Monday, December 23, 2019

ÔNG TRUMP THÍCH Ở TÒA BẠCH ỐC (Nguyễn Đạt Thịnh)




NỘI DUNG :

Nguyễn Đạt Thịnh
.
Nguyễn Đạt Thịnh

==============================================
.
Nguyễn Đạt Thịnh
December 23, 2019

Tối Thứ Tư, 18 Tháng Mười Hai 2019, hạ viện biểu quyết truất phế Tổng Thống Donald Trump; vị tổng thống được người Mỹ đặt cho cái hỗn danh là ‘vị tổng thống bốc đồng nhất’ (the most unpredictable of presidents), vì không ai tiên đoán được là ông sẽ oanh tạc để trừng phạt Iran hay không oanh tạc, sẽ “thành hôn” với Kim Jong-un hay chỉ cặp đôi với anh chàng ‘lùn hỏa tiễn’ chơi cho vui, dù đôi khi Trump nói ông “yêu” Kim.
Nhưng ai cũng biết việc Trump thích ở Tòa Bạch Ốc.

Không ai tiên đoán được hành động Trump sắp làm, nhưng mọi người đều biết trước, cái họa ‘truất phế’ ông đang gặp, đang đối phó.

Bà Kamala D. Harris biết trước mọi người, và biết rõ hơn mọi người, dù bà chỉ là một chính khách mới toanh, là nghị sĩ nhiệm kỳ thứ nhất tại quốc hội liên bang, và cũng là vị nghị sĩ đầu tiên của người Mỹ gốc Ấn và gốc Jamaican; bà vừa viết bài báo nêu vấn đề ‘Liệu nghị sĩ McConnell có để Thượng Viện hành xử công bằng trong vụ án truất phế này không?’ (Will McConnell Let the Senate Hold a Fair Impeachment Trial?)

Bài báo đăng trên The New York Time từ hôm Thứ Ba, 17 Tháng Mười Hai 2019, mà mãi đến tối thứ Tư 18 Tháng Mười Hai, hơn một ngày sau, hạ viện mới biểu quyết truất phế ông Trump.

Chỉ riêng việc nêu lên câu hỏi này thôi, bà Harris cũng đã nêu lên một trong những góc cạnh khó thương và khó giải quyết nhất của vụ án; bà còn ngầm trả lời góc thứ nhất của câu hỏi: Ông McConnell sẽ không để thượng viện hành xử công bằng, không để các nghị sĩ cộng hòa nói lên trung thực cảm nghĩ của họ về việc tổng thống Trump có đáng tội bị truất phế hay không.

McConnell là người rất khôn ngoan, không chỉ thâm niên nhất trong số những nghị tại thượng viện, mà ông còn có nhiều kinh nghiệm chính trị rất đáng nể.

Bà Harris viết,

“Hạ viện đã biểu quyết đưa tổng thống ra xét xử xem ông ta có đáng bị truất phế hay không, thì chỉ vài tuần nữa, tôi và quý vị nghị sĩ khác sẽ phải tuyên thệ trung thành với hiến pháp và bảo vệ hiến pháp, xem xét mọi bằng chứng và theo dõi sự thật đến bất cứ nơi nào sự thật dẫn đến, bất kể những yếu tố đảng phái, những thống thuộc lý tưởng. Toàn thể thành viên thượng viện sẽ tuyên thệ như vậy.

Nhiều người đã bội thệ ngay trong lúc tuyên thệ.

Nguyên là một công tố viên, tôi thấu hiểu tầm quan trọng của việc kết tội những nhân vật quyền hạn; tôi cũng thấu hiểu vụ án nào cũng đòi hỏi công bằng và sự thật. Suốt đời tôi, tôi chỉ làm việc cho quần chúng, tôi thấu hiểu thiếu sự thật, thì không vụ án nào có thể gọi là đúng và công bằng.

Tôi nhận thấy vị lãnh tụ của khối đa số tại thượng viện, nghị sĩ Mitch McConnell, lại quá quan tâm đến việc che chở những hành động sai lầm của tổng thống hơn là quan tâm đến sự thật và tính công bằng của pháp luật.”

Bà nghị sĩ Harris nhận xét,

“Trong gần ba năm tại vị, Trump đã trở thành nhân vật chủ trương chia rẽ nhất trong một đất nước bị hầm nhừ tử trong cái nồi ninh chính trị độc hại. Ông thẳng tay trừng phạt kẻ thù và, nhiều người cho là ông phá nát thể chế dân chủ.”

“Trump còn coi thường luật pháp, bất chấp tiền lệ cứ tiếp tục làm chủ những tài sản to lớn của ông trong lúc ông làm tổng thống, và trả tiền để mua sự im lặng của những người đàn bà ông từng chung sống. Giòng suối dối trá của Trump liên tục, ông dối trá trong việc nội trị, dối trá trên trường ngoại giao, và ngay cả trong những mệnh lệnh quân sự, hay trong việc trao tiền viện trợ quân sự cho Ukraine; ông nói dối nhiều hơn nói thật.”

Bà nghị sĩ Harris còn nêu lên những khác biệt giữa vụ truất phế lần này và 3 lần trước xử 3 vị tổng thống Andrew Johnson, Richard M. Nixon và Bill Clinton.

Một trong những khác biệt lần này là bà chủ tịch hạ viện tìm cách tránh né đòn độc của chủ tịch khối đa số cộng hòa tại thượng viện, nghị sĩ McConnell; McConnell sẽ đòi các dân biểu dân chủ hạ viện, nhất là những dân biểu được bầu lên tại những địa phương nặng ảnh hưởng của đảng cộng hòa, ra làm nhân chứng để bị hạch hỏi về những tội trạng ông tố cáo tổng thống Trump vi phạm.

Những người đó, vì sợ mất sự ủng hộ của cử tri địa phương, sẽ không dám nặng lời tố cáo Trump. Có thể vì lý do đó và những lý do khác nữa, bà Pelosi tuyên bố bà chưa vội gửi bản án ‘truất phế’ của hạ viện sang cho thượng viện xét xử.

Pelosi muốn mặc cả với thượng viện về những điều kiện cần thiết để tránh việc những nghị sĩ cộng hòa mưu hại các dân biểu dân chủ trong cuộc bầu cử cuối năm 2020.

Kết quả cuộc bầu cử tại hạ viện về việc truất phế ông Trump, cho thấy các dân biểu dân chủ kết tội ông, và các dân biểu cộng hòa tha tội ông.

Dư luận truyền thông Mỹ tin là ông Trump sẽ được thượng viện cộng hòa tha bổng, nhưng Trump vẫn muốn bản án tha bổng đó đến với ông càng sớm càng tốt. Ngôn ngữ vận động tranh cử sẽ dễ nói hơn nếu tình trạng ông không còn bị truất phế nữa.

Nói rõ hơn nhà tỉ phú Trump không chỉ thích tiền thôi, mà ông còn thích quyền nữa; ông không muốn bị truất phế, mà chỉ muốn được xử trắng án, xử thật sớm.

Tiền không mua được quyền lực của vị tổng thống Mỹ, nhưng quyền có thể mở lối vào những kho tiền lực vô tận của toàn thế giới; tuy nhiên đó cũng là con đường ngục tù chắc chắn nhất của nhiều nhà cầm quyền tham nhũng.

Tất cả những khả năng đó của tiền và quyền vẽ ra 2 mục tiêu đẹp nhất cho ông Trump và con cái ông là: Một: không bị truất phế; Hai: tái đắc cử.

Bởi Trump vẫn thích ở Tòa Bạch Ốc, vẫn thích cỡi Air Force One. (Nguyễn Đạt Thịnh)

-------------------------------------

Nguyễn Đạt Thịnh
23/12/2019

Có lẽ không chỉ riêng mình tôi, mà nhiều người khác cũng phải nể ông Donald Trump là người không mất phong độ trong trận bão lớn 'truất phế'; bão chưa qua mà ông đã lớn tiếng chửi bà Dân Biểu Debbie Dingell tàn mạt đến mức bà chỉ còn nước năn nỉ xin ông 'lịch sự hơn một tí'.

Dân Biểu Debbie Dingell đứng trong hành lang tại Quốc Hội vào ngày 19 tháng 12, 2019. (Alex Wong/ Getty Images)

Ông Dân Biểu John Dingell Jr. thất lộc vào tháng Hai năm nay, vợ ông -bà Debbie Dingell- gọi điện thoại xin tổng thống cho treo cờ rũ trong ngày tang lễ. Trump cho. (Diễn biến do Trump kể lại.)

Nhưng hôm 19 tháng Chạp vừa rồi, trong một cuộc tập họp quần chúng tại Michigan, ông kể ơn, rồi nhục mạ người chết -Dân Biểu John Dingell Jr. phải xuống đến 9 tầng địa ngục, để mà tiếc nuối nhìn lên cõi hồng trần vui sướng, đầy đủ.

Trump nói, "Họ xin ân huệ, tôi không cho họ cái thứ ân huệ hạng B, hạng C, hay hạng D, mà cho họ thứ thượng hạng, thứ A+. Vậy mà bả dám bỏ phiếu đòi truất phế tôi."

Bà Debbie Dingell nói bà có quyền, và có bổn phận bỏ phiếu truất phế ông Trump, vì sau ngày ông chồng bà từ chức vì bệnh tình trầm trọng, cử tri bầu bà vào ghế dân biểu thay chỗ cho ông, do đó bà có bổn phận của một dân biểu đối với cử tri tín nhiệm bầu mình lên.

Trump không phủ nhận tư cách dân biểu Dân Chủ của bà Dingell, ông chỉ không đồng ý với bà về vị trí ông chồng bà đang ngồi, sau ngày tang lễ và sau khi được ông ban ơn cho treo cờ rũ.

Trong lời cảm ơn tổng thống, bà Dingell nói, "Từ trên thiên đường nhìn xuống lá cờ rũ treo trên đất nước mình, thương nhớ mình, chồng tôi tri ân tổng thống, ...".

Ông Trump không đồng ý với bà Dingell về hai chữ 'nhìn xuống'; và ông bảo đoàn người Michigan đến tụ họp làm mết tinh (meeting) ủng hộ ông, là có lẽ ông Dingell đang nhìn lên dương trần chứ không nhìn xuống dương trần.

Người Michigan đảng viên Cộng Hòa đến dự mít tinh ồ lên phản đối việc Trump mạt sát ông Dingell Jr. một cựu quân nhân tham dự Thế Chiến Thứ Nhì; thắng trận, giải ngũ, ra ứng cử dân biểu Michigan để tiếp nối con đường của thân phụ ông.

Gia đình Dingell là một trong những gia đình được cư dân Michigan kính trọng, và tín nhiệm bầu lên làm dân biểu đại diện họ.

Ông Dingell Jr. tiếp tục phục vụ quần chúng sau ngày giải ngũ với tư cách dân biểu trong suốt 59 năm dài (từ 1955 đến 2015); ông được ca tụng là vị dân biểu phục vụ quần chúng trong một thời gian dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Đối với quần chúng Michigan thì thành tích của Dân Biểu Dingell bắt đầu từ niên khóa 16 quốc hội và từ ngày 13 tháng Chạp, 1955; ông thay thân phụ ông giữ cái ghế dân biểu mà ông cụ John Dingell Sr. đã ngồi suốt 22 năm. Ông ngồi trên cái ghế đó thêm 59 năm nữa -và được tôn vinh là vị dân biểu phục vụ dài năm nhất trong quốc hội Mỹ.

Trong thời gian phục vụ dài hơn nửa thế kỷ đó, ông đã góp sức tạo ra những đạo luật để đời như Medicare Act, the Water Quality Act năm 1965, Clean Water Act năm 1972, the Endangered Species Act năm 1973, the Clean Air Act năm 1990, và đạo luật Affordable Care Act. Ông hãnh diện nhất với đạo luật Nhân Quyền ông biểu quyết thông qua năm 1964.

Bà vợ ông -nữ Dân Biểu Debbie Dingell- yên chí là với thành tích suốt đời phục vụ, chồng bà được lên Thiên Đàng, nhưng tổng thống bảo vài ngàn người ủng hộ ông là cố Dân Biểu John Dingell Jr. đang bị nhốt dưới địa ngục.

Tổng thống hùng hồn trình bầy, "Hãy thử tin lời bả là ổng đang ngồi trên Thiên Đàng nhìn xuống, vì bả tha thiết cảm ơn tôi; nhưng rồi ngay sau lời cảm ơn nhiệt thành đó bả cho là tôi vi phạm hiến pháp bả bỏ phiếu truất phế tôi. Đó là cách bả trả ơn tôi."

Trước khi đem chuyện cố Dân Biểu John Dingell Jr. đang ngồi dưới địa ngục ra nói trong cuộc mết tinh tại Michigan, tổng thống đã viết trên mạng:

“Lần vừa rồi tôi nói chuyện với bà Debbie Dingell là lần bả gọi điện thoại cảm ơn tôi về những nghi thức quốc táng tôi đồng ý cho phép được thực hiện để vinh danh chồng bả, ông dân biểu kỳ cựu John Dingell Jr.. Giờ này, tôi ngồi xem bả đang xé xác tôi ra trong cái trò lừa bịp 'truất phế' của đảng Dân Chủ. Thật là thảm hại!”

Bà Debbie trả lời:

“Chủ trương của tôi là tôi sẵn sàng cộng tác với Tổng Thống Trump trong những quốc sách nhằm giúp đỡ những công dân Mỹ đang nai lưng cặm cụi làm việc; tuy nhiên tôi vẫn đòi hỏi chính phủ phải tuân hành hiến pháp.”

Được đài truyền hình thân chính Fox News phỏng vấn, bà Dân Biểu Debbie Dingell nói, tổng thống nói ngược lại mọi chuyện, khiến câu chuyện trở thành xấu xa và cay đắng.
Bắt đầu là chuyện cú điện thoại: bà Dingell nói chính ông Trump gọi bà để bày tỏ lòng kính trọng của ổng đối với ông cố Dân Biểu John Dingell -chồng bà. Cũng chính ông Trump đề nghị việc treo cờ rủ mà giờ này ông kể công.

Bà Dingell nói bà không hiểu nguyên nhân nào khiến Trump tấn công bà, khiến câu chuyện trở thành 'xấu xa và độc địa' (turned so ugly and vitriolic) đến như vậy. Bà kể lại việc bà lấy chồng: một anh trung úy vừa giải ngũ vì Thế Chiến Thứ Nhì chấm dứt, và hai vợ chồng sống với nhau trọn đời -giản dị và hạnh phúc như cuộc sống của người Mỹ thế hệ trước.

Việc Dân Biểu Dingell Jr. được mai táng tại Nghĩa Trang Arlington cũng không do ân nghĩa của ai cả, danh dự đó được dành cho cố Dân Biểu John Dingell Jr. chỉ vì ông là một cựu chiến sĩ đã tham dự trận Thế Chiến Thứ Nhì.

Tuy nhiên bà Dingell vẫn khẳng định với người xướng ngôn Chris Wallace của đài Fox là bà vẫn cảm ơn ông Trump đã gọi điện thoại chia buồn với bà về việc chồng bà qua đời.
Nguyên văn câu bà Dingell nói là,"Tổng thống không ban phát cho chúng tôi những nghi thức vinh danh trong tang lễ; mặc dù chính ổng đích thân điện thoại cho tôi biết việc ông ra lệnh treo cờ rũ. Tôi cảm ơn ổng về việc treo cờ rũ; tôi cảm ơn ổng về cú điện thoại."

Dân Biểu Dingell không nói thêm về việc những cử chỉ thi ơn đó không gây ảnh hưởng khiến bà chùn tay trong thái độ biểu quyết truất phế tổng thống. Và thái độ đó khiến tổng thống rủa ông chồng bà phải ngồi dưới 9 tầng địa ngục, ngước mắt luyến tiếc nhìn lên cõi trần.

Phong độ và ngôn ngữ của tổng thống vẫn còn bén lắm, chưa lụt tí nào.

Tái đắc cử phải là điều phải thực hiện bằng mọi giá, vì không đắc cử thì hậu quả của bốn năm múa gậy vườn hoang nặng đến mức bố con ông không đủ sức gánh vác.




No comments: