Monday, August 30, 2010

LẠI CHUYỆN ÂM NHẠC

Lại chuyện âm nhạc

Lê Phan
Sunday, August 29, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=117972&z=97

Ðối với tôi âm nhạc, hay đúng hơn, một số bản nhạc, tiêu biểu cho từng giai đoạn của cuộc đời. Lời buồn thánh của Trịnh Công Sơn, The sound Of Silence Homeward Bound của Simon & Garfunkel là âm thanh của thời đi học.

.

Nhiều khi sự liên tưởng đó thật quái lạ. Bài The Longest Day chẳng hạn làm tôi nhớ khám Chí Hòa. Trong phòng chúng tôi lúc đó có một nhóm các cô sinh viên vượt biên bị bắt và một trong những bài các cô thích hát là “The Longest Day”, nhưng là bản tiếng Pháp Le Jour Le Plus Long .

.

Sau năm 1975, trong những ngày mất nước nhà tan, một trong những niềm an ủi chính của người Sài Gòn là chương trình nhạc tuyển của đài BBC, VOA và các đài phát thanh quốc tế khác. Âm thanh lúc gần lúc xa, khi được khi mất qua làn sóng short wave có cái hấp dẫn tuyệt diệu của nó. Những bản nhạc cũ trước 1975, lúc đó là cấm kỵ, trở thành biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất của một quá khứ không bao giờ bắt lại được nữa.

Nhưng những bản nhạc mới, sáng tác sau năm '75 của những nhạc sĩ hải ngoại thật thấm thía. Tôi bùi ngùi theo sự luyến tiếc của một Đêm, nhớ trăng Sài Gòn với Phạm Ðình Chương, thấm thía mối tình của

Một Chút Quà Cho Quê Hương của Việt Dzũng. Trong những ngày mới mất nước đó, điều mỉa mai lý thú nhất có lẽ là lần đầu tiên dân Sài Gòn lại thưởng thức âm nhạc tâm lý chiến vô cùng. Chúng tôi lẩm bẩm hát với nhau về “trên thành phố thương yêu vừa sống dậy đêm qua bằng máu...” và ngay cả đến “hàng vạn cái tay dơ lên, quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính” cũng vẫn còn hay hơn triệu lần “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng...” (sic).

.

Âm nhạc có lẽ đã đóng góp một phần nào giúp duy trì tinh thần cho người dân Sài Gòn lúc đó. Mỗi lần lẩm bẩm hát một bài “ngụy” tôi lại có cái cảm tưởng của nhân vật của Doãn Quốc Sỹ, cứ mỗi lần nghe những bài “vè” của “bác” thì lại phải làm một bài thơ trữ tình nhét dưới đáy ba-lô.

Bởi thế tôi thích thú đọc câu chuyện của Eduard Freisler trong tờ New York Times cách đây ít lâu. Tác giả, một người Czech, kể lại câu chuyện âm nhạc của mình.

.

Cách đây 20 năm, ông viết, trong một sân vận động ở Prague, một trăm ngàn người, trong đó có cả cha ông và ông, đã được chứng kiến một điều mà họ đáng lẽ không được thấy. Trong nhiều thập niên, đó là chuyện cấm kỵ. Âm nhạc, họ được bảo, sẽ đầu độc đầu óc họ với những hình ảnh xấu xa. Họ sẽ bị nhiễm độc của tuyên truyền tư bản.

Ðêm hôm đó, một đêm hơi se lạnh của tháng 8 năm 1990. Chế độ Cộng Sản vừa chính thức sụp đổ cách đó mới có tám tháng, khi ông Vaclav Havel, nhà bất phục lâu năm, được bầu làm tổng thống. Và nay ban nhạc Rolling Stones đến Prague. Năm đó tác giả mới 16 tuổi. Nhưng cho đến ngày nay ông vẫn còn nhớ các bảng quảng cáo cuộc trình diễn, được dán dọc theo các con đường và suốt bức tường của sân vận động “The Rolling Stones roll in, Soviet army rolls out”.

Ông nhắc lại là quân đội Liên Xô đã đóng quân ở Tiệp Khắc từ năm 1968 khi xe tăng của họ đã tàn bạo dẹp tan cái gọi là Mùa Xuân Prague. Cha ông, năm đó mới 21 tuổi, mơ tưởng đến tự do và nghe một copy “nhái” của “Let's Spend the Night Together”. Nhưng phải hai thập niên sau ông mới được nghe ban nhạc trình diễn. Trong những năm đó, phải vặn đài ngoại quốc mới được nghe the Stones. Những người Cộng Sản gọi ban nhạc là “những kẻ nghiện ngập thối nát” và nói là không một công dân xã hội chủ nghĩa nào nghe họ cả.

Tác giả kể ông chỉ biết có mỗi một bài của Stones, bài Satisfaction , nhưng ông thuộc lòng nó. Lần đầu tiên ông nghe được là từ một cassette lậu mà cha ông đã mua được ở thị trường chợ đen ở Hung và đem lén về nước. Bản nhạc đã mê hoặc ông ngay từ lần đầu tiên. Ông cảm thấy tràn ngập bởi tiếng guitar ồn ào và thô bạo, thật khác xa với âm điệu dịu dàng của Tiệp Khắc lúc đó. Ông còn mở ngoặc bảo tuy người Cộng Sản không hài lòng với guitar điện và bass, nhưng họ hoàn toàn bác bỏ saxophone vì họ bảo nó được phát minh bởi một tên phản động đế quốc người Bỉ!

Nhưng ông bảo ông chưa bao giờ được nghe ai như tiếng ca của Mick Jagger, một giọng ca rè rè nhưng đầy dục tính, hát về dục vọng cá nhân. Người dân Tiệp Khắc đã bị thúc đẩy trong suốt bốn thập niên hãy hy sinh ước vọng cá nhân cho hạnh phúc của tập thể. Những người đi theo tiếng gọi của riêng mình, nhưng kẻ nổi loạn, thường bị đi tù.

Cái đêm tháng 8 hôm đó, chờ Rolling Stones lên sân khấu, ông bảo ông và mọi người xung quanh cảm thấy mình là những kẻ nổi loạn. Cuộc trình diễn xảy ra ở ngay sân vận động mà chính quyền Cộng Sản thường dùng để tổ chức các cuộc meeting, các cuộc diễn hành. Ông kể là bản thân ông và các bạn học đã trải qua không biết bao nhiêu giờ trong sân vận động đó, tập đi đều bước, để làm sao, từ trên các khán đài, các quan chức sẽ thấy đó là biểu tượng của sự lành mạnh, niềm vui sướng cũng như sự kỷ luật của quần chúng.

Nay thay vì đi đều bước, ông và cả ngàn người khác Tiệp khác đang chuẩn bị để buông thả. Bố ông thì thầm bảo con “Chúng ta phải tiến đến gần hơn” và họ chen qua đám đông.

Ông bảo ông cảm thấy đám đông có vẻ hơi bồn chồn lo lo. Họ đã quá quen bị lừa dối, quá quen những lời hứa không bao giờ được giữ cả. Họ không thực sự tin là Stones sẽ đến đó để chơi nhạc. Ông bảo ông thấy là chính cha ông cũng không tin. Ông nghe những người xung quanh bảo nhau “Có lẽ người ta sẽ chiếu hình, hay chiếu phim”, chỉ lên tấm màn hình khổng lồ được dựng lên quanh sân vận động. Chính bản thân ông cũng bắt đầu nghi ngờ. Họ chờ năm tiếng đồng hồ.

Ðột nhiên đèn được vặn dịu lại. Tiếng trống bắt đầu đổ dồn dập, và các màn hình được bật sáng như là phép lạ vậy. Một thiếu nữ đứng cạnh ông thì thầm “Trời ơi, quả thực nó đang xảy ra.” Cô đã diễn tả một cái gì hơn là sự sung sướng của một kẻ mê nhạc. Cô ta muốn nói là quả những người Cộng Sản đã thực sự đi rồi. Và sau cùng họ có thể tự do làm gì thì làm.

Stones xông vào sân khấu bắt đầu với “Start Me Up.” Khuôn mặt của Mick Jagger chiếm trọn các màn hình. Ðám đông vô hình thụ động biến mất. Người ta nổi khùng, không còn kềm chế được nữa. Họ nhảy múa, họ vỗ tay, họ la hét, họ ca theo, có lúc có vẻ ngạc nhiên thấy mình làm vậy. Và ông nói là ông chưa bao giờ chứng kiến một sự bộc lộ cảm xúc thực sự đến thế ở những đồng bào của mình.

Hai tiếng rưỡi đồng hồ sau, khi buổi trình diễn kết thúc, mọi người khóc, ôm nhau. Bố ông khóc và ôm ông. Từ hôm đó, không ai bảo ông phải suy nghĩ như thế nào, phải cảm giác như thế nào. Ông đã được thấy The Rolling Stones bằng con mắt của chính mình. Và cảm giác thật sung sướng tuyệt vời.

Âm nhạc là thế đó.

.

.

.

No comments: