Tuesday, August 31, 2010

CÓ THỂ TRÁNH ĐƯỢC NGUY CƠ CHIẾN TRANH BIỂN ĐÔNG NẾU CÓ DÂN CHỦ

Sử Gia Al Santoli: Có thể tránh được nguy cơ chiến tranh Biển Ðông nếu có dân chủ

Người Việt

Monday, August 30, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=118022&z=262

LTS - Ông Al Santoli là chủ tịch tổ chức Asia America Initiative, từng chiến đấu tại Việt Nam trong thời chiến tranh. Ông cũng là chủ biên của báo điện tử “China in Focus” và “Asia in Focus.” Ông là tác giả một số tác phẩm, chẳng hạn “Everything We Had” (Tất Cả Những Gì Chúng Ta Từng Có); “Oral History of the Vietnam War” (Lịch Sử Truyền Khẩu về Chiến Tranh Việt Nam), từng được đề nghị giải thưởng Pulitzer, giải thưởng sách Mỹ (American Book Award) và từng được Hiệp Hội Thư Viện Hoa Kỳ chọn làm sách hay nhất; “To Bear Any Burden: The Vietnam War and Its Aftermath” (Gánh Vác Mọi Gánh Nặng: Chiến Tranh Việt Nam và Hậu Lụy); “New American: Immigrants and Refugees in the U.S. Today” (Người Mỹ mới: Dân Di Cư và Người Tị Nạn ở Hoa Kỳ Hôm Nay); “Leading The Way” (Dẫn Ðường); “Empires of the Steppe: Russia and China, From Antiquity to 1912” (Các Ðế Quốc của Thảo Nguyên: Nga và Trung Quốc, Từ Thời Cổ đến 1912).

Ông cũng từng là phó chủ tịch Hội Ðồng Chính Sách Ðối Ngoại Hoa Kỳ (AFPC), cố vấn an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại tại Hạ Viện Hoa Kỳ.

Ông Santoli dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn dưới đây - được thực hiện qua hình thức điện thư - nhân có các biến chuyển sôi động liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông.

-----------------------------------------

.

Người Việt: Trung Quốc gần đây đưa tàu khảo sát có hải quân hộ tống đến khu vực gần đảo Tri Tôn (trong quần đảo Hoàng Sa), cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 100 hải lý. Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã phản đối nhiều lần mà không kết quả. Ông có nghĩ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện bất cứ điều gì họ muốn ở khu vực cả hai nước đang tranh chấp chủ quyền?

Santoli: Trung Quốc tin rằng toàn bộ biển Ðông (theo cách gọi tên của Việt Nam) hay biển Nam Hải (theo cách gọi của Trung Quốc) thuộc về nước họ, căn cứ trên các cuộc xâm lăng từ triều đại nhà Minh. Oái oăm thay, họ đang trở thành một thứ “Quân Xâm Lăng Mông Cổ” mới với các đặc tính Trung Quốc như người Cộng Sản vẫn thường mô tả sự hiện đại hóa quân đội của họ thời nay.

Cộng Sản là tổ chức tội phạm tự cho cái quyền áp bức người dân mà quân đội do nhà nước kiểm soát đóng vai trò an ninh. Sự chống cự tốt nhất đối với lực lượng ấy là sức mạnh của ý chí con người từ một nền tự do và dân chủ trong sạch. Con người tự do có thể đưa ra các chương trình đầy sáng kiến. Ðiều này quan trọng đối với người Việt Nam vận động cho dân chủ và nhân quyền, không những để bảo vệ Việt Nam mà còn cho cả khu vực đang bị đe dọa bởi lực lượng quân sự Trung Quốc. Ðó là lý do tại sao những người như Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, một người can đảm và vị tha ở Việt Nam, hợp tác với tôi để viết, phải thành công bởi các nguyên nhân ái quốc và lịch sử.



Người Việt
: Việt Nam hiện nay quá yếu, quá nhỏ để chống lại kẻ khổng lồ Trung Quốc. Việt Nam có thể làm được gì?

Santoli: Cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc vào lúc này là phải liên minh khu vực và có sự bảo vệ của hải quân các nước Hoa Kỳ, Ấn Ðộ, Ðài Loan và Nhật Bản. Các nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông nên hiểu rằng Trung Quốc sẽ cố gắng chia rẽ và chinh phục họ cả về quân sự lẫn chính trị. Nhưng lịch sử chứng minh rằng sức mạnh thật sự của Việt Nam nằm ở sự đoàn kết toàn dân. Bởi thế Cộng Sản và các chế độ độc tài độc đảng bạo ngược phải chấm dứt và phải nhường chỗ cho nền tự do và chính quyền nhân dân đúng nghĩa.

Người Việt: Dường như một hội nghị quốc tế để giải quyết tranh chấp biển Ðông không dễ thành hình vì bị Trung Quốc chống lại. Ðồng thời, các thành viên ASEAN cũng chia rẽ vì bị ảnh hưởng và đe dọa từ Trung Quốc. Một hội nghị giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm giải quyết tranh chấp Biển Ðông qua con đường ngoại giao có vẻ như khó xảy ra?

Santoli: Giải pháp chính trị hợp nhất (các nước ASEAN) có thể khó xảy ra vì sự tham lam cố hữu và tham nhũng của những người làm chính trị cũng như các tay lãnh tụ độc tài. Cho nên, từng bước một, Việt Nam cần có sự đoàn kết mạnh mẽ và ý chí của người dân đứng lên kháng cự. Hải Quân Hoa Kỳ phải đồng thời cần có một vai trò mạnh mẽ. Ðiều đó cần đòi hỏi ý chí sức mạnh chiến lược và chính trị được nhìn thấy rõ rệt ở cả Hoa Thịnh Ðốn và Hawaii, nơi mà quân lực Hoa Kỳ có nhiều quyền quyết định đối với khu vực Á Châu. Các nhà ngoại giao và quân sự Hoa Kỳ không thể coi các tay lãnh tụ độc tài là đồng minh, mà phải liên tục vận động để khuyến khích dân chủ dựa trên công bằng và các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền mà hầu hết các nước đều công nhận theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền.

Người Việt: Trung Quốc hiện đại hóa quân đội ở tốc độ rất nhanh. Họ có tài nguyên dồi dào để thực hiện. Họ thiết lập một căn cứ tàu ngầm nguyên tử ở cảng Tam Á, tỉnh đảo Hải Nam, họ đồn trú nhiều chiến xa và chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm (mà họ gọi là đảo Vĩnh Hưng) ở quần đảo Hoàng Sa, rồi họ đang mở rộng đảo Tri Tôn, đảo phía Nam Hoàng Sa. Nếu họ coi hầu hết biển Ðông như “hồ sau vườn nhà” họ và cứ làm điều họ muốn, bất kể điều gì, liệu chiến tranh có tránh được không?

Santoli: Xét trong tình hình hiện thời, một cuộc chiến tranh lớn ở khu vực và trên bình diện quốc tế trên cả các mặt kinh tế và chính trị, điện tử, truyền thông điện tử và võ khí hủy diệt hàng loạt, có thể xảy đến trong những năm tới. Tuy nhiên, ngăn chận một cuộc chiến tranh khu vực có thể làm được nếu Cộng Sản và các hình thức quân phiệt khác bị các phong trào quần chúng bất bạo động trong nội bộ thay thế. Các nước láng giềng chấp nhận làm hài lòng các bạo chúa sẽ không thành công. Người dân phải mạnh nhờ nâng cao tinh thần qua các định chế dân chủ. Dân chủ giả hiệu như phong trào Cộng Sản của Hồ Chí Minh chỉ làm suy yếu tinh thần và sức mạnh quần chúng. Xuyên qua lịch sử Việt Nam, các phong trào “sức mạnh quần chúng” quen thuộc từng là yếu tố để đánh bại các lực lượng Trung Quốc và Mông Cổ xâm lược.

Có sự lo sợ ngay trong nhóm quyền lực chính trị-quân sự Trung Quốc là họ cũng dễ bị tiêu diệt bởi một cuộc nổi loạn của quần chúng, và họ cũng biết rằng tài sản của họ rất mong manh chỉ nhờ tham nhũng mà có, khi thị trường bị giảm xuống và thiếu tài nguyên thiên nhiên. Người Cộng Sản Trung Quốc cố giữ lấy quyền lực, bất chấp bao nhiêu người sẽ hy sinh, cũng như họ áp bức hàng triệu người dân Trung Quốc, Tây Tạng và các sắc tộc thiểu số khác mà họ từng chinh phục. Ðấy là điều khiến ý chí mạnh mẽ của quần chúng chống lại chế độ bạo ngược, ngay cả tại Trung Quốc, trở thành vô cùng quan trọng.

Việt Nam có thể giúp kích thích một cuộc cách mạng chống lại chế độ Cộng Sản bạo ngược ở Trung Quốc bằng cách theo đuổi một cuộc cải cách dân chủ có thể lây lan như đám cháy rừng tới đa số người Trung Quốc thuộc mọi sắc tộc, vốn đều muốn công bằng và phẩm giá con người. Khổng Tử và Mạnh Tử đều là các nhà tiên phong trong thế giới của cai trị có tinh thần trách nhiệm với “các đặc tính Trung Quốc.” Lão Tử cũng nhấn mạnh đến sự hài hòa và an bình trong Lão Giáo. Phật Giáo dạy người ta rằng sự báo thù và lòng ham muốn quyền lực là các khuynh hướng tiêu diệt nhân bản. Có những người Công Giáo, cũng như các tổ chức “khí công” như tổ chức Pháp Luân Công từng can đảm tuân thủ các nguyên tắc bất bạo động cho dù bị sự đàn áp, tra tấn của Cộng Sản.

Người Việt: Hoa Kỳ từng lập lại nhiều lần là không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp, một giải pháp quốc tế dường như là điều mong ước của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay. Ðể thấy điều đó có thể tới, một cuộc xung đột võ trang rất có thể phải xảy ra trước. Ý kiến ông ra sao?

Santoli: Các tay lãnh tụ độc tài và những kẻ đàn áp nhân quyền luôn luôn tấn công người dân yếu đuối và dễ bị hà hiếp, nhưng lại e sợ hàng xóm mạnh và can đảm. Một châm ngôn Trung Quốc trong võ thuật cổ truyền từng nói: “Kẻ yếu có thể đánh bại kẻ mạnh với quyết tâm và khéo léo.”

Các lãnh tụ quân sự Trung Quốc biết điều này và sẽ dùng tham nhũng và hối lộ để làm cho những nước láng giềng suy yếu. Ðấy là lý do tại sao những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, như Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, các tổ chức tôn giáo và những người sử dụng Internet, những người phát biểu ý kiến [ôn hòa], đều là các anh hùng thật sự của dân tộc Việt Nam; trong cuộc đấu tranh toàn cầu cho hòa bình và công chính, nhân quyền và an ninh quốc tế là không thể tách rời.

Người Việt: Xin cảm ơn ông!

.

.

.

No comments: