Wednesday, December 11, 2019

TỔNG THANH TRA : CÔNG TỐ VIÊN CỦA BARR THẤT BẠI TRONG VIỆC THUYẾT PHỤC CUỘC ĐIỀU TRA CỦA FBI SAI (Washington Post)




Cali Today  (Theo Washington Post)
December 11, 2019

(Washington Post) – Tổng thanh tra Bộ Tư pháp Michael Horowitz vào hôm thứ Tư cho các nhà lập pháp hay, công tố viên cao cấp do Tổng trưởng Tư pháp chọn đã không thuyết phục được rằng, cuộc điều tra của FBI vào ban vận động tranh cử 2016 của Tổng thống Donald Trump được khởi sự bất hợp pháp. 

Ông Horowitz vào hôm thứ Tư có phiên điều trần trước Uỷ ban Tư pháp Thượng viện về kết luận điều tra mới được công bố, tiết lộ những chi tiết mới về căng thẳng nội bộ giữa các viên chức cao cấp về vụ bùng nổ chính trị. 

Tại phiên điều trần, Tổng thanh  tra được Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein (California) hỏi, liệu Tổng trưởng Tư pháp William Barr hay công tố viên cao cấp – Biện lý Hoa Kỳ ở Connecticut John Durham – có đưa ra bất cứ đề nghị nào để thay đổi quan điểm của ông về việc FBI có lý do chính đáng khi mở cuộc điều tra vào tháng 7 năm 2016 hay không. 

“Không, chúng tôi bảo vệ quan điểm về kết luận điều tra,” Horowitz trả lời. Ông cho biết, có gặp Durham vào tháng 11 để bàn về những kết luận trong bản báo cáo dài 434 trang được văn phòng Tổng thanh tra công bố vào hôm thứ Hai. 

Ngay sau khi bản báo cáo được công khai, Durham đã gởi ra một tuyên bố bất thường, trong đó bảo rằng, ông ta không đồng tình với kết luận của Horowitz về vấn đề khởi sự cuộc điều tra. 

Horowitz cho các nhà lập pháp hay, bất đồng nảy sinh từ sự khác biệt quan điểm về việc liệu FBI có nên mở cuộc điều tra sơ bộ với một số hạn chế trong các bước điều tra, hay điều tra toàn diện. Durham “cho biết trong buổi họp rằng, thông tin từ chính phủ ngoại quốc thân hữu, theo quan điểm của ông ta, đủ để mở cuộc điều tra sơ bộ,” Horowitz nói. 
FBI đã mở cuộc điều tra toàn diện, dựa vào thông tin mách bảo từ chính phủ Úc. 

Sự khác biệt chỉ là vấn đề hạn hẹp thường chỉ liên quan chút ít vào những giai đoạn đầu của cuộc điều tra. Horowitz cho hay, thậm chí ngay cả khi các điệp vụ FBI mở một cuộc điều tra sơ bộ, thay vì điều tra toàn diện, thì họ vẫn sẽ được phép sử dụng những người mách tin trong tháng đầu tiên của cuộc điều tra, như họ đã làm trong trường hợp này. 
Sự khác biệt giữa điều tra sơ bộ và điều tra toàn diện là, điều tra sơ bộ không cho phép các nhà điều tra sử dụng trát giám sát. FBI đã không dụng đến bước đi này trong hồ sơ chiến dịch tranh cử của ông Trump cho đến tận tháng 10 năm 2016, gần 3 tháng sau khi  cuộc điều tra được khởi sự.

Horowitz bày tỏ, ông lấy làm “ngạc nhiên” khi Durham gởi ra tuyên bố bất đồng phần nào trong báo cáo kết luận của ông. Tổng trưởng Tư pháp William Barr cũng bất đồng với Horowitz điểm này, và trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào hôm thứ Ba, ông ta đã tố cáo FBI có ý đồ xấu khi theo đuổi hồ sơ này. 

Phiên điều trần của Tổng thanh  tra Bộ Tư pháp đánh dấu lần đầu tiên ông công khai bác bỏ ý kiến của Barr và Durham, và tiết lộ sâu thêm về những bất đồng trong nội bộ các viên chức thực thi công lực về kết luận của ông. Trước khi bản báo cáo được công khai, Washington Post loan tin, Tổng trưởng Barr tranh chấp kết của Horowitz về việc FBI đã có đầy đủ căn cớ để mở cuộc điều tra. 

Văn phòng Tổng trưởng Tư pháp và công tố viên cao cấp Durham từ chối đưa ra lời bình luận về những tuyên bố của  Tổng thanh tra. 

Thượng nghị sĩ Dân chủ Sheldon Whitehouse (Rohde Island) hỏi Horowitz, thông tin nào Durham có thể có mà Tổng thanh tra không có. “Tôi không biết,” Horowitz đáp. Cho đến nay, ông chỉ biết đôi chút chứ không thông thuộc hoàn toàn với công tác của Durham. “Như tôi nói lúc ban đầu, chúng tôi bảo vệ quan điểm về kết quả điều tra,” Horowitz nói. 
Cộng hoà lâu nay vẫn chỉ trích FBI vì đã điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump, họ cho rằng, một hồ sơ tồi tệ như vậy lẽ ra không nên theo đuổi điều tra ngay từ đầu. 
Vài giờ sau khi phiên điều trần bắt đầu, Trump đăng trên Twitter: “Họ hoạt động gián điệp trong chiến dịch của tôi!”

Trong buổi vận động tái tranh cử ở Hershey, Pennsylvania, vào tối thứ Ba, Trump dùng một số ngôn từ mạnh nhất để tấn công FBI. “FBI cũng gởi nhiều gián điệp chìm đến giám sát và thu âm những người cộng tác với chiến dịch của chúng tôi,” Tổng thống tuyên bố. “Họ phá hỏng cuộc đời nhiều người tốt, và vẫn là những người tuyệt vời. Cuộc đời của họ bị phá huỷ bởi những kẻ cặn bã, được chứ, cặn bã.” 

Khi được hỏi về lời cáo buộc trên, Horowitz đáp, “Tôi sẽ không gọi người khác như vậy!” Ông cũng cho biết, các nhà điều tra của Tổng thanh tra không tìm ra chứng cớ mà lâu nay Tổng thống vẫn thúc đẩy, đó là, FBI nghe lén điện thoại ông ta. 

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng hoà – South Carolina) -Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thuợng viện và là tiếng nói bênh vực Tổng thống – tập trung vào việc Horowitz tìm ra những lỗi nghiêm trọng tại FBI. Theo ông Graham, chính trị gia lưỡng đảng nên bị báo động khi nhìn thấy FBI đã mở cuộc điều tra một chiến dịch chính trị như thế nào, không thông báo với ai trong chiến dịch về những quan ngại của họ, và theo đuổi cuộc điều tra như vậy sau khi thâu thập được bằng chứng ngoại lệ đáng kể. 

Tổng thanh tra tìm ra 17 lỗi hoặc thiếu sót do FBI phạm phải khi họ nộp đơn và được Toà FISA chuyên giám sát các hồ sơ khủng bố và tình báo phê chuẩn để thực hiện giám sát cựu cố vấn vận động tranh cử của ông Trump là Carter Page, dựa trên Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc

Khi được hỏi về đơn xin trát của toà FISA, Horowitz cho hay, “Tôi nghĩ, những hoạt động mà chúng tôi phát giác ra ở đây không minh oan cho bất cứ ai dụng vào hồ sơ FISA này.” 

Horowitz lưu ý, các nhà điều tra không tìm ra “chứng cứ tài liệu và lời khai cho thấy có thiên kiến chính trị hay động cơ không phù hợp đã ảnh hưởng đến quyết định của FBI khi thực hiện những hoạt động này,” nhưng họ tìm thấy những lỗi này lỗi kia trong lệnh từ trên xuống dưới, kể cả “các viên chức FBI cao cấp, những người được báo cáo về tiến độ cuộc điều tra.” 

Cả Cộng hoà và Dân chủ đều thổi phồng những phần trong bản báo cáo nhằm chứng minh quan điểm của mình về cuộc điều tra của FBI, hoặc là “săn lùng phù thuỷ” vô căn cứ, hay bảo vệ nền dân chủ Mỹ. 

Hương Giang (Theo Washington Post)





No comments: