Sunday, July 25, 2021

VIỆT NAM ĐƯỢC MỸ VIỆN TRỢ 1/5 SỐ VACCINE DÀNH CHO CHÂU Á (Đặng Sơn Duân)

 


VIỆT NAM ĐƯỢC MỸ VIỆN TRỢ 1/5 SỐ VACCINE DÀNH CHO CHÂU Á

Đặng Sơn Duân

24/07/2021  lúc 22:11 

https://www.facebook.com/duan.dang.9/posts/4434139529932482

 

Trong số 3 triệu liều vắc xin Moderna mới được Mỹ chuyển giao cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, 1.499.960 liều đã được chuyển đến TP.HCM vào ngày 24.7 và 1.500.100 liều sẽ đến Hà Nội vào ngày 25.7. Xin cảm ơn nước Mỹ!

 

Những ai còn lăn tăn giữa vắc xin Mỹ viện trợ trực tiếp và thông qua chương trình COVAX có thể đọc những phát biểu từ một nguồn có thẩm quyền là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc dưới đây. (Báo Thế giới và Việt Nam - Link trong comment)

 

"Như vậy cho đến nay, Hoa Kỳ đã viện trợ Việt Nam 5 triệu liều vaccine trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 nước và vùng lãnh thổ châu Á. Phía Hoa Kỳ cũng cho biết đang xem xét viện trợ thêm nữa cho Việt Nam thời gian tới. Đây là sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời và ý nghĩa đối với Việt Nam.

 

Hiện nay, nhu cầu của các nước đối với nguồn vaccine từ Hoa Kỳ rất lớn. Hoa Kỳ đang triển khai viện trợ tới gần 50 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Để đảm bảo nguồn cung vaccine này đến được các đối tác nhanh chóng nhất, phía Hoa Kỳ đã chọn kênh phân phối chính thông qua cơ chế COVAX, như đã và đang làm với Việt Nam.

 

Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ triển khai viện trợ theo cơ chế song phương với một số rất ít nước lân cận ở khu vực Trung Mỹ, do các vấn đề quy định, thủ tục và điều phối khá phức tạp từ phía Hoa Kỳ.

 

Các cơ quan hữu trách của Chính phủ Hoa Kỳ như Hội đồng An ninh Quốc gia (thuộc Nhà Trắng), Bộ Ngoại giao trực tiếp định mức cụ thể viện trợ cho từng đối tác, sau đó thông báo và chuyển qua COVAX đến nơi tiếp nhận".

 

Có hai thông tin đáng chú ý như sau:

 

- Trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 nước và vùng lãnh thổ châu Á tính đến nay, thì Việt Nam nhận được 5 triệu liều Moderna, chiếm hơn 1/5.

 

- Chính quyền Mỹ ấn định sẵn các nước họ chuyển vắc xin và chỉ mượn đường COVAX để đẩy nhanh tiến độ.

 

Từ đó có thể thấy rõ sự ưu tiên của người Mỹ đối với Việt Nam. Vì sao có sự ưu tiên đó? Tôi nghĩ nó xuất phát từ mối quan hệ đặc biệt, sự tin cậy giữa hai nước hiện nay.

 

Cũng không thể không ghi nhận nỗ lực "ngoại giao vắc xin" của Việt Nam. Nhưng cũng lưu ý là Việt Nam, cả từ thái độ của người dân lẫn chính phủ, là nước e dè với vắc xin từ Trung Quốc nhất trong số các nước ở khu vực. Tôi nghĩ đó cũng có thể là một yếu tố then chốt.

 

Sự e dè đó khiến Việt Nam chậm chân về tốc độ tiêm vắc xin so với các nước trong khu vực. Nhưng nó cũng có thể đã góp phần khiến Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các đối tác khác, hiện có thể kể ra là 3 trong số 4 nước Quad Mỹ, Nhật, Úc.

 

Tôi không có ý định cổ vũ cho sự phân biệt vắc xin về mặt khoa học, nhưng việc một số quốc gia trong khu vực từ việc háo hức tiếp nhận vắc xin Trung Quốc chuyển sang nghi ngại là một thực tế.

 

P/S: Đại sứ Hà Kim Ngọc có nói thêm một ý khá đáng chú ý rằng:

"Nguyên nhân do chính sách quản lý thống nhất của Hoa Kỳ, theo đó các chủ thể tôi vừa đề cập không được phép giao dịch trực tiếp với các đối tác nước ngoài, kể cả khi họ có nguồn vắc xin dôi dư; mọi nguồn cung ứng vaccine cho các nước đều qua một đầu mối duy nhất là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

 

Các công ty dược phẩm chuyên sản xuất và cung cấp vaccine của Hoa Kỳ như Pfizer, Moderna, Johnson and Johnson, cũng như các công ty đang thử nghiệm vaccine giai đoạn II - III khác, đều có quy định rất chặt chẽ là chỉ ký hợp đồng cung cấp vaccine thông qua kênh chính phủ các nước hoặc qua cơ chế COVAX, tuyệt đối không làm việc với các công ty tư nhân hoặc các công ty môi giới tại thời điểm hiện nay.

 

Xin đề nghị các đối tác trong nước khi liên hệ tìm kiếm nguồn cung ứng vaccine từ Hoa Kỳ lưu ý, để đỡ mất thời gian, công sức và đạt hiệu quả cao nhất".

 

12 BÌNH LUẬN  

 

*

Duan Dang

https://baoquocte.vn/dai-su-ha-kim-ngoc-tra-loi-bao-chi...

BAOQUOCTE.VN

Đại sứ Hà Kim Ngọc trả lời báo chí về tình hình vận động nguồn cung vaccine và thiết bị y tế

 

 

 


No comments: