Thursday, July 29, 2021

NẾU ĐÂY LÀ THỜI CHIẾN . . . (Nâng Tịnh - Luật Khoa)

 


Nếu đây là thời chiến…

NĂNG TỊNH  -  LUẬT KHOA

29/07/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/07/neu-day-la-thoi-chien/

 

Thì lãnh đạo cần làm nhiều hơn là những tuyên bố lên gân.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/covid-lanh-dao-1024x536.jpg

Từ trái qua phải: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Báo Chính phủ, Bộ Y tế, Zing. Đồ họa: Luật Khoa.

“Sản xuất thời chiến thì tuyệt đối không có tự do đi lại”, ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định như vậy trong chuyến thị sát tại Long An vào ngày 28/7. [1]

 

“Mỗi người dân là một chiến sĩ”, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố cũng trong một chuyến thị sát vài tuần trước đó. [2]

 

“Tôi có thể chết nhưng tôi muốn cộng đồng khỏe mạnh” lại là lời tâm sự của một cảnh sát giao thông sau sự kiện anh này bắt phạt hai bạn trẻ đưa mèo đi chữa bệnh. [3]

 

Với phương châm “chống dịch như chống giặc” của chính quyền từ trước đến nay, những câu đao to búa lớn như trên không làm tôi ngạc nhiên.

 

Điều tôi thắc mắc là chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh kiểu gì.

 

Nếu đây là thời chiến, mọi sinh hoạt đều phải quy về mức tối thiểu, ai cũng phải hy sinh như nhau, vì sao tôi không thấy lãnh đạo nào đồng cam cộng khổ với dân?

 

Khi hàng triệu người thất nghiệp, mất thu nhập, lâm vào cảnh thiếu thốn, vì sao không có quan chức chính quyền nào tự nguyện giảm lương?

 

Vì sao chỉ thấy dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ – tức là lấy của dân đưa lại dân và được tiếng thơm – mà không thấy quan lớn nào chia sẻ từ túi riêng của mình san bớt gánh nặng cho dân?

 

Nếu đây là thời chiến, những hành động như của chính quyền xử phạt shipper giao hàng chỉ vì ra ngoài đường sau 18h có khác gì đâm sau lưng chiến sĩ, khi chính những người giao hàng này là huyết mạch đưa hàng hóa lưu thông? [4] Thay vì chăm chăm bắt phạt, vì sao những cán bộ mẫn cán đó không đi làm thay việc của shipper?

 

Nếu đây là thời chiến, với vaccine là nguồn lực quan trọng và thiếu thốn nhất, những hành động đi sân sau để được tiêm vaccine như các “cháu ngoại”, “ông anh” hay “chú em” chẳng phải đáng bị đem ra xử tử, còn những trò dùng “công văn mật” để “cho mượn vaccine” chẳng phải xứng đáng đưa ra tòa án binh xét xử công khai sao? [5][6]

 

Nếu đây là thời chiến, và vaccine đang cực kỳ khan hiếm, thì lãnh đạo chẳng phải cần công khai cho dân biết họ đã tiêm loại gì, khi nào, những người thân của họ có được “hưởng ké” hay không sao? Nếu bản thân mình và người nhà được tiêm đầy đủ vaccine mà giấu kín, trong khi lại hô hào đòi hỏi người khác phải hy sinh đủ thứ để chống dịch, thì đó là thứ lãnh đạo gì?

 

Nếu đây thật sự là thời chiến, thì chắc chắn sẽ không tới lượt anh công an tuyên bố sẵn sàng “chết vì cộng đồng”. Rất nhiều người sẵn lòng xả thân, đứng vào vị trí của anh, nhất là khi đó là công việc được trả phụ cấp cao hơn nhiều so với mức trợ cấp mà chính phủ ì ạch phát đến người dân.

 

 

Chuẩn thấp nhất, 150.000 đồng/ người/ ngày dành cho những người tham gia phòng chống dịch đã cao gấp 3 lần so với mức hỗ trợ 50.000 đồng/ người/ ngày cho người dân (mà đến nay vẫn còn rất nhiều người chưa nhận được khoản tiền này). [7][8] Nên nhớ 150.000 đồng đó là mức thấp nhất và chỉ là phụ cấp, chưa tính lương và các khoản hỗ trợ khác dành cho lực lượng công an tham gia chống dịch.

 

Những con số trên không phải để gạt đi công sức và nỗ lực của lực lượng công an. Nó chỉ nói lên một sự thật: đó là vị trí đem lại rất nhiều quyền lợi, cả trước, trong và sau khi xuất hiện dịch bệnh.

 

Nếu thật sự đây là thời chiến, và mỗi người dân đều là chiến sĩ, những vị trí như vậy chẳng phải nên mở rộng cửa cho tất cả mọi người tham gia, thay vì chỉ là đặc quyền cho một nhóm nhỏ hay sao?

 

Và nếu đây đúng là thời chiến, tôi hy vọng những người đang ngồi vị trí lãnh đạo chịu khó đọc lại sách lịch sử. Trong bất kỳ trận chiến nào, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho mọi quyết định của mình, nhẹ thì mất mạng, nặng thì mất nước.

 

Ai đó phải có gan đứng ra nhận trách nhiệm cho những quyết định mơ hồ đẩy toàn bộ hệ thống vào cảnh hỗn loạn, khiến vật giá leo thang, hàng hóa thiết yếu chỗ thì thiếu thốn giành giật nơi thì đổ đống không ai mua.

 

Dịch bệnh này rồi sẽ đi qua, nhưng hậu quả mà nó để lại thì phải có lãnh đạo dám đứng ra gánh lấy chứ không thể chỉ biết vỗ ngực nhận công còn thứ không hay ho thì đổ vấy cho người khác.

 

Không làm được vậy thì đây chỉ là trận chiến giả, nơi một nhóm người ăn trên ngồi trốc hưởng lợi trên sự hy sinh của hàng triệu người khác.

 


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.


 

Chú thích:

 

1.  Online T. T. (2021c, July 28). Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Sản xuất thời chiến tuyệt đối không có tự do đi lại.” TUOI TRE ONLINE. 

https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-san-xuat-thoi-chien-tuyet-doi-khong-co-tu-do-di-lai-20210728124301109.htm 

 

2.  Tuân V. H. N. (2021, July 11). Long An được cấp 400.000 liều vaccine Covid-19. vnexpress.net. 

https://vnexpress.net/long-an-duoc-cap-400-000-lieu-vaccine-covid-19-4307552.html 

 

3.  Xuan, P. (2021, July 14). Tâm sự của anh CSGT sau vụ ‘tuýt còi’ phạt cô gái đưa mèo đi chữa bệnh. Thanh Niên Online. 

https://thanhnien.vn/gioi-tre/tam-su-cua-anh-csgt-sau-vu-tuyt-coi-phat-co-gai-dua-meo-di-chua-benh-1413998.html 

 

4.  V.P.N.D. (2021g, July 27). Không ra đường sau 18 giờ: Shipper bật khóc khi bị phạt bởi công ty báo vẫn đi được. Thanh Nien Online. 

https://thanhnien.vn/doi-song/khong-ra-duong-sau-18-gio-shipper-bat-khoc-khi-bi-phat-boi-thong-bao-van-di-duoc-1421398.html 

 

5.  Minh, N. (2021, July 22). Có bao nhiêu “cháu ngoại” đã trót lọt chen hàng để tiêm vaccine trước? Luật Khoa Tạp Chí. 

https://www.luatkhoa.org/2021/07/co-bao-nhieu-chau-ngoai-da-trot-lot-chen-hang-de-tiem-vaccine-truoc 

 

6.  Nguyên, T. (2021, July 28). “Siêu ông ngoại” Vingroup và những người không thích công bằng ở Việt Nam. Luật Khoa Tạp Chí. 

https://www.luatkhoa.org/2021/07/sieu-ong-ngoai-vingroup-va-nhung-nguoi-khong-thich-cong-bang-o-viet-nam 

 

7.  Trực, B. C. (2021, July 19). Bao nhiêu tiền đã được chi cho Bộ Công an để “chống dịch”? Luật Khoa Tạp Chí. 

https://www.luatkhoa.org/2021/07/bao-nhieu-tien-da-duoc-chi-cho-bo-cong-an-de-chong-dich 

 

8.  Online T. T. (2021b, June 25). Hàng rong, bán vé số, bốc vác bị tác động do COVID-19 được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày. TUOI TRE ONLINE. 

https://tuoitre.vn/hang-rong-ban-ve-so-boc-vac-bi-tac-dong-do-covid-19-duoc-ho-tro-50000-dong-ngay-20210625100213282.htm 

 

 

 

 


No comments: