BBC
Tiếng Việt
03/07/2020
Tình hình an ninh ở Biển Đông và khu vực hiện đang
dần "nóng lên" và có chiều hướng 'xấu đi rõ rệt' với các diễn biến 'đối
đầu' hay 'căng thẳng leo thang' giữa hai đại cường cùng hiện diện ở khu vực là
Trung Quốc và Mỹ, theo một số nhìn nhận.
Tin cho hay, ngay trong
cuối tuần này, Trung Quốc đang tổ chức một đợt diễn tập quân sự ở khu vực quần
đảo Hoàng Sa trên Biển Đông mà Trung Quốc chiếm từ tay chính quyền Việt Nam Cộng
hòa trước đây từ năm 1974, với các lực lượng quân sự tham gia diễn tập gần một
tuần từ ngày 01-05/7/2020.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm
02/7, theo truyền thông quốc tế, đã ra tuyên bố chính thức bày tỏ quan ngại về
quyết định tập trận này của Bắc Kinh.
Cùng lúc ngay trước đó một
ngày, hôm 01/7, Mỹ đã cử một tàu chiến được cho là chiếc USS Gabrielle Giffords
xuất hiện ngay tại khu vực tàu khảo sát Trung Quốc đang hoạt động dưới sự hộ tống
của một tàu hộ vệ tên lửa.
Nhân dịp này, hôm 02 và
03/7/2020, hai nhà quan sát an ninh khu vực và Biển Đông, chia sẻ với BBC News
Tiếng Việt đánh giá của mình về tình hình.
Trước tiên họ trả lời câu
hỏi phải chăng đang có sự leo thang thực sự giữa Trung Quốc và Mỹ qua các động
thái gần đây cho tới nay, đặc biệt là qua các hoạt động tập trận hay diễn tập
quân sự trên Biển Đông, khu vực.
'Đúng là sự leo
thang'
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt (Đại học Luật TP. Hồ Chí
Minh): Theo tôi, đúng ra đây là
sự leo thang của Trung Quốc trên phạm vi toàn thế giới, và cùng với sự phản ứng
của nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ. Đặc biệt sự cạnh tranh nhau giữa Mỹ và
Trung Quốc đã khiến Trung Quốc bộc lộ những bất ổn nội bộ. Cho nên để thị uy với
thế giới cũng như thể hiện sức mạnh và sự không khoan nhượng của Trung Quốc trước
Hoa Kỳ, điều đó càng khiến biển Đông trở nên căng thẳng hơn
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp (nhà nghiên cứu cao cấp khách
mời, Viện Iseas, Singapore): Tình hình an ninh Biển Đông tuần này xấu đi rõ rệt, do Trung Quốc
điều tàu hải quân, tàu hải cảnh, tàu dân binh, các tàu nghiên cứu địa chất ra
Biển Đông ở diện rộng gần Trường Sa và Hoàng Sa.
Lúc này Trung Quốc đang
cho tập trận ở Hoàng Sa (đến ngày 5/7), có ít nhất hai tàu nghiên cứu đang di
chuyển ở vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, mặc dù chưa triển khai thăm
dò, đo đạc…
Tần suất bay trên Biển
Đông của các loại máy bay quân sự Trung Quốc dày đặc hơn, không loại trừ việc
có một số tàu ngầm Trung Quốc đang di chuyển ở biển Đông và vùng nước lân cận, ở
vùng trời trên eo biển Đài Loan, có lúc máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm phạm
vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Mỹ cũng đang có tập trận ở
phía Tây Philippines. Ba tàu sân bay Mỹ đang ở gần biển Đông, cùng nhiều tàu
chiến các loại. Máy bay săn ngầm, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy có tần suất
và các đường bay đặc biệt, gần các căn cứ quân sự, hải quân v.v… của Trung Quốc
ở Hải Nam.
Trung Quốc đẩy mạnh các
hoạt động trên biển nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền ở thực địa, còn Mỹ chỉ tiếp
tục các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải, với các cuộc tuần tra, thám sát phù hợp,
có tăng về số lượng và chủng loại, áp dụng các kế hoạch di chuyển quân sự thích
hợp, có tính chất cảnh bảo Trung Quốc.
Quá tự tin hay
trong dự tính?
BBC: Trung Quốc
có quá tự tin hay không khi vừa tỏ ra 'quyết đoán', có người nói là 'hung hăng'
ở vùng biển khu vực, trong đó có Biển Đông, khu vực eo biển Đài Loan, nam Biển
Đông, đồng thời lại vừa có căng thẳng biên giới với Ấn Độ, một nước láng giềng
mạnh của họ?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Hiện nay, nhóm "diều hâu"
trong Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của
Trung Quốc dâng cao. Điều này đã khiến Trung Quốc thể hiện theo cách như chúng
ta đã thấy.
Tuy nhiên, nhiều nhà
nghiên cứu cho rằng Trung Quốc dù "lớn" nhưng chưa đủ "mạnh"
để thay thế vị trí của Hoa Kỳ và phương Tây. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đang sẵn
sàng đe dọa với cả thế giới và châu Á. Điều đó cũng có phần do các nhà lãnh đạo
"sợ" đối đầu với Trung Quốc. Trung Quốc biết được điều đó nên đã ra sức
tận dụng. Cho nên cũng không hẳn là Trung Quốc tự tin, nhưng họ đang biết tận dụng
các "nỗi sợ" Trung Quốc, và họ biết điểm dừng cần thiết để không đẩy
căng thẳng đi quá xa.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Lúc này Trung Quốc triển khai nhiều hoạt
động trên biển, từ Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, biển phía Đông Đài Loan, Biển
Đông, hai eo biển ở Nam biển Đông nối với Ấn Độ Dương, eo Malacca, và toàn bộ
vùng biển gần với Indonesia.
Trên đất liền, ngoài căng
thẳng với Ấn Độ, Trung Quốc còn có tranh chấp lãnh thổ với 14 nước khác (nếu kể
cả các nước mà Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ trên biển, là 18 nước). Đây là
hoạt động chiến lược đã được tính toán từ trước, cho nên không nên nói Trung Quốc
là "hung hăng" hay "quyết đoán".
Đúng là Trung Quốc đang
làm mạnh hơn, diện rộng hơn, có hiệp đồng và phối hợp phức hợp hơn từ các cấp
trung ương Trung Quốc. Bất chấp tương quan thực tế về năng lực quốc phòng,
Trung Quốc tự buộc mình phải hành xử mạnh trong việc phối hợp các hoạt động
chính trị, chính sách, đối ngoại, quân sự.
Một khi Trung Quốc đang
áp dụng hành xử ngoại giao theo lối hung hăng (chiến lang), thì với các hoạt động
quân sự, Trung Quốc cũng có hành xử tương tự.
.
BBC:Ông đánh giá thế
nào về tuyên bố chung ở Asean mới đây về lập trường của khối này với Biển Đông?
Liệu đây là một bước tiến mới có tính bản lề, hay chỉ là tình thế, do Việt Nam
đang là chủ tịch luân phiên của khối này hiện nay?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Trong tuyên bố mới đây của Asean cho thấy
có những bước tiến mới. Gọi là bước tiến bởi vì nó không chỉ là nỗ lực của Việt
Nam - chủ tịch Asean năm nay.
Mà chúng ta còn thấy thái
độ của các quốc gia khác đã thay đổi qua một loạt công hàm/công thư gần đây. Đầu
tiên là Malaysia, sau đó là Philippines, Việt Nam, Indonesia. Đặc biệt phải kể
đến Philippines đã thay đổi rất nhiều với việc gửi công hàm phản đối Trung Quốc,
rút lại việc hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Hoa Kỳ.
Tiếp theo là Indonesia. Mặc
dù Indonesia luôn giữ im lặng trước đây nhưng với việc Trung Quốc đe dọa vùng
Natuna đã khiến Indonesia phải lên tiếng một cách rõ ràng. Việc thay đổi đó mới
là xung lực chính cho Tuyên bố của Asean vừa rồi.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Tuyên bố của chủ tịch Asean cho cuộc họp thượng
đỉnh lần 36 vừa rồi về vấn đề Biển Đông là tuyên bố rõ ràng, mạnh mẽ, thể hiện
sự đồng thuận của Asean trong việc mong muốn và hành động nhằm giải quyết các vấn
đề biển Đông dựa vào luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về luật biển của
Liên Hợp quốc năm 1982.
Tuyên bố này cũng nhấn mạnh
việc Asean thúc đẩy việc đàm phán về quy tắc ứng xử trên biển Đông (CoC) với
Trung Quốc một cách tích cực, để có thể đạt một CoC thực chất, phù hợp với công
pháp quốc tế. Đai dịch làm cho các nước Asean đoàn kết hơn; tuyên bố của chủ tịch
Asean lần này là một bước tiến thực chất, bắt kịp và nắm được cơ hội tốt để có
thể hy vọng tiến tới đàm phán thực chất CoC.
Nếu tới đây đàm phán CoC
không có tiến triển tích cực, thì đó cũng sẽ là một thực tế phản ánh thực chất
và điều kiện để các nước có tranh chấp ở biển Đông, trong đó có Việt Nam, xem
xét các biện pháp khác, kể cả biện pháp pháp lý.
Điều nên để ý,
quan tâm?
BBC:Về vấn đề Biển
Đông, có vấn đề gì về an ninh mà Việt Nam hiện nay cũng như tới đây nên quan
tâm chú ý?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Theo tôi, vấn đề Biển Đông cũng như an ninh
khu vực vẫn đang đối mặt rất nhiều thách thức và nguy cơ. Vì vậy Việt Nam cần
có phương án chuẩn bị cho những trường hợp, kể cả các trường hợp xấu nhất để
không rơi vào tình trạng bị động.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Việt Nam luôn theo dõi sát sao tình hình
Biển Đông, có thể nói Việt Nam không bị bất ngờ, luôn chủ động và hành động
toàn diện, phù hợp để góp phần đảm bảo an ninh ở biển Đông.
Quá trình hiện đại hóa quốc
phòng, đặc biệt hiện đại hóa hải quân, không quân, phòng không đã có kết quả
tích cực.
Năng lực quốc phòng được
nâng cao, củng cố toàn diện chính là điều kiện để tự vệ thành công, đảm bảo được
an ninh trên biển, bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam. Ngoại giao nhà nước và hợp
tác quốc phòng với các nước là rất quan trọng.
Dự phóng trung,
dài hạn?
BBC:Câu chuyện hãng dầu
khí Repsol rút khỏi Việt Nam mới đây đã gây nhiều bàn tán, tin đồn. Theo ông,
Việt Nam cần phải làm gì để tránh lặp lại và ngăn chặn điều đó?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Theo thông lệ quốc tế thì bên nào yêu cầu dừng
hợp đồng thì bên đó phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên kia. Thiệt hại
sẽ bao gồm các chi phí bên kia đã bỏ ra cùng với các thiệt hại về lợi ích vật
chất mà các bên khi thực hiện hợp đồng đã kỳ vọng đạt được.
Mặc dù phía chính phủ Việt
Nam không đưa ra thông tin chính thức nhưng theo báo chí quốc tế thì chính phủ
Việt Nam trước áp lực của Trung Quốc đã yêu cầu Repsol dừng khai thác tại lô
136.3 và 07.3.
Nếu vậy thì đương nhiên
phía Việt Nam phải có nghĩa vụ bồi thường cho Repsol.
Một thương vụ như vậy thường
có chi phí rất lớn, có thể lên tới hàng tỉ đô la Mỹ. Vì vậy khả năng bồi thường
nếu có cũng sẽ rất lớn.
Chưa kể việc yêu cầu
Repsol dừng khai thác như vậy sẽ tạo tâm lý không tốt cho các nhà đầu tư dầu
khí quốc tế và khiến dân chúng Việt Nam nghi ngờ quyết tâm của chính phủ. Chính
vì vậy nên không thể để trường hợp tương tự xảy ra.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Thông tin như trên chưa được khẳng định
bởi chính phủ Việt Nam và PVN. Trong thực tế, Việt Nam không chịu để bị bắt chẹt
hay đe dọa trên lãnh thổ và ở nơi Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền.
Với một hai liên doanh cụ
thể, thì được, mất là việc bình thường, không thể hình sự hóa trái pháp luật Việt
Nam và pháp luật quốc tế được!
.
BBC:Quý vị có dự báo
hay bình luận gì thêm về tình hình Biển Đông tới đây với viễn kiến không chỉ
trong ngắn, trung hạn mà có thể dài hạn hơn?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Về vấn đề Biển Đông thì phức tạp nhiều.
Nhưng có thể nhận xét là Trung Quốc sẽ không thay đổi tham vọng độc chiếm Biển
Đông của họ, nếu họ không bị buộc phải làm khác như vậy. Và để Trung Quốc xuống
thang trong các tham vọng của họ thì đó không phải là một điều dễ dàng. Nói thế
để biết được tình hình Biển Đông sẽ còn kéo dài căng thẳng trong thời gian sắp
tới.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Về Biển Đông, theo tôi Trung Quốc sẽ
càng quyết tâm chiếm biển Đông theo đường 9 đoạn, mở rộng theo sơ đồ Tứ Sa. Đây
là sự thể hiện bá quyền rõ ràng nhất, và với nền chính trị bá quyền này, Trung
Quốc khó tránh khỏi bẫy Thucydides với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ.
Rủi ro xung đột vũ trang
và chiến trang ở Biển Đông đang lớn dần, có lúc lớn nhanh! Hoa Kỳ đánh giá đúng
vai trò và sức mạnh của Asean. Asean sẽ phải là một đối tác quan trọng để đảm bảo
an ninh cho chính mình.
Việt Nam không có cách
nào khác, là phải trở thành một quốc gia tầm trung, có như vậy mới có thể tự vệ
thành công và đóng góp vào an ninh và hòa bình Đông Nam Á.
***
Tin liên quan
No comments:
Post a Comment