Thursday, April 28, 2011

TRANH CHẤP Ở BIỂN NAM HẢI (BIỂN ĐÔNG) - Michael Richardson

Tranh chấp ở Biển Nam Hải
Michael Richardson – Rim lược dịch
28-04-2011

Trung Quốc đang là một trong những nước sản xuất năng lượng từ lòng biển lớn nhất thế giới. Trung Quốc muốn trở thành lớn hơn qua việc tìm kiếm thêm dầu và khí đốt trong vùng biển của mình hay trong những vùng gần nước mình, nhằm tránh tình trạng bị lệ thuộc quá nhiều vào nguồn dầu nhập cảng.

Tuy nhiên, chiến lược quây quanh sự an ninh nguồn năng lượng của Trung Quốc có thể làm cho mối quan hệ của họ căng thẳng hơn với các nước trong vùng Đông Nam Á châu, và với những nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn là những nước xưa nay vốn xem vùng Biển Nam Hải là thủy lộ mang tính quốc tế cho giao thương và tự do qua lại cho cả máy bay lẫn tàu thủy.

Sự tập chú tìm kiếm năng lượng ngoài khơi của Bắc Kinh để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế đang tiến trển nhanh chóng là khu vực thuộc vùng Biển Nam Hải, nơi Trung Quốc có chủ quyền lãnh hải nhập nhằng với Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á và Brunei.

Tờ Toàn cầu Thời báo của Trung Quốc mới tuần rồi cho đăng một bản báo cáo đặc biệt về Biển Nam Hải, mà bài báo này gọi là “Vịnh Ba Tư thứ hai.” Bài báo nói Biển Nam Hải chứa hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20.000 tỉ mét khối khí đốt. Nghĩa là khoảng bằng 25 lần số lượng dầu dự trữ và tám lần lượng khí đốt dự trự đã được xác minh của Trung Quốc.

Tờ Toàn cầu Thời bào đã không trưng nguồn cho sự lượng giá về số lượng dầu và khí nằm dưới lòng biển Nam Hải đến từ đâu. Tuy nhiên, tờ báo trích dẫn lời ông Zhang Dawei, một viên chức cao cấp của Bộ Tài nguyên và Điền địa khi ông nói việc nghiên cứu ngoài khơi được tăng cường mức độ là “yếu tố then chốt” để giải quyết vấn đề năng lượng của Trung Quốc.

Sự thèm khát dầu để vận hành hệ thống chuyên chở của Trung Quốc đã chuyển nền kinh tế từ chỗ tự cung cấp dầu đủ cho nhu cầu trong những năm đầu của thập niên 1990 giờ qua sự lệ thuộc vào dầu nhập cảng lên tới 55% lượng dầu tiêu thụ trong năm rồi, vượt qua cái mà tờ Toàn cầu Thời báo gọi là “mức báo động an ninh năng lượng được toàn cầu công nhận ở 50 phần trăm.”

Không chỉ tỉ số dầu nhập cảng của Trung Quốc tăng nhanh, mà sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt nước ngoài cũng tăng nhanh không kém khi nhà nước khuyến khích một sự thay đổi nhằm chuyển qua khí đốt vốn sạch hơn so với đốt than, để giảm ô nhiễm không khí và tình trạng tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Than là nguồn năng lượng chính để tạo điện năng ở Trung Quốc.

Một bản báo cáo gần đây của ngân hàng đầu tư Macquarie tiên đoán là tỉ lệ tự cung cấp khí đốt của Trung Quốc sẽ giảm từ 90 phần trăm năm rồi xuống còn 65 phần trăm trong năm 2020. Các công ty năng lượng do nhà nước làm chủ đang chuẩn bị để tìm kiếm dầu và khí đốt ở đáy biển ngoài khơi bờ biển Trung Quốc ở độ sâu hơn và xa hơn từ bờ.

CNOOC, công ty sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu, nhấn mạnh là vùng biển sâu của Nam Hải vẫn “chưa được khai phá” và có “tiềm năng vô cùng tận”. Công ty này đã phát thảo kế hoạch làm ăn lớn trong khu vực này trong khi học cách vận hành một loạt giàn khoan được chế tạo để hoạt động ở vùng biển sâu trong vài năm tới.

Không và hải quân Trung Quốc đang có được máy móc, phương tiện và kỹ năng một cách nhanh chóng để phóng sứ mạnh mình về biển Nam Hải và bảo vệ cho những công ty năng lượng của Trung Quốc trong vùng này.

Cho đến bây giờ, tìm kiếm và sản xuất năng lượng của Trung Quốc đã được khoanh vùng ở khu vực phía bắc biển Nam Hải nằm ngoài khơi Hồng Kông và quần đảo Hải Nam. Chỉ có Đài Loan đặt vấn đề với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong vùng này.

Nhưng tháng rồi, Bắc Kinh lập lại sự khẳng định là Trung Quốc kiểm soát khoảng 80 phần trăm vùng biển Nam Hải và tất cả các quần đảo và đảo đá ngầm như hình chữ U chạy sâu vào trung tâm của Đông Nam Á châu. Trung Quốc đã làm như thế trong một lá thư phản đối Phi Luật Tân được gởi lưu hành cho tất cả thành viên của Liên Hiệp Quốc. Trong lá thư đề ngày 14 tháng Tư, Trung Quốc nói là kể từ thập niên 1970, Phi Luật Tân đã “bắt đầu xâm lăng và chiếm một số đảo và đảo đá ngầm thuộc quần đảo Nansa của Trung Quốc”, được biết đến như là quần đảo Spratly trong tiếng Anh (DCVOnline: hay Trường Sa trong tiếng Việt.)

Nhằm xác định phạm vi tính chủ quyền mà Trung Quốc cho là của mình, lá thư của Bắc Kinh đi xa hơn những phản kháng với Liên Hiệp Quốc trước đây đối với sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam và Mã Lai Á trong vùng biển Nam Hải. Lá thư của Bắc Kinh khẳng định là quần đảo Trường Sa nằm rãi rác khắp biển là “hoàn toàn thuộc chủ quyền” của Lãnh Hải Trung Quốc, cùng Đặc khu Kinh tế và Thềm Lục địa, cho dẫu đa số những quần đảo này không có người ở và không thấy được khi thủy triều lên.

Không có cách gì mà Trung Quốc có thể dùng luật quốc tế hiện nay để chứng minh chủ quyền Lãnh Hải kéo dài ra 12 hải lý (22 cây số) từ mỗi đảo san hô hay đảo đá ngầm, cộng thêm 200 hải lý của vùng Đặc khu Kinh tế và Thềm Lục địa trải dài ra tới 350 hải lý, cho ngư nghiệp, năng lượng và những nguồn khoáng sản.

Nhưng trong lá thư gởi cho Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc biện minh cho tính chủ quyền của mình dựa vào hai trong những luật hàng hải vốn gây nhiều tranh cãi của họ, bên cạnh Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.

Nếu cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát Biển Nam Hải dựa vào sức mạnh chính trị thay vì dựa luật quốc tế, thì Bắc Kinh sẽ trên cơ để lấn lướt những đối thủ yếu hơn.


© DCVOnline


Nguồn:

(1) South China Sea Tussle. Michael Richardson, tác gỉa là nhà nghiên cứu thâm niên được mời cộng tác bán thời gian với Viện Nghiên cứu Đông Nam Á châu.

.
.
.

No comments: