22/12/2019
Donald Trump đã đi
vào lịch sử nước Mỹ khi trở thành vị tổng thống thứ ba bị luận tội sau phiên bỏ
phiếu tại Hạ viện Mỹ hôm 18/12/2019. Chuyện thích hay ghét một ai đó là quyền của
mỗi người. Nếu người được thích hay bị ghét đó chỉ là một ngôi sao trong một
lĩnh vực như bóng đá, thể thao, kinh doanh, ca hát…thì đương nhiên không nói
làm gì, nhưng nếu người đó là một chính khách hay một lãnh đạo quốc gia thì lại
khác. Khi đó việc quan tâm, chỉ trích, phê phán không chỉ là quyền tự do ngôn
luận mà còn là một bổn phận và nghĩa vụ. Vì sao ? Câu trả lời giản dị nhưng
không phải ai cũng biết : Chính
trị là việc chung (1).
Mỗi một quyết sách
dù lớn nhỏ của người lãnh đạo quốc gia (và đảng cầm quyền) đều gây ảnh hưởng
lên toàn bộ người dân sống trong một quốc gia. Trường hợp nước Mỹ thì nó còn ảnh
hưởng đến cả thế giới vì Mỹ trên thực tế đang là nước lãnh đạo thế giới dân chủ.
Chính quyền Việt Nam đến bây giờ vẫn không hiểu điều đó nên mới bỏ tù người dân
vì tội "nói xấu lãnh đạo đảng và nhà nước". Các vua
chúa thời phong kiến ngày xưa họ hành xử như vậy vì thời đó chưa có khái niệm về
quốc gia và công dân như bây giờ. Khi đó mỗi vùng đất đều là sở hữu riêng của một
ông vua. Thời nay đã hoàn toàn khác. Đất nước là của chung của tất cả mọi người.
Tính chính danh của mọi đảng cầm quyền là phải xuất phát từ sự lựa chọn và ủy
thác của người dân thông qua lá phiếu của họ trong các cuộc bầu cử dân chủ và
minh bạch. Người dân không chỉ có quyền tự do ngôn luận mà còn trách nhiệm phê
phán, chỉ trích chính phủ để chính phủ làm việc tốt hơn.
Donald Trump là một
tổng thống hợp hiến và hợp pháp vì được người dân Mỹ bầu lên trong một cuộc bầu
cử dân chủ. Điều này không có gì bàn cãi. Mọi quyết định của ông và Nhà Trắng đều
phải được thực hiện, đúng sai tính sau. Ví dụ việc Donald Trump ra lệnh rút
quân khỏi Syria và bỏ rơi đồng minh người Kurd. Một quyết định gây tranh cãi
nhưng các tướng lĩnh có trách nhiệm phải tuân lệnh tổng thống. Một thanh niên Mỹ
không thể nói rằng vì tôi không thích Donald Trump và vì ngày xưa ông ấy trốn
lính nên giờ tôi cũng không đi lính. Điều đó là sai và thanh niên ấy có thể bị
truy tố. Tuy nhiên giữa việc thừa nhận Donald Trump và việc chỉ trích ông ấy là
hai chuyện khác nhau.
America first ?
Nhiều anh em Tập Hợp
Dân Chủ Đa Nguyên chỉ trích Donald Trump vì ông ấy có ảnh hưởng xấu cho tiến
trình dân chủ hóa Việt Nam chứ không phải tự nhiên mà anh em làm điều đó. Chúng
tôi cũng là tổ chức đầu tiên cảnh báo về "hiện tượng Donald
Trump" khi ông ta mới chỉ là ứng cử viên đảng Cộng Hòa ra tranh cử
với đảng Dân Chủ. Một người Việt Nam thực sự muốn đất nước có dân chủ không có
lý do gì để ủng hộ Donald Trump. Ngay cả nếu bỏ qua mọi lý do về đạo đức và tư
cách của một nguyên thủ quốc gia lãnh đạo thế giới dân chủ sang một bên (dù điều
này là sai vì người lãnh đạo chính trị bắt buộc phải có đạo đức) thì chỉ một lý
do duy nhất là việc Donald Trump không quan tâm gì đến nhân quyền và các giá trị
tự do dân chủ cũng đủ để người Việt Nam không thể ủng hộ ông ấy.
Vì sao ? Việt Nam
là một nước nhỏ, chưa có dân chủ lại đang sống bên cạnh một ông hàng xóm khổng
lồ, vừa độc tài vừa chèn ép Việt Nam đủ các kiểu. Việt Nam rất cần sự ủng hộ của
thế giới dân chủ về mọi mặt để vừa gây sức ép lên đảng cộng sản Việt Nam buộc họ
thực thi dân chủ vừa gây sức ép lên Trung Quốc để họ hành xử đúng đắn và có
trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế, không cậy nước lớn ăn hiếp nước nhỏ…Donald
Trump thì sao ? Ông ta không quan tâm điều đó. Khẩu hiệu đưa ông ta vào Nhà Trắng
là "America first", nước Mỹ chỉ lo cho nước Mỹ còn thế
giới tự lo lấy phần mình. Nếu là một nước khác thì không nói làm gì nhưng Mỹ
đang là nước lãnh đạo thế giới dân chủ, sự từ nhiệm một cách đột ngột như vậy sẽ
khuyến khích các nhà nước độc tài trỗi dậy và tăng cường đàn áp các tiếng nói
đòi dân chủ. Trong mấy năm qua Việt Nam đã bỏ tù và kết án rất nặng những người
bất đồng chính kiến là một dẫn chứng. Hai vấn đề lớn của thế giới hiện nay, và
có ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam là biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường
thì Donald Trump cũng không hề quan tâm, thậm chí chống đối góp phần giải quyết…
Chúng ta có lý do gì để ủng hộ Donald Trump ?
Có lẽ lý do lớn nhất
khiến người Việt Nam thích Donald Trump là việc ông ta chống Trung Quốc ? Sự thực
là không có chuyện đó. Donald Trump không hề chống Trung Quốc, ông ta chỉ muốn
cân bằng ngoại thương giữa hai nước và ngay cả mục tiêu tối thiểu đó ông ta
cũng đã thất bại. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà Donald Trump phát động
một cách đầy tự tin vì "dễ thắng" đã kéo dài gần 2 năm và càng ngày
càng bất lợi cho Mỹ, nhất là khi Trung Quốc lấy quyết định rút lui và co cụm.
Giờ đây, người cần năn nỉ đối tác để kết thúc cuộc chiến thương mại là Donald
Trump chứ không phải Trung Quốc.
Ai sẽ thắng trong
cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ?
Việc Trung Quốc
đang bước vào giai đoạn khủng hoảng toàn diện là cả một quá trình dài tích lũy
những mâu thuẫn không thể giải quyết của nền kinh tế hoang dại, bất chấp quyền
con người để khai thác và tận dụng tối đa "sức người, sức của" của một
quốc gia với 1,4 tỉ dân. Điều này ông Nguyễn Gia Kiểng đã từng nói đến từ năm
2007 trong bài "Những Vạn Lý Trường Thành mới". (2)
Sự "đóng
góp" của Donald Trump trong cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc là không đáng
kể, nếu có thì cũng là "giọt nước tràn ly" hay "cọng
rơm làm gẫy lưng con lạc đà". Sự thực thì "con lạc đà"
Trung Quốc đã gẫy lưng rồi, chỉ cần thêm một "cọng rơm" nữa là nó gục
xuống. Việc Mỹ và thế giới chọn thái độ chống Trung Quốc là một sự hiển nhiên
sau khi Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trỗi dậy và thay thế vai trò lãnh đạo thế
giới của Mỹ. Đây sẽ là xu thế tất yếu của cả thế giới trong thời gian tới. Một
ví dụ, để ngăn cản Trung Quốc can thiệp vũ trang đàn áp các cuộc biểu tình ở Hồng
Kông thì chính đảng Dân Chủ Mỹ đã soạn ra và biểu quyết 100% dự luật "Dân
chủ và Nhân quyền Hồng Kông". Sau khi cả hai đảng đã biểu quyết với
một đa số áp đảo cho dự luật này và chuyển cho Nhà Trắng thì mãi một tuần sau
Donald Trump mới ký. Ông ta đâu có chống Trung Quốc ?
Có những người
thích Donald Trump cho rằng dù ông ấy không ra gì nhưng quan trọng là "làm
được việc". Thế nào là "làm được việc" ? Đây là một
chuyện khá phức tạp và gây tranh cãi. Ngay cả Đảng cộng sản Việt Nam (và cả Bắc
Triều Tiên) vẫn bảo rằng nhờ có họ nên đất nước mới được rực rỡ như ngày hôm
nay và sự thực là họ cũng có làm được vài việc chứ không phải không làm được
gì.
Vậy tại sao bất chấp
những sự thực đó người Việt Nam vẫn ủng hộ Donald Trump một cách cuồng nhiệt
trong đó không ít người là trí thức ? Cái này có lẽ đến từ lý do văn hóa. Bài
viết này cố gắng mổ xẻ vấn đề theo hướng đó.
Không ít người Việt
Nam đến bây giờ vẫn cho rằng "làm chính trị" là tìm
kiếm thành công cá nhân, làm chính trị không cần học, không cần kiến thức và đạo
đức mà chỉ cần thủ đoạn, ai được cầm quyền là người đó có chính danh… Donald
Trump có tất cả những đức tính đó. Người Việt không dành cho chính trị một quan
tâm cần thiết và đúng mực vì họ hiểu sai về chính trị. Họ cho rằng chính trị là
việc riêng của chính quyền và "của người khác" chứ
không phải "việc chung" vì vậy họ không chịu học hỏi,
nghiên cứu một cách thấu đáo về chính trị. Ai cũng cho rằng mình biết về chính
trị và có thể làm chính trị dù chẳng học hành hay nghiên cứu gì về chính trị.
Khi nghe rằng "làm chính trị" cũng phải học hỏi đến nơi đến chốn, phải
có kiến thức và đạo đức, phải biết làm việc chung…nhiều người rất không hài
lòng. Lý do cũng dễ hiểu, nếu làm chính trị mà khó thế thì sao đến lượt họ ? Họ
cũng muốn có công danh. Việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ khiến họ giải
tỏa được tâm lý khiến họ vui mừng. Dù không nói ra nhưng nhiều người đắc thắng
trong bụng : "Đấy, Donald Trump có học hành và biết gì về chính trị
đâu mà vẫn làm được tổng thống Mỹ, một cường quốc lãnh đạo thế giới ?". Với
những người này, trở thành lãnh đạo chính trị là một "vận may" như
đánh bạc hay chơi xổ số. Donald Trump là một mẫu người đúng như tâm lý và mong
mỏi của người Việt nên họ thích và ủng hộ ông ấy một cách cuồng nhiệt, bất chấp
lý lẽ.
Khi có ý kiến phê
phán Donald Trump thô lỗ, gái gú, dối trá, thiếu đạo đức thì không ít người Việt
biện luận rằng đàn ông ai cũng thế. Điều này sai. Chính trị ngoài sự hy sinh ra
còn phải làm gương. Một ông bố cậy mình làm ra nhiều tiền nên cho phép mình
chơi bời, ăn nhậu, gái gú bừa bãi không thể nào dạy được con. Đúng là không luật
pháp nào cấm đàn ông chơi bời nhưng đã thế thì đừng làm chính trị. Không thể vừa
làm bậy, vừa dạy đời, vừa làm gương cho người khác. Người Việt mâu thuẫn với
chính mình, nếu một người ngoài đời mà có những đức tính như Donald Trump thì
không ai dám kết bạn nhưng nếu người đó "thành công" như Donald Trump
thì họ dễ dàng bỏ qua những tật xấu đó. Đây là văn hóa "tôn sùng kẻ mạnh"
rất tệ hại và thấp kém mà chúng ta cần thay đổi.
Thực tế không phải
cái gì nước Mỹ cũng đúng, cũng tốt như nhiều người nghĩ. Ví dụ việc Mỹ đã bỏ
rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa trước đây rồi Iraq và người Kurd ở Syria mới
đây… Chẳng qua nước Mỹ quá hùng mạnh nên dù có vấp nhiều sai lầm vẫn không hề hấn
gì, nó cũng giống như một cơ thể khỏe mạnh thì dù có ăn nhậu hay chơi bời quá
đà cũng không sao. Nhiều người lý luận, nếu không đúng, không tốt thì sao Mỹ lại
giàu mạnh như thế. Đúng là cái tốt, cái hay của nước Mỹ vẫn nhiều hơn cái xấu
nhưng không phải vì thế mà mặc nhiên cho rằng cái gì của Mỹ cũng đúng, cũng tốt.
Tổng thống Mỹ cũng vậy thôi.
Hạ viện bỏ phiếu luận
tội Donald Trump hôm 18/12/2019
Donald Trump sẽ ra
sao trong những ngày tới ? Khả năng lớn là Thượng viện Mỹ, do đảng Cộng Hòa kiểm
soát sẽ xóa tội cho ông ta. Người Mỹ vốn ít quan tâm về chính trị. Tỉ lệ cử tri
Mỹ tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử Mỹ rất thấp, chỉ dao động trên dưới
50%. Nhưng họ rất may mắn vì có những người "Cha lập quốc", vừa
là những nhà cách mạng và đồng thời cũng vừa là các nhà tư tưởng chính trị. Họ
đã thiết kế và lập trình sẵn cho nước Mỹ một mô hình chính trị rất dân chủ và
ưu việt. Người dân Mỹ cứ việc hưởng thụ những thành quả đó, tuy nhiên "vốn
liếng" tư tưởng chính trị của Mỹ đang cạn dần nếu không được cập nhật vì
thời thế đã thay đổi rất nhiều, nhất là sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
Tư (4.0). Nếu Donald Trump không bị quốc hội phế truất thì cũng khó có thể đắc
cử trong nhiệm kỳ hai được nữa vì người dân Mỹ sẽ đi bầu cử đông hơn khi thấy
quyền lợi của họ bị đe dọa và vì tức giận Donald Trump. Số cử tri trung thành của
Donald Trump (khoảng 20%-25%) sẽ trở nên thiểu số.
Năm 2016 Donald
Trump thắng cử vì tỉ lệ cử tri đi bầu rất thấp (chỉ có 56%, tức là có đến 100
triệu cử tri Mỹ không đi bỏ phiếu). Chỉ cần số cử tri trung thành của mình cộng
thêm khoảng vài phần trăm cử tri không ưa bà Hilary Clinton là Donald Trump có
đa số và chiến thắng. Lần này Donald Trump không còn may mắn đó khi tỉ lệ cử
tri đi bầu sẽ cao hơn. Mặt khác số cử tri trung thành của Donald Trump sẽ bị giảm
xuống vì Donald Trump sẽ thất bại một cách bẽ bàng trong cuộc chiến thương mại
với Trung Quốc khiến cuộc sống của những cử tri này khó khăn hơn.
Vậy hiện tượng
Donald Trump nói lên điều gì ? Ông ta để lại "di sản" nào
cho nước Mỹ ? Theo chúng tôi Donald Trump đã "làm được hai việc xấu
và hai việc tốt cho nước Mỹ". Chưa bao giờ mà hình ảnh, uy tín và
thanh danh nước Mỹ lại xấu xí và tệ hại như bây giờ nhất là giới chính trị gia
Mỹ. Bà chủ tịch Hạ viện gọi Tổng thống và chủ tịch Thượng viện Mỹ là "côn
đồ". Trong một thời gian rất lâu thế giới sẽ không thể nào hiểu được tại
sao nước Mỹ lại bầu lên một tổng thống như Donald Trump. Di sản buồn thứ hai của
Donald Trump đó là làm cho nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết. Không ít người Mỹ
đã thực sự xem nhau là kẻ thù. Đừng quên nước Mỹ là một quốc gia đa sắc tộc lớn
nhất trên thế giới. Những đổ vỡ mà Donald Trump gây ra phải rất lâu mới hàn gắn
được.
Tuy nhiên có hai mặt "tích
cực" từ hiện tượng Donald Trump. Thứ nhất, nó nhắc lại một sự thật
hiển nhiên rằng làm chính trị là việc khó khăn, rất khó khăn. Các chính trị
gia, những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp phải được học hành và đào tạo
một cách bài bản trong môi trường các tổ chức chính trị dân chủ thật sự. Mô
hình dân chủ đại nghị là lựa chọn đúng đắn cho mọi quốc gia, kể cả Mỹ. Dưới một
chế độ đại nghị thì một người như Donald Trump sẽ không bao giờ được lựa chọn.
Điều "vĩ đại"
thứ hai mà Donald Trump làm được cho nước Mỹ và thế giới đó là giúp nước Mỹ từ
nhiệm vai trò bá chủ thế giới một cách hòa bình. Từ trước đến nay việc này
chỉ xảy ra khi cường quốc đang bá chủ thế giới bị một quốc gia khác mạnh hơn nổi
lên đánh bại, tức là phải có một cuộc chiến sống mái giữa hai cường quốc. Từ
nay trở đi tiếng nói của nước Mỹ không còn là duy nhất và áp đảo như trước nữa
mà chỉ là một trong những tiếng nói quan trọng trong một tập thể các cường quốc
có trách nhiệm lãnh đạo thế giới. Nếu không có Donald Trump thì dù rất không đồng
ý với Mỹ nhưng không một quốc gia nào dám đề nghị Mỹ từ nhiệm vai trò lãnh đạo
thế giới vì Mỹ sẽ không chấp nhận chuyện đó. Bây giờ thì mọi chuyện đã khác.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này thì bất cứ ai lên cầm quyền ở Mỹ cũng phải
có một thái độ nhún nhường hơn với thế giới và muốn hay không cũng phải chia sẻ
việc lãnh đạo thế giới với các cường quốc trong khối G7. Đây là một việc đúng đắn
và có lợi cho nhân loại vì cái gì độc quyền cũng dở, kể cả độc quyền lãnh đạo
thế giới dân chủ.
Việt Hoàng
(22/12/2019)
No comments:
Post a Comment