Tuesday, July 7, 2020

NGHỀ KINH DOANH TƯỢNG ĐÀI (Tạ Duy Anh)




Lão Tạ  (Tạ Duy Anh)

Mấy ngày nay dư luận lại rộ lên câu chuyện tượng đài. Một huyện thuộc diện nghèo kiết xác, thu nhập đầu người chỉ mấy trăm đô la một năm, lãnh đạo đã thống nhất một ý chí cùng “vén tay áo xô” “đốt” gần 50 tỷ đồng (trong đó tiền ngân sách chiếm 70 %) để làm một cái tượng đài, mà như mọi tượng đài khác ở đất nước này, chưa xong đã biết chắc chắn là nó xấu xí, kém chất lượng và tất nhiên phần lớn chúng vô nghĩa về mặt giáo dục hay văn hóa.

Vì sao có hiện tượng thi đua xây tượng đài? Lớn thì nghìn tỷ, bé cũng vài chục tỷ, như tượng đài của cái huyện nghèo kia? Có đủ lý do cho việc nơi nào đó cần thiết phải có tượng đài. Ví dụ một tỉnh nọ, khi thuyết trình về việc làm tượng đài cả ngàn tỉ, đã dùng những lời lẽ thống thiết (tất nhiên là dối trá), rằng nhân dân các dân tộc ở đó kháo khát được ghi nhớ công ơn của “Bác Hồ kính yêu”? Hoặc ở một nơi khác, để nhân dân và các thế hệ trẻ ghi nhớ truyền thống cách mạng. Hoặc…

Nói chung là toàn những lời có cánh. Để tăng trọng lượng và tính cấp bách của dự án, họ thường mời một số sử gia ăn tạp làm chân gỗ, tổ chức hội thảo tốn kém, lobby các quan chức cao cấp thông qua môi giới và sẵn sàng mua đứt một số cơ quan truyền thông để hỗ trợ về mặt dư luận. Yêu kính lãnh tụ, ghi nhớ truyền thống cách mạng, uống nước nhớ nguồn…là những cụm từ sẽ được dùng đến nhiều nhất.

Và một ngày nào đó, cái dự án tốn kém đó được Nhà nước (hoặc tỉnh hoặc huyện phê duyệt), câu chuyện chính mới thật sự bắt đầu. Và nội dung của nó chỉ gói gọn trong hai chữ thần thánh: Phần trăm! Tối thiểu là 10 phần trăm. Tối đa thì không thể biết. Yêu kính, ghi nhớ, tưởng nhớ, biết ơn cái con khỉ khô.

Tiền. Mục tiêu cao nhất, lý tưởng cao nhất, tình cảm thiêng liêng nhất là TIỀN. Đơn giản và dễ hiểu vậy thôi. Nhân dân chả hưởng gì từ những dự án đó, ngoài việc họ phải móc túi đóng thêm thuế. Lãnh tụ cũng chả vì thế mà thiêng hơn, nhất là khi nó biến mình thành một thứ bung xung để chia chác, thậm chí còn là cái cớ để hứng chửi từ đám dân cơm chẳng có mà ăn. Chỉ các vị quan chức công khai và bí mật là vớ bẫm! Hãy giả định, khi trong tay lãnh đạo tỉnh có cái dự án tiêu tiền ngân sách ngàn tỉ, (với huyện thì khiếm tốn ở mức hàng chục hàng trăm tỉ) ngoài việc có ngay và luôn cả xe tiền tươi để chia nhau, còn là một quyền lực to lớn trong việc ban phát bao trùm suốt cái nhiệm kì đó. Sẽ có không biết bao nhiêu kẻ vây vo để mong được dính máu ăn phần.

Liệu có nghề kinh doanh nào lãi hơn, thậm chí vẽ ra tiền, như nghề kinh doanh tượng đài? Cũng là kinh doanh, mà siêu lãi so với các nghề kinh doanh khốn nạn khác, thế thì tội gì không làm. Hài hước nhất là cái công trình hoàn toàn vì phần trăm nào đó, dù kệch cỡm, dù phản văn hóa, xuyên tạc lịch sử, còn có thể được khen thưởng, được gắn bảng công trình văn hóa, công trình lịch sử, công trình chào mừng nọ kia nữa cơ.

Đó mới là “động lực cách mạng” thật sự của lòng trung thành.








No comments: