Friday, July 3, 2020

BẢN TIN NGÀY 3-7-2020 (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân 
03/07/2020

Tin Biển Đông

Báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ AFP: Lầu Năm Góc chỉ trích Trung Quốc tập trận trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về các cuộc tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông, khiến khu vực thêm bất ổn. Tuyên bố viết: “Các cuộc tập trận là động thái mới nhất trong chuỗi hành động nhằm khẳng định các tuyên bố hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”.

VOA dẫn tin từ Reuter: Mỹ chỉ trích Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, Bắc Kinh bác bỏ. Phản hồi trước tuyên bố của Lầu Năm Góc, Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói cuộc tập trận diễn ra trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc và việc một số “các quốc gia không nằm trong khu vực” tiến hành các cuộc thao dượt ở Biển Đông đang gây tác động lên sự ổn định trong khu vực, nhưng không nói rõ nước nào.

Chiều qua, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng lên tiếng: Trung Quốc cần dừng các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông, Dân Trí đưa tin. Đại sứ Daniel Krittenbrink nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc rằng Trung Quốc đã lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 để tăng cường các hoạt động khiêu khích và hiếu chiến ở Biển Đông. Mỹ phản đối Trung Quốc hay bất kỳ nước nào sử dụng biện pháp ép buộc nhằm đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông. Chúng tôi cho rằng Trung Quốc cần dừng các hoạt động mang tính khiêu khích gây ảnh hưởng tới sự ổn định trong khu vực”.

Ông Đặng Sơn Duân nêu vấn đề, nếu như Việt Nam phản đối TQ là một hành động đương nhiên phải làm, thì phía Mỹ lên tiếng là chuyện khác thường, và đặt câu hỏi qua bài: Việt – Mỹ liên thủ ứng phó Trung Quốc?

Bài viết cho biết, ngày 1/7, tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) của Mỹ tiến hành áp sát tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc ở nam Biển Đông. Đồng thời, hai tàu Kiểm ngư Việt Nam lớp KN-750 cũng kèm sát tàu Hải Dương Địa Chất 4. Đến cuối ngày, dữ liệu hàng hải cho thấy tàu Hải Dương Địa Chất 4 đã khi ngược lên phía bắc trở về Hải Nam hoặc Quảng Đông.

Bức ảnh cho thấy tàu Việt Nam và Mỹ đang vây tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc. Nguồn: U.S Navy

BBC có bài: Bình luận về đối đầu Mỹ – Trung, và diễn tiến sau vụ Repsol. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận định: “Theo tôi, đúng ra đây là sự leo thang của Trung Quốc trên phạm vi toàn thế giới, và cùng với sự phản ứng của nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ. Đặc biệt sự cạnh tranh nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến Trung Quốc bộc lộ những bất ổn nội bộ. Cho nên để thị uy với thế giới cũng như thể hiện sức mạnh và sự không khoan nhượng của Trung Quốc trước Hoa Kỳ, điều đó càng khiến biển Đông trở nên căng thẳng hơn”.

Dự báo tình hình biển đông trong thời gian tới, TS Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu từ Viện Iseas Singapore, đánh giá: “Theo tôi, Trung Quốc sẽ càng quyết tâm chiếm biển Đông theo đường 9 đoạn, mở rộng theo sơ đồ Tứ Sa. Đây là sự thể hiện bá quyền rõ ràng nhất, và với nền chính trị bá quyền này, Trung Quốc khó tránh khỏi bẫy Thucydides với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ.

Rủi ro xung đột vũ trang và chiến trang ở biển Đông đang lớn dần, có lúc lớn nhanh!…Việt Nam không có cách nào khác, là phải trở thành một quốc gia tầm trung, có như vậy mới có thể tự vệ thành công và đóng góp vào an ninh và hòa bình Đông Nam Á”.

Báo Thanh Niên có bài: Đảm bảo an ninh Biển Đông, giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng Trung QuốcTheo PGS Stephen Robert Nagy, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada, nhận định: “Có một sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức về an ninh quốc gia khi Trung Quốc lợi dụng sự trỗi dậy về kinh tế để định hình lại trật tự quốc tế ở khu vực Á – Âu. Đại dịch Covid-19 càng chỉ rõ ra nhận thức này khi thế giới đã bị lệ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, sáng kiến Mạng lưới kinh tế thịnh vượng ra đời (gồm ‘Tứ giác kim cương’ Mỹ – Úc – Nhật Bản – Ấn Độ mở rộng thêm 3 đối tác Việt Nam – Hàn Quôc – New Zealand) để kết nối nhiều quốc gia cùng hình thành một mạng lưới, phối hợp vượt qua sự cưỡng ép về kinh tế, hình thành các quy tắc chung về thương mại và chuỗi cung ứng thay thế, nhằm tách rời khỏi mạng lưới sản xuất toàn cầu hiện nay vốn tập trung về đầu mối Trung Quốc”.

Mời đọc thêm: 

.
Tin Nhân quyền

Về vụ Hồ Duy Hải, Báo Sạch đưa tin: Luật sư Trần Hồng Phong cung cấp tình tiết mới trong vụ Hồ Duy Hải. Tin cho biết, chiều nay luật sư Trần Hồng Phong, là người bảo vệ cho Hồ Duy Hải, công bố đơn kêu oan và tố giác làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Trong đơn, LS Phong cung cấp tình tiết mới chứng minh sự ngoại phạm của Hồ Duy Hải, đó là: “Theo lời khai của nhân chứng Hồ Văn Bình đã nhìn thấy một thanh niên có mặt tại bưu cục Cầu Voi lúc 19:15, khoảng thời gian mà Hồ Duy Hải vẫn còn đang ở tiệm cầm đồ theo kết luận điều tra”.

Lời khai của nhân chứng Bình được đưa ra vào ngày 20/1/2008, được đóng dấu bút lục của Viện Kiểm sát, nhưng đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án. Theo luật sư Phong tố giác, đây là dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

VOA có bài: Ngàn năm công tội… của những người chống đối vừa bị CSVN bắt! Tác giả đặt vấn đề: “Vậy tội lớn của các nhà chống đối là gì khiến họ bị bắt? Tội của họ quá lớn khi hàng ngày kể cái ác, vạch cái tội, trưng cái hư và khui ra biết bao cái mặt trái xấu xa khác của CSVN hiện nay”.

Luật Khoa vừa công bố ba báo cáo: 

Mô tả về cách Việt Nam dùng các quy định về xuất bản để kiểm soát các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng, báo cáo viết: “Hãy thử tưởng tượng bạn đang ở một tiệm photocopy để in những tờ rơi về tôn giáo, đó có thể là những gì bạn muốn người khác tin vào Chúa hay chỉ đơn thuần là khuyến khích người khác ăn chay và ngồi thiền để tu tập theo một giáo phái mà bạn tin tưởng.

Bạn in xong và đem những tờ rơi này tặng cho những người thân, hàng xóm, bạn bè của mình hay những người không quen biết đang ngồi ở công viên. Ít phút sau bạn bị công an bắt và đưa về trụ sở làm việc, nếu công việc bạn làm là hoàn toàn tự nguyện bạn sẽ bị tịch thu toàn bộ tài liệu và bị phạt hành chính. Đó là những gì đang xảy ra đối với học viên Pháp Luân Công”.

Tiếng Dân có bài: Việt Nam ngày càng mạnh tay đối với những người chỉ trích chính phủ. Hôm qua, đài Deutsche Welle của Đức có bài về tình trạng đàn áp những tiếng nói chỉ trích chính phủ trước Đại hội 13 của đảng CSVN. Đài DW nêu trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển và vợ là bà Bùi Thị Kim Phượng làm điển hình cho tình trạng đàn áp các tù nhân chính trị của nhà cầm quyền CSVN.

Bà Gyde Jensen, dân biểu quốc hội liên bang và là Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo của Quốc hội CHLB Đức, nói: “Tôi chờ đợi chính phủ Đức và đặc biệt là EU phải thường xuyên và nghiêm túc đưa tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam vào các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Hiệp định Thương mại Tự do sẽ cho EU một đòn bẩy cụ thể để gây áp lực. Họ phải cấp tốc sử dụng nó”.

Mời đọc thêm: 

.
Phá đồi lấp hồ, biến công thành tư

Báo Giao thông có bài điều tra: Lấp hồ Đại Lải làm biệt thự: DN được tỉnh Vĩnh Phúc “bật đèn xanh”! Ngày 5/11/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định 41/QĐ-UBND cho phép Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam triển khai dự án xây dựng Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng, với diện tích được quy hoạch lên tới 156,9ha, cho phép Công ty TNHH Đại Lải VN đổ đất san lấp lòng hồ Đại Lải.

há đồi lấy đất đổ thẳng xuống lòng hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc. Nguồn: Báo Nhân dân

Báo Lao Động đưa tin: “Bức tử” hồ Đại Lải: Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường vào cuộc. Tổng cục Thủy lợi có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Tổng cục thực hiện xử lý vi phạm lấn chiếm lòng hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc, trong khi lãnh đạo địa phương nói “việc không có gì”.

Khi phóng viên hỏi về việc có hay không sự “bảo kê” đối với các dự án quanh hồ Đại Lải, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thành khẳng định: “Không thể sử dụng từ ‘bảo kê’ được, tất cả chúng ta thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo nhiệm vụ được giao. Còn nếu trả lời câu hỏi đó và đưa lên báo, chắc ngày mai tôi cũng về. Mà tôi trả lời câu đấy, chắc tôi cũng tự nguyện xin về luôn”.

Báo Môi trường & Đô thi có bài truy tránh nhiệm của lãnh đạo đầu tỉnh: Bức tử hồ Đại Lải:Bí thư, Chủ tịch Vĩnh Phúc đã làm hết trách nhiệm? Nhiều người cho rằng, một sự việc đã xảy ra và được cảnh báo từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết trách nhiệm thuộc về những người đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc là Bí thư tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.

Mời đọc thêm:

.
Ông hoàng Putin và bài học dân chủ hậu Cộng sản

Báo Tuổi Trẻ cho biết, ít nhất từ nay đến năm 2036, người Nga vẫn chuộng vodka chớ không hoặc chưa thích whisky hay cognac, qua bài viết: Sửa hiến pháp để ông Putin tiếp tục làm tổng thống: Người Nga vẫn chuộng vodka.

Hơn 78% cử tri đã bỏ phiếu đồng ý sửa đổi Hiến pháp Nga, mà Mỹ, EU nghi Nga gian lận trưng cầu ý dân sửa Hiến pháp, cho phép Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục ra ứng cử sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại năm 2024 và tiếp tục ra ứng cử rồi cầm quyền tới năm 2036, khi đó khi ông Putin đã 84 tuổi.

Putin Đại đế – Biếm họa trên mạng

Dân Nga hậu Cộng sản vẫn thích độc tài hơn là dân chủ: Người Nga vẫn đặt niềm tin [mù quáng] vào ông V. Putin, báo Người Lao động đưa tin. Theo BBC thì Putin trở thành nước Nga qua Hiến pháp có Chúa Trời với phần sửa đổi Hiến pháp mà Nga vừa thông qua nêu rõ rằng, người Nga “theo tín ngưỡng Chính Thống giáo và có niềm tin vào Đức Chúa Trời“. Ý tưởng này được cả Đảng Cộng sản Nga trong Viện Duma ủng hộ.

Báo Đất Việt có bài: Phương Tây “quan ngại” về quyền lực ông Putin. Nguồn tin dẫn theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, nói: “Chúng tôi lo ngại trước thông tin về các biện pháp của Chính phủ Nga hòng làm sai lệch kết quả cuộc bỏ phiếu gần đây về sửa đổi hiến pháp, trong đó có cả những thông tin về ép buộc cử tri, gây sức ép đối với những người phản đối sửa đổi hiến pháp và hạn chế các quan sát viên độc lập”.

Phát biểu tại diễn đàn của Quỹ Marshall, Đức hôm 29/6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steve Biegun nói, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tâp Cận Bình “dường như có ý định tại nhiệm suốt đời, hoặc ít nhất cho đến khi họ chọn cách khác để rời ghế”.

Mời đọc thêm: 






No comments: