Friday, August 27, 2010

ĐÁNH GIÁ VỀ GIỚI LÃNH ĐẠO KẾ CẬN CỦA TRUNG QUỐC

ĐÁNH GIÁ VỀ GIỚI LÃNH ĐẠO KẾ CẬN CỦA TRUNG QUỐC

Đăng bởi anhbasam on 27/08/2010

http://anhbasam.com/2010/08/27/635-danh-gia-v%e1%bb%81-gi%e1%bb%9bi-lanh-d%e1%ba%a1o-k%e1%ba%bf-c%e1%ba%adn-c%e1%bb%a7a-trung-qu%e1%bb%91c/

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt – Thứ sáu, ngày 27/8/2010

ĐÁNH GIÁ VỀ GIỚI LÃNH ĐẠO KẾ CẬN CỦA TRUNG QUỐC

TTXVN (Luân Đôn 23/8)

Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Kerry Brown của Viện Hoàng Gia các vấn đề quốc tế Anh và Loh Suhsing, chuyên gia nghiên cứu của viện Sciences – Pro tại Pari (Pháp) vừa có bài viết với tựa đề “Giới lãnh đạo kế cận của Trung Quốc : 2012 và sau đó ’’ đăng trên trang tin của Viện Dân Chủ Mở (Anh). Hai tác giả cho rằng sự chuyển đổi hướng tới một giới lãnh đạo mới tại Trung Quốc đã và đang bắt đầu .Những đòi hỏi quốc tế và trong nước đối với Trung Quốc sẽ lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên với những đặc tính hiện nay thì có vẻ như thế hệ lãnh đạo đang nổi lên sẽ khó có thể đáp ứng được các đòi hỏi đó. Dưới đây là nội dung bài viết :

Điều dễ thấy là quan hệ giữa Mỹ và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới trong đầu thế kỉ 21. Nhưng điều ít được biết đến là mùa Thu năm 2012, cả hai quốc gia sẽ trải qua một tiến trình lựa chọn tầng lớp lãnh đạo chĩnh trị mang tính chất sống còn để dẫn dắt họ trong những năm tới. Một điều dễ thấy khác là kết quả của việc lựa chọn tại Mỹ ảnh hưởng rất lớn không những vỡi nước Mỹ mà với cả thế giới. Sự lớn mạnh của Trung Quốc trên thế giới có nghĩa là vào năm 2012, hơn bao giờ hết, vấn đề trên cũng đúng với cuộc chạy đua tại Bắc Kinh.

Phương thức lựa chọn người lãnh đạo ở hai quốc gia là một bài học rõ ràng về sự khác biệt chính trị. Sự tương phản của quá trình được nhấn mạnh chính ở vị thế trước công chúng mà những ứng cử viên tổng thống Mỹ phải theo đuổi cũng như sự cố gắng của người đang tại vị nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi nhất cho việc tái cử của mình. Cuộc tranh cử giữa Barack Obama và đối thủ Cộng hòa của ông sẽ là một cuộc bầu cử nổi tiếng đầy kịch tính (cũng có những nhân tố của một vở kịch nhiều kỳ), với những nhà tài trợ khổng lồ, hoạt động trên hệ thống truyền thông 24/7 và được theo sát bởi những cuộc thăm dò liên tục.

Ở Trung Quốc, phương pháp lựa chọn giống như một ván cờ kéo dài, đầy rẫy những quyết định chiến thuật mơ hồ và không rõ ràng, và tất nhiên là tất cả mọi thứ trừ việc công khai với công chúng. Khi các thành viên trong giới lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc bước ra khỏi bức mành của Đại lễ đường Nhân dân vào tháng 10/2012 (thời điểm đúng nhất có thể) – bao gồm cả người kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo – thì kết quả của ván cờ vĩ đại và rắc rối mới được tiết lộ.

Thế hệ cuối cùng

Làm sao để bạn trở thành một nhà lãnh đạo của Trung Quốc hôm nay? Bạn cần phải làm những gì? Ai phải ủng hộ bạn, và bạn phải đánh bại ai? Bạn phải chấp hành những luật lệ gì?

Việc đầu tiên cần lưu ý là các nhà chính trị Trung Quốc có một nền tảng chính trị hạn hẹp đến khác thường. Họ đều có chung những kinh nghiệm, cùng sống trong một thế giới quan như nhau, và có xu hướng sống và làm việc gần gũi nhau. Trong khi các chính khách phương Tây luôn cố gắng để chứng tỏ rằng họ là “một trong số chúng ta” thì các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc luôn luôn và mãi mãi là “một trong số họ”. Và “họ” ở đây là những thành viên của một nhóm được xác định một cách chặt chẽ, nơi mà nguyên tắc vàng dường như không có gì nổi bật.

Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ là một thời điểm vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc. Những nhân vật quyền lực nhất của nước này sẽ nghỉ hưu căn cứ theo quy định tự đặt ra của giới lãnh đạo hiện tại. Có khoảng 7 thành viên trong Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị gồm 9 người sẽ rời khỏi chính trường, trong đó có Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và Ngô Bang Quốc. Hầu như chắc chắn là Tập Cận Bình sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào giữ chức vụ Chủ tịch và Tổng Bí thư, và Lý Khắc Cường sẽ thay thế Ôn Gia Bảo làm Thủ tướng. Tuy nhiên, một số vị trí then chốt trong Ủy ban Thường trực vẫn nằm trong sự phỏng đoán căng thẳng, và Bộ Chính trị gồm hai mươi lăm thành viên sẽ được thay thế với những khuôn mặt mới.

Trong quá trình tìm hiểu về tiến trình này thì khó khăn lớn nhất là không có các cơ chế rõ ràng. Tại những quốc gia dân chủ, có những đảng phái chính trị khác nhau, có chính phủ và phe đối lập, có những làn sóng tả và hữu, và có hệ thống truyền thông mở. Tại quốc gia độc đảng lớn nhất trên thế giới (Trung Quốc) thì những điều này đều không có. Trong những năm gần đây, các nhà phân tích Trung Quốc đã tiến tới sử dụng các khái niệm như “những người theo chủ nghĩa dân túy” và “những người theo chủ nghĩa tinh túy”, và họ đã sáp nhập thành những nhóm cụ thể, chẳng hạn như “Nhóm Thượng Hải”. Tuy vậy, những điểm sáng này ngày nay có vẻ như không còn đáng tin cậy.

Một phần, điều này là bởi thế hệ lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc dường như đồng nhất hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây. Những nhà lãnh đạo này không có những kinh nghiệm về Trung Quốc trong giai đoạn trước 1949; là sản phẩm của thời đại Cách mạng văn hóa 1966-1976; và toàn bộ được tạo ra bởi nền văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Kết quả tổng thể cuối cùng là sự đồng nhất và không có một khuôn mặt nổi bật nào. Đặc điểm nổi bật nhất trong cách thức lãnh đạo của thế hệ hiện nay chính là việc làm Trung Quốc thực sự gắn kết với phương Tây. Sự nắm quyền của giới kỹ trị đang chấm dứt, và giới luật sư và khoa học chính trị đang tiến đến quyền lực.

Tầng lớp lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc cũng khác so với những người tiền nhiệm bởi họ thiếu những kinh nghiệm quốc tế. Việc này có thể gây trở ngại thật sự khi mà sức mạnh và tầm quan trọng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trên tất cả các lĩnh vực và giới lãnh đạo của Trung Quốc giờ đây cũng có một tầm quan trọng toàn cầu. Vị Chủ tịch nước sẽ lãnh đạo Trung Quốc từ năm 2012 sẽ phải là một nhân vật chính trị quốc tế tầm cỡ, hơn cả tầm của Hồ Cẩm Đào trước đây. Về khía cạnh này, thế hệ kế nhiệm dường như có vẻ kém cỏi hơn.

Các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc, đại diện cho những gì mà guồng máy chính trị yêu cầu, có vẻ như thiếu sự gần gũi, kỹ năng giao tiếp và khả năng đối thoại với công chúng. Họ luôn tuân thủ đường lối của Đảng trong tất cả các lần xuất hiện trước công chúng, đọc những bài diễn văn khuôn mẫu được chuẩn bị trước, và luôn giữ vẻ ngoài trang trọng và xa cách khi giao thiệp cá nhân. Tất cả những điều này củng cố thêm ấn tượng về một nhà lãnh đạo không có gì nổi bật, thiếu phong cách cá nhân – ít được biết đến ngay cả đối với dân chúng trong nước, và đều xa cách với phần còn lại của thế giới. Điều đáng lưu ý là chỉ có Lý Nguyên Triều và Bạc Hy Lai trong Bộ Chính trị là có thể nói tiếng Anh lưu loát; và tất cả các thành viên của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đều được đào tạo ở trong nước; và không ai trong số 62 vị lãnh đạo cấp tỉnh có được bằng cấp từ nước ngoài.

Thế hệ kế cận

Tầng lớp lãnh đạo sẽ nắm giữ quyền lực trung ương vào mùa Thu năm 2012 thuộc một thế hệ mà việc học hành bị gián đoạn bởi những tháng năm hỗn loạn của cuộc Cách mạng văn hóa. Họ sẽ phải đối diện với sự chất vấn căng thẳng và mạnh mẽ về khả năng đối phó với những thách thức to lớn của nước này mà họ sẽ phải đối mặt. Thập niên tới của Trung Quốc sẽ vô cùng khó khăn và những thách thức to lớn sẽ bao gồm việc bảo vệ tính hợp pháp của giới lãnh đạo trong bối cảnh xã hội Trung Quốc ngày càng trở nên biến động, và vạch ra một viễn cảnh cho Trung Quốc mà có thể có sức hấp dẫn được cả trong nước lẫn quốc tế. Bản chất của quá trình chuyển đổi lãnh đạo có nghĩa là những người cầm quyền tương lai của Trung Quốc, những người vốn đã trải qua trận chiến để được đề bạt, sẽ không đưa ra những chi tiết về kế hoạch của mình cho đến khi họ bước ra khỏi bức màn.

Điều gây khó khăn hơn cho lớp lãnh đạo tương lai ở Bắc Kinh là họ không được quyền đứng yên tại chỗ. Yêu cầu của quốc tế đối với Trung Quốc ngày càng trở nên cấp bách và đa diện, tham vọng của dân chúng ngày càng cao và đa dạng hơn (vì sự thay đổi diện mạo của quốc gia). Đảng Cộng sản, với sự tồn tại sau hai thập niên kể từ sau cuộc Chiến tranh Lạnh đã phản ánh khả năng thích ứng cũng như tính vững bền của mình, cũng cần phải phát triển lớn mạnh một cách tương ứng.

Yêu cầu cấp bách trong thập niên tới là phải có một tầng lớp lãnh đạo mạnh mẽ hơn, hiểu được sự thay đổi của xã hội trong nước và phải hiểu được thê giới. Để đạt được điều này, Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang phải đối diện với một thách thức cấp bách to lớn, đó là gạt qua một bên tư tưởng bảo thủ cố hữu của mình và bắt đầu đề bạt những cán bộ trong lứa tuổi 30-40 lên những chức vụ quan trọng hơn.

Thử thách không thể tránh khỏi này đưa ra một triển vọng bao trùm cả ván cờ lớn của năm 2012. Một điều khó có thể xảy ra là giới lãnh đạo sắp tới sẽ là một thế hệ lạc lõng. Tuy nhiên, phải tới năm 2017 hoặc 2022 mới có một lớp người mới trẻ trung hơn với tư tưởng quốc tế mà Trung Quốc và cả thế giới đều cần lên nắm quyền lực. Có vẻ như đó là một quãng thời gian dài phải chờ đợi khi xét tới mức độ thay đổi xã hội nhanh chóng hiện nay. Nhưng điều đó phải xảy ra, nếu không thì tất cả những sự đánh cược sẽ đều mong manh./.

.

.

.

No comments: