Friday, July 3, 2020

MỘT NƯỚC, HAI CHẾ ĐỘ - NGHĨA LÀ GÌ? (Trần Ngọc Vương)




Trần Ngọc Vương 
03/07/202

Trái với Luật cơ bản của Hồng Kông, được ban hành sau thoả thuận trao trả Hồng Kông giữa Anh và Trung Quốc năm 1997, theo đó Hội đồng lập pháp của Đặc khu hành chính Hồng Kông sẽ "ban hành luật riêng" vì an ninh của Đặc khu, Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua đạo "Luật an ninh quốc gia về Hồng Kông" vào ngày 30/6/2020, mở đường cho những cuộc đàn áp khủng bố mọi hoạt động chính trị không vừa ý Bắc Kinh của người dân đặc khu này. Những cuộc bắt bớ đầu tiên đã diễn ra ngay ngày hôm sau, 1/7, đúng ngày kỷ niệm lần thứ 23 lễ trao trả. Nhiều tổ chức đấu tranh cho dân chủ đã phải "tự giải tán" để tránh đàn áp. Chính phủ Anh lập tức lên tiếng tố cáo hành động áp đặt Luật an ninh này của Bắc Kinh là "vi phạm lộ liễu và nghiêm trọng" Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984, dẫn đến việc trao trả Hồng Kong năm 1997. 

Vi phạm này dĩ nhiên cũng phá vỡ hoàn toàn mô hình "Một nước, hai chế độ" mà Đặng Tiểu Bình nêu ra đầu những năm 1980 khi thương lượng với Anh và Bồ Đào Nha về việc hai nước này trao trả các nhượng địa Hồng Kong và Macau cho Trung Quốc. Nhiều nhà báo quốc tế đã nói lên sự "vỡ mộng" của phương Tây khi tin theo mô hình ảo tưởng này (xem, chẳng hạn, bài điểm báo Pháp trên RFI ngày 1/7/2020). Nhưng trước đó, ngày 6/6,  Giáo sư Trần Ngọc Vương, nhà nghiên cứu uyên thâm về Trung Quốc, đã viết trên FB của mình một bài ngắn với tiêu đề như trên đây, chỉ rõ "sự lừa đảo bằng ngôn từ qua công thức “nhất quốc lưỡng chế”".  Được sự đồng ý của tác giả, Diễn Đàn xin đăng lại bài viết này dưới đây (có chỉnh sửa vài lỗi chính tả/typo, và thêm một chú thích của tác giả).

Xin chân thánh cám ơn GS Trần Ngọc Vương và trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

                                                              ***

Vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi tiềm lực quốc gia của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa còn quá thảm hoạ, thu nhập đầu người chỉ bằng thu nhập của các nước châu Phi đói nghèo và kém phát triển, nền kinh tế yếu đuối rệu rã. Đất nước tan hoang sau đại thảm hoạ mang tên ĐẠI CÁCH MẠNG VĂN HOÁ VÔ SẢN, đất nước ấy vẫn còn có được một cơ may : sau vài phen thay đổi người lãnh đạo tối cao, rốt cuộc, giới chóp bu của ĐCS TQ đã đưa được Đặng Tiểu Bình, người cũng đã từng thuộc nhóm khai quốc và giữ nhiều vị trí trọng yếu trong ĐẢNG và Nhà nước CHNDTH nhưng cũng từng mấy phen lên voi xuống chó, giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của đế chế đó! Và với tài thao lược chính tri xuất chúng của mình, Đặng đã làm thay đổi toàn bộ cục diện, không chỉ cứu hơn một tỷ dân thoát dần khỏi nạn đói diệt chủng, mà còn đặt đất nước ấy lên một quỹ đạo phát triển, thăng hoa, có không ít người gọi đó là sự phát triển thần kỳ!

Tôi phải nhắc lại ở đây lời nói của mình trước các nhà giáo của Đại học Bắc Kinh vào năm 1998, khi được hỏi đánh giá của mình về Đặng : “đối với tôi, Đặng Tiểu Bình có gì đó như Mã Viện, là anh hùng dân tộc của Trung Quốc, nhưng là tội đồ của dân tộc Việt Nam”!

Các đồng nghiệp TQ của tôi hôm đó mặt đóng băng, nhưng cũng ít nhiều tán thành cách đánh giá ấy, một cách vô ngôn, như họ thường tỏ ra thế khi gặp chuyện khó xử!

Trong bài này, tôi không bàn chuyên và riêng về Đặng Tiểu Bình, mà muốn bạn cùng tôi thấu hiểu và suy nghĩ thật trung thực, công bằng và sáng suốt, về chỉ một quan niệm, một tư tưởng, một di huấn chính trị của ông ấy, cái ý niệm mà hiện thời đang nổi lên như một “hộp đen” khổng lồ, khiến cho tất thảy những người quan tâm đến chính trị quốc tế đang đặt ra những suy vấn, chi phối các chính khách của thế giới đương đại! Đó chính là ý tưởng và thực tiễn của công thức dị thường : “nhất quốc lưỡng chế” - “một nước hai chế độ”, quá khứ, hiện tại và tương lai của mô hình ấy!

Bắt đầu vào nội dung sâu, thì không thể không bàn đến các khái niệm. Vì gốc của công thức được Đặng Tiểu Bình diễn đạt bằng tiếng Hán, nên cần nhận thức các khái niệm này trước hết “theo kiểu Trung Quốc”, trong những trường hợp cần làm rõ, người viết sẽ chú thích thêm bằng ngôn ngữ khác.

“Nhất quốc, lưỡng chế” là công thức mà Đặng Tiểu Bình đề xuất, trước hết cho chính ĐCS và người dân TQ, lớp đối tượng thứ hai là các chính thể và cư dân thuộc phạm vi lãnh thổ truyền thống thuộc TQ cuối thời nhà Thanh, trong đó bao gồm theo trật tự ưu tiên là Đài Loan, Hồng Kông,Ma Cao. Đài Loan, trên thực tế từ năm 1949 là nơi mà chính quyền của Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch vì bại trận ở đại lục nên rút ra quần đảo này, duy trì một nhà nước độc lập và đối kháng với nhà nước cộng sản định danh là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Từ đó đến nay, Đài Loan vẫn tuyên bố là một quốc gia độc lập!

Hồng Kông cuối thế kỷ XIX vốn là một làng chài - hải cảng (Hương Cảng) được người Anh thuê lại từ triều đình nhà Thanh làm thành thành phố nhượng địa với thời hạn 100 năm. Gần cùng thời điểm đó Bồ Đào Nha cũng thuê Ma Cao với quy chế và thời hạn tương tự. Sau khi chiếm trọn đại lục, chính quyền CS TQ không giải thể chính quyền ở hai địa khu này, mà thoả thuận với Anh và Bồ Đào Nha để các thành phố này giữ lại chính quyền độc lập và tự trị!

Sau khi nhà nước CHNDTH ra đời, trên lãnh thổ Trung Hoa đại lục, thừa nhận sự khác biệt về cộng đồng dân cư và văn hoá, cũng như sự khu biệt về lãnh thổ của các vùng đất lớn khác nhau, nên bên cạnh sự tồn tại về chủ quyền chính trị, kinh tế và văn hoá, CHNDTH còn thiết định một số khu tự trị khác, chủ yếu là ở các “vùng sâu vùng xa” bao quanh hai vùng bình nguyên chủ yếu làm nên hạt nhân nền văn hoá TQ - tức trên lưu vực của hai con sông lớn là Hoàng Hà và Trường Giang (Dương Tử Giang). Đó là các khu tự tri Tân Cương, Tây Tạng, Choang (Quảng Tây), Mãn Châu, Nội Mông. (ở VN cũng mô phỏng tương tự nên có các khu tự trị Thái Mèo và khu tự trị Tày Nùng, sau đổi là Tây Bắc và Việt Bắc, sau nữa là giải thể! ).

Quốc kỳ Trung Quốc mang năm ngôi sao, với nghĩa ban đầu là 5 vùng lãnh thổ, 5 vùng dân cư lớn là vậy. Giờ thì họ rất muốn xoá đi cái ký ức về sự cát cứ như thế, nhưng không thể “ tự dưng” mà đổi quốc kỳ, đã thế thì, gần đây họ sai lũ tay chân lén lút phất thử một lá quốc kỳ khác, 5 sao nhỏ! Ý nghĩa sâu xa mang hàm ý thêm vùng lãnh thổ khác!

Mấy khu tự trị, mấy thành phố vốn là nhượng địa, rồi ĐÀI LOAN trong tương lai, ... đặt ra và làm phức tạp hoá thêm rất nhiều cho mô hình cai trị !

“Đã nhiều lần, qua hơn 40 năm, tôi “trở đi trở lại” với câu hỏi tự vấn : thực chất người TQ nói chung, giới cầm quyền tối cao ở TQ nói riêng, hiểu thế nào về “quốc”, và họ, từ người dân thường cho chí lãnh tụ, đã hiện thực hoá cách hiểu cách nghĩ cách cảm xúc ấy bằng cách sống và cách hành xử như thế nào? Tôi rất mong muốn nhận ra, đúng và đủ, cái “ tình” và cái “ lý” ấy ở họ! Điều ấy với tôi, với người Việt Nam chúng tôi, là vô cùng quan trọng, vì định mệnh đã “trước bạ” chúng tôi, vào một vị trí địa lý rất khó “co duỗi” cạnh một hàng xóm là chúa sơn lâm vĩnh hằng đói khát, sẵn sàng chén tuốt, tất cả những gì mà mình sơ hở để lộ ra, từ thượng vàng tới hạ cám! Phải có cách gì khiến họ hoặc thôi thèm muốn, hoặc chán chường chối bỏ, hoặc giả nghịch lý với thói thường, họ rủ lòng từ bi mà thương xót bỏ qua hay “tha cho”?”

