng, việc dạy vẫn thiên về sự kiện, số liệu, theo đánh giá
chưa phát huy được nhiều sáng tạo, cá tính của học sinh trong việc học. Việc kiểm
tra đánh giá thi vẫn thiên về kiểm tra số liệu, ngày tháng, sự kiện, chưa chú ý
nhiều về tư duy, ý nghĩa của sự kiện lịch sử.
Nhà giáo Đinh Kim Phúc, một người nghiên cứu sâu về lịch sử đất nước nhận định rằng, nguyên
nhân sâu sa của việc học sinh chán học lịch sử là do môn học này vô hồn. Hầu hết
học trò của ông có kiến thức lịch sử bằng con số không tròn trĩnh sau khi hoàn
thành bậc trung học phổ thông. Ông phân tích:
“Vấn đề môn sử hiện nay thì thật tình mà nói là thầy
không muốn dạy mà trò cũng không muốn học. Không thể trách được trò mà cũng
không thể trách được thầy vì cấu trúc, nội dung của bộ môn ịLch sử quá đặt nặng
lịch sử chiến tranh và cách mạng. Trong khi lịch sử của mỗi quốc gia nó còn lịch
sử về kinh tế, lịch sử về văn hóa, lịch sử về văn minh. Nếu học lịch sử mà chỉ
học về những sự kiện, những trận đánh, những con số khô khan thì không thể nào
người học có thể nhớ hết được. Một bộ môn lịch sử vô hồn.”
Theo giảng viên Đinh Kim Phúc, cái hồn của lịch
sử nó phải được thể hiện qua bài giảng của người dạy đi vào lòng học sinh và học
sinh sẽ nhớ mãi. Ông nêu ví dụ: Khi nói đến ‘thà làm quỷ nước Nam còn hơn
làm vương đất Bắc’ thì học sinh nhớ ngay đó là Trần Bình Trọng; ‘ngồi
đan sọt mà lo việc nước’ là Phạm Ngũ Lão; ‘nợ nước chưa xong đầu đã
bạc’ là Đặng Dung…
Làm sao thay đổi?
Trong phiên trả lời chất vất mới đây tại Quốc
hội của Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, nhiều đại biểu Quốc hội đặt
vấn đề đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử. Đa số cho rằng phải thay đổi phương
pháp dạy để thu hút học sinh, chứ không đề cập đến việc thay đổi nội dung sách
giáo khoa.
Trong hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ
năm học mới vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao nhiệm vụ cho ngành
giáo dục lên phương án để đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử.
Sử gia Trần Gia Phụng nêu quan điểm của ông:
“Nói cho đúng, sách giáo khoa sử dưới mái trường
XHCN đều là sách tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, dưới hình thức này hay hình
thức khác. Hiện nay, có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều giáo sư trong nước đã thấy
vấn đề nầy, thấy nhiều sai sót về nhận định cũng như về sự kiện, và đề nghị sửa
đổi. Giới lãnh đạo cộng sản biết việc nầy, nhưng họ chỉ cho sửa đổi những gì
không có hại cho chế độ cộng sản, còn nếu sách giáo khoa mà sửa đổi, viết lịch
sử đúng với sự thật quá khứ, thì còn gì là chế độ cộng sản nữa, nên cộng sản chẳng
bao giờ sửa đổi và đừng mong cộng sản sửa đổi.
Theo tôi, chỉ khi nào cộng sản hết cầm quyền ở Việt
Nam thì mới có sự thay đổi thật sự về việc dạy sử trong nước.”
Giảng viên Đinh Kim Phúc thì cho rằng, tất cả phải bắt đầu bằng sự thật:
“Muốn đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử thì phải
đổi mới nội dung lịch sử. Mỗi năm học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp thì môn sử là
lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam thì học sinh chán học là điều đương nhiên. Một
điểm nữa, nếu muốn người học yêu thích môn Lịch sử thì người dạy phải đem hết
tâm huyết của mình để truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Muốn vậy thì lịch sử phải bắt đầu bằng sự thật lịch
sử. Mà sự thật lịch sử bắt đầu bằng những sự kiện lịch sử. Nó phải được diễn đạt
đúng như những gì nó đã xảy ra trong quá khứ. Cái linh hồn của lịch sử nó phải
là những bài học kinh nghiệm, phải là những quy luật của lịch sử.
Dạy lịch sử về chiến tranh và cách mạng thì tôi nghĩ
nó không thể nào chiếm cả chương trình lịch sử của năm học, mà chỉ khoảng bốn
bài là đủ.”
Qua những ý kiến trên, có thể thấy mục tiêu
nâng cao điểm trung bình môn Lịch sử trong các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ
thông sắp tới, hay làm sao để thầy và trò cùng thích môn Lịch sử trong sách
giáo khoa hiện nay vẫn chỉ là ước mơ!
No comments:
Post a Comment