Saturday, April 30, 2011

HÔM NAY NGÀY GÌ ? (Vũ Thị Phương Anh)


Hôm nay ngày gì?
Vũ Thị Phương Anh
Thứ bảy, ngày 30 tháng tư năm 2011

Xời ơi, hỏi cái gì mà "quê" vậy? Tất nhiên hôm nay là ngày 30/4, một trong những ngày lễ lớn. Public holiday, nói theo kiểu tiếng Anh ấy.

Nhưng 30/4 là ngày gì mới được chứ? Thôi đi, đừng làm bộ nữa nghen, cứ mở báo ra đọc thì biết ngay, chứ sao lại hỏi cắc cớ vậy? Thì đó, 36 năm kỷ niệm "ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Cụm từ "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" là một cụm từ tôi nghe đã rất quen, theo kiểu hơi nhồi sọ, giống như khi nghe quảng cáo mãi rồi nhập tâm vậy. Tò mò, tôi lên mạng gõ nguyên si những từ ấy (theo cú pháp như thế này: "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước") và có ngay kết quả hơn hai triệu tư lượt. Thế là đã rõ.
Ừ thì là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thống nhất đất nước thì rõ rồi, nhưng mà ... còn cái vụ "giải phóng" thì có vẻ có những người không ưng cho lắm, trong đó có cả tôi nữa.

Những người ấy, xin nói lại là trong đó có tôi, vẫn cứ lấn cấn thế nào ấy, với từ "giải phóng".
Sao lại lấn cấn nhỉ? Ừ thì về nghĩa của từ "giải phóng", chứ sao.

Giải phóng, nói vắn tắt là đem lại tự do. Có lẽ ngày ấy quả thật là đem lại tự do cho những người đã bị tù đày, bắt bớ vì theo cộng sản trước năm 1975 thật. Đối với những người ấy, quả là một thật ngày vui, vì là một ngày chiến thắng.

Nhưng với nhiều người dân miền Nam, trong đó có tôi, gia đình họ hàng tôi, và rất nhiều, thật nhiều người khác mà tôi biết - thực ra là toàn bộ những người tôi biết, thì ngày ấy không thể là một ngày vui được. Như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lần phát biểu. Hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn.

Không thể vui, vì sau ngày ấy, ba tôi không còn việc làm; mẹ tôi không còn tự do buôn bán. Gia đình tôi - như rất nhiều người khác ở miền Nam lúc ấy - cũng không còn nguyên vẹn. Anh em bọn tôi không có quyền ưu tiên vào đại học, và cũng chẳng có ưu tiên nhận vào làm việc ở những cơ quan nhà nước (đồng nghĩa với thất nghiệp, nuôi heo, bán rau, đạp xích lô, bán chợ trời, hoặc đi vượt biên!) Bạn bè, thân quyến của tôi có nhiều người chọn con đường đi vượt biên, có người đến nơi nhưng cũng nhiều người bỏ mạng nơi biển cả mênh mông, những người ra đi với ý thức "một là con nuôi cá, hai là má nuôi con", nhưng vẫn quyết tâm ra đi không hẹn ngày trở lại ....

Cũng không thể vui, vì cuộc sống ngày càng đi xuống, phú quý giật lùi. Đồ đạc trong nhà đội nón ra đi, nào xe vespa, honda, tivi radio, bếp gas máy giặt, rồi cả tủ gỗ, giường gỗ nữa, cái gì có người mua (ai mua nhỉ?) thì đều đem bán sạch. Rồi bán hết đồ đạc thì chuyển sang nghề... bán vàng. Nhà nhà bán vàng, người người bán vàng, nghề bán vàng trở thành một nghề phổ biến nhất vào thời ấy.

Cái gì, nói cái gì thế, nhà nhà làm nghề bán vàng ư? Ở đâu ra thế?

Thì từ từ rồi tôi giải thích: người ta lấy vàng dành dụm, tích cóp từ trước năm 1975 (dân ta có thói quen tiết kiệm bằng vàng mà lại), đem ra bán dần đi mà sống, và đó là nguồn thu nhập chủ yếu, vậy chẳng phải là làm nghề bán vàng sao? Có lý quá, đúng không?

Đấy, đối với tôi, dù muốn dù không, ngày hôm nay vẫn gợi lại cho tôi những ký ức như thế.

Những ký ức rời, vụn, nhòe nhoẹt, và không đẹp. Nhớ đêm 29 tháng 4, gia đình tôi lúc ấy ở trên đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT8), đường tiến quân, đêm xe tăng đi rầm rập, và đạn pháo nổ thùm thụp liên tục cả đêm.
Nhớ sáng 30/4, mở cửa ra nhìn ra đường, tôi còn kịp thấy một người lính cộng hòa bị bắn rơi từ trên sân thượng của căn nhà trước mặt, rớt xuống đường. Và những xác người của một chuyến xe lam bị trúng pháo kích, nằm la liệt trên khúc đường Lê Văn Duyệt gần Ngã ba ông Tạ, cũng ngày 30/4 lịch sử ấy.

Nhớ trưa 30/4, sau khi nghe tuyên bố đầu hàng của Đại tướng Dương Văn Minh, mọi người vứt lá cờ vàng ba sọc đỏ ra đầy đường, và có những người chạy ra đường reo hò đón "quân giải phóng" (những người mà tôi đoán sau này đã trở thành "ông ba mươi" của thời ấy, lúc đất nước còn đang tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng). Những lá cờ vàng ba sọc đỏ mà hàng tuần mọi công chức và học sinh đều nghiêm trang đứng chào vì đại diện cho một đất nước, một chính thể, trong ngày 30/4 ấy đã bị vất vương vãi trên đường như rác rưởi để cho những giòng người chạy ngược xuôi xéo lên.

Nhớ mẹ tôi đã lắc đầu, nhặt những lá cờ vàng nằm trước sân nhà tôi, đem vào trong nhà châm lửa, vừa đốt vừa lẩm bẩm: sao lại có thể làm như thế được? Và nhớ cũng lá cờ ấy của gia đình tôi thì bố tôi nghiêm trang gói vào trong giấy báo, rồi mới đem đi đốt. Nghiêm trang và im lặng, suy tư. Bố tôi, một công chức nhỏ của chế độ cũ.
Nhớ tối 30/4, bố tôi và mẹ tôi nghe radio (đài cách mạng!), nghe thông báo tất cả "ngụy quân, ngụy quyền" phải đến cơ quan trình diện, hai người thì thầm nói chuyện rất lâu trong bóng tối lờ mờ của một thành phố hình như đang bị cúp điện, một tâm trạng lo âu đè nặng đến ngột thở. Tôi lúc ấy chưa trọn 15 tuổi, chỉ hơn con gái của tôi hiện nay có 1 tuổi thôi. Nhưng cũng lờ mờ hiểu được một tương lai vô định đang chờ đợi cả gia đình...

Nhớ sau đó, gia đình dòng họ của tôi bắt đầu giai đoạn lo lắng triền miên, các bác, các chú rất nhiều người bắt đầu thời kỳ "đi học tập" mà mới đầu được thông báo là chỉ 3 ngày (mỗi người đem theo vật dụng cá nhân), mà sau đó thì trở thành một cuộc "tập trung" không biết ngày biết tháng, vì còn tùy thuộc vào "sự tiếp thu" của từng người khi "học tập".

"Học tập", ấy là uyển ngữ đầu tiên mà tôi nghe của chính quyền CM rất giàu uyển ngữ này, mà khi dịch sang tiếng Anh thì các thế lực thù địch chúng bảo là "concentration camp", y như trại tập trung của Đức Quốc Xã, láo thế! Tôi tự hỏi, chẳng hiểu trên thế giới sau khi thay đổi một chế độ, có nước nào có cách làm độc đáo như nước ta thời ấy không nhỉ?

Có thể ở các nước người ta sẽ xử tử và bỏ tù một số nhân vật chóp bu, có thể tạo ra scandal chính trị, gây shock, phẫn nộ, hay sợ hãi trong ít lâu. Nhưng rồi thôi. Còn việc "trừng phạt" theo kiểu cho chờ đợi mỏi mòn, lo lắng không yên trong một thời gian dài như thế, và với rất nhiều con người như thế chứ không phải chỉ là những người trực tiếp tham gia chính quyền cũ - để tạo ra tình trạng cha đi học tập, mẹ bán chợ trời, con đi vượt biên, hoặc thất học lang thang... - trong đó có nhiều người cũng thuộc thành phần ưu tú, hoặc ít ra cũng là công dân tốt của chế độ trước, thì có lẽ đây là cách làm duy nhất chỉ có ở VN thì phải?

Và tôi tự nghĩ, phải chăng đó là một sai lầm ghê gớm về con người, một sự phí phạm vô cùng lớn lao sức mạnh đoàn kết, niềm tin và tài năng của một dân tộc? Phải có lúc nào các nhà lãnh đạo của ta nghĩ về việc này và trả lời cho mọi người chứ nhỉ? Như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng làm.

Thực ra, tôi không muốn nhớ những điều này, vì nó chẳng hay ho gì. Nhưng ký ức về những việc có thật đó nó vẫn tự đến với tôi vào ngày này, và đòi hỏi tôi phải nói ra. Nói để cho các thế hệ sau cùng biết - và rút kinh nghiệm? - và nói, để những người chiến thắng hiểu được nửa bên kia của câu chuyện quê hương
Nói, để có thể một ngày nào đó, giống như TCS, "mong sẽ quên chuyện non nước mình".

Một ngày trên tổ quốc chung của mọi người Việt chúng ta với những anh em có tâm sự và tâm trạng giống như tôi, chưa kể là những người Việt đang lưu lạc khắp nơi trên thế giới, có nhiều người đã từng quay lại VN nhưng cũng có nhiều người khác không những tự mình hứa là sẽ không bao giờ về (trừ phi ...), mà còn cấm những người thân của mình không được về. Thì việc những người VN khác, những người anh em cùng một bào thai trăm trứng của mẹ Âu Cơ xem đó là "ngày giải phóng", "ngày chiến thắng", và ăn mừng "chiến công rực rõ" của mình, ngày "đất nước trọn niềm vui", liệu điều đó có nên không?

Cho nên tôi rất mong có lúc nào đó trong đời tôi (không còn dài nữa) được thấy ngày 30/4 được gọi bằng một tên gọi khác. Và những hành động khác để mừng ngày lễ ấy. Ví dụ, cầu siêu cho tất cả các nạn nhân trong cuộc chiến tranh tàn khốc ấy, không kể bên nào. Vì đều là người Việt Nam, da vàng máu đỏ.

Như TCS cũng đã nói dùm cho chúng ta từ rất lâu: "Người Việt nào da không vàng?? Mẹ Việt nào nhớ xác con?"
Lại nhớ một câu khác của TCS: "Hôm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui?"

Hôm nay ngày gì, vâng, hôm nay là ngày gì thế? Có vị lãnh đạo nào của đất nước này, những người VN giống như tôi, đang suy nghĩ những điều tương tự như tôi không nhỉ?

Thế mà người ta đang kêu gọi hòa giải, hòa hợp, yêu thương gì cơ đấy! Ở đây này.
________________________________

Tình cờ đọc được entry này, thấy rất đồng cảm, nên đưa về đây để chung. Cám ơn bạn Hanwonders gì đấy đã nói hộ tôi và nhiều người khác nhé.
 .
Hanwonders
Apr 29, '11 3:05 AM

Hôm nay đọc báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần thấy làm 1 bài to vật vã nói về ý tưởng của bà nhà báo Thu Uyên - nổi tiếng với chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" trên VTV - rằng TU nhà mình sẽ làm tiếp 1 chương trình nữa, tạm gọi là "Họ đã sống như thế nào?" để chắp nối những thông tin rời rạc từ đồng đội cũ, nhà chức trách, những người quen biết,... nhằm tìm kiếm tông tích của những liệt sĩ vô danh lẫn những liệt sĩ chưa tìm ra hài cốt.

TU nói ý tưởng nảy sinh bởi những ám ảnh khi tiếp xúc với những người mẹ, người vợ liệt sĩ vô vọng chờ con, chờ chồng. Họ chết thế nào, ở đâu,... cũng không biết được. Tóm lại là nỗi đau dai dẳng trong mờ mịt! Thì cũng hay, cũng ý nghĩa, bởi đó cũng là một cách giúp xoa dịu phần nào những nỗi đau, mất mát mà chiến tranh đã giày xéo lên mỗi con người.
Tuy nhiên, cái tốt đẹp đó tui thấy nó cứ phiến diện làm sao ấy!

Đã tốt, nhưng không hẳn là tốt. Cái sự tốt đó xem ra nó cứ có vẻ rất là mất dạy. Tại sao mất dạy? Để tui kể tiếp.
Nhà tui có một bà thông gia, mùng 1 Tết hàng năm là ngày giỗ chồng của bà. Ai cũng hỏi, sao mà xui vậy? Chết ngay mùng 1 Tết. Bả chửi um lên, chết mùng 1 Tết hồi nào? Đi lính chết mà ngu, không cho biết ngày biết chỗ, tới giờ này không biết ổng nằm đâu, biết ngày nào mà giỗ? Thôi thì mùng 1 Tết là ngày mà con cháu sum họp, ăn uống đầy đủ, lấy ngày này làm giỗ ổng luôn cho dzui!
Đó là ví dụ 1 bà thôi, chứ cả miền Nam, biết bao nhiêu người đi lính Ngụy rồi chết mất xác, không nghĩa trang, không hương khói, không một dòng, một chữ nào còn nhắc đến tên họ? Liệt sĩ gần 2 triệu thì lính Cộng hòa chết chắc cũng phải xấp xỉ hoặc hơn (thua cuộc mà!). Vậy chẳng lẽ người thân của họ không đau đớn, không mất mát, không cần ai an ủi?

Chỉ có người thân của lính Cộng sản biết đau thôi à?

Những người lính Cộng hòa, thử hỏi họ có yêu nước Việt Nam này không? Họ bỏ thân cũng vì lý tưởng của họ chứ? Chỉ có điều lý tưởng của họ khác của lính Cộng sản thôi. Chứ những thua thiệt của chiến tranh, họ nhận lãnh có khác gì đâu?

Suốt 36 năm nay, năm nào cứ đến 30.4 là đủ thứ chuyện, tung hô ầm ĩ, truyền thông rần rần, tôn vinh này nọ, rồi quà cáp thăm hỏi tứ tung... đến những gia đình có công với Cách mạng (nói chính xác là có công với Việt cộng). Thử nghĩ nếu mình là người có người thân cũng chết trong chiến tranh, nhưng thuộc phía bên kia, đến ngày 30.4 này, nhìn cái cảnh tung hô đó, cảm giác mình ra sao?

Cho nên cái gì cũng phải vừa thôi! Coi chừng người ta tủi thân chứ?

Giống như trước mặt người nghèo mà cứ xoe xoe khoe mình giàu, chơi gì mà ác dzậy?

Hơn nữa, nếu là quân tử, thắng trận rồi, thì ngó ngàng một chút đến kẻ thua đâu có thiệt gì? Đọc kiếm hiệp thấy đầy mấy tình huống 2 cao thủ tỉ thí, nhưng hẹn nhau nếu chẳng may huynh bại mà chết dưới tay ta, ta sẽ nuôi vợ con huynh suốt đời. Phi hồ ngoại truyện của Kim Dung chẳng hạn! Hồ Nhất Đao & Miêu Nhân Phượng đã thỏa thuận như vậy trước khi quyết đấu. Và suốt đời, Miêu Nhân Phượng cứ mang mối ân hận là đã không thể tìm ra con trai Hồ Nhất Đao để mà chăm sóc.
Nên tui muốn nói rằng, tốt kiểu một chiều như vậy thấy nó rất nịnh thần!

Và bà TU nhà mình rõ là rất khéo! Thừa biết tận dụng cái khoái của mấy cha nội lãnh đạo. Cứ làm kiểu đền ơn đáp nghĩa này là kiểu gì thì thằng đài nó cũng dành giờ đẹp cho lên sóng. Xong rồi còn được hậu thuẫn của một đám báo chí đang mong bới cho ra chuyện để nịnh, vớ được ý tưởng này của bả, chúng nó mừng bỏ mẹ! Em TU ta thế là càng nổi tiếng, càng thăng tiến, tóm lại là lên như diều.

Nhưng làm người, cái gì cũng phải vừa vừa! Làm quá đâm ra lố!
Thắng thì làm vua, nhưng vua biết điều thì thiên hạ nể, không biết điều, thiên hạ coi như chó.

.
.
.

No comments: