Thursday, July 2, 2020

NHIỀU NGƯỜI MỸ GỐC PHI, GỐC Á BÁO CÁO BỊ KỲ THỊ GIỮA DỊCH COVID (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
03/07/2020

Người Mỹ gốc Phi và gốc Á là hai nhóm sắc dân báo cáo có sự kì thị gia tăng nhắm vào họ giữa đại dịch virus corona, theo một cuộc thăm dò từ Trung tâm nghiên cứu Pew công bố ngày 1/7.

Theo đó, 58% người Mỹ gốc Á nói rằng những lời lẽ kì thị chủng tộc nhắm vào họ giờ xuất hiện nhiều hơn so với trước đại dịch, trong khi 45% số người gốc Phi được hỏi cũng cho biết như vậy.

Con số này cao hơn gấp đôi tỉ lệ người nói tiếng Tây Ban Nha (21%) và người da trắng (18%) báo cáo họ là đối tượng của sự kì thị chủng tộc kể từ khi dịch virus corona bùng phát.

Vẫn theo khảo sát của Pew, 38% người Mỹ da đen và 39% người Mỹ gốc Á cho biết trong vài tháng qua họ nhận thấy có người hành xử không thoải mái khi ở gần họ vì lí do chủng tộc.

Hơn một phần tư người Mỹ gốc Á trả lời cuộc khảo sát ý kiến, 26%, nói rằng họ đã lâm vào tình huống mà họ lo sợ tổn thương về thể chất.

Khoảng bốn trong số 10 người da đen được hỏi, 42%, cũng nói rằng họ lo lắng rằng họ sẽ bị nhìn bằng ánh mắt nghi ngờ vì đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trong khi 36% người Mỹ gốc Á nói như vậy.

Chỉ 5 phần trăm số người da trắng được hỏi nói rằng họ lo lắng về việc bị nhìn bằng ánh mắt nghi ngờ ở nơi công cộng vì khẩu trang.

Trong khi đó, một tổ chức vận động cho cho người gốc Á thu thập dữ liệu về tình trạng kì thị chủng tộc cho biết 2.120 vụ việc liên quan tới dịch Covid-19 được báo cáo trong khoảng thời gian ba tháng từ tháng 3 tới tháng 6 ở khắp nước Mỹ. Những vụ việc này bao gồm tấn công thân thể, chửi bới, kì thị ở nơi làm việc và quấy nhiễu trên mạng.

Hội đồng Chính sách và Kế hoạch Châu Á Thái Bình Dương và Hội Xúc tiến Quyền lợi Người Hoa ra mắt một website báo cáo các vụ việc liên quan tới thù ghét sắc tộc vào ngày 19 tháng 3 khi virus corona lan rộng khắp Mỹ và truyền thông bắt đầu đưa tin về các vụ bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á.

Các tổ chức này cho biết trong một thông cáo hôm 1/7 rằng người Mỹ gốc Á ở bang California, một trong những nơi mà cộng đồng này tập trung đông đảo nhất, báo cáo hơn 800 vụ việc thù ghét sắc tộc trong ba tháng qua.

Ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ, cho biết tới giờ chưa có vụ việc kì thị nhắm vào người gốc Việt được báo cáo trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hay trong các công tác xã hội mà ông tham dự. Tuy nhiên, ông nói ông có biết về những vụ tấn công nhắm vào người Hoa ở khu vực thành phố New York, nơi ông sinh sống, vào lúc dịch bệnh mới bùng lên ở Mỹ.

“Ở New York thì có một số người Hoa đeo khẩu trang bị chặn đánh đập, một vài người xô xát với nhau làm bị thương chứ chưa đến nỗi chết chóc, chuyện đó có xảy ra,” ông nói. “Đó là cá nhân một số người có bản chất kì thị chứ không phải chính sách, đường lối hay hầu hết người Mỹ da trắng nào cũng có suy nghĩ đó.”

Bà Cynthia Trương, một cư dân ở thành phố Philadelphia, nói với VOA rằng vào lúc dịch bệnh mới bùng phát, một số người quen của bà cho biết họ nhận thấy thái độ dè dặt của một số người xung quanh ở nơi công cộng khi những người này nhìn thấy họ đeo khẩu trang.

“Họ đi chợ Costco và họ mang khẩu trang, lúc đó [nhà chức trách] chưa bắt buộc mang khẩu trang. Người ta thấy người Á châu nào mang khẩu trang là tránh xa,” bà nói. “Mà thậm chí cả những người Việt khi thấy những người khác mang khẩu trang thì họ cũng tránh xa vì họ không biết những người đó có vấn đề gì hay không.”

Cuộc khảo sát của Pew cũng cho thấy gần bốn trên mười người Mỹ (39 phần trăm) nói những người gốc Á là đối tượng dễ hứng chịu những vụ tấn công kì thị chủng tộc hay hành vi thiếu tế nhị nhất trong suốt đại dịch, và 30 phần trăm đưa ra nhận định như vậy về người da đen.

Những lo ngại về kì thị chủng tộc và tội ác thù hằn nhắm vào người Mỹ gốc Á vẫn tiếp tục trong suốt đại dịch, với việc Tổng thống Donald Trump sử dụng một số cụm từ để mô tả virus bị một số người chỉ trích.

Ông Trump đã gọi virus này là "kung flu" tại hai sự kiện gần đây và trước đó trong đại dịch gọi nó là "virus Trung Quốc," lưu ý rằng nó có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Nhà Trắng phủ nhận ông Trump sử dụng các cụm từ này với hàm ý kì thị chủng tộc và nói ông không tin cụm từ "kung flu" mang tính xúc phạm.

Cuộc khảo sát của Pew được thực hiện với 9.654 người trưởng thành ở Mỹ, trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến 10 tháng 6.







No comments: