Saturday, July 11, 2020

LUẬT CỦA MỸ về DU HỌC SINH (Dương Ngọc Thái)




11/07/2020

Sinh viên Mỹ biểu tình với khẩu hiệu: “Trump làm cho nước Mỹ thù ghét, sinh viên của chúng tôi làm cho nước Mỹ tuyệt vời. Nguồn: Internet

Sau khi ngừng cấp visa H1B cho dân nhập cư có trình độ, nước Mỹ của Trump tiếp tục nhắm vào một nhóm người nhập cư khác là du học sinh. Nếu quy định mới của ICE, thuộc Department of Homeland Security (DHS) không được gỡ bỏ, du học sinh đang ở Mỹ sẽ bị trục xuất trong vòng 10 ngày nếu trường của họ vì COVID-19 chuyển sang dạy học online 100%.

Quy định bất nhân này nhằm gây áp lực buộc các trường phải mở cửa trở lại, vì điều đó có lợi cho chiến dịch tranh cử của Trump, bất kể bây giờ mỗi ngày nước Mỹ có hơn 60 ngàn ca nhiễm COVID-19 mới.

Harvard, MIT và nhiều trường khác đã khởi kiện. Các trường kiện dựa vào cơ sở pháp lý gì và có khả năng thắng không? Tôi không phải là luật sư, nhưng sẵn tính tò mò nên tôi đã dành thời gian tìm hiểu luật di trú của nước Mỹ để trả lời các câu hỏi này.

Nếu ai phát hiện tôi hiểu sai chỗ nào xin vui lòng chỉ giúp.

Tổ chức nhà nước Mỹ

Trước tiên về mặt tổ chức nhà nước, nước Mỹ có 3 nhánh:

* Hành pháp: bao gồm Tổng thống và các bộ, ban, ngành. Từ đây về sau gọi là Chính phủ.

* Lập pháp: bao gồm Hạ viện và Thượng viện. Từ đây về sau gọi là Quốc hội.

* Tư pháp: bao gồm tòa án các cấp và Tối cao Pháp viện đóng vai trò là tòa bảo hiến. Từ đây về sau gọi là Tòa án.

Quốc hội là nơi tạo ra luật. Các đạo luật được ghi vào Bộ luật Hoa Kỳ, tức U.S. Code. Hiện tại U.S. Code có 53 Title, mỗi Title quy định luật một vấn đề cụ thể. Luật di trú mà chúng ta quan tâm được ghi trong Title 8.

Tương tự như ở Việt Nam, dẫu Quốc hội tạo ra luật, nhưng để đưa luật vào cuộc sống, Chính phủ có quyền tạo ra những quy định dưới luật, miễn sao những quy định này không trái luật. Tòa án sẽ quyết định có trái luật hay không. Tòa án Mỹ còn có vai trò diễn dịch luật, tức là gián tiếp tạo ra luật mới. Đây là một đề tài cực kỳ thú vị mà tôi sẽ bàn trong một dịp khác.

Nếu như ở Việt Nam Thủ tướng Chính phủ có thể ban hành Nghị định và các Bộ trưởng có thể ban hành Thông tư, thì ở Mỹ Tổng thống có thể ra Sắc lệnh hành pháp (Executive Order) và các Bộ có thể ra các quy định. Tập hợp các quy định của Chính phủ Liên bang được gọi là Code of Federal Regulations (CFR). Các quy định về di trú nằm trong Title 8, phần mà chúng ta quan tâm nằm trong Chapter 1.

Tại sao đã có luật rồi mà còn có quy định? Vì tạo luật mới không hề đơn giản (nhất là trong tình hình mỗi đảng nắm một viện), nhưng đưa ra quy định thì không cần thông qua Quốc hội, mà Chính phủ có thể toàn quyền quyết định, miễn sao đúng theo quy định của luật. Một lý do khác là luật thường không theo kịp thời đại, trong khi quy định có thể được cập nhật thường xuyên, tùy vào tình hình.

Du học sinh trong luật di trú
Như đã nói ở trên, luật di trú của Mỹ được ghi trong Title 8 U.S. Code. Du học sinh được định nghĩa và quy định ở mục 1101(a)(15)(F). Nếu bạn để ý, chữ F ở cuối mục này chính là lý do mà visa của du học sinh bắt đầu bằng chữ F. Từ đây có thể suy ra chữ H của H1B sẽ được quy định ở mục 1101(a)(15)(H).

Luật di trú của Mỹ ra đời từ rất lâu rồi, cũng đã chỉnh sửa nhiều lần, nhưng luật về du học sinh không có mấy thay đổi. Trong luật ghi rõ du học sinh đến Mỹ là để học, nhưng hoàn toàn không nhắc gì đến học online hay offline.

Vai trò của Chính phủ trong luật di trú
Mục 8 U.S. Code § 1103 trao thẩm quyền cho Bộ trưởng DHS để tạo ra những quy định về di trú. Đây là cơ sở pháp lý để DHS đưa ra các quy định về du học sinh, bao gồm cả quy định về chuyện học online.

Nhắc lại quy định của Chính phủ Liên bang gọi là CFR và toàn bộ quy định về du học sinh nằm trong mục 8 CFR 214.

Quy định về học online
Quy định này được ghi ở mục 8 CFR 214.2(f)(6)(i)(G), theo đó mỗi kỳ du học sinh chỉ được phép học online không quá 1 lớp hoặc 3 tín chỉ.

ICE cho phép học online 100% vì COVID-19
Vì COVID-19 đa số các trường buộc phải đóng cửa, một số chuyển sang dạy và học online, khiến nhiều sinh viên sẽ phạm luật. Để giúp giải quyết tình thế, ngày 13/3/2020 ICE ra một quy định mới cho phép du học sinh được quyền học online 100%. Đây là một temporary exemption.

Quy định ghi rõ sẽ còn có hiệu lực cho đến khi nào cuộc khủng hoảng COVID-19 vẫn còn. Trên giấy tờ, Trump tuyên bố khủng hoảng quốc gia vào ngày 13/3/2020 và cho đến nay tuyên bố vẫn còn hiệu lực. Trên thực tế, hiện tại mỗi ngày nước Mỹ có 60.000 ca nhiễm mới.

Trong khi các trường đều đã chuẩn bị dạy và học online trong học kỳ mùa thu sắp tới thì đùng một cái…

ICE bắt buộc phải đến trường giữa đại dịch
Đây là quy định bất nhân ngày 06/7/2020 của ICE mà tôi đã nói ở trên. Quy định này chẳng đem lại lợi cho ai cả, ngoại trừ Trump.

Cơ sở pháp lý của vụ kiện
Nhắc lại Harvard, MIT và nhiều trường khác đã khởi kiện DHS và ICE ra Tòa án Liên bang ở Massachusetts.

Như đã nói ở trên, Chính phủ có quyền ra các quy định để đưa luật vào cuộc sống. Ngoại trừ ràng buộc đầu tiên là quy định không được trái luật, Chính phủ còn phải ra quy định đúng quy trình. Điều này được ghi trong Đạo luật Quy định thủ tục hành chính, tức Administrative Procedure Act. Đây chính là cơ sở pháp lý của vụ kiện. Mặc dù DHS và ICE hoàn toàn có đủ thẩm quyền để ra quy định, các trường cho rằng họ đã ra quy định ngày 06/7/2020 không đúng quy trình.

.
Ý kiến trái chiều

Tôi ghi lại đây vài câu hỏi và ý kiến trái chiều mà tôi thấy trên mạng.

Nếu ICE giữ quy định vào ngày 13/3/2020 (cho phép học online 100%) thì sẽ vi phạm luật di trú? Hi vọng nếu bạn đã đọc đến đây bạn sẽ thấy rõ đây là một ý kiến không có căn cứ. ICE, trực thuộc DHS, hoàn toàn có thẩm quyền điều chỉnh các quy định di trú về du học sinh. Họ đã điều chỉnh 2 lần rồi còn gì.

Tôi không thấy chỗ nào trong luật di trú Mỹ ghi là DHS không được phép cho du học sinh học online ở lại Mỹ. Tôi cũng không thấy có chỗ nào ghi ICE không được phép giữ temporary exemption quá 6 tháng. Họ hoàn toàn có thể giữ nguyên quy định ngày 13/3/2020, nhưng họ đã chọn cách tàn nhẫn hơn, vì Trump muốn như vậy.

Nếu ICE cứ cho phép học online 100% thì họ sẽ bị những người đang học online 100% ở ngoài nước Mỹ kiện sao không cấp cho họ visa? Đây cũng là một ý kiến không có căn cứ. Chính phủ Mỹ chẳng có trách nhiệm cấp visa cho ai cả.

Ai đã từng đi xin visa vào Mỹ đều biết đủ điều kiện rành rành họ vẫn có quyền từ chối mà không nói lý do. Vả lại, ICE hoàn toàn có thẩm quyền để quy định nếu sinh viên học ở những trường 100% online từ trước đến nay, bất kể có dịch hay không, ví dụ như Phoenix University thì những người đó không được cấp visa.

Tại sao các trường lại kiện Chính phủ mà không yêu cầu Quốc hội thay đổi luật di trú? Muốn đổi luật đâu có dễ, trong khi chỉ còn có 1 tháng nữa là đến học kỳ mùa thu rồi, kiện ra tòa là giải pháp khả dĩ nhất vào lúc này. Vả lại luật di trú về du học sinh hiện tại khá hợp lý và công bằng, đâu có lý do gì để đổi. Luật đã cho phép Chính phủ được quyền ra quy định phù hợp với tình hình. Vấn đề là Chính phủ vừa khốn nạn vừa sai luật, thành ra phải kiện Chính phủ là đúng rồi.

Tại sao anh rảnh dữ vậy? Ừ, tôi cũng thấy mình quá rảnh. Nhưng thú thiệt thấy bọn sứ giả Trump uốn lưỡi cú vọ fake news này fake news nọ tôi chỉ ước gì mình còn rảnh hơn nữa.






No comments: