Tuesday, July 13, 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 13/07/2021 (The Economist)

 

THẾ GIỚI HÔM NAY : 13/07/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

13/07/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/07/13/the-gioi-hom-nay-13-07-2021/

 

Ít nhất sáu người đã thiệt mạng và 219 người bị bắt ở Nam Phi sau chuỗi ngày cướp bóc và bạo loạn phản đối việc bỏ tù cựu tổng thống Jacob Zuma. Quân đội đã tuyên bố sẽ triển khai binh sĩ đến các tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal để dập tắt bạo lực, trong khi đồng rand lao dốc. Ông Zuma, người ngồi tù từ hôm thứ Tư, đang đệ đơn kháng án.

 

Tổng thống Joe Biden nói Mỹ ủng hộ người dân Cuba “đang dũng cảm đấu tranh cho các quyền phổ cập cơ bản”. Ngày hôm qua chứng kiến hàng nghìn người xuống đường ở các thành phố trên khắp Cuba để biểu tình phản đối khó khăn chồng chất do đại dịch (riêng ở thủ đô Havana, họ bị lực lượng chống bạo động trấn áp). Đây là lần đầu tiên diễn ra biểu tình lớn đến vậy ở Cuba kể từ năm 1994; hiện các nhà hoạt động cho biết ít nhất 80 người đã bị bắt.

 

Bộ Y tế Israel thông báo những người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch sẽ được tiêm liều thứ ba của vắc-xin BioNTech/Pfizer, đưa nước này trở thành một trong những quốc gia đầu tiên cho phép tiêm nhắc lại. Trong khi đó, WHO cho rằng các nước không nên đặt hàng vắc-xin nhắc lại trong khi nhiều nước khác vẫn còn chưa được nhận liều đầu tiên.

 

Người tiêu dùng Mỹ tự tin nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi sau đại dịch covid-19, theo Cục Dự trữ Liên bang New York. Cuộc khảo sát hàng tháng của cơ quan này cho thấy các dự báo về lạm phát, thu nhập, tăng trưởng thu nhập cũng như chi tiêu đều tăng trong tháng 6, tháng thứ tám liên tiếp. Những người được khảo sát cũng thể hiện gia tăng niềm tin vào thị trường việc làm.

 

EU đồng ý trì hoãn kế hoạch thuế doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thỏa thuận quốc tế về mức thuế tối thiểu đối với các doanh nghiệp đa quốc gia do Mỹ dẫn dắt. EU có kế hoạch áp thuế lên bán hàng trực tuyến, song các quan chức Mỹ e ngại chính sách đó có thể gây chống đối cho đề xuất áp thuế doanh nghiệp tối thiểu người Mỹ.

 

Tây Ban Nha cho biết sẽ đầu tư 4,3 tỷ euro (5,1 tỷ USD) vào xe điện, trong khuôn khổ chương trình chi tiêu quốc gia được tài trợ bởi quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu. Thủ tướng Pedro Sànchez nói khoản chi này dành cho toàn bộ chuỗi sản xuất, bao gồm cả việc xây dựng nhà máy pin đầu tiên của đất nước. Hiện Tây Ban Nha là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai châu Âu sau Đức.

 

Có thêm bốn cáo buộc hình sự mới được đệ trình nhắm vào Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo bị phế truất của Myanmar. Chúng bao gồm tham nhũng, song các luật sư của bà Suu Kyi nói họ không được thông báo về vấn đề này. Bà Suu Kyi bị giam kể từ sau cuộc đảo chính tháng 2 do quân đội tiến hành để lật đổ chính phủ dân cử.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Indonesia trở thành điểm nóng covid ở châu Á

Đông Nam Á đang quay cuồng với covid-19. Trong năm ngoái họ ghi nhận ít ca nhiễm hơn cả châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng tỷ lệ tiêm chủng thấp, xét nghiệm hạn chế và các biến thể lây nhiễm nhanh hơn đã thay đổi mọi thứ. Những ngày này, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam liên tục phá các kỷ lục ca nhiễm trong nước.

 

Nếu nhìn vào con số tuyệt đối, Indonesia là quốc gia kém nhất, với số ca nhiễm nhiều nhất châu Á chỉ sau Ấn Độ. Số ca nhiễm mới hàng ngày — số thực có lẽ còn cao hơn — đã tăng gấp tám lần chỉ trong một tháng qua. Và nó khiến hệ thống y tế bị quá tải. Chỉ trong năm tuần số lượng bệnh nhân đến viện đã tăng hơn ba lần lên khoảng 81.000 người, khiến nguồn dự trữ ôxy y tế xuống mức rất thấp. Trong bối cảnh đó, các bác sĩ buộc phải quyết định bệnh nhân nào được chăm sóc.

 

Trong tháng này chính phủ đã công bố những hạn chế mới để kiềm chế dịch. Đền thờ, trung tâm thương mại và nhà hàng trên đảo Java và Bali, hai trong số các hòn đảo chính của đất nước, sẽ đóng cửa cho đến ngày 20 tháng 7. Song chính phủ đã làm quá ít, và quá muộn.

 

Mỹ sắp công bố lạm phát tháng 6

Các nhà giao dịch trái phiếu hẳn đã đặt cược lạm phát cao ở Mỹ chỉ là tạm thời. Để biết họ đúng hay sai, hãy chú ý theo dõi đợt công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 vào hôm nay. Con số của tháng 5 trước đó cho thấy lạm phát lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng với tốc độ hàng năm 8,3% – cao nhất kể từ đầu những năm 1980 và cao hơn dự kiến. Còn lạm phát chính, một chỉ số so sánh tất cả mọi chi phí so với một năm trước, thì lên tới 5%.

 

Các chuyên gia dự đoán lạm phát chính sẽ giảm nhẹ trong tháng 6. Nhưng nếu giá cả lại tiếp tục đánh bại dự báo thì thị trường sẽ phải định hướng lại. Ngay khi lạm phát tăng, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm, trong đó có bao gồm kỳ vọng lạm phát, lại giảm từ hơn 1,7% xuống khoảng 1,3%. Đây là tin tốt cho Fed và Nhà Trắng, vì họ muốn lạm phát giảm khi chuỗi cung ứng trở lại hoạt động bình thường sau đại dịch.

 

Người dân Cuba biểu tình quy mô lớn

Người dân Cuba đang chuẩn bị tinh thần cho tình trạng bất ổn sau các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật chứng kiến hàng nghìn người xuống đường kêu gọi “tự do”. Họ bất bình vì nền kinh tế suy thoái tới 11% trong năm 2020. Trong những năm gần đây chính phủ đã phần nào tự do hóa nền kinh tế, nhưng đầu tư nước ngoài vẫn thấp (một phần do sự kém hiệu quả và năng lực yếu kém của nhà nước). Và biến thể Delta đang giết chết ngành du lịch.

 

Các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng gây hại. Việc chính phủ thiếu ngoại tệ mạnh đã gây ra tình trạng thiếu lương thực tồi tệ nhất kể từ những năm 1990, nhất là khi Cuba nhập khẩu tới 70% thực phẩm, cũng như các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp trong nước. Chủ tịch Miguel Díaz-Canel đã kêu gọi người ủng hộ đối đầu với những “hành động khiêu khích” trong tương lai. Vì ông không có sức hút của Fidel – hay thậm chí là Raul – Castro, nhiều người e ngại ông sẽ dùng lực lượng an ninh (đã được triển khai hôm Chủ nhật) để trấn áp các cuộc biểu tình bằng bạo lực.

 

Syria xuất khẩu ma túy nhiều hơn cả hàng hóa

Chiến tranh, các lệnh trừng phạt của phương Tây và chế độ Assad đã tàn phá nền kinh tế Syria. Nhưng có một thứ thuốc trắng đang thúc đẩy kinh tế nước này. Trong thập niên qua, tổng thống Bashar al-Assad đã trở thành nhân vật đại diện hàng đầu thế giới cho Captagon, một loại amphetamine giúp an thần. Ngành “tiểu thủ công nghiệp” phát triển và các nhà máy dược phẩm lớn đã được chuyển đổi thành nhà máy sản xuất ma túy. Từ Syria, loại ma túy này được vận chuyển bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển: chỉ một chuyến tàu năm ngoái đã vượt lượng kim ngạch xuất khẩu hợp pháp trong năm của cả nước. Các ước tính trong năm nay cho thấy ngày càng có nhiều thuốc bị phát hiện vận chuyển lậu trong các cuộn giấy, sàn lát gỗ và quả lựu hơn bao giờ hết.

 

Hầu hết hàng được chuyển đến vùng Vịnh, nơi Captagon rất thịnh. Nó giúp mang về hàng tỷ đô la cho các lãnh chúa và một số người thân của ông Assad. Theo các nhà quan sát thì loại thuốc này cũng có thể có mục đích chính trị. Hãy bình thường hóa quan hệ với Syria, nếu không Syria sẽ cho ma túy tràn ngập đất nước của bạn.

 

 

 

 


No comments: