Friday, July 23, 2021

NORD STREAM 2 : ĐỨC - MỸ BẮT TAY, NGA HƯỞNG LỢI, ĐÔNG ÂU CÔ ĐƠN (Thu Hằng - RFI)

 


Nord Stream 2: Đức-Mỹ bắt tay, Nga hưởng lợi, Đông Âu cô đơn

Thu Hằng  - RFI

Đăng ngày: 23/07/2021 - 14:33

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210723-nord-stream-2-%C4%91%E1%BB%A9c-m%E1.....B4ng-%C3%A2u-c%C3%B4-%C4%91%C6%A1n  

 

Nord Stream 2 là « món quà của Merkel dành cho Putin », theo nhật báo Die Welt khi nói về thỏa thuận đạt được ngày 21/07/2021 giữa thủ tướng Đức và tổng thống Mỹ. Bà Merkel ca ngợi « một thỏa thuận tốt » nhưng thực tế chỉ có lợi cho Đức, Nga và Hoa Kỳ, trong khi các nước Đông Âu, đặc biệt là Ukraina và Ba Lan, sẽ bị tác động nghiêm trọng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/7c30a3e4-ead4-11eb-a4d4-005056a90284/w:980/p:16x9/063_1328938354.webp

Thủ tướng Đức Angela Merkel (T) và tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng, Washington DC ngày 15/07/2021. Getty Images via AFP - CHIP SOMODEVILLA

 

Có lẽ không cần phải nhắc lại lợi ích của Nord Stream 2 đối với Đức dù giới chuyên gia, cũng như những người phản đối dự án vẫn nhấn mạnh đến nguy cơ Liên Hiệp Châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga. Thỏa thuận đạt được với tổng thống Joe Biden còn là « một chiến thắng ngoại giao » có ý nghĩa đặc biệt đối với riêng bà Angela Merkel trong những ngày cuối trên cương vị thủ tướng.

 

Nga và Đức là hai nước được lợi nhất trong dự án dài hơn 1.230 km đi qua biển Baltic và cung cấp gấp đôi lượng khí đốt cho châu Âu. Thứ nhất, đối với Nga, dự án Nord Stream 2 giúp giảm khối lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraina, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước láng giềng rất căng thẳng trên nhiều hồ sơ, theo phân tích của giáo sư Thierry Bros, trường Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po) trên đài RFI.

 

Thứ hai, Đức sẽ trở thành trung tâm trong lĩnh vực khí đốt và là nguồn phân phối khí đốt tại châu Âu. Mạng lưới vận chuyển khí đốt của Đức sẽ được tăng thêm giá trị. Lợi nhuận sẽ đổ về các công ty sở hữu những đoạn đường ống dẫn khí tại Đức, trong khi một số nước Đông và Trung Âu lo ngại sẽ phải mua khí đốt từ Đức với giá cao hơn so với mua từ Ukraina.

 

 

Ukraina bị thí tốt

 

Đối với Kiev, dự án Nord Stream 2 đặt dấu chấm hết cho vai trò trung chuyển của Ukraina và như vậy sẽ càng dễ bị Nga « chèn ép » hơn. Năm 2019, 40% trên tổng số 199 tỉ mét khối khí đốt được Gazprom cung cấp cho châu Âu đã trung chuyển qua lãnh thổ Ukraina.

 

 

Ngoài ra, Kiev mất đi nguồn thu phí trung chuyển, lên đến 1,3 tỉ đô la vào năm 2021, trong khi hợp đồng hiện tại sẽ hết hiệu lực vào năm 2024. Như để trấn an đồng minh, Mỹ và Đức cam kết nỗ lực để khí đốt của Nga « sẽ tiếp tục trung chuyển qua Ukraina sau năm 2024 », thậm chí triển hạn thêm 10 năm, theo cam kết trong thông cáo chung Merkel-Biden. Phía Đức còn hứa sẽ « đưa ra những biện pháp ở cấp quốc gia và sẽ gây sức ép để đạt được những biện pháp hiệu quả ở cấp Liên Hiệp Châu Âu, kể cả trừng phạt, trong trường hợp Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí hoặc có những hành động hung hăng nhắm vào Ukraina ». Nhưng thực tế cho thấy trừng phạt Nga từ trước đến giờ không mang lại hiệu quả như mong đợi.

 

Nước tiếp theo bị ảnh hưởng là Ba Lan. Điều này giải thích tại sao chính quyền Vacxava lại kịch liệt phản đối dự án Nord Stream 2. Ba Lan sẽ ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga khi hết hợp đồng với Gazprom vào năm 2022 và sẽ chuyển sang khí đốt của Na Uy. Ngoài ra, Ba Lan cũng muốn phát triển « Sáng kiến Tam Hải » gồm các nước Trung và Đông Âu với mục tiêu đề ra là bảo đảm an ninh năng lượng. Đức cũng lên tiếng ủng hộ dự án như để trấn an Ba Lan.

 

 

Mỹ từ bỏ vì muốn tập trung liên minh vào Trung Quốc

 

Cuối cùng, Hoa Kỳ rút lui êm thấm sau khi thỏa thuận được với Đức một số « bảo đảm » tài chính cho Kiev thông qua « quỹ xanh » khoảng 150 triệu đô la để « hỗ trợ chuyển đổi công nghệ của Ukraina ». Tuy nhiên, theo giáo sư Thierry Bros của trường Sciences-Po, đây không phải là điểm mới vì Liên Hiệp Châu Âu đã hứa những khoản đầu tư này cho Ukraina. 

 

Việc tổng thống Joe Biden, người từng kịch liệt phản đối dự án Nord Stream 2, bất ngờ đổi ý, có thể được giải thích qua chiến lược tập trung « quan hệ đồng minh » với Đức trên nhiều hồ sơ quan trọng khác, đặc biệt là đối phó với Trung Quốc. Cuối tháng Năm, chủ nhân Nhà Trắng từ bỏ trừng phạt tập đoàn Gazprom của Nga, chủ đầu tư chính của dự án với lý do đã quá muộn để chống dự án được hoàn thiện đến 98%.

 

Tóm lại, dù có Nord Stream 2 hay không thì châu Âu vẫn bị phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt do chỉ sản xuất được 13% nhu cầu của khu vực, 87% còn lại phụ thuộc vào nước ngoài, trong đó Nga với tập đoàn Gazprom và Hoa Kỳ là những nhà cung cấp lớn nhất.

 

                                                           ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

HOA KỲ - ĐỨC

Mỹ - Đức giải quyết bất đồng về dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2

.

NORD STREAM 2 - ĐỨC - NGA

Nord Stream 2 : Đức "dọa" dừng vận chuyển khí đốt nếu Nga vẫn gây áp lực với Ukraina

.

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Nord Stream 2 : Mỹ vất vả chen chân vào thị trường khí đốt châu Âu

 

 

 

No comments: