06/12/2019
Trong ba ngày 2, 3
và 4 tháng 12 vừa qua Quốc hội Châu Âu đã khẩn trương họp bàn và thảo luận việc
đặt bút phê chuẩn hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam (EVFTA) được ký kết
tại Hà Nội cuối tháng 6 năm nay.
Ba cơ cấu quan trọng
của Quốc hội Châu Âu đã họp bàn. Gồm có Uỷ ban Thương mại Quốc tế (INTA), và
Phân ban Nhân quyền Quốc hội (DROI) họp suốt hai ngày 2 và 3 tháng 12, và
Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội họp ngày 4 tháng 12.
Cạnh ba cơ cấu này,
hai tổ chức phi chính phủ là Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), và
Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Năm Châu (CSW) tổ chức Hội nghị “Nhân quyền & Tự
do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam” cũng trong khuôn viên Quốc hội. Một Hội nghị khép
kín dành riêng cho các vị Dân biểu và quan chức Liên Âu để trình bày quan điểm
của xã hội dân sự đối với Hiệp ước.
Hai vấn đề nổi cộm
tại cuộc họp của Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu là bộ Luật Lao động sửa đổi
vừa được Hà Nội thông qua cuối tháng 11, và đặc biệt, việc bắt giam ông Phạm
Chí Dũng tại Sài Gòn hôm 21 tháng 11.
Bà Maria Arena, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội, mở đầu cuộc
thảo luận bằng một thông tin. Bà nói:
“Nhân danh Chủ tịch
Phân ban Nhân quyền, tôi có bổn phận chia sẻ các thông tin gửi đến tôi về hiện
trạng nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt về tình trạng những người hoạt động bảo
vệ nhân quyền tại Việt Nam. Tôi cần thông báo để quý vị biết rằng ông Phạm Chí
Dũng, nhà báo độc lập, bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 21 tháng 11 vừa
qua. Đài Quan sát Nhân quyền đã tung lời kêu gọi khẩn – nhất là lời kêu gọi này
được báo New York Times chuyển đi. Hôm 10 tháng 11 ông Dũng gửi một Kiến nghị đến
các thành viên Quốc hội Châu Âu, yêu cầu « hoãn » phê chuẩn Hiệp ước
Tự do Mậu dịch với Việt Nam khi chính quyền Việt Nam chưa có những cải thiện
nhân quyền quan trọng.”
“Ông Dũng không là
trường hợp độc nhất. Rất nhiều các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền cũng bị bắt
vì họ là những người đối thoại với Liên Âu về hai hiệp ước mậu dịch và đầu tư. Ấy
chỉ vì họ là thành viên xã hội dân sự, và họ tham gia thảo luận về các hiệp ước
EVFTA và IPA”.
Dân biểu Bernard Guetta thuộc Đảng Tân Tiến, Pháp, liền cất lời đề nghị:
“Yêu cầu bà Chủ
tịch viết thư gửi đến tất cả đại diện các Nhóm chính trị tại Quốc hội về việc
ông Phạm Chí Dũng bị bắt vừa qua, cùng với những nhà bất đồng chính kiến khác,
để tất cả mọi Dân biểu được thông tin về những vi phạm nhân quyền mới”.
Bà Arena đồng ý và
hứa sẽ viết ngay thư gửi đi trong cùng ngày.
Dân biểu Raphael Glucskmann, Phó chủ tịch Phân ban Nhân quyền, thuộc Đảng Xã hội
Dân chủ, nhấn mạnh bổn phận của Phân ban Nhân quyền, ông nói :
“Chúng ta buộc
phải nhận định rằng, vào lúc chúng ta thảo luận, nhà cầm quyền Việt Nam bắt
những người can dự trong tiến trình thảo luận với Liên Âu. Triệu chứng này
rất xấu, cho chúng ta thấy điều chúng ta hoài nghi là đúng, và chúng ta cần đặt
những điều kiện mạnh mẽ để có thể chấp nhận phê chuẩn Hiệp ước hay không. Chúng
ta thuộc Uỷ ban Nhân quyền, bổn phận chúng ta là gửi đi một thông điệp rõ ràng,
rằng trong khi chúng ta đang thảo luận về hiệp ước, thì Việt Nam lại tiếp tục
cư xử như bạo chúa (despote) đối với giới bất đồng chính kiến”.
Phê bình Luật Lao động
vừa được Hà Nội thông qua, nữ Dân biểu Irina Von Weise thuộc Đảng Tân Tiến,
Đức, nói :
“Quý vị nhắc đến
Bộ Luật Lao động sửa đổi mà Tổ chức Lao động Thế giới tỏ ý hoan nghênh. Nhưng
tôi thì quan tâm đến những điều sửa đổi chẳng thiết thực như chúng ta mong. Điều
172 nói rằng công đoàn do công nhân thiết lập chỉ hợp pháp nếu chịu gia nhập Tổng
Công đoàn Lao động Việt Nam, hoặc chịu đăng ký với nhà cầm quyền. Chúng ta cần
nêu câu hỏi về sự độc lập thực sự của loại công đoàn như thế. Ngoài ra, Luật
Lao động được thông qua hôm 20 tháng 11, thì một ngày sau, ngày 21 tháng 11 Phạm
Chí Dũng bị bắt. Ông không là người duy nhất bị bắt. Theo báo cáo của các tổ chức
Phi chính phủ, mà còn có 10 nhà bất đồng chính kiến khác bị bắt hay bị xử
án giữa thời gian từ ngày 5 đến ngày 28 tháng 11, bốn trong số người này bị bắt
sau khi Luật Lao động thông qua.”
“Điều này báo hiệu
rằng, trong mọi trường hợp, Việt Nam chẳng chú ý gì đến những thúc ép nhân quyền
của Liên Âu. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần suy nghĩ bằng cách nào chúng ta có thể
áp lực nhà cầm quyền Việt Nam. Nhóm chính trị chúng tôi sẽ thảo luận việc này để
lấy quyết định phê chuẩn hay không hiệp ước EVFTA”.
Dân biểu Reinhard Butikofer thuộc Đảng Xanh nêu rõ lập trường của Đảng ông về
việc phê chuẩn hiệp ước :
“Tôi xin phép
phát biểu nhân danh nhóm Đảng Xanh. Chúng tôi không đồng ý cho việc phê chuẩn
Hiệp ước EVFTA vào lúc Việt nam đang mở cuộc đàn áp những nhà hoạt động bảo vệ
nhân quyền. Chúng tôi nghĩ rằng Quốc hội Châu Âu nên lấy quyết định minh bạch về
những điều chúng ta thảo luận trước khi nghĩ đến việc phê chuẩn hiệp ước”.
Kết thúc cuộc thảo luận, Phân ban Nhân quyền Quốc hội
Châu Âu đã đồng thanh thông qua bản Ý kiến chung nêu cao các điều kiện yêu
sách : Việt Nam phải sửa đổi Bộ Luật Hình sự, Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, trả
tự do cho các tù nhân chính trị trước khi Hiệp ước EVFTA được phê chuẩn. Bản Ý
kiến sẽ được công bố trong hai ba ngày tới.
Chúng tôi đã tìm gặp
Nữ Dân biểu Saskia Bricmont, là Báo cáo viên cho Đảng Xanh về Hiệp ước EVFTA, để
hỏi thăm kết quả cuộc thảo luận tại Uỷ ban Thương mại (INTA). Bà cho biết :
“Đối với chúng
tôi, ngay lúc này, chẳng bao giờ khác - chúng tôi phải áp lực Việt Nam cải thiện
nhân quyền cụ thể. Tại cuộc thảo luận của Uỷ ban Thương mại Quốc tế, chúng
tôi đưa ra năm điều cần sửa đổi để yêu sách nhà cầm quyền Việt Nam chấp thuận
như một số trong những cải cách chủ yếu. Chúng tôi yêu cầu tạm ngưng án tử
hình, trả tự do cho tù nhân chính trị, sửa đổi bộ Luật Hình sự và Luật An ninh
Mạng.”
“Cải tiến Luật Hình
sự là điều tối quan trọng, vì hiện nay luật cho phép bắt và giam những ai biểu
tỏ chính kiến bất đồng với chế độ. Đây là điều trái chống với các quyền tự do
biểu đạt và quyền lập hội. Luật Lao động sửa đổi của Việt Nam thật vô nghĩa nếu
công nhân không được tự do biểu đạt ý kiến họ. Đó là lý do vì sao cuộc bắt giam
Phạm Chí Dũng là tín hiệu xấu, nhà cầm quyền Việt Nam dư biết rằng Liên Âu đang
đòi hỏi sự thực thi quyền con người. Tôi không tin lắm Việt Nam chịu nỗ lực
thay đổi tình hình nhân quyền”.
Ỷ Lan: Nhân thể xin hỏi bà nghĩ sao lời ông Phạm Chí Dũng yêu cầu Liên Âu
hoãn phê chuẩn hiệp ước EVFTA cho đến khi nào nhân quyền được cải thiện tại Việt
Nam ?
Saskia Bricmont : “Chúng tôi đã có một yêu sách hoãn phê
chuẩn cho đến khi nào Việt Nam chịu thực thi nhân quyền. Đảng Xanh chúng tôi
hoàn toàn đồng ý rằng, Liên Âu không nên phê chuẩn hiệp ước EVFTA cho đến khi
nào có sự thực thi nhân quyền cụ thể trong thực tế”.
Cuộc thảo luận về
Hiệp ước EVFTA hết sức sôi nổi ít khi được thấy. Từ đó câu hỏi đặt ra, là : Phê
chuẩn hay không phê chuẩn ? Bao giờ ?
Theo sự thăm dò của
chúng tôi, thì vào tháng 2 năm tới, 2020, sẽ có khoá họp khoáng đại bàn cãi lần
nữa để lấy quyết định phê chuẩn hay không.
---------------------------
Tin, bài liên quan
No comments:
Post a Comment