Lần dõi theo sự ra đời và phát triển, vận động của tư tưởng chính trị - pháp quyền của TQ cổ xưa, sẽ nhận thấy những dấu vết sớm nhất của tổ chức cộng đồng cư dân và ý niệm sớm nhất về lãnh thổ gắn bó với nhau. Chữ QUỐC mang ý nghĩa là ông vua ở trong một cái thành bao quanh. Ra khỏi thời nguyên thuỷ, người TQ cổ xưa lập ra thiết chế tổ chức và quản lý bền vững sớm nhất là vị thủ lĩnh đứng đầu. Tên gọi của người đó sớm nhất là gì hiện còn là vấn đề cần thảo luận. Học giả đời sau, từ Xuân thu - Chiến quốc trở đi đưa ra nhiều thuyết, nhiều đề xuất và đoán định, nhưng chữ Vương là danh xưng khả tín và được giới học thuật dễ đồng ý nhất! Tất cả các đời vua nhà Chu đều tự xưng/được gọi là Vương. Sang đời Tần, do chỗ sau sự kiện vua nước Sở “ tiếm hiệu tự xưng” là Vương, nhiều nước chư hầu nối gót xưng vương hiệu, nên khi nước Tần đánh bại lần lượt sáu nước lớn khác để thống nhất quyền vị, duy nhất hoá một danh xưng, vua Tần trở thành Đế! Vậy là “ đế” là tôn hiệu ra đời muộn hơn, nhưng lại mang nghĩa tôn vinh cao hơn, quyền lực tập trung hơn : THUỶ HOÀNG ĐẾ, hoàng đế mở đầu, được hình thành như vậy!

Khái niệm, đúng ra thì nên nói là từ ngữ tiếp theo quan trọng và phổ dụng là chữ TRIỀU, nói rộng hơn là TRIỀU ĐẠI. Lịch sử TQ cũng được coi chính thức bắt đầu với việc xuất hiện triều đại đầu tiên, là nhà Hạ. TAM HOÀNG NGŨ ĐẾ chỉ là những huyền thoại, những sản phẩm hư cấu của hậu học về sau, không phải là những triều đại có thật. Tín sử sớm nhất ở TQ có thể khảo cứu được là từ nhà Ân -Thương! Bắt đầu từ đây, sử chính thống ở TQ gọi tên triều đại làm tên nước, tức cũng bằng tên vùng đất quê của vị vua khởi nghiệp, gọi là “đất khởi gia”, “ đất thang mộc”. Tên các triều đại cũng có thể thay đổi, do kết quả của những cuộc “ đình nghị” quan trọng, xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của vùng đất nào gắn bó nhất đối với triều đại đang cai trị!

Không có triều đại nào từng tồn tại trong lịch sử TQ mà được định danh bằng toàn bộ vùng lãnh thổ mà triều đại đó thực hiện quyền cai trị. Trong khi các triều đại tự coi là thiên triều ở TQ đều rất sát sao, riết róng đối với quốc hiệu của các nước mà họ coi là chư hầu, thuộc quốc hay phiên quốc, họ lại chẳng bao giờ gọi, đặt quốc hiệu của chính họ. Tình trạng ấy kéo dài xuyên suốt lịch sử, cho đến tận ngày nay!

Để hiểu sự khác thường trong não trạng chính trị của giới cầm quyền tối cao ở Trung Quốc, cần hiểu cho đúng, cho rõ bộ ba khái niệm cốt lõi mà giới ấy luôn luôn sử dụng, viện dẫn hay khai thác : THIÊN TỬ (người trần thế duy nhất được thay thế hoàn toàn cho Thượng đế) nhận THIÊN MỆNH cai quản toàn THIÊN HẠ!

Nhìn từ lịch sử, có thể khẳng đinh rằng, đối với não trạng nhận thức của người TQ mà nói, quốc gia trước hết phải được hình dung như một kết cấu cai trị, phải có một chính quyền tập trung và một bộ máy quản lý thống nhất.Bất kỳ ai khi nhập cuộc tìm hiểu nền văn minh này và cơ cấu xã hội của họ, đều có thể nghe được sự khẳng định quen thuộc : “nước không thể một ngày không có vua”!

Nhưng, nước cũng không thể không gắn với một cương thổ xác định, và trên vùng lãnh thổ ấy tất yếu phải có một khối, một cộng đồng dân cư, tức là dân!

Vua (rộng hơn, triều đình), cư dân và lãnh thổ, đó là những “bộ phận tất yếu” không thể thiếu để làm nên quốc gia theo cách hình dung của mọi lý thuyết chính trị đã từng tồn tại trên đất TQ. Kinh thư, cuốn sách kinh điển chính trị đầu tiên của người TQ, được nhập tâm, thuộc nằm lòng của các nhân vật tham gia vào nền chính trị, khẳng định tính chất đương nhiên của ba thành tố đó, và thơ Bắc Sơn của Kinh thi, đã cụ thể hơn và công thức hoá mối quan hệ giữa ba thành tố: “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ, suất thổ chi tân, mạc phi vương thần” (Khắp mọi nơi dưới gầm trời, không mảnh đất nào là không phải của vua, từ mọi vùng đất đến mọi bến nước, không một người dân nào không phải bề tôi của vua). Khẳng định ấy ngày nay vẫn được ghi trên bia lớn dựng trên đất cũ nền đàn Xã Tắc ở công viên Trung Sơn ngay cạnh Tử cấm thành Bắc Kinh.

Một chính quyền quân chủ, chuyên chế, đại thống nhất, đại tập trung, trên một “mặt bằng” là mọi miền đất- và không chỉ đất, mà mọi thứ dưới gầm trời, cùng mọi cư dân, tất cả mọi người sống dưới thiên hạ ấy, được khẳng định làm nguyên lý tối hậu về mặt pháp định, đều thuộc về vua!

Vua ấy là “đại lý độc quyền” của Trời, là đích tử, thay và được trời uỷ quyền thay mình hành động không bị giới hạn quyền lực. Cả phái Pháp trị, cả phái Nho gia, những người kiến tạo nên hai lý thuyết cai tri, hai học thuyết ý thức hệ ở TQ xưa, đều cùng khẳng định những thành tố làm nên quốc gia, là như thế! Định hình “khung khổ lý thuyết” ấy, các triều đại chuyên chế trên đất Trung Hoa xưa, đã không thể bổ sung những tri thức lý thuyết mới về căn bản nào khác!

Khối cư dân nền ban đầu của các đế chế Tần - Hán trong suốt 1500 năm làm nên “bộ phận cốt lõi” của cộng đồng cư dân TQ, và vừa định cư, vừa hoà huyết, từ chỗ khởi đầu có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tộc / nhóm tộc người, đến thế kỷ thứ V, bắt gặp những va đập dữ dôi. Cả ba thành tố vốn ổn định khá lâu dài (chính thể trung ương chuyên chế, khối cộng dồng cư dân, vùng lãnh thổ bình nguyên của hai con sông lớn Hoàng Hà và Dương Tử) đều gặp phải những thử thách mới.Tính thuần thục của khối cư dân va chạm và xáo trộn trước hết với các nhóm cư dân từ phía bắc và tây bắc mà người Hán quen gọi khá phiếm định là rợ Hung Nô hay rợ Khương - Tây Vực, quyền lực chính trị thiên triều truyền thống bị đe doạ hay thậm chí bị lăng nhục bởi sức mạnh của các nhà nước bán đế chế Liêu - Kim - Hạ, và “đòn nốc ao” mạnh mẽ đầu tiên khiến cái nhà nước thiên triều Trung Hoa rời rã, cơ hồ bị xoá sổ, là đòn viễn chinh quân sự đến từ đội quân Mông - Nguyên! Cả ba thành tố chủ yếu làm nên mô hình quốc gia truyền thống Trung Hoa đều thay đổi dữ dội, Dưới triều Nguyên, quyền lực hoàng đế không còn là “xuất thân Hoa Hạ” kiêu hãnh, lãnh thổ mở rộng đến cả thâm sơn cùng cốc, hải giác thiên nhai, khối cư dân dị tộc lại có thân phận và địa vị “ăn trên ngồi trốc!”.

Nhưng chính nhờ các triều đại dị tộc, đặc biệt là nhà Nguyên và nhà Mãn Thanh, mà TQ đã có diện mạo quốc gia như ngày nay!

Tôi đã lược thuật lại từ góc độ lịch sử - thực tiễn cũng như lý thuyết, cái được gọi là “quốc” trong truyền thống và nếp nghĩ của người TQ, đặc biệt là giới cầm quyền quân chủ chuyên chế.

Thế còn cái “chế độ xã hội” trong cách nghĩ của Đặng và nhóm cầm quyền trước thực tế ngày nay, cùng quan hệ giữa hai bình diện ấy - quốc gia và chế độ xã hội, cách hiểu như tôi đã nói, dị thường và gây ngạc nhiên, ở thời điểm hiện nay?


CÁC NHÀ TƯ TƯỞNG KINH ĐIỂN CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN ĐÃ NÓI GÌ?

Sự phát triển của hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa là một quá trình tiệm tiến, đi từ những ý niệm mang tính giấc mơ đến những đòi hỏi kiến tạo một xã hội vật chất hoá, hiện thực hoá. Điều ấy được chỉ ra không thể nào rõ ràng hơn trong diễn ngôn của hai nhà tư tưởng, cho đến nay là quan trọng nhất, có tính quyền uy cao nhất của học thuyết này, là K. Marx và F. Engels “CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN TỪ KHÔNG TƯỞNG ĐẾN KHOA HỌC”!

Mở đầu Tuyên ngôn Đảng cộng sản, tác phẩm mang tính chất Thánh kinh, Thánh điển của hệ tư tưởng ấy, hai ông đã chọn điểm xuất phát của sự trình bày bằng một câu đầy tính văn chương fantastique “Một bóng ma ám ảnh toàn châu Âu - bóng ma chủ nghĩa cộng sản”. Rồi ngay lập tức các ông đã nỗ lực đầy tâm huyết, để khẳng định rằng, đó không phải là bóng ma, mà chắc chắn sẽ là một thực tại trần gian, một xã hội lý tưởng đang “sầm sập” ập tới, không thể ngăn cản, không hòng chống đỡ! Hân hoan chào đón “con ma” ấy, các ông nhanh chóng tiến gần tới một khẳng định chắc nịch : chủ nghĩa cộng sản đang nhanh chóng “trên đường” từ không tưởng đến khoa học! Vào cái không thời gian thấm đẫm tinh thần chủ nghĩa duy lý, của phát minh khoa học và tính khả kiểm của mọi điều tưởng tượng dường như điên rồ nhất, các ông nhanh chóng biến “tác phẩm hư cấu mạnh mẽ, điên rồ và táo bạo bậc nhất” thành phong trào xã hội, thành hoạt động thực tiễn, thành thiết chế chính trị, thành cơn hồng thuỷ nhuộm đỏ châu Âu để rồi lan nhang sang các châu lục khác, mà xứ sở hậu ứng quan trọng nhất sẽ là châu Á cổ xưa, thông thái và già cỗi, bất trắc và ỡm ờ, qua nẻo “hành trình về phương Đông” - xứ sở “tân cựu giao duyên”, đế chế Sa Hoàng chềnh ềnh, thách thức giữa hai châu lục Âu -Á.
Chủ nghĩa cộng sản khoa học là tương lai, là mùa xuân nhân loại, cho nên phải “phê phán phủ định” tất thảy những gì đã tạo ra trong quá khứ, không thể coi đó là khuôn mẫu tin cậy, càng không thể coi là hình ảnh của tương lai! Trong số những “tàn dư độc hại “ cần được hình dung và thiết kế sớm cho xã hội tương lai rực rỡ đó, các ông đã chọn để công phá đầu tiên, vào pháp quyền tư hữu, cùng những thiết chế - phương tiện phục vụ cho thứ pháp quyền đáng căm ghét bậc nhất ấy, đó là thiết chế quốc gia, dân tộc, tôn giáo . Những người, những tập hợp người chịu ảnh hưởng các ông, được coi là trung thành với các ông, trước hết là những người “chả có gì để mất”! Các ông nói thẳng tưng điều đó : giai cấp vô sản phải là và tất yếu là giai cấp cách mạng nhất, triệt để nhất, không những thế còn là giai cấp lãnh đạo của cuộc cách mạng có quy mô lớn nhất, sâu sắc nhất trong lịch sử loài người, vì họ chả có gì để mất! Các ông chua chát bình luận thêm “có mất thì chỉ mất xiềng xích”, còn khi được rồi, thì họ sẽ được “toàn thế giới”! . Cái lôgic triệt để, đơn giản và sòng phẳng đến vậy, kèm với câu khẩu hiệu lừng lẫy, cũng lần đầu tiên gây chấn động tuyên truyền toàn thế giới “Vô sản toàn thế giới, liên hiệp lại!” Kết thúc Tuyên ngôn Đảng cộng sản, hô lên từ 1848, đã làm điên đảo cả trái đất cho tới tận ngày nay!

Một khi đã công phá vào tử huyệt của “thế giới cũ” là pháp quyền tư hữu, thì hiệu ứng phản ứng dây chuyền, hiệu ứng domino tất yếu xảy ra theo. Nhận thức rằng: lịch sử loài người xét đến cùng là lịch sử đấu tranh giai cấp, cho nên bước tiếp theo của việc xoá bỏ quyền tư hữu là xoá bỏ (tức “giải quyết mâu thuẫn” giữa) các giai cấp cơ bản, bằng con đường đấu tranh giai cấp!

Một “công thức đẹp, mang tính thẩm mỹ cao độ” (đẹp tương đương với hằng số vũ tru và giải phóng năng lượng E= mc2)!

Quốc gia, nhà nước là chướng ngại lịch sử thứ hai cần thanh toán!

Hai ông bèn dạy rằng (nên nhớ lúc bấy giờ cả hai ông đều chỉ tròm trèm trên dưới ba mươi tuổi), vì nhà nước là công cụ của một giai cấp (là giai cấp thống trị) dùng để bóc lột, cai trị và nô dịch giai cấp khác, nên xoá bỏ nhà nước chính là phương thức tiết kiệm nhất, giải pháp tối ưu nhất để đi tới thế giới đại đồng. Con đường nhất thiết mà giai cấp cách mạng phải trải qua, “không còn đường nào khác!” là xoá bỏ nhà nước!

Ở trên chúng tôi đã nói, rằng trong kinh nghiệm một bộ phận nhân loại, một quốc gia phải nhất thiết phải gắn với một vùng lãnh thổ có giới hạn nào đó (cương thổ), một toàn khối cư dân nào đó, (“sông phía Bắc, bể phía Đông - nếu không dân cũng là không có gì” - Phan Bội Châu) ở đó phải tồn tại một chính thể vừa quản trị, vừa có thể cai trị, điều hành. Nhưng, các nhà lập thuyết của chủ nghĩa cộng sản đã không thừa nhận “tính tất yếu khách quan” của cái thiết chế mà họ hoàn toàn thành tâm coi chỉ là trạng thái quá độ này! Ngay chính trong tuyên ngôn Đảng cộng sản, họ đã khẳng định “xanh rờn” rằng người cách mạng vô sản là và phải là người “không có tổ quốc”!

Không cần tình cộng đồng hay tính cộng đồng, người vô sản chỉ cần tính giai cấp và tình đồng chí!

Vậy là, xoá bỏ tư hữu, xoá bỏ giai cấp bóc lột để “tự mình trở thành toàn dân, thành nhân dân, thành dân tộc”, nên cũng hướng tới xoá bỏ luôn biên giới quốc gia lãnh thổ (“Bên này biên giới là nhà - Bên kia biên giới cũng là quê hương” - Tố Hữu). Kể từ ngày xuất hiện Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, thứ tình cảm con người được coi là thiêng liêng nhất, quý báu nhất, mãnh liệt nhất không còn là tình mẫu tử, tình thân tự nhiên do huyết tộc, tình yêu nam nữ... lòng trắc ẩn, vị tha ... tất cả mọi thứ tình cảm nào đó khác bị người cộng sản hạ giá, mỉa mai, thù ghét, gọi gộp chung lại là “tình cảm tiểu tư sản”! Sao lại gọi đó là những tình cảm “tiểu tư sản”? Ấy bởi thói “tiểu tư sản” là thói vẫn “nặng ràng buộc” với tư sản, hữu sản, khiến người ta không thể “triệt để cách mạng”!

Đầu thế kỷ XX, sau những thăng trầm của phong trào cộng sản và công nhân ở các nước phát triển tư bản chủ nghĩa, chủ yếu là ở các nước châu Âu, khi cả Marx lẫn Engels đều đã trải qua những thay đổi lớn về nhận thức, đều nỗ lực để “điều chỉnh lai” những luận điểm chủ yếu, những xác tín mà họ bày tỏ quyết liệt vào thời trẻ và trung niên, đều đã từng bước rời bỏ khỏi cái họ đã đóng vai trò chính để lập ra là Liên đoàn cộng sản quốc tế, tổ chức đã xác định chủ nghĩa Mác là học thuyết chính thức của mình... (chính Marx cũng có lần thừa nhận công khai, rằng theo tiêu chí của tổ chức, thì “ngay chính tôi cũng không phải là người macxit!) rồi lần lượt lập ra “thế giới người hiền” mới, thì, như người Tàu vẫn nói, những phù thuỷ non tay đã sái (1) gọi nuôi lớn cả một thế giới âm binh rồi trở nên bất lực trước sự tác yêu tác quái của lũ âm binh ấy, cả hai ông đã không thể chối bỏ những sản phẩm của mình, không thể đòi cái liên đoàn kia giải thể hay “đừng lớn”!

Thay vào chỗ mà hai ông từng giữ, vai diễn mà hai ông từng đóng, sẽ có một bậc thầy khác, một diễn viên xuất chúng khác, đến châu Âu từ một xứ sở ngoài châu Âu, để trở thành một nhà tư tưởng thay thế, rồi sẽ lần lượt chinh phục những “ đồng chí trẻ” của các ông, và tiếp tục giương cao ngọn cờ cùng câu khẩu hiệu mà các ông đã đề xướng lên, chỉ thêm vào đó một mệnh đề mới, rất hợp với thế giới giờ đã đổi thay, thành “Vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, liên hợp lai!”.

Ngoài việc tổ chức và lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng Mười Nga
- cho dẫu kết quả và hậu quả cuộc cách mạng ấy được đánh giá và xét đoán thế nào chăng nữa, nhưng đó vẫn là bằng chứng chắc chắn của một thiên tài chính trị - V. I. Lênin còn mang lại cho lý luận về chủ nghĩa công sản trên toàn thế giới những luận điểm quan trọng, đến tầm mà người ta đã ghép tên tuổi ông vào với tên tuổi của K. Marx, thành “chủ nghĩa Mác -Lênin”. Từ góc nhìn của vấn đề đang đề cập ở đây, theo tôi, những đóng góp quan trọng nhất đó là :

- về quyền dân tộc tự quyết và vị trí, thân phận của các nước thuộc địa và phụ thuộc
- lý luận về vai trò của nhà nước và cách mạng

- về môi quan hệ giữa giai cấp vô sản với giai cấp nông dân (thường gọi tắt là về liên minh công nông)

Đó cũng chính là những tư tưởng chủ đạo để hình thành trở lại, liên kết trở lại phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, hình thành nên tổ chức gọi têm là Đệ tam quốc tế.

Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập và chịu ảnh hưởng chi phối trực tiếp của những tư tưởng Lê nin và Cách mạng Tháng Mười, cũng như Đệ tam quốc tế.


CHỦ NGHĨA MAC- LÊNIN VÀ GIỚI CẦM QUYỀN TRONG ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

Không bàn sâu vào những đặc điểm riêng của sự tồn tại và phát triển của lịch sử ĐCSTQ, tôi muốn nêu một vài nét tạo nên ấn tượng tri nhận của cá nhân nhưng cũng lược điểm lại những ý kiến của nhiều nhà quan sát và nghiên cứu chính trị TQ trong vòng 100 năm qua hoạt động của đảng chính trị này!

ĐCSTQ là đảng cộng sản lớn nhất ngoài châu Âu, cho đến những năm 50 của thế kỷ trước có số lượng đảng viên đông nhất thế giới, sau khi trở thành đảng lãnh đạo và cầm quyền của quốc gia đông dân nhất thế giới.Trong thành phần trung ương của đảng này, từ ngày mới thành lập có nhiều thành viên là lưu học sinh ở châu Âu boặc sống, hoạt động, vào đảng Cộng sản ở các nước thuộc châu Âu như Pháp, Anh và Đức..

Ban lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ chủ yếu là những người vuất dương về nước hoạt động như Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Cù Thu Bạch, rồi Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình... Nhóm thứ hai, có lẽ đông nhất và từng giữ vị trí cao nhất thời kỳ đầu là “nhóm Moscow”, như Vương Minh (TBT), Trương Văn Thiên, Lạc Phủ và nhiều người khác. Chỉ sau khi nổ ra xung đột nội chiến với Quốc dân đảng, lớp đảng viên trưởng thành từ những hoạt động trong nước, dần dần tập hợp quanh Mao Trạch Đông, thì trên đường Vạn lý trường chinh, tại Hội nghị Tuân Nghĩa, Mao mới đoạt được quyền lãnh đạo cao nhất trong đảng (1935). Chỉ một số ít người từng du học từ châu Âu và từ Nga trở về còn “bám trụ” lại được trong ban lãnh đạo ĐCSTQ. Khi tập kết được về Diên An, vị trí của Mao mới trở nên tối thượng.
Giai đoạn lịch sử này của ĐCSTQ chứng kiến sư chuyển biến sâu sắc về khuynh hướng tư tưởng và văn hoá nhận thức trong ban lãnh đạo đảng.

Điều mà người viết lưu ý và nhấn mạnh ở đây, là ngay trong thời kỳ này, những người có ảnh hưởng lớn nhất trong đảng là những người bộc lộ dấu vết dân tộc chủ nghĩa, vừa bài ngoại, vừa coi nhẹ khả năng “đọc hiểu” những vấn đề lý luận căn bản của chủ nghĩa Mác !

Tuy nhiên, do số phận của ĐCSTQ giai đoạn này gắn bó chật chẽ mang tính sống còn với sư hậu thuẫn của Liên Xô và Đệ tam quốc tế, cùng với sự cần thiết phải “thấm nhuần” để khai thác những tư tưởng của V. Lênin, về cơ bản được Xtalin tiếp tục mở rộng và giáo lý hoá, nên công việc tiếp thu lý thuyết và tuyên truyền tư tưởng Lê nin trong ĐCSTQ được thực hiện thuận lợi hơn - nêu so với chinh tinh thần “triết học Đức, chủ nghĩa xã hội khoa học Pháp và kinh tế học Anh” như những nhận xét của chính Lênin về “những nguòn gốc của chủ nghĩa Mác!

Những vấn đề bao trùm, cấp bách, thiết thực nhất mà ĐCSTQ ưu tiên giải quyết hàng đầu trong thời đoạn 1935- 1949 là vấn đề tranh giành lãnh thổ và cộng đồng cư dân với Quốc dân đảng, xác lập cho được quyền thống tri toàn TQ của đảng cộng sản, vấn đề chống sự chiếm đóng và xâm lược của phát xít Nhật, thanh toán các thế lực cát cứ quân phiệt địa phương. Mao và giới lãnh đạo của ĐCSTQ tập trung giải quyết những nhiệm vụ đó, và như đã biết, họ đã giành phần thắng cuối cùng trong những cuộc chiến- nội chiến này.

Trong học thuyết ML, vì tập trung vào hai cấp đối tượng chuyên sâu, là giai cấp và toàn thế giới, nên không đề cập nhiều và đủ sâu (đúng đến đâu là chuyện khác!) đến các thực thể cấp “trung gian” là quốc gia, vùng lãnh thổ, các cộng đồng dân tộc - ngay luận cương về các dân tộc bị áp bức cũng chỉ nêu hướng tiếp cận chính trị chứ chưa phải đối tượng nghiên cứu! Chủ nghĩa ML vì thế chỉ nhắc qua đến các nền kinh tế quốc gia dân tộc. Đây là sự thiếu vắng “chết người”, vì cho đến khi sụp đổ hệ thống xhcn, vẫn không có “giáo trình kinh tế học về các nền kinh tế quốc dân”, mà chủ yếu là kinh tế chính trị và/ hoặc kinh tế ngành!

Không có một thuật ngữ ở trình độ khái niệm hoá, không có “định nghĩa của chủ nghĩa ML” thế nào là “quốc gia” “cộng đồng cư dân của một quốc gia”.

Trong các ngôn ngữ quốc tế chủ yếu, các từ ngữ diễn đạt những nội dung này thường sử dụng các từ thay thế được cho nhau nhưng sắc thái, nội hàm của từ, “nghĩa từ điển” của các từ ngữ đó thường “chồng lấn” nhau. “Xtrana”, “rôđina” “ôchestvo” trong tiếng Nga đều có thể dùng thay thế nhau và cùng có thể dịch là “đất nước”, tổ quốc. Motherland, Fatherland, country trong tiếng Anh có thể dịch là đất nước hay tổ quốc; Pays, patrie có thể dịch là xứ sở, tổ quốc.

Như đã nói, các lý thuyết gia của chủ nghĩa cộng sản “khoa học” coi nhẹ phạm trù quốc gia, đất nước nên không lý luận hoá những vấn đề của phạm trù này. Các ngôn ngữ tự nhiên thì trong bất luận ngôn ngữ nào cũng có nhiều từ ngữ để diễn đạt đối tượng đó, nên mặc dù không có sự lưu tâm đặc biệt đến đối tượng, họ (các nhà kinh điển của chủ nghĩa ) vẫn tự động diễn ngôn và dĩ nhiên, tự phát sử dụng những từ ngữ đó, có trong các ngôn ngữ mà họ quen thuộc : tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp.

Duy chỉ tiếng Trung Quốc thì chưa bao giờ trở thành ngôn ngữ kinh điển của chủ nghĩa ML cho dù Mao Trạch Đông trong một thời kỳ khá dài đã được “trau chuốt” để trở nên thần tượng mới của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và các ĐCS châu Á trong đó có VN đã từng có thời đoạn cũng coi Mao là “lãnh tụ thế giới” của mình. Nhưng ngoài chữ Hán (Trung văn) ra, Mao không rành, không sử dụng ngôn ngữ nào khác, nên nếu muốn bổ sung những vấn đề nào đó vào lý luận kinh điển, từ phía ĐCSTQ, chỉ có thể bổ sung qua ngôn ngữ Hán trước hết, rồi mới tìm cách dịch phù hợp ra các ngôn ngữ kia!
Trong các vấn đề và các thuật ngữ cần được xem xét ở đây, thiết nghĩ, phải hiểu và chuyển dịch sang các ngôn ngữ phổ biến khác cho chính xác từ ngôn ngữ Hán. Tôi dừng lại trên các từ “quốc” “quốc gia”, “dân tộc”,“ nhân dân” bởi các từ ngữ đó bằng tiếng TQ, được sử dụng trong tiếng TQ với những trường ngữ nghĩa rất co giãn, không định hình như các thuật ngữ - khái niệm, dễ gây ra những sự tiếp nhận nghĩa khác nhau, dẫn đến sự sai lạc nguy hiểm!

Ở phần trên, tôi đã nói qua về chữ “quốc” trong tiếng Hán. Nghĩa tượng hình “vị vua ngồi trong một toà thành” (bộ “vi”) tự định nghĩa rất rõ, rằng nước là nơi có người chủ phải được xác lập và được bảo vệ chắc chắn! “Quốc” là hình ảnh mở rộng của quyền lực dòng họ, của vị tộc trưởng (sẽ ổn định dần theo phụ hệ), là đại tộc trưởng rồi mở rộng ra bốn xung quanh. Hai hạt nhân cơ bản ban đầu liên kết với nhau thành biểu tượng ngôn từ chỉ cái toàn thể : “quốc”+ “gia”= quốc gia. Tôi không biết có trong ngôn ngữ thông dụng nào khác có hình thức định danh đinh nghĩa cấp độ thực thể này tương tự như thế hay không?

(Lối làm bảng dịch từ vựng của nhà nho Việt Nam trước đây theo “word by word”, thiên trời địa đất cử cất tồn còn, cho ta biết nguồn gốc của từ này trong tiếng Việt : “ gia - nhà quốc - nước tiền - trước hậu - sau..,”)

Các từ “État”, “State”, “gosudarstvo” trong tiếng Pháp tiếng Anh hay tiếng Nga đều khó coi là tương thích hoàn toàn để dịch từ “quốc gia” trong tiếng Hán. Nhưng từ “thiên triều” trong Hán ngữ mới thật “vô đối” trong các ngôn ngữ kia, bởi từ này mang trong bản thân nó cả quan niệm triết học chính trị đặc thù về khả tính từ mấy nghìn năm trước sự tồn tại trên trần thế, trên cõi nhân gian của một loại “thiết chế quyền lục toàn thế giới” , điều mà cho đến nay những thiết chế quốc tế chưa có khả năng thực hiện! Với người TQ, đặc biệt là với giới chóp bu cầm quyền ở TQ, “ thiên triều” từ mấy nghìn năm nay đã luôn luôn là thực tế quyền lực, mà chỉ những nhân vật vĩ đại đặc biệt có nguồn gốc Trung Quốc mới có thể đảm đương được!

Và chính học thuyết chủ nghĩa cộng sản Mác - Lênin đã và đang đóng vai trò thuyết minh đắc lợi nhất cho tham vọng quyền lực mà những lãnh tụ của ĐCSTQ theo đuổi!


Lời kết:

Cách dịch cụm từ “nhất quốc lưỡng chế” mà ĐẶNG TIỂU BÌNH đề xuất trước thế giới đã gây nên sự ngộ nhận kéo dài cho giới chính trị quốc tế!

Người Mỹ người Anh người Pháp người Nga đều đã dịch cụm từ này từ lâu sang ngôn ngữ của họ. Nhưng tôi mạo muội cho rằng mỗi một phiên bản ngôn từ trong số đó đều chỉ đúng với “bản ý” của Đăng Tiểu Bình theo lối “phiên dịch cục bộ” mà thôi!

Những ngày này, chăm chú dõi theo cách hành xử chính trị của TẬP CẬN BÌNH và đồng bọn, đối với TÂN CƯƠNG, TÂY TẠNG, HỒNG KÔNG, ĐÀI LOAN, VIỆT NAM BAO GỒM BIỂN ĐÔNG, sẽ hiểu rõ hơn thế nào là sự lừa đảo bằng ngôn từ qua công thức “nhất quốc lưỡng chế”!

Sẽ không có “lưỡng chế”!

Với chủ đích sâu xa của ĐCSTQ, sẽ không tồn tại hai chế độ xã hội, hay hai hệ thống kinh tế- xã hội, một khi đã nằm dưới quyền thống trị chính trị của ĐCSTQ.

Dưới chế độ chính trị ấy, thì học thuyết Mác- Lênin cũng chỉ là chiếc lá nho họ mượn và dùng tạm, mà thôi!

Mượn lại lời của một người chống phát xít, bị giết vì giá treo cổ của chúng :

Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!

Trần Ngọc Vương


(1) Chữ "sái" nguyên nghĩa là vẩy nước, trước khi quét cho khỏi bụi! Trong nghĩa biệt ngữ, đó là một hành vi mang tính ma thuật của người hành nghề phù thuỷ xưa, tưới nước giữ ẩm cho các loại hạt dễ mọc: "phép hay sái đậu thành binh - luyện hình thành tướng phá thành Diêm Vương" (Nguyễn Đình Chiểu).






No comments: