Thu Hằng - RFI
Đăng
ngày: 23/12/2019 - 09:22
Phiên chợ Giáng Sinh Strasbourg 2019 chính thức
khai mạc từ ngày 22/11 đến 30/12. Hơn 2 triệu khách tham quan hàng năm vẫn bị
quyến rũ từ ánh sáng lung linh của những ngôi nhà gỗ nhỏ và mùi thơm ngọt ngào
của rượu vang nóng. Từ 450 năm nay, Strasbourg vẫn tự hào tổ chức chợ Noël truyền
thống, phiên chợ cổ nhất nước Pháp.
Một khu vực trong chợ Giáng Sinh Strasbourg, Pháp. Ảnh
minh họa. wcanifly.com
Trước đây,
Strasbourg từng thuộc Đức và lại nằm trong khu vực sông Rhin (1), nơi lễ Giáng
Sinh trở thành truyền thống ăn sâu vào cuộc sống của người dân. Khi Strasbourg
thuộc về Pháp, thành phố giữ nguyên di sản này và tạo thành nét riêng của thành
phố cũng như của vùng Alsace, theo giải thích trên website của thành phố
Strasbourg.
“Người ta tìm thấy
vết tích của khu chợ đầu tiên liên quan đến Giáng Sinh là vào cuối thế kỷ XII ở
Strasbourg. Ngay trước năm 1570, cứ khoảng vào ngày 06/12 hàng năm là có chợ
Thánh Nicôla - Klausenmärik. Nhưng từ khi vùng Alsace chuyển sang theo đạo Tin
Lành, thì xuất hiện chợ Chúa Hài Đồng - Christkindelsmärik như ngày nay. Khi
quyết định bỏ chợ Thánh Nicôla, mục sư Johannes Flinner muốn xóa hết mọi vết
tích liên quan đến đạo Công Giáo”.
Vấn đề ở chỗ bỏ chợ
Thánh Nicôla, tiểu thương trong vùng phẫn nộ và khó có thể đối đầu với đội ngũ
hùng hậu này. Vì thế, để thay thế chợ Thánh Nicôla, người ta tổ chức chợ Christkindelsmärik
trong ba ngày trước Giáng Sinh.
Nhưng Christkindel (Chúa
Hài Đồng) ở miền nam và miền đông nước Đức, ở Áo, Thụy Sĩ vùng nói tiếng Đức
cũng như ở hai vùng Alsace, Moselle của Pháp, lại được thể hiện dưới một hình dạng
khác. Đó là một nữ thần mặc toàn mầu trắng, đầu phủ một tấm khăn voan, trên là
một vương miện có gắn ngôi sao và xuất hiện vào tối Giáng Sinh. Chính nữ thần,
cùng với chú lừa Peckersel với đầy quà và kẹo bánh trên lưng, đi đến từng nhà tặng
cho trẻ nhỏ. Vì thế xuất hiện truyền thống vào tối Giáng Sinh, người ta đặt một
bó cỏ khô trong nhà để chú lừa ăn lấy sức.
Vào thời kỳ đầu, chợ
Christkindelsmärik kéo dài ba ngày trước ngày 24/12, tập trung ở quảng trường
Nhà Thờ Lớn (Place de la Chathédrale). Đến đầu thế kỷ XIX, chợ họp 6 ngày, rồi
nhanh chóng kéo dài thành 36 ngày kể từ sau thế kỷ XIX. Nhiều khu gian hàng mới
cũng được mở rộng theo quy mô của thành phố.
“Trước tiên, chợ tập
trung quanh Nhà Thờ Lớn, Quảng trường Lâu đài (Place du Château) và phố
Mercière. Đến năm 1830, chợ được mở rộng ra Quảng trường Vũ khí (Place d’Armes)
hiện là Quảng trường Kléber (Place Kléber), rồi khu phố Marais-Vert (Quartier
Marais-Vert) năm 1848. Vào nửa sau thế kỷ XIX, nhiều khu lều gỗ được mở ở phố
Grandes-Arcades, rồi ngõ Grande Boucherie, và Quảng trường Broglie từ sau năm
1870”.
Từ năm 1992,
Strasbourg tự nhận là “Thủ đô Giáng Sinh” (la Capitale de
Noël), theo ý tưởng của Jean-Jacques Gsell, lúc đó là trợ lý của thị trưởng
Catherine Trautmann, nhằm khôi phục truyền thống có phần bị phai mờ trong những
năm 1970-1980 và để kích thích hoạt động thương mại của thành phố.
Cây
thông Noël truyền thống… hơn 80 tuổi
Giáng Sinh ở
Strasbourg không thể thiếu cây thông huyền thoại. Nguyệt san Grand’goule,
chuyên về nghệ thuật, truyền thống, phát hành tại Poitiers, trong số tháng
02/1931, từng viết : “Noël ở vùng Alsace là một ngày lễ vui nhộn đối
với trẻ nhỏ. Trong mỗi gia đình có một cây Giáng. Đó là một cây thông, trên đỉnh
gắn hình Chúa Hài đồng. Cây thông được thắp sáng, được phủ đầy kẹo và những đồ
vật trang trí xinh xắn… Vào đầu thế kỷ XVI, cây thông Noel đã được
vinh danh ở thành phố Strasbourg”.
Giáng Sinh năm
2019, có ba cây thông lớn được dựng lên ở Strasbourg. Cây thông chính, biểu tượng
cho sự kiện, nằm ở quảng trường Kléber, được chặt trong cánh rừng ở Boersch,
Vosges. Cây cao hơn 30 mét, nặng khoảng 10 tấn, trên 80 tuổi và đội ngũ phụ
trách đã phải mất hơn 10 ngày, phân loại hơn 100 cây, mới tìm ra được cây thông
đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Giáng Sinh.
Trả lời đài France
3 Grand Est, ông Laurent Derion, trưởng bộ phận Sự kiện ở Eurométropole, giải
thích :
“Có hai vị trí đảm
nhiệm việc trang trí cây thông. Nhiệm vụ thứ nhất liên quan đến mọi giai đoạn,
từ lựa chọn cây thông, vận chuyển và dựng cây ở quảng trường Kléber. Công việc
này được phối hợp với Cục Lâm nghiệp Quốc gia (Office national des Forêts, ONF). Chi phí cho
công đoạn này vào khoảng 60.000 euro. Tiếp theo là phần trang trí cây thông, được
thẩm định khoảng 150.000 euro. Đây là giá phù hợp để kể câu chuyện đẹp nhất về
Giáng Sinh”.
Từ 17 giờ mỗi tối,
cây thông lại khoác lên mình tấm áo lung linh, huyền ảo hơn. Đồ vật trang trí
trên cây cũng được thay đổi theo chủ đề hàng năm. Đồ chơi trẻ em là chủ đề của
năm 2019.
“Đó là những chiếc
ô tô bằng gỗ, mô hình những chiếc máy bay được treo trên cành, và cả những con
quay nữa, ông Romaric
Gusto giải thích. Nói chung, chúng ta có thể thấy những hình mẫu mới được vẽ
trên đồ vật trang trí và treo trên cây, như những con ngựa gỗ bập bênh, những
đoàn tầu nhỏ, thậm chí cả những chú chó kéo xe”.
Ông Romaric Gusto,
người thiết kế và phụ trách trang trí cây thông Noël, cho biết thêm là 10 nhân
viên làm việc liên tục trong vòng hai tuần để treo khoảng 7 km dây đèn nhấp
nháy và 50 quả bóng trang trí cỡ lớn.
Những quả bóng tròn
bằng thủy tinh cũng là đặc trưng của vùng Alsace và Đức. Ngay từ thế kỷ XVI,
người dân trong vùng trang trí cây thông bằng hoa và quả tươi, đặc biệt là những
trái táo, để liên tưởng đến cây trên Thiên đàng. Nhưng đến mùa đông 1858, mùa
thu hoạch táo bị thất thu vì hạn hán, nên không có táo để trang trí cây thông.
Một người thợ thổi thủy tinh ở vùng Moselle, sát vùng Alsace, liền nảy sinh ý
tưởng làm những quả táo… bằng thủy tinh vì đây là một nghề thủ công truyền thống
trong vùng. Thành công nhanh chóng được lan sang các vùng khác ở Pháp. Đến thập
niên 1950, những quả bóng thủy tinh dễ vỡ dần được thay bằng bóng nhựa. Nhưng
bóng trang trí thủy tinh vùng Alsace vẫn là mặt hàng thủ công chất lượng cao được
ưa chuộng.
Rượu
vang nóng và bánh sandwich kẹp choucroute
Trong hơn một tháng
cuối năm, cả khu phố cổ trên đảo lớn Strasbourg (Grande Île de Strasbourg) hóa
thân thành thế giới cổ tích. Hơn 300 ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn được dựng thành
quầy hàng, hơn 30 km dây đèn được chăng khắp thành cổ. Mỗi khu mang một chủ đề
riêng, với những hình trang trí và mầu sắc đặc trưng. Những ngôi nhà xà gỗ
(maison à colombages), đặc trưng của vùng Alsace, trở nền huyền bí hơn, lung
linh hơn trong ánh đèn ấm cúng.
Mùi hồi, mùi cam,
mùi hạnh nhân nướng, mùi rượu vang nóng theo sát gót chân khách tham quan và
khó lòng cưỡng lại được. Vẫn nguyệt san Grand’goule miêu tả tiếp
:
“Tại đây, người ta
có thể mua được bánh gừng và kẹo bánh để làm quà gửi tặng bạn bè. Họ cũng mua cả
những cây thông về dựng trong phòng khách, hoặc những cành thông để gắn trên tường
nhà. Trong không khí này, những nhà quý tộc tổ chức lễ hội tưng bừng; sau đó, để
kể thúc buổi lễ, họ nhảy múa quanh một hình nộm có hai mặt. Một trong hai mặt
này hướng về năm vừa kết thúc, còn mặt kia hướng đến năm mới”.
Những mặt hàng được
bán ở chợ Noël Strasbourg phải vượt qua vòng xét duyệt khắt khe của ban tổ chức
để bảo đảm tính độc đáo của chợ với những quy định có từ năm 1927. Sản phẩm được
ưu tiên là hàng thủ công, đặc sản trong vùng. Ví dụ thay bánh bột churros phủ
đường kính trắng (gốc Tây Ban Nha) là bánh bretzel đặc trưng của vùng Alsace và
Đức. Bánh sandwich độc đáo với xúc xích, mù tạc và dưa cải muối của món
choucroute thay vì kẹp nhân hành tây xào với thịt cừu… Và không thể thiếu được
cốc rượu vang nóng thơm mùi hồi quế và thảo quả, vừa nhâm nhi vừa xuýt xoa
trong cái lạnh của mùa đông.
Từ truyền thống
vùng Alsace, chợ Noël dần lan sang nhiều thành phố khác ở Pháp và đến cả các
thành phố Tokyo, Matxcơva, Bắc Kinh, Đài Bắc và Seoul. Năm 2019, lần đầu tiên,
chợ Noel Strasbourg được du nhập sang New York, ngay trung tâm Manhattan, từ
ngày 06 đến 22/12. Mục tiêu của chính là giới thiệu sản phẩm, kỹ năng, con người
Strasbourg ra thế giới, nhưng cũng nhằm quảng bá cho du lịch của thành phố.
******
(1) Gồm những nước
hoặc vùng ở phía bắc Tây Âu có sông Rhin chảy qua, gồm 8 nước Bỉ, Hà Lan,
Luxembourg, Pháp, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Liechtenstein.
-------------------------------------
Người Việt Online
December 23, 2019
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều người ở thành phố Sài Gòn cho biết
họ chấp nhận đón Giáng Sinh 2019 ở nhà thay vì ra đường vì lo ngại không khí ô
nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là những gia đình có con nhỏ.
Đi từ chợ Xóm Củi
qua cầu Chánh Hưng, Phạm Hùng (quận 8) tới đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) đến
chỗ làm, tháo nón an toàn chìa ra mái tóc chưa khô, chị Nguyễn Thị Ánh ((31 tuổi),
công nhân Khu Chế Xuất Tân Thuận, quận 7, Sài Gòn thở dài nói với báo Thanh
Niên: “Tôi vừa gội đầu xong, mở nón ra
thì tóc rít rịt. Toàn bụi không.”
Con trai chị Ánh 3
tuổi, ngày nào cũng hỏi mẹ ông già Noel sắp tới tặng quà chưa, thấy phố phường
Sài Gòn những ngày gần Giáng Sinh cũng vui, nhưng nghĩ tới cảnh ô nhiễm không
khí nặng nề, mang khẩu trang áo khoác chống bụi đi chơi Noel thì nản.
Tương tự, khói bụi,
ô nhiễm không khí cũng là điều khiến gia đình anh Phạm Đình Quyền (30 tuổi, ở
chúng cư B1, đường Bông Sao, quận 8) “lười” ra đường dịp Giáng Sinh này.
“Chúng tôi cho con đi chơi ở khu vui thiếu nhi gần
nhà rồi nhờ dịch vụ ông già Noel tặng quà cho con,” anh Quyền nói.
“Trước Giáng Sinh thì chúng tôi cũng muốn ra đường để
chụp hình, mua sắm nhưng mấy ngày nay thấy khói bụi ô nhiễm quá cũng ngại. Từ 4
giờ chiều, cầu Chánh Hưng đã tắc nghẽn, xe gắn máy phả khói, bụi trên đường
mù mịt, thoát ra được cũng mất nửa tiếng, oải hết người rồi còn chơi gì nữa,” anh Quyền nói thêm.
Ô nhiễm không khí ở
Việt Nam những ngày qua liên tục đe doạ cư dân tại Hà Nội, Sài Gòn. Trong mùa
Giáng Sinh này, đến sáng 22 Tháng Mười Hai, 2019, chỉ số phẩm chất không khí tại
Sài Gòn đứng thứ 11 trên thế giới, gần sát nhóm 10 thành phố “ô nhiễm không khí
nhất trên thế giới.”
Xóm Đạo Quận 8, Sài
Gòn, gồm năm giáo xứ Bình Thái, Bình An Thượng, Bình An Hạ, Bình Thuận và Bình
Sơn chuẩn bị đón Giáng Sinh 2019. (Hình: VietNamNet)
Tại toạ đàm “Hiểu Về
Ô Nhiễm Không Khí Do Doanh Nghiệp Xã Hội” do tổ chức phi chính phủ CHANGE
thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ở Sài Gòn
hôm 14 Tháng Mười vừa qua, Tiến Sĩ Trần Ngọc Đăng, Đại Học Y Dược
Sài Gòn, cho biết những tác hại kinh khủng của bụi mịn, đặc biệt PM2.5 (là hạt
bụi có đường kính 2.5 micromet), vấn nạn chính trong ô nhiễm không khí hiện nay
ở Việt Nam.
Theo Tiến Sĩ Trần
Ngọc Đăng, bụi mịn xâm nhập qua đường hô hấp, xâm nhập vào phổi, tới phế nang,
tới các mạch máu gây những tác động như khò khè, khó thở, viêm mũi viêm xoang
nhức đầu, đặc biệt với người bị hen suyễn, tắc nghẽn đường hô hấp thì hệ luỵ
còn nặng hơn.
Ngoài ra, bụi mịn
có thể xâm nhập vào thành mạch máu gây xơ vữa, tắc nghẽn đường máu, nhồi máu cơ
tim, gây đột quỵ. Thậm chí, bụi mịn cũng xâm nhập tế bào não, tấn công và gây tổn
thương tế bào não.
Theo Tổ Chức Y Tế
Thế Giới (WHO), ô nhiễm không khí có thể là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư. Đặc
biệt, ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Nghiên cứu
trên 25 bà mẹ đang mang thai và thấy những hạt bụi mịn trong nhau thai, các nhà
khoa học chỉ ra, bụi mịn có thể gây sinh non, sinh trẻ nhẹ cân, gia tăng nguy
cơ gây sảy thai.
Chưa hết, mới đây tạp
chí Environmental Health Perspectives công bố về nghiên cứu khuyến nghị nâng
cao phẩm chất không khí ngăn chặn khoảng 15% (hàng triệu người) trầm cảm, tự tử
cho biết bụi mịn thật sự có liên quan đến vấn đề trầm cảm, tự tử ở con người.
Các nhà khoa học lo
ngại, mặc dù tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang rất trầm trọng nhưng
nhà nước vẫn chần chừ chưa chịu ban hành Luật Không Khí Sạch. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment