[Thật khó để viết về
chính trị Mỹ trong thời điểm này mà không bị một trong hai phe (hoặc cả hai)
công kích. Nhưng những bài học sinh động, sâu sắc về cách mà một nền dân chủ hoạt
động và những quan điểm, ý thức hệ đối chọi lẫn nhau của nước Mỹ lại quá hấp dẫn
để cưỡng lại được ham muốn viết một cái gì đó về nó, bất kể rằng có thể những kết
luận, thông tin, quan sát còn nông cạn, định kiến, hay sai lầm. Dẫu vậy nó cũng
đáng để người viết chấp nhận rủi ro].
Đã bốn năm kể từ khi
Donald J. Trump trở thành Tổng thống, chưa phút giây nào nước Mỹ ngưng tiếng chỉ
trích, phản đối (nhưng kì thực, 8 năm của Obama cũng không bình yên gì với sự nổi
lên của Tea Party). Chỉ tay vào lỗi của cả hai bên là quá đơn giản, và cũng thật
dễ khi gán cho những người ủng hộ Trump là “cuồng”, là “chậm tiến”, hay chụp
lên đầu những người phản đối là “cánh tả”, là “thổ tả”…
Nhưng nền dân chủ vốn dĩ
không phải là để hai phe xem nhau như kẻ thù như vậy, mà là một platform giúp
cho tôi có thể làm việc với anh ngay cả khi chúng ta ghét bỏ lẫn nhau. Điều
đáng buồn là ngay cả khi tháng 11 này kết thúc với một vị tổng thống mới hoặc
cũ, có lẽ tình hình cũng không khá hơn. Là người Việt Nam, chúng ta không có bất kỳ tiếng nói gì
cho cuộc đua kỳ thú này, nhưng chúng ta có thể học từ nó. Điều quan trọng
là cần phải hiểu chuyện gì đã xảy ra, sai hay đúng từ đâu, và có thể làm gì để
sửa chữa hoặc phát huy nó.
Ngày hôm nay, mục Ý kiến
của Wall Street Journal có đăng một bài với tựa đề là “Will Democrats Accept Another Trump Victory?” (Liệu
Đảng Dân Chủ có Chấp nhận nổi Một chiến thắng nữa của Trump không?). Mục ý kiến
của WSJ thì vốn dĩ có khuynh hướng “bảo thủ” nhưng điều đó không có nghĩa là những
gì họ nói là vô lý hay “cuồng” Trump. Trong bài, tác giả chỉ ra rằng suốt nửa
thế kỷ qua, trừ hai lần mà các Tổng thống đảng Cộng hoà thắng cử với tỷ lệ cực
đậm (landslides – 49 bang), đảng Dân chủ luôn tuỳ mức độ mà cáo buộc chiến thắng
của Đảng Cộng hoà là không chính danh.
Kết luận lại, tác giả vẽ
ra một kịch bản rằng nếu lỡ như Trump có thắng trong kỳ bầu cử tháng 11 này
(tác giả thừa nhận Trump rất có thể thua), thì liệu Đảng Dân chủ có thể ngừng đổ
lỗi cho các tác nhân bên ngoài như Putin, Trung Quốc, Coronavirus, đàn áp người
đi bầu… mà thẳng thắn nhìn nhận rằng họ thua vì thế trận chính trị của họ không
đủ sức thắng Trump? Tất nhiên đây là một câu hỏi gợi mở và không hẳn ai cũng có
thể đồng tình. Đồng thời cũng không có một thống kê tương tự cho những lần đảng
Dân chủ thắng.
Từ thời điểm phòng chờ
xem kết quả bầu cử Mỹ của tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn im lặng như đưa
đám khi CNN công bố Trump là Tổng thống đắc cử, người ta vẫn không ngừng hỏi
nhau là điều gì đã xảy ra (thậm chí Hillary Clinton còn phải ra một tự truyện để
cố gắng trả lời câu hỏi này). Có nhiều lý thuyết được đưa ra và nổi bật nhất
(và được cả Trump xem là hợp lý) chính là việc người ta cho rằng tồn tại trong
lòng nước Mỹ một “đám đông im lặng” (silent majority).
Đám đông im lặng chỉ những
thành phần cử tri không quá nổi bật, năng nổ trong hoạt động chính trị nhưng lại
đóng vai trò then chốt trong các cuộc bầu cử. Trump luôn tin rằng ông đã có, và
sẽ có sự hậu thuẫn của đám đông này, vì nếu không thì làm sao giải thích cho
chiến thắng của ông khi các cuộc thăm dò bầu cử luôn cho thấy Trump sẽ thua với
cách biệt lớn.
Tờ Economist gián tiếp trả
lời cho câu hỏi này trong bài báo hồi tuần trước, đánh giá khả năng thắng cử lại
của Trump là khó hơn nhiều so với 4 năm trước. Economist nằm trong số các tờ
báo đã đoán sai kết quả bầu cử năm 2016, và kể từ đó đến nay luôn hết sức cẩn
trọng trong việc đưa ra các dự đoán. Tạp chí này nhận định rằng kết quả của cuộc
bầu cử năm 2016 dựa trên nhiều yếu tố cùng kết hợp lại, trong đó thấy rõ nhất
là việc “tỷ lệ không thích” Trump lẫn Clinton cao ngất ngưỡng, cao vượt trội so
với các cuộc bầu cử khác.
Có lẽ chính điều này đã
khiến cho phần trình diễn của Clinton không được như ý muốn. Một trong những cách bỏ phiếu ở
Mỹ khi bạn không thích ứng cử viên nào hết đó là… ở nhà. Và rất nhiều cử
tri của phe Dân chủ đã chọn ở nhà thay vì đến hòm phiếu (tất nhiên cũng có nhiều
lý do vì sao họ ở nhà, mong sẽ phân tích trong một dịp khác).
Trên thực tế thì các cuộc
thăm dò tiền bầu cử không sai khi nói rằng đa số cử tri sẽ ủng hộ Clinton, chỉ
là tỷ lệ không quá cách biệt như họ dự đoán. Vì như thế nên tuy rằng Clinton thắng
đến 2-3 triệu phiếu nhưng lại thua Trump ở phiếu đại cử tri. Có thể hình dung rằng
một đội bóng được đánh giá cao hơn (Clinton) lẽ ra đã có thể thắng dễ dàng,
nhưng lại thi đấu không đúng phong độ và để thua trên chấm 11m.
Nhưng ngay cả khi Clinton
thi đấu không đúng phong độ thì lẽ ra Trump không nên được nhiều phiếu bầu như
vậy mới phải (Trump có phiếu cao hơn hai ứng viên Cộng hoà trước là Romney và
McCain – có thể là do dân số Mỹ tăng lên). Đám đông im lặng đã lên tiếng như
Trump nói? Cứ giả định rằng đám đông im lặng có tồn tại, thì câu hỏi là vì sao
họ im lặng? Vì sao một hệ thống báo chí, truyền thông, điền dã tối tân như Mỹ
mà lại không thể nắm bắt được ý kiến của công chúng? Đám đông im lặng chả phải
chỉ phù hợp tồn tại trong những năm 70, 80 hay sao?
Một trong những điều mà
chiến dịch của Clinton bị chỉ trích nhất và cho đến nay vẫn là một điểm yếu của
các ứng cử viên Đảng Dân chủ đó chính là identity politics (chính trị bản sắc).
Thật ra bản sắc là thứ mà cả hai ứng cử viên đều sử dụng, chỉ là hiệu quả hoàn
toàn khác nhau.
Một bên lợi dụng bản sắc
là “người Mỹ” thông qua khẩu hiểu America First để vận động cho lá phiếu của
mình, còn một bên thì cổ suý cho những bản sắc mang tính cá nhân hơn (bạn thuộc
cộng đồng LGBT, bạn là phụ nữ, bạn là người da màu… thì bạn nên bầu cho tôi vì
tôi sẽ làm luật cho cộng đồng bạn). Phe nào cũng tìm cách phỉ báng những người
chống lại bản sắc của mình.
Như các cổ động viên của
Trump reo hò phản đối người nhập cư hay không ngần ngại ủng hộ trật tự vai vế
trong gia đình, sắc tộc, còn những người ủng hộ Clinton thì xem bất kỳ ai không
ủng hộ quyền của người LGBT, chống phá thai, có phát ngôn được cho là phân biệt
chủng tộc là những kẻ chậm tiến, cần được dạy dỗ, thậm chí là tẩy chay.
Để chiều lòng các cổ động
viên thì đi đâu Trump cũng nói về các bức tường ngăn cách, về giá trị Mỹ truyền
thống… khiến cho những ai coi trọng bản dạng của mình cảm thấy bị bỏ rơi, còn
Clinton thì, như thị trưởng một thành phố nhỏ ở Mỹ thốt lên, “chỉ rao giảng cho
chúng tôi phải sử dụng toilet nào” trong khi cái chúng tôi quan tâm là kinh tế
thì lại mờ nhạt. Có vẻ như cùng một cách làm nhưng những bản sắc mà Clinton
thông điệp đến người Mỹ đã không đủ hấp dẫn bằng Trump. Với một số người, cái bản
sắc mà Clinton cổ vũ lại không phải ưu tiên hàng đầu của họ (“tôi là phụ nữ,
tôi sẽ cảm ơn nếu có luật giúp phụ nữ tốt hơn nhưng tôi quan tâm đến việc làm
và nước Mỹ hơn. Mà tôi thấy ổn với việc đàn ông được coi trọng hơn phụ nữ
mà?”). Điều này có lẽ cũng có nguyên do của nó.
Những mầm mống của sự trỗi
dậy chống lại chủ nghĩa toàn cầu, chống lại sự đa dạng văn hoá và các tư tưởng
cấp tiến, thế giới đại đồng… đã có từ rất lâu nhưng có lẽ bị che mờ bởi những
chiến thắng liên tiếp của các tư tưởng này (“năm 2015 tươi đẹp”).
Khi Trudeau trình diễn một
nội các với đủ thành phần, sắc tộc, màu da, đa dạng cơ thể và trả lời có phần
trịch thượng câu hỏi của phóng viên: “Vì đó là năm 2015” (đọc là: “năm 2015 thì
đương nhiên phải vậy, hỏi thừa”), thì ít ai nghĩ rằng một năm sau thôi, nước
Anh rời khỏi EU một cách đáng kinh ngạc và Jordan
Peterson bắt đầu lên tiếng chống lại thói “phải đạo chính trị”
(political correctness).
Jordan Peterson có lý của
ông ta khi nói rằng Nhà nước đừng can thiệp vào việc tôi nói gì, cho dù là nhân
danh dân quyền. Jordan Peterson cũng cho rằng nếu anh cảm thấy bị xúc phạm bởi
hành vi của tôi thì hãy tranh luận với tôi thay vì mượn bàn tay của Nhà nước để
triệt hạ ngôn luận.
Cái giá của việc nhờ vả
Nhà nước bảo vệ bạn chính là tự do của bạn. Peterson thách thức cái ông gọi là
“phải đạo chính trị”, cho rằng xã hội bây giờ bị cấp tiến làm cho thoái hoá đến
mức bất kỳ câu nói nào cũng có thể bị coi là kì thị, là phân biệt chủng tộc, là
làm cho cuộc sống của những người thiểu số khó khăn hơn. Không rõ những gì
Peterson nói có đúng hay không nhưng có vẻ như nó được khá nhiều người đồng
tình, ủng hộ, thậm chí cả những người trước nay tin rằng tự do, bình đẳng, bác
ái là thứ đáng quý nhưng cảm thấy rằng nó phải được chính bản thân đoạt lấy chứ
không phải được thi hành bởi Nhà nước.
Ít ai có được cái dũng cảm
và độ đanh đá như Peterson, và khi đám đông không dám lên tiếng nói rằng “well,
thật ra tôi cũng không dám chắc là LGBT là tự nhiên đâu” hay “thật ra tôi cũng
không hiểu lắm những khái niệm về giới mà anh/cô vừa nói đâu” vì sợ rằng bị xem
là chậm tiến, là bảo thủ, là kì thị… họ có vẻ đã quyết định im lặng và lên tiếng
bằng phiếu bầu. Điều này có lẽ đã làm cho đảng Dân chủ kinh ngạc và báo giới sững
sốt. Nhưng đó cũng chẳng phải lý do duy nhất.
Một trong những công cụ của
chính trị bản sắc theo kiểu cấp tiến đó là việc phải gắn cho được những yếu tố
đạo đức vào con người vị tổng thống, vì chẳng phải tổng thống đang khuyến khích
người ta “sống đẹp” hơn sao – trong khi chính trị bản sắc của phe cộng hoà chỉ
nhắm đến tính thực dụng, như cách một ông bố người Việt bầu cho Trump đã viết
cho con trai mình sau khi Trump thắng cử:
“Trừ khi một người muốn
tham chính, hoặc muốn con cái họ tham chính, không có lý do gì người đó dạy con
cái mình phải xem chính khách là khuôn mẫu sống. Nếu con cần phải tìm những
khuôn mẫu cho cuộc sống của mình, ngay cả khi con muốn trở thành chính khách,
con nên tìm ở nơi khác, trong tôn giáo, trong nhà trường, trong các không gian
sáng tạo và cống hiến chẳng hạn… Khi nào con nghe ai đó nói về chính khách nào
đó như một đại diện cho các giá trị đạo đức của họ thì con nên bày tỏ sự thương
hại đối với người đó; người này chưa vượt ra khỏi tuy duy bộ lạc…”.
Vì thế, những vết nhơ đạo
đức có vẻ gây thiệt hại cho ứng cử viên đảng Dân chủ cao hơn của đảng Cộng hoà.
Khi các chính trị gia Dân chủ bị tấn công, nó càng làm củng cố niềm tin cho
“đám đông im lặng” kia, rằng những giá trị mà cấp tiến đang rao giảng chỉ là lời
nói suông, không có giá trị.
Trump có lẽ đã chiến thắng
bằng cách đó. Chính cái tưởng như là thế mạnh của đảng Dân chủ đã là gót chân
Achilles khiến cho đảng này thất bại. Thực tế 4 năm sau, khi những giá trị cấp
tiến bị tấn công toàn diện, đã minh chứng cho điều đó.
Nhưng liệu Trump có phải
là lời giải tốt cho những vấn đề trong nội bộ chính trị nước Mỹ? Rất khó để
nói.
Được sự cổ vũ bởi chiến
thắng của Trump, ngày càng có nhiều người trước đây vốn im lặng hoặc ít được để
ý trở nên mạnh dạn hơn trong việc nói ra các quan điểm bảo thủ của mình. Giờ
đây, người ta có thể công khai coi khinh người da đen mà vẫn có một lượng người
ủng hộ đông đảo (bên cạnh những người phản đối). Người ta sẵn sàng kì thị nhập
cư và tự do di chuyển và xem đó là hành pháp bình thường.
Tất nhiên số lượng người
phản đối cũng đông đảo không kém số lượng người ủng hộ và cũng không chắc rằng
cái gọi là “đám đông im lặng” còn tồn tại khi tất cả đều trở nên ồn ào. “Phải đạo
chính trị” vốn dĩ bị coi là đè nén tự do ngôn luận bị thay thế bằng tự do ngôn
luận ở cấp độ cao nhất, kể cả ngôn luận kì thị. Vì sao tôi phải xin lỗi vì đã
kì thị anh khi chính bản thân tổng thống cũng bắt chước người khuyết tật và
trăng hoa với phụ nữ? Có lẽ đó là lần đầu tiên người cấp tiến bị thách thức, bị
gọi là cái đồ… “cấp tiến”, bị mắng rằng những giá trị họ theo đuổi chỉ là đạo đức
giả, là không đúng đắn. Nó như một cái tát vào mặt người cấp tiến.
Nhưng xin chớ quên, đảng
Dân chủ không phải là lực lượng chính trị đầu tiên chống lại sự trỗi dậy của
Trump. Chính đảng Cộng hoà và những chính trị gia cộm cán của nó chính là những
kẻ “cuồng chống Trump” đầu tiên, trước khi họ quay sang ủng hộ Trump sau tháng
11 năm 2016 (Còn ai nhớ đến các cuộc bỏ phiếu nội bộ năm 2015-16 khi số cử tri
Cộng hoà cứ dứt khoát bầu Trump còn chính trị gia thì phỉ báng Trump bằng những
ngôn từ còn kinh khủng hơn bây giờ nữa?).
Người ta chống Trump,
cũng như nhiều người bây giờ không thích Trump, vì họ lo sợ một con người có
tính cách độc tài có thể trở thành Tổng thống. Vốn dĩ, quan điểm chính trị của
Trump có phần độc đoán hơn cả những chính khách Cộng hoà vốn quyết liệt nhưng
không đến mức phân cực (cũng đừng quên cái gọi là cánh tả của Mỹ chỉ ở đâu đó
trung tả theo chuẩn Châu Âu và cánh hữu của Mỹ cũng chỉ là cải lương so với cực
hữu của lục địa già). Tính cách độc tài thể hiện qua cách ông sử dụng executive
orders cho các hoạt động của mình, thực hiện các đường lối ngoại giao không
tham vấn Quốc hội, đe doạ sa thải những người chống lại mình hoặc làm không có
lợi cho mình…
Hợp pháp không? Có thể.
Nhưng độc tài thì vẫn là độc tài (mà bây giờ độc tài cũng không còn là tính
cách xấu nữa). Dù muốn dù không, hậu quả của 4 năm vừa qua là một nền chính trị
không thể phân cực hơn. Không phải lỗi Trump hoàn toàn nhưng ông cũng không thể
vô can tuyệt đối. Nhưng
Trump thì vốn mãi là Trump và không ai thay đổi được ông ấy. Vấn đề là ở những
người dân bình thường.
Câu chuyện già néo đứt
dây khiến cho lần đầu tiên kể từ sau Nội chiến Mỹ, những người cấp tiến nhất của
đảng Cộng hoà đã bảo thủ hơn cả những người bảo thủ nhất của đảng Dân chủ. Điều
này khiến cho cuộc tranh đấu chính trị ở Mỹ dần dần mang một màu sắc ý thức hệ,
thay vì là một cuộc tranh đấu về cách thức vận hành chính quyền thuần tuý như
trước kia, và đe doạ sự khoẻ mạnh của nền dân chủ tự do ở Mỹ.
Những người bạn cũ thì trở
mặt, như cách Lindsey Graham mới mấy năm trước còn khóc khi nói về người bạn
Joe Biden thì nay đã không ngần ngại kêu gọi điều tra nhau. Nền dân chủ
lung lay là khi đảng cầm quyền và đảng đối lập coi nhau như kẻ thù thay vì coi
nhau như những đối thủ chính trị thuần tuý. Sự bất tín đó khiến cho nhiều
người ủng hộ Trump tin rằng coronavirus là đòn thù của phe Dân chủ còn những
người phe Dân chủ thì coi ai ủng hộ Trump cũng là kẻ ngu si, bất chấp thực tế
không có gì chứng minh cho các kết luận đó. Hậu quả nhãn tiền là trong khi các ổ
dịch trên thế giới đều ổn định thì Mỹ vẫn loay hoay với một chính sách chống dịch
hiệu quả.
Dù gì đi nữa, sự thật vẫn
là nước Mỹ đang có một tổng thống sẵn sàng thách thức các giá trị tự do, dân chủ,
và gần đây là đa dạng vốn dĩ đã trở thành quyền lực mềm khiến nước Mỹ hấp dẫn
trong mắt thanh niên thế giới. Rất nhiều người vẫn yêu quý nước Mỹ mặc dù họ sẵn
sàng ghét Trump vì lẽ đó.
Nhưng một sự thật khác đó
chính là dường như trong quá trình thúc đẩy những giá trị đó, người cấp tiến đã
đi quá nhanh đến mức họ bỏ rơi những người “chưa theo kịp họ” và chính bản thân
họ cũng không thể hiện được bản thân mình có thể sống như những giá trị đó. Có
thể xem sự trỗi dậy của Trump như một bài học cho điều đó và tuy nghĩa vụ của
người cấp tiến là phải phản bác lại những gì Trump nói, Trump làm mà họ tin rằng
đang gây hại cho nước Mỹ, cho thế giới, thì cũng không được quên rằng khi một đảng
cầm quyền thất cử, lỗi đầu tiên thuộc về đảng đó, thuộc về các cách thức làm
chính trị mà đảng đó theo đuổi.
Những thông điệp cấp tiến
cần phải gần gũi, bình dân hơn và được phổ cập từ từ, kiên nhẫn hơn, với thái độ
cầu tiến, sẵn sàng xem xét lại. Những chương trình hành động cần phải cẩn trọng
và có suy xét hơn (ví dụ, defund the police có nghĩa là gì, phải nói rõ ra, phải
giải quyết các lo ngại chính đáng của những người khác…).
Cần phải nhìn vào và giải
quyết các thông điệp thay vì dán nhãn người phát ngôn và bỏ qua luôn cả thông
điệp đó (ví dụ, chả cần nghe cũng biết là JKR kì thị người chuyển giới nên đích
thị lần này bà cũng vậy). Cần phải chấp nhận rằng phạm trù đạo đức không thể ép
buộc và phải sẵn sàng phản tỉnh thay vì khư khư với độc quyền giá trị. Nếu vẫn
muốn theo đuổi chính trị một cách nghị trường thì đó là cách duy nhất, như cách
mà Công đảng của Anh và chính đảng Dân chủ của Mỹ đã cải tổ để tốt hơn, thực tế,
gần gũi hơn sau thập niên 1980 thua tan nát.
Còn nếu nghĩ rằng phe bên
kia chỉ toàn kẻ xấu và không có thời gian tranh luận vì tình hình đã quá cấp bách
rồi, thì chỉ còn cách làm cách mạng, làm theo những người Jacobin ở Pháp hồi
300 năm trước: tuyên bố tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng và chém đầu những
người không đồng ý.
Tất nhiên, phe cấp tiến ở
Mỹ nhận ra điều đó. Và họ cũng hiểu được giá trị và điểm yếu của hệ tư tưởng của
họ (dành vài lời cho những ai cho rằng chính trị cánh tả chỉ có thể khiến cho đất
nước lụn bại – đừng quên tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ Franklin Roosevelt là một
người của đảng Dân chủ và chính sách kinh tế New Deal của ông rất can thiệp. Nước
Mỹ dưới 4 nhiệm kỳ tổng thống của ông đã thoát khỏi đại suy thoái, đánh thắng
thế chiến thứ 2, và trở thành một siêu cường).
Nhưng quyết định lựa chọn
cách nào để giải quyết tình trạng hiện tại là rất khó. Liệu có nên chọn một ứng
viên ôn hoà đến mức tẻ nhạt như Joe Biden – để rồi không đủ sức trị Trump, hay
một người cấp tiến đến mức nguy hiểm cho phiếu bầu như Bernie Sanders – để rồi
lại càng lúc phân cực chính trị Mỹ? Có vẻ như đảng Dân chủ đã có câu trả lời và
dù kết quả như thế nào, cuộc bầu cử tháng 11 sắp đến cũng sẽ rất lịch sử.
Là người Việt Nam, chúng ta rất đỗi chập chững với
những tranh luận chính sách và quan điểm phức tạp như thế này. Cuộc sống của
chúng ta không thoát khỏi hình bóng Trung Quốc, đến mức chúng ta ủng hộ bất kỳ
ai chống Trung Quốc và sẵn sàng tuyên bố bản thân đi theo các giá trị khác của
người đó mà mình đồ rằng ta không hiểu nó là gì. Nên cách tốt nhất vẫn phải là học hỏi và
quan sát cách nước Mỹ giải quyết vấn đề của nó.
Giá trị của nước Việt do người Việt định hình, chứ không nằm ở câu hỏi ai chống
Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment