Wednesday, July 1, 2020

BAO GIỜ THÌ HẾT OAN SAI TRONG GIÁ ĐIỆN? (Nguyễn Ngọc Chu)





I. BÙNG PHÁT OAN SAI

Vấn đề tăng vọt hóa đơn tiền điện đã làm nóng cả xã hội trong mấy ngày qua. Nóng không kém thời tiết 40 độ ngoài không khí, 60 độ trên mặt đường, và hàng trăm độ tại các cuộc cháy rừng mới bùng phát nhiều nơi.

Hàng ngàn hộ gia đình bị ghi hóa đơn điện oan sai với tiền điện tăng từ 3-4 lần cho đến hàng chục lần. Điển hình là hộ khách hàng ở Vân Đồn 3 khẩu, sử dụng chỉ 368.335 đồng tiền điện, nhưng bị ghi hóa đơn lên đến 90 triệu đồng. Một sai sót khổng lồ như vậy mà ngành điện vẫn xuất hóa đơn?

Lãnh đạo EVN tìm mọi cách biện hộ. Nào là do trời nóng nên tiêu dùng nhiều. Nào là do chập điện. Nào là do công tơ cơ. Nào là lỗi con người… vân và vân. Đó là điều dễ hiểu. Nhưng tất cả “101” lý do đó, cuối cùng cũng không thể làm thỏa đáng công luận, vì né tránh bản chất sự việc. Khi còn né tránh nguyên nhân thật, thì giá điện mãi còn mang đến chuỗi dài các oan sai không có điểm dừng.

Thực ra oan sai trong hóa đơn tiền điện đã tồn tại từ lâu và rất nhiều. Chỉ có điều không bị “ăn dày” đến hàng chục lần, nên có kêu oan cũng bị chìm nghỉm. Gờ thì khắp nơi bị bùng phát “ăn dày” đến nhiều chục lần, nên oan sai trong ngành điện mới không thể bị che lấp.

Từ vụ việc bùng phát oan sai trong hóa đơn tiền điện gần đây, thử tính lại xem oan sai trong giá điện đã làm người dân trong cả nước chi trả quá mức cho ngành điện bao nhiêu ngàn tỷ đồng?

II. PHÁO ĐÀI “5 KHÔNG” CỦA NGÀNH ĐIỆN

Oan sai về giá điện và hóa đơn tiền điện sẽ còn kéo dài nhiều năm mà sẽ chưa có lời giải dứt điểm. Thua thiệt cuối cùng là người dân phải gánh chịu. Để tìm hiểu lý do, hãy ngó đến pháo đài “5 Không” dưới đây của ngành điện.

1. KHÔNG HÀO HỨNG ÁP DỤNG TIẾN BỘ CÔNG NGHỆ
Tại sao BOT lừng khừng trong áp dụng thu phí tự động? Vì muốn gian lận doanh số và thu chi ngoài sổ sách.

Tại sao phạt vi phạm giao thông không áp dụng các biện pháp như các nước văn minh? Bởi vì nếu áp dụng như vậy thì không ai chạy tiền cho các vị trí đứng đường.

Tại sao không muốn ghi âm ghi hình trong hòa giải? Bởi vì làm như vậy thì không thể kiếm chác…

Cho nên, ngành điện chậm triển khai công tư điện tử, chậm áp dụng thanh toán điện tử, cũng là bởi vì muốn trì hoãn minh bạch.

Hiện nay trong cả nước có 7,76 triệu công tơ được EVN còn ghi hóa đơn điện thủ công. Sai sót hóa đơn tiền điện chủ yếu thuộc nhóm này. Như EVN tự thừa nhận – kiểm tra 3,53 triệu khách hàng trong nhóm này đã có 2.175 trường hợp sai hóa đơn tiền điện.

Ở Việt Nam hiện nay, dù luôn miệng nói về “cách mạng 4.0” nhưng nhiều nơi không chịu áp dụng tiến bộ công nghệ. Đó là vì không muốn minh bạch.

2. KHÔNG CHỊU MINH BẠCH TRONG SỔ SÁCH
Pháo đài “Không” thứ hai của ngành điện là “Không chịu minh bạch trong sổ sách”. Nếu minh bạch trong sổ sách thì không thể có thu chi ngoài sổ sách. Cũng phải lưu ý rằng “Không chịu minh bạch trong sổ sách” không chỉ ở ngành điện mà ở tất cả các ngành kinh tế của nhà nước.

3. KHÔNG SÒNG PHẲNG TRONG LƯƠNG BỔNG
Hệ thống lương của ngành điện, cũng như hệ thống lương của nhiều ngành khác, dù dựa trên bậc lương của nhà nước, nhưng trên thực tế, không sòng phẳng. Không sòng phẳng nhất là phần bổng lộc.

Nhưng chưa nói đến bổng lộc, chỉ nói về lương, thì lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có ngành điện, dù bị thua lỗ nhưng lương cứ cao ngút ở trên trời, trong khi năng lực lại rất yếu kém. Cụ thể, lương lãnh đạo EVN năm 2019 bình quân là 47,173 triệu đồng/người /tháng. EVN đang đề xuất năm 2020 tăng những 37% đến 64,577 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức lương quá cao so với mức lương tối thiểu của người lao động Việt Nam năm 2020 ở vùng IV là 3,037 triệu đồng/tháng (vùng I cao nhất là 4,420 triệu đồng/tháng).

Điều không sòng phẳng về lương thể hiện ngay chính trong nội bộ EVN. Trong khi lãnh đạo EVN đề nghị nâng lương cho chính mình lên 37% thì lương người lao động của EVN chỉ được đề xuất tăng lên chỉ có 4% – từ 23,105 triệu đồng/người/tháng lên 24,046 triệu đồng/người/tháng. Lương người lao động tăng chưa được 1 triệu đồng mà lương lãnh đạo tăng hơn 17 triệu đồng!

Mức lương bình quân người lao động ở công ty mẹ EVN cao hơn lương của Chủ tịch nước! Trong khi lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp chưa đạt 8 triệu đồng/tháng, mà EVN đang lỗ, thì tại sao mức lương ở EVN lại cao như vậy? Lương đó không lấy từ giá điện bậc thang, và sai số tiền điện thì lấy ở đâu ra?

Phải lưu ý rằng lãnh đạo EVN và người lao động ở EVN có quyền nhận lương cao, thậm chí cao hơn cả mức lương hiện tại. Nhưng đó phải là những đồng lương sạch, dựa trên thành quả lao động sòng phẳng. Chứ đó không thể là những đồng lương dựa trên áp đặt giá điện bậc thang phi lý, lại càng không thể là những đồng lương dựa trên ghi sai tiền điện, dựa trên kinh doanh thua lỗ.

4. KHÔNG TỪ BỎ GIÁ ĐIỆN BẬC THANG
Càng mua nhiều thì giá càng rẻ. Nhưng ngành điện Việt Nam áp đặt giá bậc thang 6 mức cho điện sinh hoạt – càng dùng nhiều càng đắt lũy tiến. Đây là điều đi ngược với quy luật tiêu dùng. Nhưng ngành điện sẽ không chịu từ bỏ giá điện tăng lũy tiến theo bậc thang. Mức lương ở EVN nêu ra ở trên là câu trả lời vì sao EVN không chịu từ bỏ giá điện bậc thang.

5. KHÔNG TỪ BỎ THẾ ĐỘC QUYỀN
Pháo đài “Không” thứ 5 của ngành điện là “Không từ bỏ độc quyền”. EVN tử bỏ độc quyền là ngang với “tự sát”.

III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Muốn giải quyết dứt điểm sai sót trong hóa đơn tiền điện và giá cả bất hợp lý về điện, thì phải xóa bỏ độc quyền trong ngành điện. Nhưng đây là bài toán không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Bởi thế, không thể chờ đợi giải quyết bài toán nguyên nhân gốc rễ xong mới giải quyết đến các bài toán nguyên nhân hệ quả, mà cùng một lúc phải hành động ở mọi khâu của cả hệ thống.

1. ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN
Thay mới các công tơ điện tử. Sử dụng các thiết bị tiên tiến. Áp dụng thanh toán điện tử. Hành động sớm nhất có thể được. Thời hạn, không quá 2 năm.

2. TRỞ VỀ MỘT GIÁ
Phải áp dụng một giá duy nhất cho người tiêu dùng. Đừng đi ngược với quy luật tiêu dùng. Không phải không có năng lượng đủ cung cấp cho tiêu dùng, mà cơ chế quản lý ngành điện đang cản trở sức phát triển của ngành điện – nhất là cản trở sự phát triển của điện mặt trời và điện gió.

3. PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ ĐIỆN MẶT TRỜI VÀ ĐIỆN GIÓ
Cách giảm giá thành điện tốt nhất, cách đảm bảo nguồn cung cấp điện vĩnh cửu, nhằm bảo vệ con người và môi trường – là phát triển điện từ nguồn năng lượng tự nhiên vô biên của ánh sáng mặt trời và sức gió. Phải nhìn thấy điện mặt trời và điện gió là những trụ cột quan trọng của ngành điện.

4. XÓA BỎ ĐỘC QUYỀN
Độc quyền ngành điện là nguyên nhân số 1 dẫn đến các vấn nạn trong ngành điện. Trong đó có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến giá thành điện cao.

Trước hết là các nhà sản xuất điện phải bán cho một người mua duy nhất là EVN. Như vậy, từ người được quyền lựa chọn bán cho bất cứ ai thì nhà sản xuất điện lại trở thành người “chạy chọt đến mức lạy lục” để EVN cho được bán điện! Điều này trói buộc sự cạnh tranh phát triển các nguồn điện tái tạo đầy tiềm năng ở Việt Nam như điện mặt trời và điện gió. Đây là nhóm nguyên nhân thứ nhất dẫn đến giá thành điện cao.

Nhóm nguyên nhân thứ 2 dẫn đến giá điện cao nằm ở khâu quản lý. Do độc quyền mua, độc quyền bán, nên EVN không bao giờ có một hệ thống quản lý tốt. EVN sẽ có bộ máy quản lý cồng kềnh, tốn kém về chi phí, rơi vãi về truyền tải, chậm tiến bộ về công nghệ, không sòng phẳng về lương bổng, không hợp lý về nhân sự, không hiệu quả về quản lý, không minh bạch về sổ sách. Tất cả những điều này dẫn đến giá điện cao.

Không chỉ giá thành cao, mà độc quyền trong ngành điện đã triệt tiêu mọi sự cạnh tranh, và dẫn đến làm chậm trễ quá trình nâng cao dịch vụ. Độc quyền ngành điện không cho phép người dân được lựa chọn nhà cung cấp điện, buộc người dân phải mua điện từ 1 nhà cung cấp duy nhất. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải cam chịu mọi sự áp đặt về giá cả và dịch vụ từ nhà cung cấp. Xóa bỏ độc quyền trong ngành điện thì mới giải quyết gốc rễ được các tệ nạn đang tồn tại trong ngành điện hiện nay.

5. ĐỔI MỚI NHÂN SỰ
Điện là “bảo bối thần thông” để phát triển kinh tế. Ngành điện đang cần một ban lãnh đạo rất giỏi. Bổ nhiệm người giỏi đứng đầu ngành điện không chỉ cứu chữa được nhiều căn bệnh của ngành điện, mà quan trọng hơn nữa là đưa ngành điện phát triển mạnh mẽ đúng hướng – xứng đáng với vai trò trụ cột của nền kinh tế nước nhà. Người đứng đầu ngành điện phải được lựa chọn từ các ứng viên tự do, chứ không thể từ quy hoạch.

IV. PHẢI CHĂNG OAN SAI LÀ MỘT THUỘC TÍNH?

Sự bất công sờ sờ là người dân đang phải trả giá điện cao hơn giá thực tế. Đây là sự “ bóc lột cưỡng bức” của ngành điện đối với người dân.

Dù chưa thể phá ngay thế độc quyền trong ngành điện thì Chính phủ vẫn phải có lộ trình, đồng thời phải tiến hành song song các cải cách cục bộ trong ngành điện. Chưa có một cuộc cách mạng toàn diện trong ngành điện thì oan sai về giá điện sẽ còn mãi tiếp tục.

Oan sai trong xử án. Oan sai trong giáo dục. Oan sai trong nông nghiệp. Oan sai trong điện nước… Phải chăng oan sai đã trở thành một thuộc tính?







No comments: