"Đá
núi tật nguyền, vết sẹo thời gian"
https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1375838912863422
Tôi biết đến Nhạc sĩ Phú Quang (1949 - 2021) lần
đầu tiên qua một video ca nhạc của Trung tâm Thuý Nga phát hành [1]. Nghe xong
ca khúc là thấy 'ấn tượng' ngay. Ấn tượng từ giai điệu du dương đến lời ca ý nhị.
Anh ấy đã về cõi vĩnh hằng, nhưng những ru khúc tình tự và dạt dào của anh thì
sẽ ở lại với chúng ta rất lâu.
Nhạc sĩ Phú Quang có lẽ là một trong những trường
hợp hiếm hoi [ở thế hệ anh ngoài Bắc] không có những bài ca 'nhạc đỏ'. Theo một
bài trả lời phỏng vấn, anh bắt đầu sự nghiệp sáng tác vào năm 1969 (lúc đó mới
20 tuổi), trong thời chiến tranh ác liệt. Anh đã chứng kiến những cái chết bi
thảm, những mất mát lớn. Thế nhưng khác với những người khác cùng thời cho ra
những bài ca mang sắc màu thù hận, anh sáng tác những tác phẩm tình tự, giàu
tính nhân văn và triết lí. Những ca khúc của Phú Quang thời đó cũng giống như
nhiều ca khúc trữ tình của các nhạc sĩ trong Nam cùng thời.
Nói ra điều sau đây thì chắc thừa: tôi thấy Nhạc
sĩ Phú Quang là người rất tinh tế. Những cái nhỏ bé như một viên đá, chiếc lá,
một cây bàng, một nóc phố thôi mà ông cũng rung động và để lại cho đời những ca
khúc khó quên. Người người làm khoa học như tôi cũng hay băn khoăn về những sự
vật nhỏ như thế, nhưng chúng tôi nghĩ đến 'cân, đo, đong, đếm' và đặt ra những
câu hỏi nó đến từ đâu, tại sao nó có măt ở đây và để làm gì, v.v. Nhưng những
nhạc sĩ như Phú Quang thì có khả năng làm cho nó thăng hoa. Tôi thán phục nhạc
sĩ có thể thấy một ngọn núi tật nguyện vì vết sẹo của thời gian:
"Đá núi tật nguyện, vết sẹo thời
gian"
Tôi thích câu đó lắm. Tôi cũng thích câu
"Làm sao em biết bia đá không đau" và "Ngày sau sỏi đá cũng cần
có nhau" của Trịnh Công Sơn. Thật ra, sỏi đá là một nguồn cảm hứng tuyệt vời
cho sáng tác từ cổ chí kim. Trong văn hoá phương Tây có lẽ nhiều người biết đến
thành ngữ "Philosopher's stone" (viên đá kì diệu), là một chất thần
tiên có thể tạo ra vàng và có thể làm cho con người trường sanh. Sỏi đá tồn tại
qua hàng triệu năm, là chứng nhân của biết bao biến động lịch sử, hay nói theo
Bà Huyện Thanh Quan là "Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt". Nhưng với thời
gian đá cũng bị 'tật nguyền', cũng biết 'đau đớn'.
Thật ra, ca khúc này ("Đâu phải bởi mùa
thu") chỉ mượn hình ảnh núi đá để nói về một sự chia li. Ca khúc được phổ
từ thơ của Giáng Vân, nhưng nhạc sĩ đã mượn ý thơ để ghi lại cảm xúc của anh
khi người tình Sài Gòn đã vượt biên vào năm 1976. Nội dung ca khúc hoàn toàn
khác với nội dung bài thơ (vốn viết về một người vợ hậu phương trông chờ người
chồng nơi tiền tuyến) [2].
Cũng cần phải ghi thêm một chú thích ở đây về
ca khúc "Đâu phải bởi mùa thu" để nói lên sự ngu xuẩn của cơ chế kiểm
duyệt. Nhạc sĩ Phú Quang cho biết ca khúc đó bị mấy người kiểm duyệt tư tưởng
nghĩ rằng nhạc sĩ ám chỉ cuộc "Cách Mạng Mùa Thu", vì có những câu
"câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng, thôi đừng hát ru… thôi đừng day dứt…,
lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu". Đọc đoạn tâm sự này làm tôi nhớ đến
một ông nhạc sĩ cung đình trước đây cũng hung hãn chỉ trích Nhạc sĩ Phạm Duy về
bài"Mùa Thu Chết" (phổ thơ Apollinaire) là ... "đỉnh điểm của tư
tưởng chống phá Cách Mạng". Thật là 'bó tay' với kiến văn và trình độ của mấy
ông bà kiểm duyệt này. Sau vụ kiểm duyệt chẳng đến đâu, Nhạc sĩ Phú Quang nói
đùa là ông bênh cách mạng đó chớ, bởi câu "lá rơi xuống rồi mà vẫn không
phải bởi mùa thu". Vậy mà ca khúc này phải mất 10 năm mới tới công chúng!
Đúng là 'vết sẹo thời gian'.
Nhạc sĩ nào cũng để lại một di sản, một ấn tượng
trước khi về bên kia thế giới. Phạm Duy để lại 'Ngàn lời ca' cho đời. Trịnh
Công Sơn để lại những 'Ca khúc da vàng' một thời sôi động. Tương tự, những ru
khúc về Hà Nội của Phú Quang sẽ còn đọng lại trong lòng người mộ điệu rất lâu
cho dù đá núi sẽ còn chịu tật nguyền với những 'vết sẹo thời gian'.
Hình : https://www.facebook.com/photo?fbid=1375865002860813&set=a.105461306567862
_______
[1] Tuyển tập những ca khúc của Phú Quang do
Thuý Nga phát hành: https://www.youtube.com/watch?v=omqjZz_gvpI
[2] https://vtv.vn/tinh.../tinh-yeu-co-ly-le-rieng-100990.htm
Về ý của bài thơ được phổ thành nhạc cũng có ý
kiến khác cho rằng nhà thơ Giáng Vân không có ý nói đến "một người vợ ở hậu
phương khắc khoải về người chồng nơi biên cương". Tôi không biết chính xác
nội dung là gì, nên chỉ trích theo bài viết trên vtv. Trong thực tế có những ca
khúc (như của Phạm Duy chẳng hạn) mà nội dung vượt ra khỏi ý tưởng gốc của bài
thơ.
[3] Hôm nọ ông NPTrọng than phiền rằng mấy năm
qua Việt Nam không có những bài hát hay, thì ông thử nghe những sáng tác của
Phú Quang xem. Và, ông cũng nên xem lại bộ máy kiểm duyệt tư tưởng nó vận hành
như thế nào mà 'ngâm' một ca khúc hay như "Đâu phải bởi mùa thu" đến
10 năm.
No comments:
Post a Comment