Friday, December 17, 2021

BÀI HỌC PHẠM ĐOAN TRANG / PHẦN 1 (Đỗ Xuân Cang)

 


Bài học Phạm Đoan Trang / Phần 1 

Đỗ Xuân Cang

17/12/21

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/23584-bai-h-c-ph-m-doan-trang

 

Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa tuyên một bản án bất công nặng nề 9 năm tù với một cô gái nhỏ bé bệnh tật và nổi tiếng không chỉ với Việt Nam mà cả với truyền thông quốc tế: Phạm Đoan Trang. Mặc dù thể lực rất yếu do hậu quả của sự hành hạ đến tàn tật của lực lượng công an, cô lại rất can trường khiến không chỉ tôi mà cả bao người ngưỡng phục. Chủ nhật này tôi sẽ tham gia cuộc biểu tình trước Đại Sứ Quán Việt Nam tại Cộng Hòa Séc để phản đối bản án bất nhân này cũng như các bản án với Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm. Tôi muốn lên tiếng phản đối sự chà đạp quyền con người tại Việt Nam.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51752337671_a3188e5d71.jpg

Trong ba ngày 14-15-16/12/2021 chính quyền Việt Nam đã tuyên những bản án rất nặng cho Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Đỗ Nam Trung.

 

Chúng ta đã đấu tranh như thế nào?

 

Là người tham gia đấu tranh chính trị tôi rất ấm lòng khi có nhiều người lên tiếng bênh vực cho Phạm Đoan Trang. Đồng thời tôi cũng vui khi đọc những trao đổi xung quanh câu nói: “Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được” trong lời nói sau cùng tại phiên tòa của Phạm Đoan Trang. Tôi chia sẻ với những ý kiến đa chiều đó.

 

Trước khi bị bắt Phạm Đoan Trang đã có lời nhắn gửi đến mọi người là nên lấy việc đi tù của cô làm động lực để đấu tranh. Cả hai văn bản này được Đoan Trang chuẩn bị từ trước trong trạng thái suy xét bình tĩnh. Trong một lần tuyệt thực, anh Trần Huỳnh Huy Thức cũng nhắn gửi mọi người nên lấy sự hy sinh của anh làm động cơ đấu tranh. Tôi có phản biện lời “nhắn nhủ” này trên một số mạng xã hội và nhận được không ít sự phản đối, những người đồng tình với tôi chọn giải pháp im lặng.

 

Phải ghi nhận cho đến giờ thì Phạm Đoan Trang và Trần Huỳnh Huy Thức là hai ngọn cờ đầu của lực lượng đấu tranh trong nước. Tuy nhiên việc họ đi tù đã không để lại di sản gì nhiều cho những người tiếp bước ngoài sự hy sinh của chính họ. Không kế hoạch, không phương pháp, không lộ trình thì những người muốn tiếp bước họ sẽ đấu tranh như thế nào? Hay lại lấy số năm tù làm vốn để tăng thêm cái di sản mà Trần Huỳnh Huy Thức, Phạm Đoan Trang và những người trước đó đã để lại?

 

Nhìn chung phong trào dân chủ Việt Nam đã có một thời đấu tranh rất sôi nổi với nhiều thành phần dân chúng tham gia, ngay chính Đảng Cộng Sản cũng thừa nhận có hơn 60 tổ chức tự phát không chịu sự quản lý của chính quyền. Rất nhiều người đã ngồi tù, đang ngồi tù và có người đã trả giá bằng tính mạng, một số người ra đi, một số người còn tự do...nhưng còn phong trào dân chủ thì đang ở đâu ? Tại sao phong trào không mạnh và tiến lên được dù nhiều người bị bắt bớ và tù tội như vậy? Câu trả lời của tôi có thể làm nhiều người buồn: tôi thành thực xót xa cho sự mất mát và hy sinh về nhân sự như thế này. Thật lòng là tôi rất kính trọng trước lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người tranh đấu nhưng con đường họ đang đi là con đường cụt. Nó hoàn toàn bế tắc.

 

Lực lượng đấu tranh Việt Nam cho đến nay vẫn là lực lượng “bồng bột cách mạng”. Họ nghĩ rằng chỉ cần can trường, hy sinh là có thể thay đổi thể chế này. Lẽ phải đúng là thuộc về những người đấu tranh cho dân chủ. Chống lại bất công, đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền luôn là lẽ phải. Nhưng muốn đi được xa thì phải hiểu rõ các khái niệm căn bản về dân chủ, nhân quyền, tự do và phương pháp đấu tranh cho dân chủ. Đối diện với phong trào dân chủ là một chế độ độc tài đầy đủ mọi phương tiện. Muốn chiến thắng nó phải có phương pháp và tổ chức.

 

Trong giới đấu tranh Phạm Đoan Trang là một người có trình độ, có uy tín, không chỉ viết báo mà còn viết cả sách về dân chủ sau quá trình nghiên cứu rất công phu. Nhưng dù vậy Đoan Trang cũng chỉ nghiên cứu và đấu tranh trên phương diện cá nhân mà cá nhân không bao giờ là đối trọng của một chế độ. Nên biết một điều quan trọng rằng “đấu tranh chính trị luôn là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân”.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51753214695_7533116c3e.jpg

Đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân.

 

Qua trao đổi với rất nhiều người trong lực lượng đấu tranh cả trong lẫn ngoài nước, tôi thấy họ đều cho rằng vấn đề của Việt Nam là Đảng Cộng Sản, chỉ cần giải thể được Đảng Cộng Sản là mọi vấn đề được giải quyết. Điều đó không sai nhưng rất ít người ý thức được đảng cộng sản cũng chỉ là sản phẩm của văn hóa và lịch sử Việt Nam. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên suốt 40 năm qua đã kiên nhẫn giải thích rằng, về bản chất, cuộc cách mạng dân chủ mà chúng ta đang tranh đấu hiện nay là cuộc cách mạng về văn hóa và tư tưởng. Nếu không thay đổi tư duy và tư tưởng chính trị thì ngay cả khi chính quyền cộng sản sụp đổ, Việt Nam cũng không thể có dân chủ. Bài học nước Nga và các nước cộng sản cũ thuộc Liên Bang Xô Viết với các cuộc cách mạng màu vẫn còn đó.

 

Tôi cho rằng lực lượng đấu tranh Việt Nam “bồng bột cách mạng” vì nội dung chính của việc đấu tranh mới chỉ dừng lại ở mức phản ứng trước bất công. Chống cướp đất, chống tham nhũng, chống sự đàn áp của chính quyền, chống bất công, chống gây ô nhiễm môi trường...là hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. Tất cả các bất công đó đều có nguyên nhân từ thể chế chính trị. Muốn khắc phục những bất công hiện nay thì phải thay đổi thể chế chính trị. Thể chế mới là gốc rễ của vấn đề. Phải thay đổi thể chế độc tài hiện nay bằng một thể chế dân chủ đa nguyên.

 

Nếu hỏi những người đấu tranh dân chủ của 40 năm qua họ muốn có hệ thống chính trị nào hậu cộng sản thì chắc chắn nhận được một câu trả lời: hệ thống chính trị dân chủ. Tuy nhiên tôi dự đoán là sẽ có 80-90 % không có mô hình dân chủ cụ thể nào, 10% còn lại dù có mô hình nhưng mỗi người có một mô hình riêng. Tóm lại đa số những người đấu tranh cho rằng cứ đập cái nhà cũ cộng sản đi đã rồi sau đó sẽ tính tiếp...

 

Hãy nhìn lại cuộc cách mạng cộng sản bắt đầu từ năm 1917. Nó đã giết chết hơn 100 triệu người trên thế giới. Cuộc cách mạng cộng sản ở nước Nga xa xôi đó đã liên quan trực tiếp đến số phận của dân tộc ta. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhân danh truyện thuyết cộng sản của Mác-Lê để làm một cuộc cách mạng đẫm máu bằng chuyên chính vô sản và bạo lực cách mạng.

 

Cuộc cách mạng lần này hoàn khác, chúng ta tranh đấu vì dân chủ, vì tự do và các quyền của con người. Chúng ta không thể coi nhau là “con thú” mà phải coi nhau là đồng bào. Cũng không thể nhân danh dân chủ để “tiêu diệt” đảng cộng sản. Chỉ có lá phiếu của người dân mới có quyền quyết định số phận của Đảng Cộng Sản.

 

Đây là dịp những người đấu tranh cần tĩnh tâm để nhìn lại. Chúng ta không chấp nhận chế độ độc tài như hiện nay nhưng cũng không thể chấp nhận tình trạng loạn sứ quân, vô chính phủ hay một chế độ độc tài khác trong tương lai sau khi chính quyền Cộng Sản sụp đổ, như tình trạng như nước Nga hay Belarus...

 

100 triệu người Việt Nam xứng đáng được sống dưới một chế độ dân chủ trọn vẹn trong kỷ nguyên mà nhân loại đã xác quyết rằng quyền con người là những giá trị thiêng liêng và phổ cập. Không có lý do gì để những người con ưu tú như Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Huy Thức phải ngồi tù. Chúng ta cần thay đổi tư duy và chuẩn bị hành trang mới cho công cuộc tranh đấu này.

 

(Hết phần 1)

 

Đỗ Xuân Cang

(17/12/2021)




No comments: