Tuesday, July 7, 2020

HỨA CHƯƠNG NHUẬN, MỘT TRONG NHỮNG TIẾNG NÓI CUỐI CHỐNG TẬP CẬN BÌNH, VỪA BỊ BẮT (tổng hợp)




Chris Buckley  -  New York Times
Dịch giả: Christine Nguyễn
07/07/2020

Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) là người từ lâu dạy luật tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng, là một trong số ít các học giả ở Trung Quốc chỉ trích gay gắt đảng Cộng sản cầm quyền.

Hứa Chương Nhuận, giáo sư luật ở Trung Quốc đã bị cảnh sát bắt giữ tại Bắc Kinh hôm thứ Hai. Nguồn: New York Times

Một giáo sư Luật người Hoa đã để sẵn vài bộ đồ lót và bàn chải đánh răng trong túi xách nhỏ, chuẩn bị sẵn ngày ông bị công an câu lưu vì những lời chỉ trích thẳng thắn của ông về đảng Cộng sản dưới thời Tập Cận Bình.

Ngày đó dường như đã đến.

Sáng thứ Hai, đám công an xuất hiện tại nhà của học giả Hứa Chương Nhuận ở phía bắc Bắc Kinh và đưa ông đi, theo lời kể của ba người bạn. Ông Hứa bị câu lưu vì bị cáo buộc đi lại với gái mại dâm, theo Cảnh Tiêu Nam (Geng Xiaonan), một người bạn cho biết đã nói chuyện với vợ và các sinh viên của giáo sư Hứa.

Đây là lời vu khống đê tiện họ sử dụng để chống lại bất cứ ai mà họ muốn dập tắt tiếng nói”, bà Cảnh là một nữ doanh nhân làm phim ảnh và xuất bản, nói.

Bà nói: “Ông ấy đã thấy trước ngày này. Ông ấy đã chuẩn bị sẵn vài bộ quần áo trong túi xách treo sau cửa trước, để không phải đi mà không kịp thay đồ khi bị bắt”.

Giáo sư Hứa, 57 tuổi, là một trong số ít học giả nổi tiếng Trung Quốc đã dám lên tiếng chống lại đảng Cộng sản khi Tập Cận Bình thắt chặt quyền kiểm soát lên các trường đại học. Giáo sư càng nổi tiếng hơn nữa sau khi đăng một bài tiểu luận hồi năm 2018, tuy không gọi tên Tập, nhưng ông đã lên án sự cầm quyền của ông ta, đã đàn áp những không gian tranh luận hạn hẹp nhỏ bé mà trước đây đảng Cộng sản vẫn còn khoan nhượng.

Bây giờ giáo sư Hứa có thể nằm trong danh sách ngày càng dài những người chỉ trích đảng bị cầm tù, trừ khi nhà cầm quyền quyết định làm nhục ông bằng cách kết một tội hình sự chả ra gì – như mồi chài gái mại dâm – là đủ rồi sớm thả ông ra. Nhà cầm quyền đã từng sử dụng những kiểu kết tội tương tự như vậy trong quá khứ, dường như là để cố gắng làm mất uy tín của những người chỉ trích nhà cầm quyền.

Câu nói cũ từ thời nhà Tống là: ‘Nếu ta muốn buộc tội hình cho ai đó, sẽ luôn có lý do để buộc tội’”, Geremie R. Barmé, một nhà Hán học người Úc ở New Zealand là người dịch rất nhiều tiểu luận của giáo sư Hứa, nói qua điện thoại.

Ông Barmé nói, hơn hai năm trước, giáo sư Hứa đã lưu ý đến nguy cơ này rằng “chúng có thể cố tìm cách bắt ông về tội mồi chài gái mại dâm”, và ông đã cẩn thận để không bị gài vào tội này.

Cảnh sát Bắc Kinh không trả lời các câu hỏi được fax tới, cũng như các cuộc gọi hỏi về việc bắt bớ và nơi giam cầm giáo sư Hứa; trường luật của đại học Thanh Hoa, nơi giáo sư giảng dạy lâu nay cũng không trả lời.

Ngoài bà Cảnh, các tin tức về việc giáo sư bị giam cầm đã được hai người bạn thân của ông ở Bắc Kinh nói, với điều kiện ẩn danh vì lo sợ cho bản thân họ cũng sẽ bị câu lưu. Những bạn hữu khác đã cố gắng gọi cho giáo sư suốt cả ngày, nói rằng Hứa đã không trả lời tin nhắn và đã tắt điện thoại.

Việc giam cầm giáo sư Hứa là ví dụ mới nhất về những nỗ lực mở rộng của nhà cầm quyền Trung cộng, nhằm dập tắt những tiếng nói bất đồng. Kể từ khi Tập lên nắm quyền, đảng Cộng sản đã gia tăng một chiến dịch mạnh mẽ trong các trường đại học và trong các nhà xuất bản để làm mất uy tín và dập tắt những ý tưởng tự do, như kiểm tra tính hợp hiến về quyền lực của đảng và giải phóng xã hội dân sự.

Tuần trước, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia nhanh chóng để xiết chặt sự kiểm soát của nhà cầm quyền lên Hong Kong, một cựu thuộc địa của Anh quốc. Trường hợp của giáo sư Hứa có thể sẽ làm tăng thêm sự sợ hãi ở Hong Kong rằng các nhà phê bình trí thức của đảng Cộng sản trong vùng đất bán tự trị này có thể cũng đối mặt với việc bị bắt bớ.

Hồi tháng Tư, các nhà chức trách của đảng Cộng sản đã xác nhận rằng ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một tay trùm bất động sản ở Bắc Kinh từng chơi thân với đám lãnh đạo đảng Cộng sản, đã bị điều tra sau khi viết một bài táo bạo trên mạng chế nhạo Tập là “thằng hề” khát quyền lực.

Hứa Chí Vĩnh, giáo sư luật trở thành nhà hoạt động, là người trước đây từng bị cầm tù sau khi tổ chức chiến dịch về quyền dân sự, đã bị bắt lại hồi đầu năm nay sau khi tham gia một cuộc tập hợp về quyền của những nhà hoạt động và phát hành một bản tố cáo sắc bén về sự xử lý dịch bệnh virus corona của Tập. Hai ông họ Hứa này không có liên quan với nhau.

Sự bắt bớ giáo sư Hứa sáng nay là một lời nhắc nhở khác – và nhiều hơn nữa nếu cần – về việc nhà cầm quyền Trung Cộng dễ dàng và sẵn sàng lạm dụng luật pháp để nhắm vào những người bày tỏ quan điểm mà nhà cầm quyền không muốn người dân nghe được hay đọc được. Một trong những mối quan ngại lớn nhất là công an sẽ buộc tội giáo sư với những tội danh về an ninh quốc gia”, Joshua Rosenzweig, người đứng đầu tổ chức Ân xá Quốc tế ở Trung Quốc, nói.

Những bài viết về chính trị gần đây của giáo sư Hứa đã bị kiểm duyệt và cấm đoán ở Trung Hoa đại lục, mặc dù các bài viết này được lưu hành bí mật trên mạng. Nhưng giáo sư đã phát hành nhiều sách ở Hong Kong, bao gồm hai quyển tuyển tập các bài tiểu luận hồi năm ngoái.

Ông Barmé nói: “Ông tránh hoàn toàn loại ngôn ngữ lưỡi gỗ của đám công chức quan liêu Trung Cộng. Ông viết bằng ngôn ngữ mang âm hưởng cổ điển sâu sắc mà cũng đề cập đến một số tác giả lớn nhất của Tây phương”.

Giáo sư Hứa giảng dạy tại trường Đại học Thanh Hoa – một trường học danh tiếng ở Bắc Kinh mà Tập và nhiều lãnh đạo đảng Cộng sản đã từng theo học – trong hơn 20 năm sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ tại Đại học Melbourne ở Australia. Trong nhiều năm, ông đã nghiên cứu về tội phạm học và tư tưởng pháp lý của Trung Quốc, mà không làm nhà cầm quyền giận dữ.

Lần đầu ông thu hút sự chú ý rộng rãi và sự khinh thị của những kẻ bảo vệ đảng Cộng sản là một bài viết năm 2018, tố cáo quan điểm chính trị ngày càng cứng rắn của Tập. Sau đó, ông đã tung ra một loạt các bài viết, sử dụng tiếng Trung Hoa thanh lịch và thâm sâu, để lên án và giễu nhại sự thống trị ngày càng bành trướng của đảng Cộng sản dưới thời Tập.

Nhân dân cả nước, gồm toàn thể tinh hoa quan liêu, một lần nữa cảm thấy ngày càng mất mát trong sự bấp bênh về đường hướng của đất nước và về an ninh cá nhân của chính họ”, giáo sư Hứa viết trong bài hồi năm 2018.

Năm 2019, Đại học Thanh Hoa ngăn cấm ông giảng dạy và nghiên cứu, nhưng ông vẫn tiếp tục viết mặc cho những cảnh báo của các quan chức trường đại học và nguy cơ bị trừng phạt thêm. Năm nay, ông đã viết các bài thổi tung nhà cầm quyền Trung Cộng vì sự chậm trễ và lừa dối trong những tháng đầu tiên của dịch bệnh virus corona, khởi đầu từ Wuhan, một thành phố ở trung phần Trung Quốc.

“Dịch bệnh virus corona đã làm lộ ra điều cốt lõi thối nát trong việc quản trị của Trung Quốc”, giáo sư Hứa viết hồi tháng Hai, theo một bản dịch của ông Barmé.

Trong bài viết này và một bài sau đó, giáo sư Hứa nói rằng, ông nhận thức rõ các nguy cơ mà ông phải đối mặt khi tiếp tục lên tiếng.

Ông viết hồi tháng Năm: “Tôi có thể dễ dàng tiên đoán rằng tôi sẽ phải chịu những hình phạt mới. Thật vậy, điều này thậm chí có thể là điều cuối cùng tôi viết”.

--------------------------------------------

XEM THÊM
Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 07/07/2020 - 16:48

Libération hôm nay 07/07/2020 cho biết « Trung Quốc bắt khuôn mặt đối lập Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) », Le Figaro nhận xét « Tập Cận Bình dập tắt tiếng nói của người tố cáo chủ nghĩa toàn trị của ông ta ».

Ảnh minh họa : Lễ trao bằng tốt nghiệp tại trường đại học Thanh Hoa, nơi giáo sư Hứa Chương Nhuận từng giảng dạy nhưng bị mất chức vì chỉ trích ông Tập Cận Bình. Ảnh chụp ngày 23/06/2020. © REUTERS/Tingshu Wang

Ngay từ sáng sớm hôm qua, đông đảo công an đã bao vây khu nhà ở ngoại ô Bắc Kinh, khoảng 20 an ninh và 10 xe cảnh sát được huy động để bắt giáo sư Hứa Chương Nhuận, nhà trí thức 57 tuổi là tiếng nói quan trọng phản đối Tập Cận Bình trong hai năm qua. Máy tính và tài liệu cá nhân của ông bị tịch thu.

Le Figaro dẫn lời một người thân cho biết công an nói với vợ ông lý do bắt vì « quan hệ với gái mại dâm ». Điều mỉa mai là chính giáo sư từ năm 2018 đã tố cáo trò bẩn của an ninh, dùng lý lẽ này để bôi nhọ người đấu tranh.

Hứa Chương Nhuận biết mình đã bị theo dõi chặt chẽ từ tháng Hai, ông treo hẳn một túi xách với đồ dùng cá nhân ở gần cửa để sẵn sàng cho ngày bị bắt. Trong bài « Cảnh báo virus : Khi cơn giận vượt lên nỗi sợ » về vụ Lý Văn Lượng, ông đã viết rằng mình sẽ bị trả thù, đây có thể là bài viết cuối cùng.

Tuy vậy tháng trước ông còn đăng được một bài nữa, tố cáo sự mù quáng của các lãnh đạo đảng trong khi người dân phải chịu đựng « hết thảm họa này đến thảm họa khác » : sau khủng hoảng dịch tễ là thất nghiệp, nạn lụt ở miền nam Trung Quốc làm hàng trăm người chết và mất tích…Giáo sư cho rằng « Trung Quốc phải nhìn nhận các sai lầm trong xử lý dịch bệnh ».

Nhưng gây chấn động nhất là vào mùa hè 2018 : trong một lá thư đăng trên mạng xã hội, được lan truyền rộng rãi bất chấp kiểm duyệt, ông tố cáo « Sau 40 năm cải cách, bỗng chốc chúng ta lại quay lại với chế độ cũ ». Trước đó vài tháng, Tập Cận Bình đã hủy bỏ giới hạn trong Hiến Pháp để có thể trở thành chủ tịch trọn đời. Bài viết này đã khiến Hứa Chương Nhuận bị mất chức giáo sư của trường đại học danh giá Thanh Hoa, và bị điều tra.

Đàn áp tăng nhanh từ khi dịch bệnh phát khởi. Có ít nhất bốn nhà báo độc lập đi điều tra tại Vũ Hán đã bị bắt giam ở những nơi bí mật. Tháng Tư, đại gia địa ốc Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) bị điều tra vì so sánh Tập Cận Bình với « tên hề ». Việc công bố cách đây vài ngày những bài viết của Hứa Chương Nhuận bằng tiếng Anh trên các trang web phương Tây có thể đã định đoạt số phận của ông. Một người thân cho biết : « Trước khi đăng, dù đã bị đe dọa nhưng ông bất chấp, có lẽ vì thế mà ông bị bắt ».

Từ sau cái chết của giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), qua đời trong cảnh tù tội năm 2017, Hứa Chương Nhuận là một trong những tiếng nói cuối cùng đòi hỏi cải cách chính trị, tố cáo sự độc tài của Tập Cận Bình và sự trở lại của nạn sùng bái lãnh tụ thời Mao. Bằng ngôn ngữ ẩn dụ với nhiều điển tích, vị giáo sư báo động « ông ta hủy hoại cuộc sống của người dân, của giới trí thức và gieo rắc tai họa cho thế giới ».

Giáo sư Hứa Chương Nhuận bị bắt vào lúc sắp đến ngày kỷ niệm 5 năm vụ đàn áp ngày 09/07/2015, hàng trăm luật sư bị câu lưu, trong đó có những người như Tạ Dương (Xie Yang), chỉ vì kể lại các vụ tra tấn dân oan mất đất tại các địa điểm thẩm vấn bí mật. Luật sư này thậm chí không đặt vấn đề độc tài đảng trị, mà chỉ kêu gọi một hệ thống tư pháp công bằng hơn.

« Tập hoàng đế đưa chúng ta trở về một thời kỳ u ám của sợ hãi và tước đoạt » - Hứa Chương Nhuận đã cảnh báo từ nhiều năm qua.







No comments: