Thursday, April 28, 2011

CUBA CẢI CÁCH THEO MÔ HÌNH VIỆT NAM ? (Krzyszctof Mroziewicz)


Tác giả: Krzysztof Mroziewicz, viết từ Havana


Lời người dịch: Cuba vừa tiến hành đại hội đảng Cộng sản lần thứ VI sau 14 năm đứt quãng. Đại hội diễn ra thầm lặng đến nỗi người ta không nghe nói tới sự tham dự của người anh em thân thiết lúc thức, lúc ngủ, cùng “canh giữ hòa bình thế giới” ở bên kia bán cầu. Báo chí quốc tế cũng không đề cập nhiều tới đại hội này. Sau hơn nửa thế kỷ xây dựng CNXH với khẩu hiệu lừng danh “CNXH hay là chết”, ở Cuba chỉ còn lại chữ “CHẾT”. Mô hình Cuba thậm chí không còn áp dụng được cho chính mình như lời thú nhận của Fidel hồi năm ngoái.
Để thoát ra khỏi vũng lầy của CNXH, Cuba buộc phải tiến hành một số cải cách. Krzysztof Mroziewicz, một trong số ít ỏi các nhà báo ngoại quốc có mặt tại Cuba vào đúng thời điểm này, đã có một bài tường thuật và bình luận khá thú vị trên trang Polityka.pl. Điều đáng nói, tác giả nhận định, Cuba đang đi theo mô hình của Việt Nam.
Tựa đề do người dịch đặt.
——————————————————

Tháng tư sẽ là tháng đầu tiên trong kỳ đại hội sáu năm của Đảng Cộng sản Cuba. Fidel Castro năm nay 85 tuổi đã từ chức Bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Cuba. Thay thế ông là người em trai không trẻ hơn bao nhiêu. Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ là bí thư thứ hai? Có dư luận rằng, người đó có thể là một sỹ quan cấp trung, trợ lý quân sự cho anh em Castro.
Trong mọi trường hợp, bất kể một tên tuổi nào gây ấn tượng rằng đó có thể là một nhân vật trong tương lai, đều bị anh em Castro coi là đối tượng nguy hiểm và cần phải loại bỏ. Giống như trường hợp của tướng Arnaldo Ochoa, một anh hùng dân tộc, người đã bị vu cho tội buôn ma túy và bị kết án tử hình bằng cách bắn bỏ. Mặc dù, về mặt ngoại giao, Havana nói rằng, Ochoa đã được thay đổi danh tính và định cư ở nước ngoài, nhưng thực tế đây chỉ là vở diễn. Và điều này cũng tương tự với nhà cải cách Carlos Lage, trên cương vị phó chủ tịch, ông đã giễu Raul Castro với các nhà báo Tây Ban Nha. Sự việc đến tai anh em Castro và Lage đã bị sa thải.
Đại hội Đảng lần này tranh luận về 290 điểm cải cách kinh tế, những điểm này sẽ được đưa vào thực hiện một cách từ từ. Đó là những điều luật liên quan tới việc cho thuê đất, hoặc hóa giá nhà cửa, phần còn lại sẽ chẳng có thay đổi gì, bởi trong mỗi căn hộ ở Cuba sinh sống tới bốn thế hệ. Đã có chuyện rằng, những người già phải vật vờ ban đêm ở ngoài đường, chờ cho những người trẻ ngủ dậy đi học hay đi làm, lúc đó những chiếc giường họ nằm mới dành cho ông bà.
Cải cách tiếp theo liên quan tới những dịch vụ nhỏ như các tiệm cắt tóc, gội đầu, buôn bán sách; đóng cửa những nhà máy thu lỗ; cắt giảm nửa triệu lao động trong lĩnh vực quản lý hành chính công. Cải cách cũng đề cập tới quyền cho chính phủ thuê lại những chiếc ô tô tư nhân từ thập niên 50s, nếu chúng còn trong tình trạng tốt, để làm xe taxi chuyên chở khách du lịch; đồng thời thay đổi các quy tắc kế toán đối với các doanh nghiệp tư nhân, với mức thuế cao hơn.
Những điểm cải cách do ê kíp của Raul đưa ra. Fidel bận rộn với Blog của mình, trong đó có một đoạn được báo Gramma, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Cuba trích đăng. Trong bài báo, Fidel không nói từ nào về nền kinh tế Cuba, nhưng lại nói rất nhiều về nền kinh tế Mỹ, mà theo đó, sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc và không bao giờ thoát ra được.

Theo kiểu Việt Nam
Cơn gió Trung Đông đã bay tới đảo Juana – như cách gọi của Columbus với Cuba- và có những tác động nhất định. Fidel đã gào lên rằng cuộc tấn công của NATO vào Libya thật là khủng khiếp. Những người thân cận của Raul, từ chuyện ở Trung Đông và Bắc Phi đã nhận ra rằng, chế độ độc tài cứng rắn quá sẽ sụp đổ nếu không bắt đầu cải cách.
Người của Raul, tức đám tướng lĩnh quân đội nhận thức rằng, Trung Quốc đã đứng vững khi cải cách nền kinh tế trên cơ sở thay đổi quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất mà không phải là thượng tầng kiến trúc (hệ tư tưởng). Tuy vậy, mô hình Trung Quốc, không rõ vì lý do gì, lại không hấp dẫn anh em Castro. Các nhà bình luận cho rằng, người kế tục Castro sẽ đi theo con đường của Việt Nam. Có nghĩa là, giữ nguyên chế độ hiện hành, đồng thời tiến hành cải cách kinh tế một cách thận trọng, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực sản xuất nhỏ và dịch vụ. Những thứ khác sẽ vẫn do nhà nước nắm giữ.
Phố cổ Havana đang hồi sinh. Bằng tiền tài trợ của UNESCO người ta tu tạo lại khu phố này mà bất kỳ một người Havana nào cũng sẽ không còn nhận ra nó. Họ làm mới lại những ngôi nhà cổ trên đại lộ dài nhất, Malecón; mở những nhà hàng trên phố Paseo del Prado; đây đã từng là con đường chính dẫn ra biển, tới Capitol và xa hơn nữa. Khu vực nhà thờ nhìn giống như vừa được xây mới. Các tòa nhà, mà giữa chúng người ta thường chăng dây phơi quần áo, cũng bắt đầu được hồi sinh.
Chính quyền Cuba đã vui vẻ chấp nhận sự thay da đổi thịt như có phép lạ của thành phố mà không hề can thiệp. Những người sử dụng các căn hộ(1), chỉ có Chúa mới biết, đã tiến hành cạo bỏ lớp vôi vữa cũ trên các bức tường, sơn mới lại mặt tiền, lát lại nền nhà, trang trí nội thất theo tiêu chí văn minh… Và ở tầng trệt bỗng xuất hiện các tiệm cafe, quán ăn, quầy hàng lưu niệm, các cửa hiệu tạp hóa.
Chi trả trong các cửa hàng đó là những đồng peso được chuyển đổi từ việc bán ngoại tệ. Cuối cùng, chính quyền cũng bãi bỏ hình thức phạt tù đối với việc hữu đồng đô-la do những gia đình Cuba gửi từ nước ngoài về để giúp đỡ thân nhân. Trước đây, họ bị coi như loài giòi bọ nhưng ngày nay người ta không còn gọi họ như vậy nữa.
Những người khách du lịch phải trả bằng đồng peso được chuyển đổi theo tỉ giá ấn định, tức 1 peso= 0,8 đô-la. Đây là cách để chứng tỏ nền kinh tế Cuba mạnh hơn Mỹ. Còn với đồng ngoại tệ bình thường thì sao? Bạn vẫn có thể chi trả khi mua bán lặt vặt trên phố cổ Havana. Chẳng hạn, trả cho những bộ sưu tập, nhưng không thể tiêu bình thường ở các chợ thực phẩm, nơi thu nhập bình quân của người dân có 400 peso/ tháng nhưng họ sẽ hét giá 2 đồng bảng (£) cho một cân thịt lợn trên thị trường tự do. Tai lợn là thứ hàng rẻ tiền so với thịt nạc, được bày ê hề trên các sạp, còn các loại thịt ngon như thăn, xúc xích, nạc vai thì hoàn toàn vắng bóng. Dù các quán ăn tư nhân đã hoạt động, đặc biệt trong khu vực thành cổ, nhưng những món ăn đặc trưng của ẩm thực Cuba như lợn sữa quay thì vẫn không có. Các loại thịt ngon đã bị ăn chặn hoặc bán ngay trong khâu giết mổ.

Tiếp hoàng hậu trong một quán ăn tồi tàn
Lợn sữa quay thậm chí không có trong nhà hàng mang tên Speluna – nằm trên con phố nghèo trong thành cổ Havana- nơi được coi là có những món ăn ngon nhất mà hoàng hậu Sofia, vợ vua Juan Carlos của Tây Ban Nha đã tới dùng bữa. Để vào được quán ăn này, bạn phải đi qua một cái cổng, mà ở đó luôn lượn lờ những thành phần bất hảo. Khung cảnh cho thấy họ hoàn toàn không có ý định đùa với bạn. Tiếp đến, phải đi qua cái một cầu thang nồng nặc mùi khó chịu mặc dù người dân Cuba có tiếng là sạch sẽ.
Chiếc cầu thang chưa một lần được coi là sạch đẹp này dẫn tới một sảnh lớn, nơi có cơ man nào là ga trải giường và khăn trải bàn đang được phơi phóng. Ở mỗi bậc cầu thang đều bắt gặp những đứa trẻ chầu chực, chứng tỏ chúng đang đói. Tiếp theo là một tầng nữa, với cái trần nhà trước kia chắc là trắng trẻo nhưng giờ đây cáu bẩn. Ở hành lang dẫn vào quán Speluna có ít nhất 50 cặp đôi ăn mặc bảnh bao đang chờ đợi được xếp bàn. Muốn có chỗ, cần phải đặt trước ít nhất là một tuần, còn nếu không, sẽ phải xếp hàng chờ đợi.
Mặc dù hoạt động kinh tế tư nhân đã được cho phép ở Havana nhưng sau chuyến viếng thăm của hoàng hậu Tây Ban Nha, câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo Cuba là: “Kẻ mắc dịch nào đã cho phép tiếp một vị khách cao cấp của nhà nước ở một nơi bẩn thỉu, phải chui qua những tấm ga trải giường và ăn những món chưa hề được kiểm tra?”.
Thực ra cũng có những chốn khác, ngon lành chẳng kém gì quán Speluna. Như nhà hàng Maluteńka chẳng hạn, ngay bên bờ đại dương, phía sau nó, neo đầy tàu thuyền đánh cá. Chỉ cần ai đó, vớ được một chiếc thuyền, là có thể thực hiện ngay một cuộc trốn chạy tới Miami, nhưng giờ đây, họ đang đánh bắt cá ngừ. Vợ của một ngư phủ dẫn một cái quán ăn tồi tàn với vỏn vẹn 3 chiếc bàn ăn để bán món sushi kiểu Cuba. Đầu tiên, bà bày ra bàn một đĩa cá ngừ sẫm mầu, được đặt trên cánh hoa muslin, rắc vào đó vài giọt dầu ô liu và chút nước sốc được vắt ra từ chanh tươi. Sau đó, tới một đĩa cá trắng – thường là loại Pardo. Cuối cùng là món gỏi cá, trộn lẫn giữa cá biển, hành tây và nước chanh vắt.
Ở đó cũng có mặt con cái của một trong những chính trị gia quyền lực nhất châu Mỹ Latinh, những người – cùng với cha mình – sống ở những khu vực bất khả xâm phạm. Nhưng ngay trước một quán ăn, thậm chí không có tên tuổi, bên cạnh chiếc xe Mercedes của ngài Đại sứ nước Malta, John Hauser là chiếc Mercedes của ông đại sứ nước Cộng hòa Síp. Chẳng rõ một quốc gia chỉ có 800 nghìn dân thì có đại sứ ở Cuba làm gì? Hay để nhắm những khu đất đầu tư bằng những khoản tiền chuyển ra từ Nga? Cũng không rõ ai là chủ nhân của những chiếc xe Audi đời mới mang biển số dân sự Havana? Đại sứ Síp cho rằng, có thể của một nghệ sỹ nào đó.

Cuba giống như Libya
Trên đường phố Havana có mặt hầu hết các mác xe trên thế giới. Nhiều nhất là Chevrolet, Buicks và Fords từ thập niên 50s. Tiếp theo là Lada và Fiat 126p(2). Bên cạnh đó là những chiếc xe buýt sản xuất ở Trung Quốc dành cho khách du lịch. Sau này mọi thứ đều khác đi. Những chiếc xe cũ đôi khi trông như mới, người Cuba không mấy để tâm tới. Ngoài ra, còn có những chiếc xe maluch(3) của Ba Lan xuất khẩu sang từ thời Jaroszewicz(4), người đã coi đó như một món quà dành cho Fidel.
Tuy nhiên, hàng nghìn chiếc xe buýt Trung Quốc, dành cho du khách, lưu thông trên khắp quốc đảo này đều là xe mới sản xuất năm ngoái. Xăng dầu có thể mua, bao nhiêu mà bạn muốn. Nhưng sẽ phải tính bằng đồng peso theo tỉ giá quy đổi do nhà nước ấn định. Do vậy, xăng dầu, thực ra, đắt hơn ở các quốc gia khác. Nhưng không sao, người ta vẫn phải đổ xăng.
Nền kinh tế, thực sự, được phân ra làm 3 cấp bậc. Tính từ dưới lên, đầu tiên là các cửa hàng bán tem phiếu tồn tại từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Đường, dầu, gạo, mỳ, trứng (người Cuba thường đùa một cách thô thiển rằng, nếu có 10 ô phiếu thì chỉ có 2 là của mình), sữa phải dành cho trẻ nhỏ, hoa quả cũng vậy, mẩu thịt gà có thể đem đổi sang cá, tất cả chỉ có thế.
Cấp thứ 2 là các khu chợ giời dùng đồng nội tệ. Ở đó có thể mua được các loại rau quả như cà chua, hành, dứa, đu đủ.v.v. và thịt nội tạng.
Thứ bậc cao nhất là khu vực tiêu đồng peso chuyển đổi từ ngoại tệ. Khu vực này đang phát triển như nấm sau cơn mưa, các quán ăn trong thành cổ Havana đều nhận loại peso này. Một hộp xì gà Cohiba của nhà máy Partagas, loại mà Fidel Castro vẫn hút, có giá 480 Euros cho 23 điếu. Từ Miami đến Havana, mỗi ngày có khoảng 10 chuyến bay (loại máy bay tư nhân nhỏ- ND). Mỗi lần như vậy lại có các bịch quần áo, vì vậy dân chúng có cái mà mặc. Đã xuất hiện những người giao dịch trung gian, họ liên hệ với nhiều gia đình gốc Cuba ở Florida, rồi tới tận nơi nhận quần áo cũ, tiền bạc, chuyển về Cuba. Họ cũng đem về Cuba cả niềm hy vọng…
Nhưng đó không phải hy vọng như Tunisia hay Egypt. Mà có lẽ giống Libya, vì Fidel không bao giờ có ý định rời bỏ quyền lực, trong trường hợp những di dân từ Florida trở về, thì Ủy ban Bảo vệ Cách mạng, công an, an ninh và quân đội sẽ không trả lại cho những người này bất cứ thứ gì, tài sản hay nhà cửa.

Ba loại mệnh giá
Tổng thu nhập quốc dân của Cuba, theo Bộ Ngoại giao, là 50 tỷ USD. Bình quân trên đầu người là 4.000 đô la, nhưng không phải ‘cái đầu’ nào cũng được như vậy, vì mức lương trung bình của Cuba là 18 đô la/ tháng. Thống kê chính thức của Cuba đưa ra con số thất nghiệp của Mỹ nhưng lại không đả động gì tới tình hình nước mình, nơi mà, theo chính quyền, mọi người đều có việc làm. Trang mạng Index Mundi cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Cuba là gần 2%. Nước nào nghe cũng phát thèm… Xuất khẩu ước tính khoảng 4 tỷ USD, chủ yếu là quặng niken và cam, chanh. Hàng hóa được xuất cho Canada và Trung Quốc. Nhập khẩu lớn gấp 3 lần xuất khẩu: 14 tỷ đô- la. Các nhà cung cấp chủ yếu từ Venezuela và Trung Quốc với các mặt hàng dầu hỏa và xe buýt. Những thông tin về tài chính liên quan tới lĩnh vực du lịch không được Cuba công bố, nhưng mỗi giao dịch hối đoái đều phải nộp 10% vào kho bạc nhà nước. Thị trường chợ đen, tất nhiên, vẫn tồn tại, nhưng nó không còn bị theo dõi sát sao như trước kia.
Nền tài chính tâm thần phân liệt? Giống như trong thời kỳ cộng sản. Một quốc gia có 3 loại tiền: Tem phiếu, giá trị danh nghĩa và giá trị thực tế. Thật thú vị, không biết người ta trả lương cho các Bộ trưởng bằng loại tiền nào? Câu hỏi này không được đặt ra với anh em Castro, bởi vì họ là những người duy nhất trên quốc đảo này đang sống trong một chế độ cộng sản thực sự: Làm theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. Mà khả năng của họ, như bạn đã biết, là bất tận.

© Đàn Chim Việt
———————————————–

Chú thích của người dịch:
(1) Những căn hộ do nhà nước phân, người dân có quyền sử dụng nhưng vẫn thuộc sở hữu nhà nước.
(2) Lada là xe ô tô Liên Xô. Fiat 126, xe Ba Lan dưới thời cộng sản.
(3) Loại xe rất nhỏ của Ba Lan, đã từ lâu không còn nhìn thấy trên đường phố Ba Lan.
(4) Thủ tướng Ba Lan trong những năm 1970-1980.

--------------------------------

Cuba đang “Tự diễn biến” nhanh và mạnh hơn   -   Tô Hải  -  
.
.
.

No comments: