Saturday, July 4, 2020

MỸ ĐA GIÚP VLADIMIR PUTIN TRỞ THÀNH NHÀ ĐỘC TÀI SUỐT ĐỜI NHƯ THẾ NÀO? (David Satter)




Tác giả: David Satter
Dịch giả: Lê Minh Nguyên
04/07/2020

Lời dịch giả: Nhân sự kiện Vladimir Putin cho sửa Hiến pháp để ông ta có thể làm tổng thống suốt đời, chúng tôi xin được giới thiệu một bài viết cũ của David Satter, một nhà báo có nhiều năm kinh nghiệm với Nga và Liên Xô, cũng như sự trỗi dậy của Nga thời hậu Xô Viết: “Mỹ đã giúp Vladimir Putin thành nhà độc tài suốt đời như thế nào?” Bài viết giúp người đọc hiểu thêm, các hành động của Mỹ trong hơn 20 năm qua, có ảnh hưởng thế nào trong việc Putin trở thành nhà lãnh đạo độc tài ở Nga.

Tổng thống Vladimir Putin trong giờ đầu tiên với chức vụ mới của mình. Ông Vladimir Yeltsin tuyên bố trên truyền hình ngày 31/12/1999 rằng ông đã từ chức và cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức trong vòng 90 ngày để có người chính thức thay thế ông. Nguồn: Laski Diffusion / Liaison Agency

Có phải Mỹ đã phớt lờ nguyên nhân vụ đánh bom năm 1999, đẩy bộ máy an ninh lên vị trí cao nhất mà ông Putin không bao giờ từ bỏ?

Chúng ta không thể đánh giá các sự kiện ở Nga ngày hôm nay nếu không hiểu về một loạt các vụ đánh bom bí ẩn năm 1999, đã giết chết 300 thường dân Nga và tạo điều kiện cho Vladimir Putin trở thành nhà độc tài suốt đời ở Nga.

Các vụ đánh bom đã thay đổi hướng đi lịch sử hậu Liên Xô của Nga. Họ đã đổ lỗi cho Chechens, nhưng Chechens phủ nhận sự liên quan. Với sự thành công ban đầu, Nga đã phát động một cuộc xâm lược mới vào Chechnya. Putin, người vừa được bổ nhiệm làm thủ tướng, được giao trọng trách cho cuộc xâm lược này và tiếng tăm của ông được tăng vọt. Sáu tháng sau, ông được bầu làm tổng thống.

Vào ngày 14/7/2016, tôi đã gửi đơn đến Bộ Ngoại giao, CIA và FBI theo Đạo luật Tự do Thông tin (the Freedom of Information Act hay FOIA), yêu cầu cung cấp tài liệu về các vụ đánh bom. Tôi muốn biết liệu Hoa Kỳ có các thông tin để hỗ trợ cho quan điểm – hết sức phổ biến ở Nga – rằng chính các giới chức của Nga đã chủ mưu các vụ đánh bom để đưa Putin lên nắm quyền. Những phản hồi tôi nhận được cho thấy, Hoa Kỳ có bằng chứng đáng kể rằng chính quyền Nga chịu trách nhiệm về vụ đánh bom, nhưng đã chọn phớt lờ bỏ qua nó.

Các vụ đánh bom đã làm ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Nga cho đến ngày nay. Putin áp dụng chính sách tự kiểm duyệt trong vụ đánh bom làm bài bản cho tất cả mọi tội ác khác của thời ông ta, mà trong đó bằng chứng cho thấy, kẻ gây ra thực sự là chế độ.

Vụ đánh bom khu apartment năm 1999 được theo sau bởi cuộc bao vây về con tin ở nhà hát Dubrovka Theater năm 2002, đến vụ thảm sát trường học Beslan năm 2004, rồi vụ giết hại cựu điệp viên của Cơ quan An ninh Liên bang (Federal Security Service hay FSB) Alexander Litvinenko ở London, vụ giết hại nhà báo điều tra Anna Politkovskaya và lãnh đạo phe đối lập Boris Nemtsov ở Moscow.

Trong mỗi trường hợp, chính sách của Hoa Kỳ là phớt lờ, bỏ qua bằng chứng về sự chủ mưu của chính quyền Putin và để cho nó trôi qua. Chính sự phớt lờ này đã làm cho Obama dễ thực hiện chính sách “reset” (xoá bài làm lại) và giúp giải thích lý do tại sao TT Donald Trump, khi còn là ứng cử viên, đã không tin là Putin chịu trách nhiệm về vụ các nhà báo và các nhà đối lập bị ám sát, và sau đó, với tư cách là tổng thống, ông đã biện minh cho tội ác của Nga với câu “Chúng ta cũng giết người”.

Một trong những điều tôi biết được do kết quả có được từ các yêu cầu qua FOIA là sự đánh giá của Hoa Kỳ về ai chịu trách nhiệm cho các vụ đánh bom. Bộ Ngoại giao đã cung cấp 6 tài liệu nhưng không cung cấp gì về sự đánh giá. Tôi đã làm đơn yêu cầu mới, và ngày 22/3/2017 Bộ Ngoại giao đã trả lời rằng các tài liệu liên quan đến sự đánh giá của Hoa Kỳ về các vụ đánh bom sẽ vẫn là bí mật. CIA từ chối cung cấp bất kỳ tài liệu nào và FBI không cung cấp bất cứ thứ gì mà bên ngoài chưa biết.

Trong ghi chú của Vaughn index, tức văn bản giải thích lý do tại sao tài liệu về sự đánh giá không được đưa ra theo luật của FOIA, Bộ Ngoại giao cho biết, việc công bố thông tin này “có khả năng gây ra sự cọ xát hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng” cho mối quan hệ với chính phủ Nga, nó có tính cách “sống còn cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ”.

Câu trả lời không có nghĩa rằng tiết lộ sự đánh giá sẽ gây ra cọ xát. Sự đánh giá có thể đã bị giữ lại vì nó sẽ tình cờ tiết lộ “các nguồn và và các phương pháp” lấy tin tình báo. Có khả năng đó là nguồn, tuy nhiên, nó phù hợp với thái độ ứng xử đặc trưng của Hoa Kỳ liên quan đến các vụ đánh bom kể từ khi chúng xảy ra. Từ sự im lặng này, nó gây ra hậu quả cho toàn bộ phẩm chất trong mối quan hệ Mỹ-Nga.

Bằng cách tránh né không nêu ra những vấn đề quan trọng nhất, chính quyền của Tổng thống Clinton, Bush, Obama và Trump đã cho phép Nga đưa ra một hình ảnh sai lệch về chính nó, theo thời gian, chính chúng ta tưởng thật, làm hư những nỗ lực muộn màng để phản đối các tội ác của Nga và tạo nhược điểm làm cho chúng ta dễ bị Nga thao túng.

Những vụ đánh bom năm 1999 là cơ hội tốt cho Yeltsin và băng tham nhũng chung quanh ông ta. Nó chuyển sự chú ý của đất nước từ sự tham nhũng của chính quyền Yeltsin qua người Chechens, một kẻ thù rất thuận tiện. Sau khi Putin được bầu làm Tổng thống, Yeltsin được ân xá cho tất cả các tội ác đã gây ra khi còn đương chức, và các tội phạm về giải tư tài sản quốc gia theo kiểu cho không dưới thời Yeltsin, lặng lẽ bị chìm xuồng.

Nhưng có lẽ sẽ có rất ít nghi vấn về các vụ đánh bom và việc Putin lên nắm quyền nếu không có quả bom thứ 5 được phát hiện vào ngày 22/9/1999, dưới tầng hầm của một tòa nhà ở Ryazan, phía đông nam Moscow, và nó nhanh chóng được tháo ngòi. Bom được xét nghiệm là có hexogen, chất nổ được sử dụng trong bốn vụ nổ trước đó và có ngòi nổ thật. Tòa nhà được sơ tán và Ryazan được phong tỏa. Vào ngày 24/9, những kẻ đánh bom bị bắt giữ. Họ hóa ra không phải là những kẻ khủng bố Chechen mà là các đặc vụ của FSB.

Việc bắt giữ các đặc vụ, những người này trình ra thẻ nhân viên FSB và nhanh chóng được FSB tại Moscow ra lệnh thả ra, nó đòi hỏi một lời giải thích. Nikolai Patrushev, người thay thế ông Putin làm giám đốc FSB, tuyên bố trên truyền hình quốc gia rằng quả bom là giả và những gì xảy ra không phải là một hành động khủng bố mà là một bài tập huấn luyện. Ông ta chúc mừng người dân Ryazan vì sự cảnh giác cao độ của họ.

Ngay từ đầu, lời giải thích rằng quả bom ở Ryazan là một phần của bài tập huấn luyện không có ý nghĩa gì cả. Khi tôi đến Ryazan vào tháng 4/2000, cư dân của tòa nhà bị đặt bom nói rằng nó sẽ là điều “ngu ngốc” để kiểm tra sự cảnh giác của họ sau khi các vụ đánh bom 4 tòa chung cư trước đó đã đưa Nga rơi vào tình trạng khủng bố.

Cựu cảnh sát viên ở Ryazan, ông Dmitri Florin, người có nhiệm vụ canh gác tối hôm đó, đã xuất bản một cuốn hồi ký trên Live Journal, một mạng truyền thông xã hội Nga, trong đó ông nói rõ rằng chính quyền Nga đã nói dối khi họ nói rằng vụ việc là một bài tập huấn luyện. Sự hoảng loạn và hỗn độn mà anh tận mắt chứng kiến ​​chỉ phù hợp với một điều duy nhất, đó là một nỗ lực làm nổ tung tòa nhà thứ năm.

Gần như ngay lập tức sau khi phát hiện ra quả bom và xét nghiệm là bom sống với hexogen, Florin viết, cảnh sát ở Ryazan đã được cấp áo chống đạn và vũ khí tự động, và được lệnh ở lại canh gác trên đường phố không được nghỉ ngơi. Trụ sở chính của cảnh sát ở Ryazan, nơi gần như trống rỗng, bắt đầu giống như một nhóm quân đội thời chiến. Theo lời của một cảnh sát được ông Florin trích dẫn, “nó như thể thành phố đã bị trúng bom nguyên tử.” Toàn bộ lãnh đạo ngành cảnh sát ở Ryazan đều có mặt và lệnh được ban hành nối đuôi liên tục qua radio.

Ở Nga, luật phòng thủ dân sự đòi hỏi các cuộc tập trận trong khu dân cư phải bao gồm một kế hoạch được xác nhận trước với chính quyền địa phương. Ở Ryazan, không có một cơ quan chính quyền địa phương nào biết là định tổ chức một cuộc thực tập. Trong suốt hai ngày, chính quyền địa phương, bao gồm cả chi nhánh địa phương của FSB đều tin rằng họ đang đối phó với một cuộc tấn công khủng bố. Mỗi cảnh sát đều được trao cho một bản phác họa hình vẽ của 2 trong số 3 nghi phạm, dựa trên các mô tả được cung cấp bởi các cư dân của tòa nhà, những người đã nhìn thấy những nghi can mang các bao tải xuống tầng hầm. Ngày hôm sau, các bản hoạ hình này xuất hiện trên mọi cửa sổ thương mại trong thành phố.

Điều đặc biệt quan trọng là nhân viên FSB địa phương không được thông báo về một cuộc tập huấn. Nếu đây thực sự là một cuộc tập huấn mà các đặc vụ FSB địa phương không biết thì họ sẽ tin rằng họ đang tìm kiếm những kẻ “khủng bố” chính hiệu, và có thể dễ dàng bắn chết các đặc vụ của FSB, những người đang thực hiện cái gọi là “tập huấn” mà không biết rằng họ là người cùng tổ chức.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông chính thức của Nga, bao gồm dịch vụ tin tức Kremlin, ITAR-TASS trong hai ngày (23-24/9) đã thông báo tin tức rằng với sự giúp đỡ của người dân, Nga đã ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố mới. Vào sáng ngày 24/9, không quân Nga đã bắt đầu ném bom Grozny, muốn chứng tỏ là để tiêu diệt các căn cứ khủng bố.

Putin, đang ở Kazakhstan trong một chuyến thăm cấp nhà nước, xác nhận là đã có một âm mưu tấn công khủng bố. Cùng ngày hôm đó, Vladimir Rushailo, bộ trưởng bộ nội vụ, đã nói trong một cuộc họp của đơn vị lo về tội phạm có tổ chức của Bộ, rằng một hành động khủng bố đã bị ngăn chặn.

Tuy nhiên, vào giữa trưa ngày 24/9, ba đặc vụ của FSB bị bắt giữ và nhận dạng. Bây giờ cần phải khẩn cấp thay đổi câu chuyện về một âm mưu tấn công khủng bố. Nikolai Patrushev, người đứng đầu FSB, đã lên truyền hình và giải thích rằng nó không phải là bom sống và những gì diễn ra là một cuộc tập huấn để người dân cảnh giác của FSB.

Mặc dù hết sức kỳ cục, nhưng rất ít người dám sẵn sàng thách thức phiên bản về vụ việc của FSB. Điều này hết sức quan trọng bởi vì nếu FSB đã đặt một quả bom sống chứa hexogen dưới tầng hầm của tòa nhà tại 14-16 đường Novoselov ở Ryazan, thì họ gần như chắc chắn chịu trách nhiệm về 4 quả bom đã nổ ở Buinaksk, Moscow và Volgodonsk, trong đó cũng chứa hexogen.

Một vài cá nhân dũng cảm đã cố gắng điều tra vụ việc Ryazan. Khi State Duma (Quốc Hội), do chế độ Putin kiểm soát, đã bỏ phiếu 3 lần chống lại việc mở một cuộc điều tra về vụ việc, thì một ủy ban xã hội độc lập đã được thành lập bao gồm một số đại biểu QH, trong đó có Sergei Yushchenkov và Yuri Shchekochikhin, nhà báo điều tra của tờ báo độc lập Novaya Gazeta. Yushchenkov bị bắn chết bên ngoài căn chung cư của mình vào ngày 17/4/2003. Shchekochikhin bị đầu độc vào tháng 7/2003. Litvinenko và Politkovskaya cũng điều tra vụ đánh bom rồi cũng bị giết. Trước những vụ giết người này, một bức màn sợ hãi giáng xuống nước Nga về việc Putin lên nắm quyền như thế nào.

Hoa Kỳ đã không đối mặt với những đàn áp bịt miệng này, mà cũng cho thấy không có ý muốn đưa ra những câu hỏi lo ngại cho các vụ đánh bom những căn hộ và vụ Ryazan. Vào ngày 8/2/2000, Ngoại trưởng Madeleine Albright trả lời câu hỏi của nghị sĩ Jesse Helms (R-NC), về việc liệu có bằng chứng nào liên quan đến vụ đánh bom với Chechnya hay không, bà trả lời, “Chúng tôi chưa thấy bằng chứng liên kết các vụ đánh bom với Chechnya”.

Khi bà được hỏi: “Bà có tin rằng chính phủ Nga có lý khi họ buộc tội các nhóm Chechen chịu trách nhiệm cho các vụ đánh bom không?” Bà Albright từ chối trả lời. Bà nói “Cuộc điều tra về vụ đánh bom đang diễn ra.” Câu trả lời này được đưa ra hơn bốn tháng sau khi các đặc vụ của FSB bị bắt vì đặt bom ở Ryazan. Bà Albright sau đó đã bổ túc thêm rằng “các hành động khủng bố không có chỗ đứng trong một xã hội dân chủ”.

Trên thực tế, các tài liệu mà tôi lấy được theo luật FOIA cho thấy, ngay từ đầu, Bộ Ngoại giao đã không sẵn sàng để xem xét thông tin về vụ đánh bom một cách khách quan. Trong một báo cáo đề ngày 16/9, sau vụ đánh bom căn hộ thứ tư ở Volgodonsk, Cục Tình báo và Nghiên cứu (Bureau of Intelligence and Research hay INR) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã báo cáo rằng Putin vào ngày 14/9 mô tả Chechnya là “một trại khủng bố khổng lồ.”

Báo cáo INR đề cập đến những lời buộc tội trên tờ Moskovskiy Komsomolets rằng chính nhà cầm quyền Nga chịu trách nhiệm cho các vụ đánh bom khi chính quyền nói rằng “các nhóm chính trị quan trọng đã không ngần ngại cố gắng khai thác tình hình cho mục đích chính trị riêng của họ”. Báo cáo INR mô tả tờ báo này do “Luzhkov tài trợ” [Yuri Luzhkov, thị trưởng Moscow, là đối thủ chính trị hàng đầu của Yeltsin] và báo cáo viết, “Hầu hết các nhà quan sát công khai ủng hộ quan điểm của chính phủ”.

Nhưng báo Moskovskiy Komsomolets, vào thời điểm đó, có tiếng về sự độc lập và liêm chính. Trong cuốn sách năm 2012, “The Moscow Bombings of 1999”, John Dunlop, một thành viên của Viện Hoover, đã viết rằng vào năm 1999, tờ Moskovskiy Komsomolets đã có “những nhà báo điều tra có độ octane cao, thông tin tốt” và “khuân gánh nặng” trong việc điều tra các vụ đánh bom, trước khi có sự tham gia từ các tờ báo hàng đầu khác như Nezavisimaya Gazeta và Obshchaya Gazeta.

Vào ngày 15/9, Moskovskiy Komsomolets cho ra một trong những báo cáo, mà Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ, cho biết, “một kết luận tạm thời ​​[đạt được bởi các nhà điều tra độc lập] là lực lượng du kích Hồi Giáo Chechen (mujahedin) không có mối quan hệ nào với các hành vi khủng bố ở thủ đô…Những hành động khủng bố này…, với sự chắc chắn gần 100%, là được thực hiện bởi những người chuyên nghiệp”.

Sự không sẵn sàng của Hoa Kỳ để nêu lên chủ đề các vụ đánh bom vẫn cứ tiếp tục như thế, ngay cả khi những nghi ngờ về vai trò của FSB bắt đầu xuất hiện trong báo cáo riêng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trong một điện thư từ Đại sứ quán Mỹ ở Moscow, một tuỳ viên chính trị của Đại sứ quán đã báo cáo rằng, một cựu sĩ quan tình báo Nga, một trong những người chính yếu cung cấp thông tin (informants) cho Đại sứ quán, nói rằng câu chuyện thực sự về vụ Ryazan không bao giờ có thể được biết vì nó sẽ “phá hủy đất nước.” Người cung cấp thông tin cho biết, FSB có “một đội quân được đào tạo đặc biệt”, có nhiệm vụ “thực hiện loại chiến tranh đô thị này” và Viktor Cherkesov, phó giám đốc thứ nhất của FSB và là một nhà điều tra những người bất đồng chính kiến thời Liên Xô là người có vai trò đúng nhất để ra lệnh và thực hiện những hành động như thế này.

Vị tuỳ viên chính trị báo cáo rằng theo một nguồn tin khác, từ một người thân cận với đảng cộng sản Nga mà ứng cử viên là Gennady Zyuganov đã bị ông Putin đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2000, nói ông tin rằng vụ ở Ryazan đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về “hành vi của cơ quan an ninh FSB và nguồn gốc các vụ đánh bom những căn hộ năm ngoái”. Ông nói rằng đảng cộng sản đã ngần ngại để theo đuổi vấn đề này vì sợ bị “mang tiếng là ‘không yêu nước’ nếu họ đưa ra lời buộc tội công khai chống lại cơ quan an ninh.” Vị tùy viên chính trị báo cáo rằng theo các nguồn tin khác của ông, được mô tả là từ “các quan sát viên của bối cảnh chính trị Moscow” cũng bày tỏ những sự nghi ngờ về phiên bản chính thức của chính quyền trong vụ việc ở Ryazan.
Hoa Kỳ cũng có biết một bằng chứng khác, rằng các vụ đánh bom những căn hộ là một cuộc tấn công đánh tráo cờ. Vào ngày 13/9/1999, ông Gennady Seleznev, chủ tịch QH Duma và là người thân cận của Putin, tuyên bố rằng một tòa nhà ở Volgodonsk đã bị đánh bom. Vào ngày ông tuyên bố, có một tòa nhà bị đánh bom nhưng là ở Moscow, trên con đường Kashrafoye Highway. Tòa nhà ở Volgodonsk không bị nổ bom cho đến ngày 16/9, tức ba ngày sau đó.

Ông Vladimir Zhirinovsky, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party) đã đăng đàn QH Duma ngày 17/9 và nói, “Quý vị có thấy những gì đang xảy ra ở đất nước này không? Quý vị nói rằng một tòa chung cư đã bị nổ tung vào thứ Hai và nó bị nổ vào thứ Năm. Điều này có thể được coi là một sự khiêu khích”. Khi Zhirinovsky tiếp tục yêu cầu phải có một lời giải thích, thì micro của ông bị cắt.

Đối mặt với loại bằng chứng này, ít nhất Hoa Kỳ nên yêu cầu Nga công khai giải thích về sự không nhất quán trong phiên bản chính thức của Nga. Nhưng rõ ràng đó không phải là điều mà các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ muốn. Trong những năm sau đó, các chuyên gia về Nga trong chính phủ Hoa Kỳ, khi được hỏi về các vụ đánh bom, đã nhanh chóng thay đổi đề tài. Các học giả và các nhà báo, vì lo lắng sợ mất visas và sự tiếp cận với Nga, cũng thấy rằng việc viết về Nga dễ dàng hơn nếu không đề cập đến cách mà Putin lên nắm chính quyền như thế nào.

Thế giới không bao giờ thực sự quên vụ đánh bom những căn hộ. Vào ngày 24/9/2014, cánh thanh niên của đảng đối lập Yabloko đã tổ chức một hội nghị tại Moscow để kỷ niệm 15 năm sự kiện Ryazan. Trong các cuộc biểu tình chống Putin năm 2011-12, các biểu ngữ xuất hiện liên quan đến “Ryazan sugar.” [Chính quyền Nga tuyên bố rằng quả bom ở Ryazan, được FSB nhanh chóng lấy đi, được làm bằng đường.] Báo chí đối lập được chính quyền Nga cho phép hoạt động cũng tránh chủ đề này, nhưng các vụ đánh bom vẫn được thảo luận chi tiết trên các diễn đàn đối lập bị cấm như Kasparov.ru.

Vào năm 2015, PBS phát hành một bộ phim tài liệu Frontline về Putin có tựa đề “Putin’s Way,” trong đó tôi được mời phỏng vấn khá lâu về các vụ đánh bom. Đây là lần đầu tiên, ngoài các sách và tài liệu tôi viết, một cơ quan truyền thông chính thống đã chấp nhận lời giải thích rằng FSB đã thực hiện các cuộc tấn công.

Hai cuốn sách quan trọng cũng xuất hiện ủng hộ quan điểm rằng Putin lên nắm chính quyền bằng một hành động khủng bố. Đó là những cuốn sách của Dunlop, và Karen Dawisha “Putin’s Kleptocracy.” Sau khi tôi bị trục xuất khỏi Nga vào tháng 12/2013, tôi đã viết một cuốn sách mới, “The Less You Know, the Better You Sleep: Russia’s Road to Terror and Dictatorship under Yeltsin and Putin,” (Càng biết ít, càng ngủ ngon: Con đường khủng bố và độc tài của Nga dưới thời Yeltsin và Putin), trong đó bao gồm một cuộc thảo luận chi tiết về lịch sử và ý nghĩa của các vụ đánh bom những căn hộ.

Vào ngày 11/1/2017, nghị sĩ Marco Rubio (R-Florida), đã nêu bật vấn đề đánh bom trong phiên điều trần chuẩn thuận chức ngoại trưởng của ông Rex Tillerson ở Thượng Viện. Chỉ có John McCain (R-Arizona) đã nêu ra vấn đề này trước đó và ông nêu ra một cách kiên dè. Đây có thể là một chỉ dấu cho thấy các vụ đánh bom, bị bỏ qua quá lâu, cuối cùng sẽ trở thành một chủ đề tranh luận nghiêm túc của phương Tây.

Thực ra, phương Tây không thể bỏ qua một sự tàn bạo như vậy, thậm chí 18 năm sau khi nó xảy ra (1999-2017 của bài viết). CIA, khi trả lời yêu cầu của tôi muốn có các tài liệu, đã nói rằng vì cần phải bảo vệ “các nguồn và các phương pháp” lấy tin, nên không thể cung cấp tài liệu hoặc thậm chí xác nhận các vụ đánh bom đã được điều tra.

Tôi tin rằng các bằng chứng hiện đã có về tội lỗi của FSB trong việc làm nổ tung các tòa nhà đã vượt quá tiêu chuẩn nghi ngờ (beyond a reasonable doubt) ngay cả khi không có thêm sự xác nhận. Nhưng các tài liệu trong các hồ sơ của CIA và Bộ Ngoại giao, bao gồm các đánh giá về các sự kiện năm 1999 và những tin tức mà họ căn cứ vào, có khả năng làm cho những tội lỗi này trở nên thuyết phục hơn.

Nếu những người cai trị ở Nga có hành động khủng bố chống lại chính người dân của họ để lên nắm quyền, điều đó có nghĩa là họ không khác gì so với những người đặt bom vào xe ở các khu chợ đông đúc người để gây chia rẽ những người Shiites và Sunnis (hai nhánh chính của Hồi Giáo). Tôi tin chắc rằng những người như vậy không thể là đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đồng thời, việc kiểm tra kỹ lưỡng các vụ đánh bom là cần thiết bởi vì nó có khả năng ngăn chận và có lẽ sẽ chấm dứt được cuộc tấn công tuyên truyền của Nga chống lại phương Tây. Ngay cả những công dân ít quan tâm nhất của một quốc gia phương Tây cũng sẽ giật mình khi nhận thức rằng các tác giả của công cuộc tuyên truyền đó có khả năng phạm tội vượt xa mọi thứ mà họ cáo buộc phương Tây. Không cần phải nói, tất cả những câu chuyện nói về Putin như một người bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống, vốn được phổ biến trong một số tầng lớp bảo thủ, trong các trường hợp này, sẽ chấm dứt.

Có lẽ quan trọng nhất, việc trả lại sự thật về lịch sử hậu Liên Xô của Nga có thể đặt nền móng cho một mối quan hệ chân chính của Hoa Kỳ để thay thế cho những trò đùa tự lừa dối mình của “resets”, đã từng hấp dẫn đối với các Tổng thống Mỹ. Người Nga, trong khi đó, cần phải biết lịch sử của chính họ. Đối mặt với sự thật về con đường nắm quyền lực (bằng khủng bố) của Putin, sẽ giúp cho người Nga mạnh mẽ hơn so với bất kỳ sự tuyên truyền nào của phương Tây từng có, về cái giá kinh hoàng mà nhà nước gây tổn hại lên người dân và sự coi thường tính mạng con người của chính quyền Putin.

------------------------------


Tác giả: David Satter là phóng viên ở Moscow của báo Financial Times và hiện đang cộng tác với Viện Hudson Institute và trường ĐH Johns Hopkins University, School of Advanced International Studies (SAIS).






No comments: